Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

CHỦ NHIỆM BÁO ĐÔNG PHƯƠNG VÂN SƠN PHAN MỸ TRÚC BỊ BẮN CHẾT KHI ĐANG ĂN CƠM TRƯA VỚI BẠN TẠ I SAIGON. - TRẦN BẢO ĐỊNH


CHỦ NHIỆM BÁO ĐÔNG PHƯƠNG
VÂN SƠN PHAN MỸ TRÚC BỊ BẮN CHẾT 
KHI ĐANG ĂN CƠM TRƯA VỚI BẠN TẠI SAIGON.

Xin thưa trước rằng:
Ở đây, tôi không đề cập đến những nhà báo theo chân quân đội, bám chiến trường; người đời thường gọi Phóng viên chiến trường, họ có thể chết như một chiến binh, lẽ đương nhiên.
Điều tôi muốn nói, thời ''Đệ tứ quyền''mặc nhiên được công nhận sau ba quyền:Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp;người làm báo dễ chết thảm tại kinh thành, nơi ngỡ là an toàn nhất.
Thật ra, về việc nầy, Viên Linh, Hoàng Hải Thủy...và một số cây bút biên khảo chuyên nghiệp đã viết mấy chục năm trước. Tôi không thuộc ''giới'' và ''chiếu'', sự hiểu biết còn khá nông. Vậy, muốn kiếm lượm chút hư danh?Thưa không!
Chỉ là, lòng những mong và trân quý sự thật. Vả lại, ở cái tuổi ngoài 70, mấy ai còn muốn nghe điều dối trá?Đất nước hòa bình 40 năm, thật giả có điều kiện từ từ bạch hóa.

*
Chiều Thành Đô!
Không là bài hát mà,''Hoàng hôn ơi, chầm chậm chờ ta với/Kẻo tối rồi, ta biết trọ nơi mô?''. Hai câu thơ trong tập thơ ''Tiếng hát dân nghèo'' của Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, Chủ nhiệm báo Đông Phương;như sự linh ứng số phận nghiệt ngã của anh.
Người đời thường nói:Buồn hơn đám ma nghèo!Vân Sơn không nghèo, nhưng đám ma anh nó vượt qua lằn mức buồn hơn đám ma nghèo để đến, tận cùng sầu thảm!Rất ít người dự đám tang, họ sợ bóng đen ''thế lực giết người''đang chờn vờn đâu đó, nên tâm trạng họ vừa khớp, vừa hãi hùng dẫn đến vô cảm. Hiu quạnh và bơ vơ, vợ anh, chị M.Ng ôm hương linh chồng đi theo quan tài trong nước mắt.
Vân Sơn Phan Mỹ Trúc chết như tế nào?Hãy nghe Nhà văn Viên Linh, kể:
- ''Lúc ấy, tôi cũng đang viết một truyện dài cho Đông Phương.Hai tờ báo ở cùng một con đường Võ Tánh(1), tờ bên số lẻ, tờ bên số chẵn, đi bộ chỉ vài phút. Hai tờ báo ấy lại đang bút chiến với nhau. Đến Đông Phương ngồi viết xong đoạn truyện đủ in cho báo ngày hôm sau, tôi đi qua Sống Thần ngồi làm việc tương tự, ở cái bàn ngay cửa phòng sắp chữ. Bao giờ tôi cũng lại Sống Thần sau, vì thích cà kê ở đây lâu hơn. Ở quãng giữa 2 tờ báo là phở Hà Nội, nơi các ký giả gặp nhau, cũng là nơi tôi ghé vào bảo họ lát nữa mang lên Sống Thần cho tôi 1 chai bia Larue có hình trái dứa và 1 ly đá. Lùi về phía sau là nhà thờ Huyện Sĩ, nơi có một quán cà phê bí tất, chéo góc với quán xôi lạp xưởng của mấy mẹ con một bà người Bắc.
Một hôm, đang ngồi ăn nhậu trong quán cà phê bí tất với bạn bè, Vân Sơn Phan Mỹ Trúc bị dí súng vào đầu. Một tiếng nổ. Kẹ lạ mặt, do đồng bọn chở bằng Honda hai bánh từ ngoài bước vào, giữa ban ngày, rút súng xử tử chủ nhiệm Đông Phương, rồi rảo cẳng, leo lên xe Honda, mất dạng. Cái tin gây lặng ngắt trong chỗ tôi ngồi uống bia. Tôi không đi đưa đám Vân Sơn, nhìn vành khăn trắng trên đầu một phụ nữ não nùng, tôi thù ghét tên mặt tái. Theo mô tả, đó là kẻ sát nhân. Tôi nghĩ, đã gặp y nhiều lần...''
Sự việc tàn nhẫn mất tính người và thảm khốc đó, nhà báo Nguyễn Miên Thảo, phụ trách trang 5 báo Sống Thần, xác nhận:
- ''Hôm ấy, hơn 11 giờ 30 phút, tôi cùng anh em làm báo nghỉ trưa và đi ăn tại quán cơm bên kia đường đối diện tòa soạn báo Đông Phương. Kẻ sát nhân chẳng lạ lẫm gì với cánh phóng viên báo Sống Thần, htắn không viết báo, hắn lo kinh tài. Tôi thấy hắn ngồi uống nước mía bên đường, khi trả tiền cho cô bán nước mía, hắn kẹp tiền qua kẽ ngón tay. Sau nầy nghĩ lại, tôi mới hiểu ra hắn sợ để dấu vân tay trên tờ giấy bạc. Tôi không ngờ hắn đợi Vân Sơn và lạnh lùng xuống tay tàn độc với anh. Khi anh Vân Sơn ngồi vào bàn ăn với mấy người bạn, hắn tiến lại gần và thình lình đưa họng súng nhỏ gọn vào mang tai anh...(2)Vân Sơn té ngửa, dẫy dụa; cơm lẫn máu trào ra miệng.
Mọi người có mặt trưa đó, bất ngờ và chết điếng, không ai kịp phản ứng kể cả tôi. Hắn chạy nhanh ra cửa sau, vọt lên xe Honda và tên cầm lái dông mất''
Trong bài ''Sống nghề, chết nghiệp'' Hoàng Hải Thủy, viết:
- ''Khoảng năm 1970, Vân Sơn làm chủ nhiệm nhật báo Đông Phương. Báo bán chạy. Tôi không rõ vì nguyên nhân nào-chỉ biết Vân Sơn bị giết vì những bài đăng trên báo của anh-vào năm 1972 hay 1973, tòa soạn báo Đông Phương đặt trong nhà in Nguyễn Bá Tòng. Buổi trưa chủ nhiệm Vân Sơn cùng 2 ông bạn ký giả Hoài Khâm, Cung Mạnh Đạt sang tiệm cơm Tàu trước nhà in ăn cơm. Anh Hoài Khâm, anh Cung Mạnh Đạt là 2 ký giả báo Sài Gòn mới bạn của anh Vân Sơn. Hai ký giả nầy là nhân viên tòa soạn báo Đông Phương. Nghe kể, 3 ký giả đang ngồi ăn, tên sát nhân đến tận bàn, ghé nòng súng một khẩu súng lục chuyên dùng để ám sát, viên đạn nhỏ như đầu chiếc đũa, vào mang tai ký giả Vân Sơn, nổ một phát. Viên đạn ghim vào óc Vân Sơn, anh ngã chết tại chỗ. Tên sát nhân chạy mất. Vụ giết người bị cho chìm xuồng''

*
Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, đứa con của Mai Lĩnh, Hiếu Giang thuộc vùng đất đại trường sa Quảng Trị. Anh tham gia phong trào Việt Minh từ rất sớm. Sau năm 1954, anh trở về quê nhà và bỏ vô Sài Gòn sống lang bạt kỳ hồ, mê nghề báo, sống chết với nghề báo. Năm 1960, anh cộng tác báo Sài Gòn mới và phụ trách Tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai do con trai thứ sáu của bà Bút Trà làm Chủ nhiệm(3). Mười năm sau, anh trở thành Chủ nhiệm một tờ báo ''ăn nên làm ra'', khiến một số tờ báo cùng thời do kẻ tiểu nhân điều khiển, hậm hực, ganh ghét và hận thù. Chẳng hiều đó là, trong phúc có họa chăng?
Anh đối nhân xử thế bằng đức tính trượng phu. Đãi bạn hết lòng, thương và giúp người cô thế. Anh say mê nghề báo với một trái tim lãng mạn ''Thanh sơn y cựu tại/Bất phá một sài tiêu''. Tâm hồn cao thượng không thể vượt qua loại ''mặt người dạ thú''trong thời buổi nhiễu nhương, loạn lạc. Anh tắt thở giữa bầy sói Mafia đeo lủng lẳng con chữ đầy nhãn mác nhưng, đốt đuốc giữa ban ngày tìm không thấy một cái chữ có nghĩa. Trước ngày anh thọ nạn, Đông Phương và Sống Thần nổ ra mặt trận bút chiến. Anh như vị tướng quân-đơn thương độc mã, khác chi Triệu Tử Long-phá trùng vây để bảo vệ cái chân lý ''Người'' giữa đàn thú dữ đói và khát máu. Chúng đuối lý tình, bút dỏm. Di tản chiến thuật ''bút chiến'', để thực hiện cú hồi mã thương hạ sách ''súng chiến''. Anh chỉ có bút, không có súng. Thế là, anh chết thôi!
Chúng liếm máu anh và đổ tội ác, rằng: ''VC ám sát ký giả Vân Sơn Phan Mỹ Trúc''Chúng chụp cái mũ rách nên giấu đầu lòi đuôi, một ít người nhẹ dạ cả tin, còn đa phần ký giả Sài Gòn thời đó không ai tin. Bởi, họ biết rõ tên sát nhân và băng đảng Mafia giết người là ai. Biết, tại sao im lặng?Họ run sợ trước cái ác. Ai bảo vệ họ?Chính quyền Sài Gòn?Đừng hòng!

*
Thời cuộc những ngày cuối cùng của Sài Gòn không kịp thở. Lịch sử sang trang. Cái chết tức tưởi của Vân Sơn Phan Mỹ Trúc chìm vào quên lãng. Kẻ sát nhân mỉm cười mỉa mai thiên hạ.
Dẫu rằng, người đời tin ''Ác lai ác báo''; chẳng biết ác báo đã báo ứng bọn tổ chức và tên giết người ngày ấy hay chưa?Có trời mà biết!
Tôi nêu sự kiện Nhà báo Vân Sơn chết thảm nhằm, nhắc nhớ:Cái ác lẫn trong cái thiện và nó quanh quẩn trong tâm ta. Thiện làm rõ thêm ác và ngược lại. Những ký giả đã chứng kiến và biết rõ tên giết người buổi trưa oan nghiệt đó, xin đừng vì bất cứ một lý do gì mà tiếp tục im lặng hoặc nói nước đôi. Hãy mở cửa sự thật, nói toạc móng heo cho hậu thế rõ. Trải qua 42 năm kể từ 1973, Vân Sơn Phan Mỹ Trúc chưa đành lòng đi đầu thai!?
Các ký giả, như:Hoài Khâm, Cung Mạnh Đạt, Nguyễn Miên Thảo...kể cả Uyên Thao, chắc hẳn rõ hơn ai hết. Mong thay!

TRẦN BẢO ĐỊNH
(1)Nay đường Nguyễn Trãi Q1.
(2)Loại súng giảm thanh, chuyên dùng ám sát.
(3)Nguyễn Đức Khiết
*
Ảnh:1. Nguyễn Trãi (Võ Tánh)phía sau Nhà thờ Huyện Sĩ
2. Em bé bán báo Saigon xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét