Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO NÓI CHUYỆN PHIẾM: RUỘNG ĐỒNG-ĐẤT ĐAI NAM BỘ! - TRẦN BẢO ĐỊNH


Tôi có cá tính bẩm sinh:Hễ thấy người thân, người quen, bạn bè...thành đạt chức quyền hoặc tiền bạc, thường ''kính nhi viễn chi''. Hội hè, đình đám...ít lui tới, bởi hay mắc cỡ. Chẳng hiểu cá tính đó, tốt xấu; nên hoặc không nên. Theo như ông bà trong làng An Vĩnh Ngãi, cá tính như vậy, nó đặc sệt dân miệt ruộng. Vả lại, hồi nhỏ má tôi thường căn dặn:''Ham vui chịu lận nha con!'' hoặc thản như có chuyện gì gấp gáp, chị Hai tôi nôn nóng thì, má tôi bảo:''Nước chảy, ngày nó tới!''...Lời má, đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi.
Dân nhà nông.Nam Bộ sống bằng 3 nghề cha truyền con nối thành cái nghiệp:Ruộng, vườn, sông nước(còn gọi là thương hồ).Vì vậy, mới có câu thành ngữ:Sống nghề, chết nghiệp!
Trời cho ông Sơn Nam thọ nhưng không thọ đến 100 năm, ông chỉ kịp thời gian nói về ''Văn minh miệt vườn'', chưa chạm và nói ''Văn minh miệt ruộng''. Riêng ''Thương hồ''chẳng ai dám nói''miệt'', vì sống trên sông nước, rài đây mai đó, người đòi thường gọi, rằng ''Lưu linh lưu địa''thì, xin lỗi biết miệt nào?Ở mặt nầy, cánh cửa Nam Bộ Học đang mở tác hoách chờ các nhà nghiên cứu.
Ruộng gắn với đồng như trò gắn với thầy. Đó là, cách nghĩ nôm na của dân ruộng. Nói tới đồng là phải nói cánh bởi sự mênh mông của nó, ngó mút tầm mắt chẳng có vật chi che chắn. Văn minh miệt ruộng gọi cánh đồng. Cánh ở đây, chính là hình tượng cánh cò. Cò bay thẳng cánh! Cánh cò đi vào tâm hồn dân ruộng, nó đồng nghĩa với quê nhà.
Người thầy khác chi cánh đồng gieo hạt chữ xuống từng thửa ruộng. Rồi từ hạt chữ nẩy mầm ngậm sữa kết thành nghĩa làm người.
*
Năm khi mười họa tôi mới có dịp lên Sài Gòn. Mỗi lần lên Sài Gòn, thường thì tôi rụt rè ngồi uống cà phê với anh Hiền, anh Tụng...nơi vỉa hè dọc đường gió bụi.
Số là, anh Hiền, anh Tụng dân ''Mệ'' thứ thiệt 100 phần trăm. Anh Hiền, dân làng Chuồn tên chữ An Truyền, hành phương Nam và cõng ''người tình muôn kiếp'' người đẹp tràm, bưng, trấp...Đức Huệ. Anh Tụng, dân Mỹ Lợi thuộc Phú Lộc, đằng vân mang bút vô Sài Gòn tham gia hội quần hùng Ký giả báo Sóng Thần, phụ trách''trang nằm''tức trang 5 của báo...Anh sử dụng Sóng Thần một phần vào việc''giữa đường thấy chuyện bất bình ra tay'', rồi ''di tản chiến thuật'' về Bến Tre, cuối cùng ẫm một cô thôn nữ ''dáng đứng Bến Tre''lớn lên từ đất Giồng Trôm.
Những năm đầu 60 thế kỷ trước, các anh sống và đi học ở Huế. Khoái văn chương từ những người thầy dạy Tiếng Việt, giảng Văn nghị luận, bình thơ-phú...Say với cái say thiên nhiên đúc nên núi Ngự, sông Hương...Mê với cái mê Kinh Đô quyện vào trời đất, tạo nắng Kinh kỳ và trăng Hoàng cung...Có lẽ, trên đất Việt, chẳng có nơi nào tuyệt như thế. Và rồi, các anh tụ lại lập bút nhóm Cuồng Biển giữa lúc Huế vừa gồng mình, vừa chuyển mình theo dòng thời cuộc rực lửa đấu tranh. Thật ra, trên đất Thần kinh mọc lên rất nhiều Thi văn đoàn vào cái thời chiến tranh bom đạn đó. Có lúc, tưởng chừng Huế ''ly khai'' Sài Gòn...''thách thức Thiệu-Kỳ''...Đêm thơ''Chiến tranh-Quê hương-Tình yêu''của phong trào Sinh viên-Học sinh được tổ chức vào một đêm mùa Đông tại giảng đường Trường Đại Học Sư Phạm Huế, có thầy Lê Văn Hảo và Tỉnh Trưởng Khoa cùng dự. Các anh bút nhóm Cuồng Biển tham gia diễn ngâm thơ của chính mình và, Biển từ Tam Giang đã Cuồng nộ đêm thơ ấy.
Các anh, bao gồm:Hiền, Tụng, Quảng do Hiền sống với ngoại ở An Truyền đi học, đảm trách nhận bài, biên tập, sửa bài và đặc biệt ''in Tập san''bằng bút máy Pilot do Hiền cặm cụi viết tay, Quảng vẽ bìa và minh họa, xong xuôi cả ba anh em hì hục đóng thành tập, xuất bản...với cái tên NXB Nội Dung và chuyền tay nhau đọc...trân trọng và quý báu. Nói theo chữ nghĩa bây giờ là, trân quý!Giữa khi đó, Trần Dzạ Lữ đang cùng anh ruột là Trần Văn Khai chăm chút Thi Văn Đoàn Mây Ngàn với những vầng thơ tình mượt mà, thổn thức!
Hồi đó, cùng thời ở Sài Gòn có nhóm Bộ Lạc Mới ra đời do Triệu Công Tinh Trung(2)chủ trương với các bạn Nguyễn Tôn Nhan(còn có bút danh Trần Hồng Nhan), Từ Kế Tường...Cả ba anh như là biểu tượng ''Hòn Ngọc Sài Gòn'' cứ nhắm mắt nhắm mũi nghĩ rằng:Bút nhóm Cuồng Biển là những nường nữ sinh Đồng Khánh:Nguyễn Miên Thảo, Trần Thị Gioan (bút danh của anh Quảng...nên ''Hòn ngọc Sài Gòn''yêu ''tối lòng tối mắt'' gái Huế ''đa dâm''.
Một hôm, các anh Bộ Lạc Mới gửi bằng đường dây thép ra cho các em Cuồng Biển(mai mà các anh chưa gọi ''Cuồng dâm'') 20 số báo Bộ Lạc Mới (khổ giấy lớn xếp làm tư) kèm theo cái thư, xin trích một đoạn:
''...nhờ các em phát hành. Trước khi phát hành, các em lấy 1 tờ để đọc, để biết các anh là những thiên tài...''(Xin miễn nêu tên người Đại diện Lạc Bộ Mới ký tên bức thư)
Trong bút nhóm Cuồng Biển ở Huế, Tụng là thanh niên nhanh nhẹn và ''rắn mắt'' nhất. Anh ta thay mặt Hiền, Quảng viết thư trả lời nhóm Bộ Lạc Mới và cũng không quên tự tay cầm kéo cắt ''chùm lông d...'' gửi kèm theo thư.
Thư rằng:
''...tụi em công nhận các anh là thiên tài...xin gửi đến các anh ''kỳ vật'', để các anh yêu quý của tụi em làm vòng hoa đeo...thương nhớ gái Kinh đô''
Sau Mậu Thân 68, bút nhóm Cuồng Biển tan thành những bọt sóng trôi về phương Nam, mỗi người một hướng...trong cái vòng xoáy nghiệt ngã của trò chơi chiến tranh. Và, Triệu Công Tinh Trung ''thiếu sống thừa chết'' qua những trận đòn thù, tù đày nơi Côn Đảo. Các anh tạm''tan hàng. Cố gắng!''Đứa vô quân trường, đứa ra bưng biền, đứa trốn lính...Bút nhóm rã, Bộ Lạc Mới rã...nhưng những vầng thơ từ trái tim của các anh chẳng những không rã mà nó, kết tụ từ máu, nước mắt...thành thơ mang tiếng lòng hòa vào nhân thế, đất trời...
*
Tôi như ngỗng đực, nghe các anh kể chuyện cũ mà phát thèm cái không khí sinh hoạt văn chương học trò thời chớm lớn. Đẹp và thơ mộng! Dẫu đẹp và thơ mộng đó dưới bầu trời hỏa châu!
Thói đời, người ta dùng thời gian để đẽo gọt tâm hồn và trôi gốc. Rời nơi chôn nhau cắt rún, dù bất cứ lý do gì, cũng là ly hương bỏ xứ. Chạy vô Nam chớ chạy đi đâu?Sài Gòn chính là nơi dung chứa, cưu mang, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Đừng ai đó nghĩ-kể cả tầng lớp sĩ phu Bắc Hà-rằng:Cảm hóa, đồng hóa...ngàn cái hóa...hòng đổi thay làm Sài Gòn biến chất, mất gốc. Một Sài Gòn phát pháo lệnh ''Nam Bộ kháng chiến''...''mùa thu rồi...ngày 23, ta ra đi...khi sơn hà nguy biến...''Giờ đây, còn ngun ngút khói ở góc phố, con đường...
Bọt biển hiện thân của nhóm Cuồng Biển đã nhập cư và hòa vào lòng sông Bến Nghé. Cả hai bạn Tụng, Hiền đều dính gốc Nam Bộ và hai anh, dù là hậu duệ của Tề Thiên cũng chẳng thoát nổi cái ''hóa'' gái Nam Bộ. Ngay cả cái ''văn hóa đéo'' của Hà Nội một thời, như:''Biết, nhưng đéo chỉ'', ''đéo hiểu'', ''đéo nghe'', ''đéo sợ'', đéo sai'', ''đéo trả tiền''...Nghĩa là, mọi thứ ''thượng vàng hạ cám'' đều được đéo tất...Khi ''Đéo'' lò dò vô Sài Gòn chưa ''tàn điếu thuốc rê Gò Vấp'' đã bị ''anh Hai Sài Gòn'' đá cho một phát, ''đéo'' rơi lả tả vào Sở Thùng miệt Cầu Hang, Bình Thạnh. Quán liều ăn uống ở Hà Nội ứng xử thực khách...xin lỗi, vợ tôi cứng họng không nỡ lòng nói ra, vì ''sợ đau cái cửa mình em lắm, mình ơi!''. Chủ quán liều ăn uống ở Hà Nội vào Sài Gòn kinh doanh, không dám giở trò như ở đất Hà thành. Tại sao?Thực khách Sài Gòn mỉm cười tẩy chay, sập tiệm!Chủ chạy lộn lại Hà Nội, không còn tiền mua vé tàu xe.
Đất Sài Gòn với tâm linh Lăng Ông, Bà Chiểu...người Nam Bộ vững thần khí, giữ hồn cốt riêng mình, đồng thời đồng hóa người bốn phương tụ về.
Nói vậy, chẳng là người Nam Bộ cao đạo mà thực tế, kẻ dữ đền đây cũng bỗng hóa ra hiền. Ví như, dân quê tôi xưa, thấy chữ tàu trên giấy báo nhật trình rớt dưới đất thì, lượm lên phủi bụi đem cất, chớ không dẫm chưn. Có người thấy, bảo:Sao kính trọng và u mê thế?Thưa không, dân quê tôi mần thế, vì đó là chữ của thánh hiền, đâu phải là chữ của họ. Nên nhớ, cái gì thuộc về họ và họ thực nắm trong tay thì họ mới trân quý. Họ gọi chữ của thánh hiền, nghĩa là cái thuộc về ''cõi trên'', cái chẳng có.
Thử hỏi, Nam Bộ với thủ phủ Sài Gòn, kém sức mạnh tiềm ẩn vô song thì, lấy chi chống chọi, lấy chi thuyết phục bao kẻ ngoại lai, lắm đứa con hư hỏng định cướp ''Hòn ngọc'' của tiền nhân để lại trên 300 trăm năm?
*
Nơi nào đó gọi đất là đất đai. Dân quê tôi không gọi đất là đất đai, chỉ quen gọi đất là ruộng và là ruộng đồng. Bởi, đất ở nơi nào đó người phải đai theo, không đai theo sẽ bị cướp. Khác chi cái ''cân đai'' của nhà quan. Ruộng không cần đai, vì ruộng theo đồng. Đồng thì bát ngát. Nôm na, đồng ruộng gắn nghĩa thầy trò. Tục
ngữ:''Không thầy đố mầy làm nên '' là vậy. Thương ruộng phải yêu đồng.Nói cho cùng, thương yêu ruộng đồng là không quên ca dao, tục ngữ, hò vè...qua Văn chương Việt; không quên cội nguồn trong tinh thần Sử Việt. Văn -Sử là chất nhựa nuôi sống tầm hồn dân tộc, là hoa đẹp nở trên cành bút nhóm với hàng trăm, hàng ngàn Văn thi đàn, như: Bộ Lạc Mới, Cuồng Biển, Mây Ngàn...Hầu như, nơi nào có trường học, nơi đó có Thi văn đàn.
Đai niệt đất như ách niệt trâu cày, hỏi còn hơi sức đâu quan tâm đến Văn-Sử Việt?Tâm hồn đội nón đi chơi trong một thân thể đẩy đà quá khỗ. Giàu vật chất , nghèo tinh thần là vậy. Vì chỉ là đất đai nên tình nghĩa thầy trò, Tôn sư trọng đạo giờ đã nằm trọn trong dấu ngoặc kép. Trò học thêm, chạy trường, phong bì lễ tết...thứ thứ được quy ra ''Tiền''...Tội nghiệp đa số gia đình trò bỡ hơi tai không kip ngáp. Chẳng hiểu ''ai bày'' ra cớ sự nầy. Thầy nhận những thứ từ trò hoặc từ cha mẹ trò, có bao giờ cảm thấy run tay!?Thảm cảnh trò đâm thầy, thầy gạ tình đổi điểm...nay, chẳng còn cá biệt, giấu giếm gì cho cam. Nghiệp chướng từ Nhân-Qủa?Không, dân quê tôi bảo do ruộng đồng mất dần...mất dần, mất cái tự ngàn năm thuộc về mình.
Rõ ràng, người nông dân sống tưới mồ hôi, cũng lắm khi tưới máu trên ruộng đồng với phương châm ''một tấc không đi, một ly không rời''. Người chết, nằm dưới lòng đất ruông đồng, quây quần nhau thành bãi tha ma...Ơn sâu nghĩa nặng với đồng ruộng như ơn sâu nghĩa nặng với thầy trò. Mới thoáng qua, tưởng dân quê tôi tôn thờ ''Nho gia'', ngó kỹ chẳng phải. ''Nho gia'' đã nép mình theo cái phép tắc lễ nghĩa nhà quê Nam Bộ trong cách xử thế:Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy nhân.... ''Tôn sư trọng đạo'' theo kiểu nô lệ tư tưởng Khổng-Mạnh không có ''đất'' cắm dùi nơi nầy. Vì vốn dĩ, ở Nam Bộ gọi ruộng đồng chớ nào gọi đất đai?
TRẦN BẢO ĐỊNH
20.11.2015
*

(1)
*Hiền, tức Nhà thơ Từ Hoài Tấn
*Tụng, tức Nhà báo-Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo
*Quảng, tức Nhà thơ Mường Mán
(2)
*Triệu Công Tinh Trung, tức Nhà thơ Triệu Từ Truyền, 2 lần tù Công Đảo
trước 1975) nguyên Phó Chủ Tịch UBND Q.4 TpHCM. Vừa ra mắt Tập thơ ''Hạt Sứ giả tâm linh''tại HNV.TPHCM
*
Ảnh:
. Quảng cáo đăng ở Tạp chí Văn, số 110 ngày 15.7.1968.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét