PHÚ BẠN VONG NIÊN - NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
Anh Lê Trường Quỳnh
Anh
LÊ TRƯỜNG QUỲNH, người bạn vong niên của tôi, đã qua đời ngày
15.12.2013. Sống với anh khá lâu, tôi vô cùng thương tiếc. Xin gởi đến
gia quyến anh Quỳnh, nhất là blogger Butsref lời phân ưu tha thiết nhất.
Xin đăng lại bài PHÚ BẠN VONG NIÊN, viết tặng anh ngày anh còn khỏe
mạnh. Bài này đã đăng trên tạp chí VĂN HÓA PHẬT GIÁO .
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
Ai kia!
Không lỗi đạo với mẹ cha,
Lại vẹn tình cùng bè bạn.
Thân gầy que củi trong bóng cây râm,
Tóc trắng bông lau giữa mùa gió loạn.
Ngoài bảy mươi tuổi vẫn xung xăng cười nói, dẫu ai than tử ấy vốn vô kỳ
Suốt năm chục năm cứ lây lất ăn mần, mặc kẻ trách sinh kia là hữu hạn.
Hỏi mới biết,
Con nhà khốn khó, sống ở làng quê,
Dân xã nghèo nàn, bám vào ruộng cạn.
Mương kênh bờ hói, đặt lờ bắt cá, thích thú thay trò nghịch tuổi thơ,
Cồn mả bãi hoang, cắt cỏ chăn trâu, vất vả thật việc nhà đồng áng.
Ngày mới lớn học đòi dăm ba chữ, lòng như mê đắm với bút nghiên,
Thuở còn thơ nghe lỏm mấy mươi câu, trí đã nậy khôn cùng năm tháng.
Yêu đất nước, từng điệu hò bản nhạc, hát miên man mỗi sớm mỗi chiều,
Mến xóm làng, bao tục ngữ ca dao, nhớ cặn kẽ từng câu từng đoạn.
Thề noi gương anh hùng,
Quyết sống đời bi tráng.
Vệ quốc đoàn xung phong đi thuở trước, gai chông đâu nản chí, lòng nôn nao góp sức đuổi thù,
Lính Cộng hòa cưỡng bách gọi buổi sau, súng đạn chẳng cam lòng, thân o ép lập mưu chống báng.
Tình ba năm nhớ thương khôn xiết, thư đi về ngỏ ý mến lời yêu,
Nghĩa trăm dặm xa ngái nào ngăn, lễ cưới hỏi nên duyên loan nợ phụng.
Miệt Thúy Vân gõ đầu con nít, học trò nay nhiều đứa bạc đầu,
Nhà Thương Huế khâu bụng ông già, bệnh nhân xưa hiếm người tản mạng.
Âm thầm hoạt động, giao liên, móc nối, kề vai sát cánh những anh em,
Lén lút tuyên truyền, in ấn, xuống đường, núp bụi ngủ chùa thời hiểm nạn.
Họp cùng bàn bao phen tranh cãi, dễ gì không vắt óc vò đầu,
Lao với tù mấy bận vô ra, khó tránh khỏi trầy da sứt trán.
Mới bảy lăm, thân thầy ký Thông tin Văn hóa, ôi ôi chội chội, đâu kể gian nan,
Qua tám mốt, vai thợ xay Bồn Phổ Hương An, dở dở ương ương, xiết bao ngao ngán.
Lúc thầy, lúc tớ, lúc dân, lúc lính, thôi ôi thôi, nghề nghiệp đa đoan,
Khi chú, khi anh, khi cậu, khi ông, hỡi ơi hỡi, xưng hô loáng quáng.
Ngồi ngẫm lại, trải mấy triều hưng phế, sao một trời lòng thấy xót xa,
Nằm suy đi, qua bao độ thăng trầm, vẫn mấy hướng mắt trông đòi đoạn.
Ôi thôi!
Ngán lúc hanh thông,
Cười cơn hoạn nạn.
Quê cũ về, bới đào vườn tược, cây trái chăm nom,
Nhà hư sửa, hương khói mộ phần, vợ con buôn bán.
Bây chừ,
Vui là vui với đá với hoa,
Thú ấy thú cùng bầu cùng bạn.
Chén trà cũ, vị hương nhàn nhạt, nghe say sưa người nói, mấy cũng không vừa,
Điếu thuốc đen, mùi khói hắc hăng, nói hoài hũy chúng nghe, mà đâu có chán.
Ngứa tai gai mắt, mở miệng chửi bao đứa thời cơ,
Sôi ruột căm gan, múa bút phang mấy thằng thủ đoạn.
Thịt rừng thơm ngồi yên không gắp, răng chỉ còn vài cái cho ngơi,
Cá biển ngọt đứng phắc mà dòm, lưỡi vốn có một thằng để trạng.
Cơm vài quơ thôi đủ, rau dưa cho có, thủng thẳng đi tới mép tử sinh
Rượu mấy chén đã bưa, khô mắm cũng không, chuếnh choáng bước qua bờ tối sáng.
Xin mừng bác,
Ri mới trọn, cái phận lão lai
Rứa là yên, một thời tài tận.
Thanh bần lạc đạo, nhìn cháu con mà ngẫm việc xưa nay
Ôn cố tri tân, gọi dâu rể cùng soi điều sâu cạn.
Ôi thôi!
Được rứa quả quý rồi
Mong chi điều quá đáng
Cầu dài ngày theo bác lãng du,
Xin ngắn phút xót thân sĩ hoạn.
Chân tình phụng tặng
XIN CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH ANH LÊ TRƯỜNG QUỲNH
Trả lờiXóaHi hi. Ôn đem về đây tui sướng quá!
Trả lờiXóa