Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

DỌC ĐƯỜNG - VÕ CHÂN CỬU



Bài 8:
                               Nghe Mưa
“Miền Trung lũ lụt, các nhà thơ chưa giúp được gì, giờ lại đi bàn chuyện nghe mưa, người ta cười cho !” Đã có những câu trả lời như thế khi tôi nhờ diễn tả về giọt mưa hay một cơn mưa. Nhưng văn chương cũng như thơ ca chưa bao giờ phải chịu hoàn toàn trong quy ước hiện thực thô thiển.
“Nắng mưa là bệnh của trời”..; còn câu chống chế hiện thời là : “Lụt vừa qua là do con người xả lũ chứ đâu phải tại mưa”! Thật vậy, “ông tha mà bà chẳng tha/ Chẳng qua cái lụt 23 tháng Mười”. Hàng trăm năm qua, giải đất quê tôi năm nào cũng lụt. Nhưng nhà nhà, mọi người vẫn đối phó được với những cơn lụt tự nhên ấy: giằng mái; kê cao bàn, giường; mắm kho dự trữ. Con nước đi qua, để lại phù sa cho ruộng đồng. Mưa dai rồi cũng phải tạnh. “Trời ơi mưa Huế sao buồn ,quá / Cứ kéo dài ra suốt cả tuần”, câu thơ lõm bõm thời nào, nay đã gợi ý cho mấy công ty du lịch sáng kiến tổ chức những tour du lịch trong mưa.
Mưa là một dạng ngưng tụ của hơi nước khi gặp điều kiện lạnh, mưa có các dạng như: mưa phùn, mưa rào, mưa đá, các dạng khác như tuyết, mưa tuyết, sương… Mưa được tạo ra khi các giọt nước khác nhau rơi xuống bề mặt Trái Đất từ các đám mây. Từ điển của WIKIPEDIA  định nghĩa về mưa giản đơn mấy dòng như thế. Các nhà khoa học phân biệt thêm các loại: mưa acit, mưa bụi, mưa đá, mưa địa hình, mưa đối lưu, mưa mòi, mưa ngâu, mưa nhân tạo, mưa phùn, mưa rào, mưa ngâu, mưa rươi, mưa xoáy thuận…
Xứ cao nguyên Bảo Lộc tôi đang ở , hồi tháng 10-2013 trước cơn bão số 10, số 11 suốt mấy ngày liền có những mưa khó chịu. Từng cơn theo gió tạt xuống rồi ngưng lại, ráo hoảnh, nắng lại lên. Cứ lập đi lập lại như thế. Tôi hỏi nhiều người đó là mưa gì. Các nhà văn tôi quen biết đều lắc đầu, không gọi tên được. Một thầy giáo dạy môn khoa học trả lời theo đài khí tượng thủy văn: nắng gián đoạn ! Dùng nắng để diễn tả cho mưa ! Chắc là chưa ổn. Tôi bày tỏ cách gọi của mình: Mưa giẻ rách ! Nó khác với mưa dai, mưa dài, vì giẻ rách thường không mấy giá trị.
Cảm xúc về các loại mưa, hình như các nhà thơ có lợi thế hơn chăng ? Chưa chắc ai hơn ai đâu ! Trần Huyền Ân trong sách “Phú Yên-Miền Đất Ước Vọng” từng diễn tả “Nhìn từng hạt mưa gieo đều đều trong cơn,…”. Nhưng trước khi viết văn, ông từng là một nhà thơ, nổi tiếng với tập “Thuyền Giấy” vào đầu những năm 1960 ! Các nhà thơ rõ ràng chiếm ưu thế khi biết dùng nhịp điệu kết hợp với hình ảnh, câu chữ để diễn tả về những cơn mưa. Cái nhịp trầm trầm hướng về vạn cổ của Huy Cận trước 1945 trong bài “Mưa”:
          Mưa giong bùn sợi xuống lơi lơi
          Lạnh của không gian thấu xuống người
          Rơi rớt về đây muôn hướng gió
          Lòng sầu vạn dặm gió mưa phơi…

Khi “Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai”, Quang Dũng trong những năm đánh Pháp nhìn ra “Sông xa từng lớp lớp mưa dài” (bài thơ Đôi Bờ). Hình ảnh ấy như nói hết sự dai dẳng của những cơn mưa miền Tây Bắc. Nhưng đến những năm 1980, một nhà văn làm nhiều thơ khi phải ra sống ở xứ người đã diễn tả nỗi buồn khiến lòng đau hơn qua những cơn mưa:
          Đêm mưa xé toạc buồn trăm mảnh
          Khóc nửa vầng trăng mộng khứ hồi
                                         (Đặng Phú Phong – Lãng Tử Hành)
Bài thơ Lãng Tử Hành rất dài nhưng không nhằm nói về mưa, nên Đặng Phú Phong chỉ có một câu mượn mưa để nói lên nỗi lòng ly hương. Có một nhà thơ ly hương khác, dùng mưa diễn tả tình yêu thật rối rắm và điên đảo con tim:

Lê Giang Trần
Hương mưa trời Vũ Thiên
……..
Vũ Thiên Hương là vũ khúc hương thơm mưa trời
nên mưa đẫm rừng thơm rực ngàn lan
mưa ướt núi thơm nồng thạch thảo
mưa đầy sông thơm cỏ bèo trôi
mưa dậy biển thơm muối nồng da thịt
mưa suối tuôn thơm ngọt cội nguổn
mưa đồng bằng thơm đất quê hương
mưa trên mái lá thơm cơm chiều bốc khói
mưa về phố khuya thơm sương lạnh ngàn cây
mưa đêm trăng thơm ngọc quỳnh
mưa tràn ao thơm sen nở
mưa nơi lang bạt nhớ nhà xưa phố cũ
mưa hắt cửa lòng buồn chán cô đơn
mưa giữa khuya ghét đời cô độc
hương thơm mưa trời thơm vũ thiên hương
hương trời mưa thơm hương thiên vũ
thơm thiên vị ngọt ngào thanh khiết hương mưa
……..
ôi vũ điệu của hương mưa
như mảnh đạn xuyên khắp…
                  (Lê Giang Trần- Thi tập Trạm Người Quá Bước, USA 2012)

Thi sĩ diễn tả quá nhiều hình ảnh lẫn cảm xúc qua mưa. Nhưng với câu“mưa mảnh đạn xuyên khắp” thì có lẽ chỉ những người đã trải qua nỗi đau của cuộc chiến tranh mới hình dung ra.
Trở lại với cách nhìn và gọi tên  mưa của các nhà khoa học, ta càng nên cảm ơn cách nhìn mưa của các nhà thơ. Cả hai, phải chăng cùng một cội nguồn. Tôi nhớ lại bài thơ đã viết ở Quy Nhơn cách nay 40 năm, đã được in lại trong Tuyển tập Thơ Bình Định Thế kỷ XX (NXB Văn Học 2003).

            Võ Chân Cửu
            Tụng Ca Mưa
         
          Tiếng chà xát của mây trong khí
          Gió sang mùa mộng mị sang canh
          Tạnh trời mây bạc về nhanh
          Hạt mưa để lại bóng hình phù du

          Từ đất thẳm im ru vạn thuở
          Máu đã ngừng nhịp thở nguôi ngoai
          Ráng ôm nhẹ lấy phương đoài
          Chimm bay cao ngất, lưng trời khói xanh

          Ai theo mưa cội ngành phương cũ
          Qua thiên đàng địa phủ về không
          Giờ khi im tiếng tơ đồng
          Lời ca đã tắt còn mong chi về

          Ai theo mưa khí xê dịch chuyển
          Qua bên sông vắng bóng đò ngang
          Tiếng nàng lau lách canh sương
          Nghìn năm lối cũ, đôi đường phân chia

          Ai theo mưa, mộ bia cỏ khuất
          Bóng người đi lẩn quất nghìn cây
          Cớ sao quanh quẩn chốn này
          Người xưa đã mất, bóng mây không về

          Nằm ôm mưa, đời kề bên mộng
          Mưa dậy tràn, khí nóng dâng cao
          Nước sôi bao độ chửa trào
          Bọt tan nghìn kiếp, gắng gào vắng không
         
          Hãy nằm xuống mênh mông ta tới
          Nước một dòng nổi nổi trôi trôi
          Chiêm bao như nước châm mồi
          Nghe mưa tắt bóng luân hồi quạnh hiu.

                                                         (1972, Thi tập Ngọn Gió, 2011)

Và hôm nay, cái nhìn mưa như một “nhân tai”, vì gây ra xả lũ, có lẽ còn trông chờ sự diễn đạt của cả hai.
                                                                          
Võ Chân Cửu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét