Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

NGHĨ VỀ NHÀ THƠ PHẠM NGỌC LƯ - CUNG TÍCH BIỀN

1.
Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư xuất hiện khá sớm trên văn đàn Miền Nam, trước 1975, qua các tập san văn chương; trong dòng văn học phóng khoát, bay bổng. Thơ buổi này? Là của nửa lãng mạn, và nửa kia của Lửa, trong đấu tranh sống còn. Mỗi tâm thức là nghìn gạn hỏi về phận người trong một Việt Nam phân ly Bắc-Nam. Một Việt nam bị cuộc chiến ác liệt, vừa của bom đạn máu lửa vừa của ý thức hệ thù nghịch. Nó thách thức và ngăn cách toàn triệt với hạnh phúc; lại rất gần gũi trong ý nghĩa lưu đày.

Nhưng đây cũng là thời kỳ may mắn cho những ai làm văn học nghệ thuật, đương nhiên là ở Miền Nam. Vì cái thực tế nơi đây, là đầy rẫy rủi ro lại phong phú những mong chờ. Rất nhiều cảm thán về thân phận nhưng cũng thừa những nụ cười về nghịch lý đời thường. Và, vì họ được sống, được làm Người Sáng tạo, trong một môi trường tự do. Có nghìn tự do lựa chọn. Có biển tư tưởng để tương phùng. Và trên hết, từ một thế giới rộng mở, đa dạng, sấm uất những phát biểu, họ tồn tại trong đầy đủ ý nghĩa của Tồn Tại. Phạm Ngọc Lư là một Đóa Hoa, trong vườn hoa sắc màu hoằng viễn này.
Hồi ấy, hơn ba mươi lăm năm trước, tôi đọc thơ Lư mà chưa hề có dịp gặp mặt. Cứ nghĩ, anh là một người giàu trầm tư, vừa sống vừa phiêu bồng thấy ra:
Ngàn sau hồn chữ rêu phong
Miên man thiên địa… tấc lòng du du…
[Phạm Ngọc Lư]
Vừa Thấy-Ra lại vừa an nhiên cùng Mộng:
Bó đời ta nửa manh chiếu rách
Đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con
Chiêm bao cứ thấy mình mọc cánh
Bay với chim trời ra cố hương
[Phạm Ngọc Lư 1971]

Thấy-Ra được cõi “Bạch vân thiên tải không du du”, và an nhiên trong “xử thế nhược đại mộng” ? Thế là đạt. Đạt, là nhìn ra Vô thường.
2.
Những nghìn cơn gió bay. Nghìn thế sự phù du qua vó cửa. Hơn ba mươi lăm năm tôi đọc bài thơ đầu của Lư, tôi mới gặp Phạm Ngọc Lư trong một lần, chiều cuối năm 2008, ở Đà Nẵng.
Kể ra hôm ấy lạnh. Thành phố mù mưa. Gió mạnh. Tưởng có thể thổi bay một bóng người mong manh từ đỉnh cầu sa mù xuống mặt nước sông Hàn. Chúng tôi ngồi trong một quán trà sang trọng. Những liễn đối. Những chiếc độc bình hoa văn. Những bức hoành phi sơn son thiếp vàng. Cái này tương phản cái lưu lạc không biên cương, cái đau đớn không có tận cùng, của thân phận chúng tôi, qua bao mùa trắc ẩn của Đổi Thay. Trà rất nóng và thơm, màu hổ phách. Cái cách của Cung đình Huế tại một xứ Quảng thô tháp không mấy thấm đậm được màu sắc cung đình. Nhưng có Lư và bạn bè. Có thơ, và tâm sự. Có lời cảm ơn lưỡi hái của tử thần đã đậm tình bỏ chúng tôi lại nhân gian, qua bao thăng trầm từ hòn bom trái lửa. Để còn tương phùng hôm nay.
Một làn da trắng lấm tấm bụi phong trần. Một khuôn mặt xương xương khắc khổ. Một giọng nói mềm của Huế. Một thân người mảnh mai. Duy đôi mắt sáng, một vầng sáng đã xám đậm những rêu đời. Đó là chân dung Nhà thơ Phạm Ngọc Lư. Tôi cũng rất mừng là anh còn sáng tác. Và cái tốt đẹp trên cùng, là anh còn giữ được chừng mực cái tinh túy Chính-Mình.
Phạm Ngọc Lư, qua thời cuộc thăng trầm, làm thân phiêu dạt, nhưng không hóa ra bọt bèo. Mà anh đã minh triết nhận ra cái Tính Lý của cuộc Sinh - Diệt:
Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
[Cố lý hành - Phạm Ngọc Lư]

3.
Trở lại Sàigòn tôi nhận được của Lư hai tập thơ gởi tặng. Đó là hình hài, là hồn cốt Lư, là ngẫu dựng một mệnh người Thơ. Của Lư. Có trước 75, và Còn, sau 75.
Vì sao trong tôi mãi mãi tồn lưu, triền miên lập dựng não thùy cái ám tượng 1975? Hà cớ hiểm hoại nào tôi phải nhắc tới cái hố thẳm Trước và Sau ấy? Vì đó là lúc Cánh cửa Hy vọng, Niềm Riêng đành khép lại. Không chỉ cố mà chôn Quá Khứ, mà còn phải đào huyệt cho Tương lai. Quên quá khứ? là phạm trù của tâm linh trừu tượng. Đào huyệt cho tương lai? là hiện hữu của gánh chịu trong Hôm nay. Con đường trước mặt là lưỡi dao ý thức hệ. Trần trụi. Nhọn. Bén. Mỗi thân phận của Miền Nam, từ Miền Nam, phải bước qua với đôi chân trần. Không cố bước qua bằng bản lĩnh? bằng niềm sỉ nhục? thì xin vui lòng nằm giãy giụa trên cái tấm thớt lạnh lùng. Một tấm thớt vĩ đại, tập thể. Và, có ai đang hí hửng mài dao.
Hiểu cái ngặt nghèo bao la, cái sự vụ rất mênh mông không đếm xuể từ tâm thức này, để ta hiểu rằng thơ của Phạm Ngọc Lư là Thơ-Của-Nỗi-Lòng. Là trăn trở. Là phản chiếu một cách ba chiều của Thực, Mộng, và cái Phi-thực-mộng. Là cửa ngõ, tới lui, từ đan kết trong phiêu bạt phận người. Là dấu hỏi trường miên trong đối diện với Thời cuộc.
Thơ Phạm Ngọc Lư khá khiêm tốn trong phát biểu. Có giới hạn của biểu hiện nghệ thuật ngôn ngữ nhưng độ trải nghiệm thì sâu sắc, thâm trầm. Và chừng mực, ta có thể tinh tế nhận ra.
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
[Biên cương hành]
Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
[Cố lý hành]
Nước đứng tim đêm
Ta còn thở hết ?
[ Bên sông]

4.
Phạm Ngọc Lư khá điềm tĩnh trong hành trình sáng tác của mình, tuy sâu trong tâm khảm, từ biển rộng tâm linh, Lư vẫn cháy bỏng với những khắc khoải, tư duy.Trong bao năm Lư không chạy theo những trào lưu, trường phái, những hào nhoáng ồn ào của thị hiếu. Không làm con thiêu thân để chết non, tàn mùa theo những cám dỗ tức thời.
Thơ Lư hình thức là mẫu mực, cổ điển. Vì ta cứ đủng đỉnh cái Riêng mình. Cái bình cổ sống rất lâu. Chính ở điểm này Lư thành công. Nói được rất nhiều trong biểu hiện điều Muốn Nói. Không cầu kỳ. Không đánh bóng ồn ào mặt ngoài bởi ngôn ngữ rỗng. 
Chữ nghĩa có Xác và Hồn. Cái Xác có thể sơn màu Đỏ, Nâu, Vàng. Cái Xác nó, có thể xác chết vô nghĩa, có thể thành khẩu hiệu trơ trẽn. Nhưng cái Hồn Chữ - nhất là Chữ của Thi ca - khó thể mặc áo cái kiểu đi với Ma phải mặc áo giấy.
Một người Cầm-bút phải trung thành, và lương thiện - dù ít ra, trong tương đối, giữa giới hạn - với giọt mực, trước trang giấy của mình. Đó là điều tôi rất mừng khi trải nghiệm qua Thơ của Lư. Qua những gì trong hai tập thơ Phạm Ngọc Lư gởi tặng tôi.
Hữu xạ tự nhiên hương. Trong ngẫu nhĩ, trong tâm tình lắng đọng, thi ca của mỗi nhà thơ, là mỗi bày lộ cái cảm xúc khi đi trong dặm chiều, nghe nắng trong gió vàng, cái mùi hương nhẹ thoảng. Có những nhẹ thoảng rất lâu bền. Vì sự lưu dấu thì vô cùng.
Lòng ấp ủ một làn hương
Từng đêm âm ỉ lịm buồn lửa tro
Từng đêm le lói, cơ hồ
Người về thắp mộng đốt lò chiêm bao
[Nhớ Trầm - Phạm Ngọc Lư]
Cung Tích Biền
Sài gòn, tháng 8 - 2009
@
PHẠM NGỌC LƯ
Luân Hoán
thiếu chút nữa bỏ sót
người bạn thơ đồng thời
lâu nay ít được rước
ông lên Chiếu ngồi chơi
với tôi, là bằng hữu
ngoài tay bắt mặt mừng
còn khoái cái bản lãnh
người có thú chơi chung
với gần lòng xa mặt
đồng hội đồng thuyền nào
cũng dễ thành thân thiết
tình thơm như ca dao
tôi, ông chưa đụng độ
trên bàn rượu bao giờ
cũng chưa cùng xớ rớ
đi theo một em nào
nhưng có chung nhiều điểm
biết mê gái làm thơ
hy sinh nhiều cuốn vở
cho thương nhớ bâng quơ
ông sinh năm bốn sáu
trên đất Huế - Thừa Thiên
cõi vua chúa nhà Nguyễn
vốn phong phú bút nghiên
tôi gặp ông lững thững
trên Nghệ Thuật, Bách Khoa
Ý Thức, Văn, Tuổi Ngọc...
những sân chơi quên già
nếu tôi như cột điện
muốn cũng phải ngồi nhà
chắc chắn năm chín bốn
đã cùng ông khề khà
tôi đi, đất Đà Nẵng
có ông vào ở đời
có tán nhầm em út
tôi tơ tưởng một thời ?
ông cao hơn mấy tất
hay tầm cỡ ngang tôi ?
với tài hoa thổi sáo
chắc chắn phải lành người
nghe nói thời đi học
ông đã giàu suy tư
thân phận và cuộc chiến
lòng nào không ngậm ngùi
yêu em và yêu nước
say sưa ông làm thơ
chép hẳn hoi thành tập
Hoa Rêu thơm nghẹn ngào (1)
thơ chưa kịp xuất bản
chợt chộ mặt Mậu Thân
thi ca đành thay mạng
ông hú vía sống còn
vốn xuất khoa Nôm Hán
đại học Huế thanh nhàn
ông vào Tuy Hòa dạy
gặp chị nhà hồng nhan ?
thời đó tôi lạng quạng
đã cầm súng chơi rồi
dù cuốn vở luân hoán
vẫn lận lưng theo đời
(thật ra cái bút hiệu
là tên mẹ, cha tôi
nhắc khéo để bè bạn
mắng vốn dễ chửi chơi)
tiếc, ông chưa kịp thấy
cái huy chương tôi mang
gỗ liền với da thịt
để rõ người bạn tàng !
ông có nghề sư phạm
cũng nếm mùi sĩ quan
Quang Trung lẫn Thủ Đức
sớm biệt phái hưởng nhàn
sau màu cờ thay đổi
tự bỏ dạy vào Nam
đất lành không duyên đậu
lại quay về sông Hàn
vẫn làm thơ viết truyện
không biết có bị đì ?
làm thầy dạy Anh ngữ
khá không Phạm Triều Nghi ? (2)
đã có hai thi phẩm
Mây Nổi và Đan Tâm (3)
ông trình làng chữ nghĩa
một tấm lòng nở bông
thành công cả thơ, truyện
cuộc sống vẫn khiêm nhường
hẳn cái nghề cầm bút
chỉ giàu được mùi hương ?
vẽ ông tôi bối rối
và ngập ngừng hơi nhiều
bởi các anh xứ Huế
nghe nói nhiều người kiêu
dù sao đã phóng bút
đành thả lòng theo thơ

Hy vọng ông bạn quý
có nụ cười bất ngờ
Luân Hoán
(1) tên tập thơ chép tay đầu tiên của PNL, bị cháy trong Mậu Thân
(2) bút hiệu khác của Phạm Ngọc Lư
(3) Đan Tâm (thơ, 2004), Mây Nổi (thơ, 2007)\
@

Phạm Ngọc Lư:
Tên thật Phạm Ngọc Lư, bút hiệu khác Phạm Triều Nghi. Sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnhThừa Thiên.
Học trung học Nguyễn Tri Phương, Quốc Học; viện Hán học Huế, vào trường Sư phạm Quy Nhơn. Ra trường, dạy học ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ghi danh học Đại học Văn khoa Huế. Sau 1975 bỏ dạy.
Động viên khóa 5/68 Thủ Đức, được biệt phái sau 9 tuần lễ ở quân trường Quang Trung.
Bắt đầu viết năm học đệ tứ. Có bài trên các nguyệt san, tạp chí Nghệ Thuật,
Văn, Bách Khoa, Trình Bày, Khởi Hành, Ý Thức, Tuổi Ngọc...
Tác Phẩm Đã xuất bản:
- ĐAN TÂM (Thư Ấn quán 2004) 
- MÂY NỔI (tự in 2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét