Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

NHỚ ĐOÀN KẾ TƯỜNG

Nhà báo Đoàn Thạch Hãn: ‘Đã quên một thuở trầm luân giữa đời…’


Nhà báo Đoàn Thạch Hãn

(TNO) Vậy là sau những ngày tháng vật vã bởi biến chứng của căn bệnh tiểu đường, vào lúc 2 giờ 30 ngày 3.9 nhà báo Đoàn Thạch Hãn đã từ giã cõi đời, như câu thơ của chính anh: “Cho quên mấy thuở trầm luân giữa đời…” 

Mới 6 giờ sáng ngày 3.9, họa sĩ Trịnh Thanh Tùng đã nhắn tin cho người viết: “Đoàn Thạch Hãn qua đời sáng nay tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, 10 giờ đưa bạn về Quảng Trị an táng”. Nghe mà lạnh hồn, mới khoảng 2 tháng trước anh còn bên cạnh anh Phạm Chu Sa để tổ chức giới thiệu tập thơ Du Tử Lê nhân dịp nhà thơ này về nước, vậy mà…
Tôi gọi điện cho anh Phạm Chu Sa, anh nói liền: “Tao cũng đang tính gọi cho mày, 8 giờ sáng nay mày nhắn mấy anh em làm báo gốc Quảng Trị qua nhà xác của bệnh viện nhìn mặt nó lần cuối nghe !”… Khi tôi đến nơi, đã thấy có khá nhiều anh em văn nghệ ngồi chờ ở hành lang nhà xác: Nguyễn Miên Thảo, Trần Từ Duy, Vũ Hoàng, Đằng Giao, Lê Nhược Thủy, Trương Đạm Thủy, Lưu Trọng Văn, vợ chồng Cẩm Vân - Khắc Triệu, vợ chồng Phạm Chu Sa, Dũng Việt Phố, Trịnh Thanh Tùng, Ngô Nguyên Nghiễm... và những đồng nghiệp của anh từ Báo Công an TP.HCM.
Có đến đây mới cảm nhận được sự yêu thương của bạn bè dành cho anh Đoàn Thạch Hãn khi mà thân nhân ruột thịt của Đoàn Thạch Hãn chẳng có ai bên cạnh, chỉ có vài người cháu thì đã chia nhau chạy mỗi người mỗi việc. Anh Dũng Việt Phố, anh Phạm Chu Sa chia sẻ về số phận nghiệt ngã “giữa hai làn nước” của cây bút Đoàn Thạch Hãn mà nếu là người biết chuyện sẽ hiểu và thương anh hơn là trách móc, đố kỵ…
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo kể với người viết về khoảng thời gian ông cùng Đoàn Kế Tường (một bút danh nhưng nhiều người nhầm là tên thật của Đoàn Thạch Hãn), Vũ Hoàng (không phải nhạc sĩ), họa sĩ Đằng Giao cùng làm ở nhật báo Sóng Thần(những năm đầu thập niên 1970), về cuộc hôn nhân đổ vỡ của Đoàn Thạch Hãn với người vợ đầu tên là Triều Giang (hiện sống ở Mỹ)… Chị chủ phòng trà ca nhạc Dã Quỳ cho biết có lần anh Dũng Việt Phố đưa anh đến phòng trà của chị. Khi được giới thiệu, chị ồ lên thích thú vì bà chị của mình từng là phụ dâu trong đám cưới của Đoàn Thạch Hãn. Chị Dã Quỳ có sở thích sưu tầm các thiệp cưới, và chị đã giữ cái thiệp cưới của Đoàn Thạch Hãn - Triều Giang suốt mấy mươi năm. Khi cầm lại cái thiệp cưới của mình ngày nào, Đoàn Thạch Hãn đã khóc nức nở, bất kể có nhiều người chung quanh… Xem ra, hạnh phúc gia đình đã rời xa Đoàn Thạch Hãn từ lâu lắm rồi và anh cô đơn trong chính ngôi nhà của mình ở Bình Trưng Đông (quận 2, TP.HCM)…
 
Chân dung nhà báo Đoàn Thạch Hãn
Rồi bạn bè tự động đứng ra lạc quyên, mỗi người một chút để làm lộ phí đưa anh về Quảng Trị. 9 giờ, thi hài anh được đưa ra cho bạn bè nhìn lần cuối, nhiều người bật khóc... Ca sĩ Cẩm Vân vừa khóc vừa đặt tay lên người anh như thầm khấn nguyện. Anh Phạm Chu Sa nói với bạn: “Thôi mày cứ yên tâm thanh thản ra đi, bạn bè ai cũng thương cũng quý mày hết. Vợ tao mới mua cho mày hộp sữa dành cho người bệnh tiểu đường, chưa kịp đưa…”.
Thể theo yêu cầu của bạn bè, linh cữu của anh Đoàn Thạch Hãn đã được quàn lại chùa Xá Lợi (89B Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM) đến ngày 5.9 để bạn bè đồng nghiệp và những người quen biết anh đến viếng, bởi Sài Gòn là môi trường hoạt động của anh lúc sinh thời, chứ nếu gấp gáp đem về Quảng Trị thì... anh cô quạnh quá!
Với Báo Thanh Niên, Đoàn Thạch Hãn là chỗ thân tình. Khoảng vài năm trước, khi bút lực của anh còn sung mãn, hầu như chương trình Duyên dáng Việt Nam nào anh cũng có những bài viết, phân tích sâu sắc và đầy trách nhiệm, rồi khi một vài văn nghệ sĩ lão thành qua đời, anh cũng tham gia những bài viết sâu nặng nghĩa tình…
Thôi, anh đi thanh thoát nhé, anh Hãn ơi ! Tiễn anh về quê mẹ Quảng Trị, xin mượn những câu thơ của chính anh: “Hẹn về cạn chén cùng xuân/ Cho quên mấy thuở trầm luân giữa đời/ Đốt nhang quỳ tạ đất trời/ Tìm trong nắng cũ một thời hồn nhiên/ Muốn về lại chốn đầu tiên/ Thoát từ giọt máu ra miền khổ đau…” (Khúc mùa xuân - Đoàn Thạch Hãn).
Đoàn Thạch Hãn tên thật là Đoàn Văn Tùng, sinh ngày 10.4.1949 tại làng Đông Dương, xã Hải Dương (Hải Lăng, Quảng Trị). Lưu lạc vào phương Nam từ năm 1962. Bắt đầu viết từ năm 1965 với các bút danh: Đoàn Kế Tường, Đoàn Thạch Hãn, Đoàn Thiên Lý, Đoàn Nguyễn, Cỏ Hoang… Trước năm 1975 viết cho tuần báoĐời, nhật báo Sóng Thần... Sau 1975, tiếp tục nghề báo, công tác tại báo Công an TP.HCM. Tác phẩm: Mùa hoa phượng (thơ, 1971), Ngày dài trên quê hương (ký, 1972), Lòng ta là rụng ven đường (thơ, 1974), Ảo vọng (truyện ký, 1989)… Anh từ trần lúc 4 giờ ngày 3.9.2014, thọ 65 tuổi.
                                                                   Hà Đình NguyênẢnh tư liệu: Đinh Thanh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét