Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

CHUYỆN ĐẦU TUẦN - TƯỞNG NIỆM 41 NĂM VỤ THẢM SÁT SƠN MỸ...

Những số phận
SƠN MỸ
(Tưởng niệm 41 năm

vụ thảm sát Sơn Mỹ 16.03.1968)

Đúng ngày này cách đây 41 năm,ngày16-3-1968, nhằm ngày 18-2 Mậu Thân, chỉ trong vòng bốn giờ, 504 người dân Sơn Mỹ đã bị thảm sát bởi một đại đội lính Mỹ. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 16-3 dương lịch người dân lại đến xã dự một buổi lễ chung; rồi ngày 18-2 âm lịch lại đứng trước bàn thờ nhà, đối diện với nỗi đau riêng của mình.

Năm 1998, lần đầu tiên trong vòng 30 năm, ngày 16-3 dương lịch lại trùng với 18-2 âm lịch. Nhang khói lại âm thầm lan ra trong từng ngõ xóm.
Thư - 24 tuổi, sinh viên Sư phạm Huế, khoa Anh - bắt đầu công tác ở khu chứng tích Sơn Mỹ kể từ hai tháng nay. Thư kể người Mỹ đầu tiên mà cô hướng dẫn đã bật khóc hu hu. Hai lần người Mỹ này ngồi vào bàn định viết vài dòng cảm nghĩ nhưng cả hai lần anh ta đều khóc. "Tôi xấu hổ vì những đồng bào của tôi", anh nói, rồi hỏi Thư: "Người dân Sơn Mỹ còn căm giận lính Mỹ, căm giận nhân dân Mỹ không?". Thư an ủi: "Sơn Mỹ không bao giờ quên những người lính Mỹ đã giết cha, mẹ, anh, em họ. Nhưng trong buổi sáng hôm ấy cũng có những người Mỹ tốt; nếu không có những người tốt đó, thế giới đã không biết tới tội ác này".
Sáng 8-3-1998, chị Thao - một hướng dẫn viên kỳ cựu của bảo tàng - dẫn chúng tôi xuống xóm Thuận Yên. Bà Trương Thị Lê - lúc xảy ra vụ thảm sát bà mới 38 tuổi - kể lại rằng: "Sáng hôm đó, chưa kịp ăn uống gì thì Mỹ đến. Mỹ đến xóm này thường. Mọi ngày vẫn cho kẹo, xoa đầu trẻ con, nên chúng tôi cũng không để ý. Nhưng...".
Herbert Carter, một lính Mỹ đã tự bắn vào chân để khỏi tham gia cuộc thảm sát, nhớ lại: "Tôi thấy một cụ già đứng giữa ruộng lúa vẫy tay thân thiện. Nhưng lính Mỹ hạ sát ngay. Tôi chẳng thấy một Việt cộng nào cả, chỉ toàn những nông dân chạy ra khỏi túp lều, bị đốt và bị bắn chết". Bà Trương Thị Lê hôm đó bị dẫn ra bờ mương, và khi lính Mỹ bắt hơn một trăm người dân cứ đứng lên, ngồi xuống, thì bà nhìn thấy những họng súng. Bà Lê không đứng lên, bà ôm đứa con trai sáu tuổi nằm gí sát xuống bờ mương. Súng nổ. "Nhờ có ba xác chết đè lên, mẹ con tôi mới thoát". Hôm đó, ngay chỗ bà Lê có 102 người bị thảm sát. "Chôn tập trung, không chiếu đương gì cả". Bà Lê khóc, dù đã 30 năm, dù bà đã kể câu chuyện này hàng trăm, hàng vạn lần.
Buổi sáng hôm đó, trên vùng trời Sơn Mỹ còn có chuẩn úy Thompson. Hugh Thompson bay trên một chiếc trực thăng được phái đi tìm "vixi". Qua một ruộng lúa, Thompson thấy một phụ nữ bị thương bèn bắn pháo hiệu xin cứu cấp.
Trung uý William Calley kẻ chỉ huy vụ thảm sát Sơn Mỹ
Nhưng, lính Mỹ mặt đất chạy tới không những không cứu cấp mà còn xả súng bắn chết người phụ nữ kia. Thompson lượn thêm một vòng thì thấy một nhóm khoảng mười người Việt đang bị gom lại. Một tốp lính Mỹ đang dự định giết họ. Thompson ra lệnh cho xạ thủ Lawrence Colburn chĩa súng máy vào bọn lính Mỹ và "bắn ngay nếu lính Mỹ nào bắn vào dân làng". Sau đó Thompson gọi một trực thăng khác tới đưa những người dân này đến nơi an toàn.
Bà Phạm Thị Nhành, lúc đó 14 tuổi, kể: "Bị đưa lên khỏi hầm tôi cứ sợ

bị hiếp, nên lấy đất trét lên mặt. Khi bị đẩy lên trực thăng tôi lại càng sợ, cứ khóc hu hu". Bà Nhành nói thêm: "Tôi không chịu lên trực thăng, cứ nghĩ là chúng xúc đổ ra biển. Nhưng người lính Mỹ trắng cứ cố đẩy lên rồi đóng sập cửa lại. Khi lên đến Trường An trực thăng hạ xuống, người Mỹ ra hiệu cho chúng tôi đừng quay lại nơi lính Mỹ đang bắn giết". Chúng tôi nói với bà: "Người Mỹ ra lệnh cứu bác hôm đó là ông Thompson, ông ấy sắp tới đây". Gương mặt của bà Nhành sáng lên: "Tôi phải cám ơn ông ấy. Chính ông ta đã cứu mạng chín người chúng tôi".
Cũng sáng hôm ấy, trên đường trở về, một người lính của Thompson là Glenn Andreotta nhìn thấy trong đống xác người bị giết một cái gì ngọ nguậy. Thompson ra lệnh hạ xuống và họ tìm thấy một bé trai "khoảng ba tuổi" mình mẩy đầy máu nhưng còn sống. Đứa bé được đưa về thị xã Quảng Ngãi. Thực ra bé trai lúc đó đã sáu tuổi nhưng bị còi. Tên cậu ta là Đỗ Ba.
Bà Nga, cô ruột của Đỗ Ba, kể: "Trong vụ thảm sát đó, mẹ và hai em của Đỗ Ba bị giết chết. Cha Đỗ Ba, tháng 4-1975 là tù chính trị được đưa từ Côn Đảo về, nhưng ông chết bệnh chỉ sau đó vài tháng. Đỗ Ba ở với chúng tôi, năm 1979 cháu đang đi học thì có một cán bộ ở trên xuống xin cho cháu nghỉ học, rồi đưa đi Đức, tố cáo vụ Sơn Mỹ và tham dự trại hè. Trở về cháu có tên mới là Đỗ Hòa. Cháu nó có được ít tiền, lại không chịu được đồng ruộng vất vả nên bỏ đi Sài Gòn. Mãi tới tháng rồi, cháu mới gửi thư về nói là cháu phạm pháp nên đang ở trại K2, Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai. Cháu cho biết cuối năm nay sẽ được ra".
Chị Thao, 43 tuổi, quê ở Sơn Mỹ, theo du kích lên rừng từ nhỏ. Sau 1975 chị chỉ học hết lớp 2, tự học hết lớp 12, năm 1984 thi đậu vào Đại học Văn hóa, năm 1988 về quê xin vào làm trong khu chứng tích Sơn Mỹ. Sau đó chị là người phụ trách bảo tàng này. Cũng trong năm 1988, chị Thao hướng dẫn đoàn làm phim Nhớ Sơn Mỹ của người Anh. Những người làm phim cho chị xem những đoạn phim quay cảnh những tên lính Mỹ tham gia vụ thảm sát trở về luôn phải mang theo mình lọ thuốc an thần. Riêng trung úy Calley, kẻ trực tiếp chỉ huy trung đội 1, đại đội Charlie, trung đội bắn giết dã man nhất, cũng đã phải thú nhận với đoàn làm phim: "Tôi có một đứa con gái, mỗi khi nó vấp té, tôi lại có cảm giác như đang thấy những đứa trẻ Mỹ Lai bị bắn gục xuống". Suốt hai tuần liền, chị Thao không lấy một đồng tiền công nào, chỉ xin bộ ảnh gần 100 tấm mà đoàn làm phim thu thập từ Mỹ về những số phận Mỹ Lai.
Trưa 8-3-1998, hàng trăm người dân Sơn Mỹ tụ tập xem một chiếc máy gặt hiệu Yanmar lần đầu tiên được đưa về. Nhưng ở những thửa ruộng khác người nông dân vẫn tay liềm, tay hái, giữa trưa giở cơm nắm ra ăn ngoài đồng. Năm 1997 Sơn Mỹ mới có điện. Cũng trong năm, Nhà xuất bản Văn Học tái bản tập thơ Trẻ con ở Sơn Mỹ của nhà thơ Thanh Thảo (viết năm 1976). Thanh Thảo lại về, và giật mình bởi vẫn còn có bao trẻ em ở đây thất học. Một mình lặn lội vào Nam ra Bắc, Thanh Thảo đi quyên góp tiền để lập một quĩ học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học ở làng quê đau khổ này. (Trước đó năm 1994, báo Tuổi Trẻ đã xây tặng Sơn Mỹ năm phòng học, cấp 52 học bổng, trợ vốn cho 14 giáo viên).
Chị Thao mỗi ngày lại thu thập thêm được một chứng tích mới về Sơn Mỹ. Những tấm ảnh mà chị Thao thu thập được phần lớn do Ronald Haeberle chụp. R.Haeberle là phóng viên ảnh thuộc biên chế quân đội Mỹ. Sáng 16-3-1968, một tuần trước khi R.Haeberle giải ngũ, anh được lệnh đi theo đại đội Charlie. R.Haeberle mang theo ba máy ảnh, hai chiếc của quân đội lắp phim đen trắng, còn chiếc của riêng thì lắp phim màu.
Hơn một năm sau, R.Haeberle công bố những tấm hình này trên tờ Life. Hôm đó Haeberle chụp được cảnh một tốp phụ nữ tụm lại với nhau dưới gốc gòn, gương mặt đau đớn và sợ hãi đến cùng cực. Ít giây sau họ bị bắn chết. Haeberle cũng chụp được cảnh em bé trai Trương Năm 4 tuổi bị thương, anh là Trương Bốn 6 tuổi nằm đè lên che chở cho em. Ít giây sau, lính Mỹ xả súng bắn chết hết...
30 năm sau tôi trở lại thôn Cổ Lũy, nơi đại đội của Medina đã thảm sát 97 người, gặp anh Lương Hùng - 49 tuổi, một dũng sĩ diệt Mỹ, một thương binh còn mảnh đạn nằm bên lá lách. Anh Lương Hùng nhớ lại buổi sáng hôm đó khi từ trong địa đạo Mỹ Khê chạy về, thấy những xác chết ngổn ngang, thấy bà thím dâu Võ Thị Mại nằm trên vũng máu, bên cạnh là đứa trẻ sơ sinh. Anh Hùng kể: "Bà thím tôi sinh hồi 5 giờ sáng, 7 giờ tụi lính tới, hiếp cho đến chết". Cặp mắt anh Hùng dần đỏ hoe, rồi nước mắt, cứ thế, lăn xuống hàm râu tua tủa của anh.
HUY ĐỨC (TT 12- 3-1998)







1 nhận xét:

  1. Nơi đại đội của Medina đã thảm sát 97 người...
    Không đúng như vậy!

    Trả lờiXóa