NHÀ VĂN THẾ VŨ
Thời trai trẻ của chúng tôi
Nhà văn Thế Vũ (Nguyễn Minh Thế) sinh năm 1948 tại Khánh Hoà,mất tại tp Hồ Chí Minh vào đúng giờ Ngọ, ngày mùng 4 tháng Mười Giáp Thân, 15/11/2004.
Anh bắt đầu được độc giả biết đến từ các sáng tác đầu thập niên 1970 của thế kỷ trước, nhất là sau truyện ngắn Những vòng hoa ngụy tín, đăng trên Tạp chí Trình Bày xuất bản ở Sài Gòn cách đây 33 năm (1971), lúc anh 23 tuổi
"...Đầu năm 1972, cuộc tranh cử một mình chiếm ghế tổng thống của Thiệu đã kết thúc, mặt trận đấu tranh đường phố ác liệt hồi gần cuối năm 1971 đã tạm thời lắng lại. Sài Gòn giới nghiêm, hàng loạt trí thức, sinh viên tranh đấu lần lượt bị bắt tại nhà ban đêm, bị giam giữ và chuyển đi một cách bí mật từ nhà tù này đến nhà tù khác. Anh Thế Nguyên cho tôi và Nguyễn Miên Thảo ở lại tòa soạn sau giờ làm việc vì không còn biết ở đâu khác cho an toàn. Anh khoét tường gỗ trên căn gác tòa soạn làm thành một khung cửa sổ nhỏ, để khi có động tĩnh gì phía cửa chính dưới nhà thì chúng tôi thoát qua mái nhà bên kia theo lối cửa sổ ấy. Tôi và Thảo ngủ trên bàn viết. Hằng bữa, hai anh em ra quán cơm xã hội mua vé ăn cùng với những người lao động không có việc làm, những người đương nhiên được xếp vị trí dưới đáy xã hội. Thảo từng tham gia phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế trôi dạt vào, trốn lính bằng những giấy tờ khai sinh luôn luôn mười sáu, mười bảy tuổi. Chúng tôi làm tất cả những việc gì biết làm và cần làm cho Tạp chí Trình Bầy và nhật báo Làm Dân, từ sửa bản in, viết tin bài, đến vận hành máy xén giấy, đếm báo, giao phát hành... Cứ dăm ba hôm Thế Nguyên đưa cho hai anh em tôi chút ít tiền để ăn tiêu qua bữa. Hồi này Thế Nguyên rất nghèo, làm tạp chí đã nghèo, thêm tờ nhật báo nữa, phải lo nuôi anh em thợ in, trả thù lao cho phóng viên, biên tập..., nhiều bữa đến ngày trả tiền công thợ, anh chạy đi xoay tiền từ trưa, tám chín giờ đêm mới về, anh em thợ ngồi trước cửa tòa soạn chờ tiền, anh khất lần khất lữa trông mà xót ruột. Nhật báo Làm Dân ra 4 trang, bị xếp vào loại báo nhỏ, các nhà phát hành không nhiệt tình lắm vì chưa có độc giả, bị chìm dưới hàng chục nhật báo khác đang ăn khách, lại thường bị tịch thu. Dần dần số cộng tác viên thưa bớt đi, chỉ còn lại có ít người gắn bó với nó vì tâm huyết, vì đã từng gắn bó với Tạp chí Trình Bầy những năm qua. Thế Nguyên phải bán dần đồ đạc trong nhà để cứu lấy tờ báo.
Làm ăn thua lỗ, bà cụ anh Thế Nguyên cứ như ngồi trên lửa. Ít lâu sau, khi tôi vào ở tại tòa soạn, bà biết tôi trốn lính, đã nói thẳng vào mặt tôi rằng phải đi nơi khác, tìm việc khác mà làm. Tình hình hết sức căng thẳng, có lúc tôi đã tính quay ra Nha Trang. Thế Nguyên gởi tôi ở tạm chỗ này chỗ nọ, chùa rồi nhà thờ, mỗi nơi vài mươi ngày rồi lại chuyển đi chỗ khác. Nhiều hôm tôi không còn biết ghé vào đâu, Thảo dẫn tôi đi tìm chỗ ngủ ở nhà người bạn này, người quen kia, cốt sao có một chỗ qua đêm.
Mùa hè 1972, những trận đánh lớn nổ ra ở Quảng Trị, Kon Tum, Bình Định, Bình Long, Chương Thiện... Cả miền Nam lên cơn sốt. Chính quyền Sài Gòn tung toàn lực quân sự ra chống đỡ. Nhằm loại trừ những cuộc đấu tranh đô thị có thể nổ ra phối hợp với chiến trường, Mỹ ngụy gia tăng bắt bớ, đàn áp phong trào yêu nước và tăng cường bắt lính đôn quân. Một bữa, Thế Nguyên hẹn một bạn nhà văn đem xe con đến đưa tôi lên trụ sở Thanh niên Lao động Công giáo tạm trú ít ngày, ngẫu nhiên sao chiều hôm đó anh bạn không tới, tôi ngủ lại tòa soạn. Sáng ra thì hay tin trong đêm cảnh sát đã hốt toàn bộ những người ở trụ sở kia. Và chỉ hai tháng sau là tôi gặp lại anh em thanh niên Công giáo ấy trong khu biệt giam ở nhà lao Chí Hòa.
Có một anh bạn học cũ từ thời cùng ngồi ở lớp đệ tam Trường Trung học Võ Tánh Nha Trang, bấy giờ đang làm cho một tờ báo lớn nổi tiếng phản động, đến thăm tôi ở tòa soạn nhật báo Làm Dân. Anh ta rủ tôi sang làm cho báo của anh ta, hứa có chỗ ăn ở an toàn và sang trọng, lương hàng tháng khá cao. Tất nhiên là tôi đã từ chối ngay không hề đắn đo suy nghĩ, và không bao giờ tôi tiếc vì đã từ chối lời mời ấy, kể cả khi tôi bị bắt vài tuần lễ sau.
Thời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn, bên cạnh nhật báo Làm Dân, Thế Nguyên giao cho tôi lo liệu toàn bộ phần sáng tác văn nghệ và chăm sóc chung cho Tạp chí Trình Bầy, mấy anh em ít ỏi còn lại phải tập trung lo cho tờ nhật báo tồn tại. Những số Tạp chí Trình Bầy tôi trực tiếp làm hồi ấy là những số sai mo-rát nhiều nhất, trình bày lem luốc nhất của 42 số tạp chí đã phát hành trước khi đình bản theo sắc luật của chế độ Sài Gòn khi nó đi vào giai đoạn giẫy chết.
Một ngày cuối tháng 5.1972, buổi sáng độ mười giờ. Tôi đang ngồi trong tòa soạn đọc lại bản in thử trang nhất nhật báo Làm Dân thì có một vị đội mũ xám, mang kính đen xuất hiện trước cửa căn gác gỗ, vẻ hơi ngập ngừng. Trong phòng không có ai khác, tôi tưởng đấy là một bạn đọc, lên tiếng hỏi: “Ông cần gặp ai?”. Do dự một chút vị ấy nói: “Anh cho tôi hỏi cái này”. Tôi đứng dậy bước về phía cửa. Đợi tôi đến sát bên, vị ấy mới nói vừa đủ cho tôi nghe: “Đưa xem giấy tờ!”. Tôi nghe một làn hơi lạnh chạy từ gáy xuống cột sống lưng, lan ra toàn cơ thể. Phòng kế bên, mấy anh em thợ in đã nhận ra sự việc, vài người không có giấy tờ hợp lệ bình tĩnh tìm cách thoát thân. Tôi móc túi lấy giấy căn cước. Nhìn người trên ảnh rồi nhìn vào mặt tôi, vị ấy hỏi tiếp: “Còn giấy gì nữa?”. Tôi buộc lòng phải móc túi đưa ra một tờ giấy giả. “Mời anh xuống phía dưới nhà”. Dưới chân cầu thang gỗ đã thấy lố nhố hai ba gã cảnh sát mặc sắc phục.
Chị Thế Nguyên nháy mắt ra hiệu cho tôi lẻn đi ra bằng cửa sau nhưng tôi vẫn thật thà hy vọng vào những thứ giấy tờ mình đang có. Rồi chị còn định dúi vào tay đám cảnh sát một ít tiền lẻ để chúng làm lơ cho tôi thoát thân. Đến phút cuối cùng tôi nhận ra trong đám đông đang vây quanh có Thế Nguyên, Nguyễn Miên Thảo và vài anh em trong tòa soạn nhìn tôi bằng con mắt bất lực. Chúng chở tôi đi bằng xe Honda.
Thảo, rồi Nguyễn Âu Hồng, rồi Nam Đồng và vài anh em bạn bè khác nữa gởi thuốc lá vào cho tôi với lời nhắn: Thế Nguyên đang tìm cách gỡ cho tôi ra. Nhưng làm sao ra được nữa, chúng đã nhận ra giấy tờ của tôi là giả mạo, đẩy tôi sang Tổng nha Cảnh sát. Một tháng sau tôi bị đẩy vào Chí Hòa với tội danh sử dụng giấy tờ giả mạo. Đầu năm 1973, chúng lại đẩy tôi sang quân cảnh tư pháp để làm thủ tục truy tố tiếp tội danh thứ hai: đào ngũ. Rồi quân lao Gò Vấp, rồi trở lại nhà lao Chí Hòa trước khi chúng đẩy tôi lên một chuyến máy bay đưa đi làm lao công đào binh ở chiến trường Kon Tum.
Mượn danh nghĩa là một người bà con vai chú của tôi, anh Nguyễn Ngọc Lương, một người nhiều năm qua từng sát cánh chia sẻ vui buồn với Tạp chí Trình Bầy và nhật báo Làm Dân, người đã đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Tin Văn của Mặt trận Bảo vệ Văn hóa Dân tộc năm 1966, bấy giờ mỗi tuần một lần vào tù thăm nuôi tôi bằng chút tiền ít ỏi mà anh và Thế Nguyên gom góp được. Qua anh, tôi biết tin bè bạn, những cái tin đau xót và hân hoan: Nguyễn Âu Hồng bị đẩy ra chiến trường Quảng Tín; Trần Vạn Giã đào ngũ rồi vào tù, ra lính gác hải đăng ở bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng; Nguyễn Hoàng Thu bị bắt vào quân lao Nha Trang rồi đi lao công chiến trường; Tạp chí Trình Bầy và nhật báo Làm Dân bị đình bản, Nguyễn Miên Thảo viết một bài nhỏ trên số tạp chí cuối cùng nhắc đến tôi rồi biệt tích; Tạp chí Đối Diện tiếp tục ra nhưng chuyển sang bất hợp pháp, in rônéo, lấy địa chỉ tận bên Canada; Nam Đồng thoát ly ra bưng, Thái Ngọc San biệt tích...
Những gì tôi học được trong hơn một năm rưỡi trong các nhà tù thật là không ít, thật là bổ ích hơn cả toàn bộ những điều tôi tích lũy được trước đó."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét