Nhà thơ
CAO THỊ VẠN GIÃ
Nhiều bạn yêu thơ và một số nhà thơ quen biết hỏi tôi về nhà thơ Cao thị Vạn Giã và bài thơ Khúc Ly Đình vì nghĩ tôi cùng một thời trang lứa với chị ,lại nữa tôi có thuộc một vài câu trong bài thơ này.Tình cờ tôi gặp một người bạn cũng là bạn của Cao thị Vạn Giã cho tôi một số thông tin về chị , chép cho tôi nguyên văn bài thơ Khúc Ly Đình và yêu cầu tôi giấu tên.Theo bạn tôi cho biết nhà thơ Cao thị Vạn Giã tên thật Cao thị Ngọc Ân,sinh ngày 15-2-1941 tại Tân Khánh ,Bình Dương-Thủ Dầu Một .Chị đậu tú tài và học Đại học ở Sài Gòn, từng cộng tác với các báo Dân Chủ,Mai,Phụ nữ Ngàn khơi ...
Trong lúc đang sưu tầm về thơ của chị để thực hiện Trang Văn Ngày Cũ thì đọc được trên trang web vinhhao.info một bài viết khá thú vị với nhan đề Cao thị Vạn Giã,xin được trích lại:
"Rất tiếc là tôi chỉ thuộc duy nhất một đoạn thơ ngắn không trọn vẹn của thi nhân này. Ðọc từ cuốn từ điển danh ngôn nào đó, xuất bản trước năm 1975. Bài thơ do đó, không có tựa đề (hoặc là tôi đã quên tựa đề). Mặt khác, cuốn từ điển kia cũng trích chỗ này hai câu, chỗ nọ bốn câu. Khi ráp chúng lại với nhau, tôi tình cờ thấy rằng dường như hai trích đoạn ăn khớp với nhau cho cùng một bài thơ. Nếu bạn nào có thơ của thi nhân này, xin gửi hoặc bổ chính cho.
Xin đọc:
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại buồn về em mang
Tiễn nhau một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm, một hàng lệ mau
Cuộc cờ thế sự binh đao
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn!
Buổi tiễn đưa nơi sân bay. Một ngày mù sương. Lạnh. Không khí mù lạnh làm tăng thêm nỗi tái tê não nề của cuộc phân ly. Chén quan san uống vội. Thời chinh chiến, tiễn đưa nhau, cái gì cũng vội. Một bàn tay nắm. Vội vã. Mỗi người một bàn tay đưa ra--chỉ một bàn tay thôi, không nắm được cả hai tay. Và một giòng lệ rơi thật nhanh. Cơn đau xé lòng được diễn tả bằng những lời, những chữ ngắn, vội. Tưởng chừng có một nỗi nghẹn được nuốt thật nhanh để cố gắng đứng thẳng giữa cuộc phân kỳ.
Người đi có buồn chăng? -- Không biết. Thường thì người đi có một khoảnh trời mới lạ mở ra trước mắt, nếu buồn chỉ buồn ít, hoặc không buồn. Chỉ người ở lại mới buồn nhiều vì vẫn phải sống, phải nhìn những cảnh cũ nhưng đã vắng bóng người quen xưa.
Thôi anh ở lại, buồn về em mang.
Ðó là nỗi buồn chung của những thiếu nữ, thiếu phụ, trong thời binh đao khói lửa. Tiễn đưa người tình đi, dường như là tiễn vào cõi vô cùng. Chẳng biết có còn gặp lại không. Tiễn người đi rồi, trở về, mang đầy một gánh sầu, rồi bắt đầu cho những ngày hồi hộp chờ tin.
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn!
Ngàn sau biết còn! Chấm dấu than (!). Không phải chấm dấu hỏi (?). Giống như một lời xác quyết về tính cách chia ly của thời loạn lạc. Một lời vĩnh biệt giấu bên trong chút hy vọng nhỏ nhoi. Dấu chấm than ấy vừa than, mà cũng vừa hỏi. Xin đọc lại:
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại buồn về em mang
Tiễn nhau một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm, một hàng lệ mau
Cuộc cờ thế sự binh đao
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn!
Không rõ thi nhân này còn bài thơ nào khác không. Nhưng nếu chỉ có duy nhất một bài này thì tưởng cũng đủ lắm rồi. Một đời, một bài thơ hay, chẳng phải ân hận gì nữa."
Xin đăng nguyên văn bài thơ Khúc Ly Đình của nhà thơ Cao thị Vạn Giã như mong muốn của nhiều bạn yêu thơ chị cũng như đáp lại sự mến mộ của người viết bài nhận xét trên.
Thơ
Cao Thị Vạn Giã
Khúc Ly Đình
Tiễn chân anh tận phi trường
Lỗi đi. Lỗi ở. Mười phương lỗi về
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh. Ở lại buồn về em mang
Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm. Một hàng lệ mau
Cuộc cờ thế sự binh đao
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn
Một em trong cảnh hao mòn
Một anh đất khách nhớ tròn tháng năm
Trời Tây rẽ bước âm thầm
Ngàn năm mỏi cánh chim bằng tha hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét