Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

TRANG VĂN NGÀY CŨ - Số 15

Nhà thơ Võ Quê và CLB Ca Huế
Tp Hồ Chí Minh
Nhà thơ
VÕ QUÊ
nặng tình với Huế

Võ Quê sinh ngày 7.3.1948; quê quán: An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế , nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.Võ Quê vừa tên thật vừa là bút danh,còn có các bút danh khác: Sao Khuê, Quỳ Lê .Trước năm 1975,thơ ông đăng trên nhiều tạp chí văn học và các tập san đấu tranh của SVHS trong các phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam
Tác phẩm đã xuất bản : Ngựa ca - thơ, in chung Trần Dzạ Lữ, Trần Bản Thiểm , 1969 ; Chị Sáu - truyện ngắn , 1971 ; Giọt máu ta một biển hòa bình - kịch thơ , 1971 ; Nguồn mạch mới - thơ, in chung Thái Ngọc San , 1971 ; Nhờ ơn câu lý lúa ơi - thơ thiếu nhi , 1975 ; Ngợi ca- thơ , 1993 ; Mười thương em bé - thơ , 1993 ; Khúc tri âm - thơ ca Huế , 2000 ; Thơ một thuở xuống đường - thơ , 2001 ; Lửa đường phố - hồi ký , 2003.

HUẾ ĐÊM

Đi trong đêm Huế xuân này
Gió mùa đông băc gửi heo may về
Trường Tiền hắt bóng vào thơ
Riêng tôi hắt bóng ngẩn ngơ với mình
.
Đi trong đêm Huế lặng thinh
Không gian dường có tơ tình ai giăng
Thời gian đứng lại tần ngần
Đợi ai trẻ lại một lần chờ ai
.
Đi trong đêm Huế hoàng mai
Lắng sâu nhịp phách trang đài tri âm
Lạc nhau trong khúc nam xuân
Thương con hồng nhạn nhớ thầm trao thơ
.
Đi trong đem Huế sương mờ
Trong hương vườn ngự trong khuya nguyệt cầm
Nụ hôm hẹn ướp vào xuân
Lời yêu thắm nét son hồng hoa tiên.
.
Đi trong đêm Huế tìm duyên
Thuyền thơ ẩn hiện lửa đèn sông xa…

GIỮA VƯỜN XANH


Em đưa anh qua những vườn xanh
Nắng óng ánh nắng xuyên vòm lá
Chôm chôm đỏ lung linh sắc lửa
Những ngọn đèn thiên nhiên
.
Em mời anh hương vị sầu riêng
Trang thơ yêu thơm vàng múi nhớ
Có phải từng cuộc tình một thuở
Gặp nhau trong trái sầu riêng?
.
Gió bao dung em tóc rối sợi mềm
Tiếng chim hót gọi chiều xuống chậm
Sợ tan biến phút giây đằm thắm
Ngại mặt trời sớm khuất, hoàng hôn…
.
Lời ca em hòa quyện hương vườn
Điều nhơn ngãi đơm mầm lộc biếc
Giọng nam bộ trữ tình da diết
Nghe mặn mà thanh sắc giáng châu
.
Anh tặng em khúc tương tư sầu
Em đừng trách cái buồn trong câu hát
Buồn là nhớ là trông người ươm hạt
Niềm vui thường qua mau
.
Vườn em xanh cây trái ngọt ngào
Anh thầm hẹn một ngày về chợ Lách
Em cần mẫn con ong hiền luyện mật
Hèn chi người và đất cứ duyên nhau
.
Chợ Lách, Bến Tre
8. 6. 2002

CÓ CON GÁI

Có con gái là có thêm thanh sắc
Trong ngôi nhà bừa bộn của ba
Có con gái là ngọt làn hương mật
Dịu dàng xuân thục nữ nhu hòa

Có con gái vườn quê biêng biếc lá
Gió bao dung xào xạc cây cành
Giọng chim hót gọi ngày đi chậm
Mùa hạ thơm sen trắng trong lành

Có con gái cung đàn ngân muôn điệu
Tiếng dương cầm óng ánh pha lê
Bảy sắc cầu vồng thơ và nhạc
Trái vàng thu tím cúc hương về

Có con gái bếp hồng lên lửa ấm
Chén cơm thơm vị ngọc trời cho
Tóc con gái xanh dòng thơ ba viết
Mưa ngày đông ba thôi âu lo

Có con gái bốn mùa ba hạnh phúc
Nụ hôn vui lên đỉnh trán ngoan hiền
Con gom hết những gì ba yêu nhất
Trời đất trăng sao sông núi thiêng liêng...

Huế, 20.12. 2008.

Thơ lục bát giới thiệu đặc sản Huế

CƠM HẾN

Đã nghe ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành...
Mời anh buổi sáng chân thành món quê

BÁNH BÈO

Tôm chấy hồng thắm cánh bèo
Dẻo thơm bột gạo quê nghèo nên thương
Hẹn em ngồi quán ven đường
Bánh bèo kết mối tơ duyên đôi lòng

BÁNH NẬM
Mảnh mai xanh sắc lá dong
Mềm mại bánh nậm ấm trong tay người
Nhụy hồng bột trắng tươi mươi
Xuýt xoa nước mắm ngọt lời tỉ tê

BÁNH BỘT LỌC

Bột trong bọc thịt tôm hồng
Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu
Bánh ngon nước mắm cay nhiều
Mời anh bữa lỡ ban chiều cùng em


BÁNH PHU THÊ

Lá dừa ôm bột lọc trong
Ngọt ngào thơm nhụy đậu xanh ửng vàng
Phu thê vui chuyện xóm làng
Mừng nhau tác hợp thiếp chàng hòa duyên

MÈ XỮNG

Thơm tho mềm dẻo ngọt ngào
Mè vàng bột nhuyễn ôi chao! Tuyệt vời!

Món quà xứ Huế em ơi
Kẹo ngon mẽ xững tặng người tình chung

TÔM CHUA






Nguyên là đặc sản miền trong
Theo bà Từ Dũ ra cùng Hương Giang
Tôm hồng, ớt đỏ, riềng vàng...
Vị chua thấm lưỡi nhớ hàng thịt phay



NEM HUẾ

Mời em khai vị món nem
Em nem anh chả tình thêm mặn mà
Nem thơm, chua, ngọt đậm đà
Nhờ ai quết nhuyễn thịt thà đêm đêm

CHẢ HUẾ

Mời anh thử miếng chả này
Nâng ly hào sảng hương say tận lòng
Cung đình chả phượng nem công
Đôi ta nem chả vốn dòng dân gian


TRÉ HUẾ


Tai heo, riềng, thính, tỏi, mè...
Các nguyên liệu chính mới nghe đã thèm
Gói trong lá ổi tươi nguyên
Tré cùng nem chả ông ghiền, bà mê

BÁNH ÍT RAM


Mời em ăn ngậm mà nghe
Bánh ram dòn dụm đắm mê vị nhà
Bánh ít mềm dịu tình ta
Ít ram khăng khít đôi ta chung lòng

BÚN THỊT NƯỚNG KIM LONG

Thịt thơm bún trắng rau tươi
Nước mắm ớt tỏi em mời anh chan
Kim Long vườn cũ nắng tràn
Mời nhau "chút Huế" duyên càng đượm duyên

BÁNH KHOÁI CÁ KÌNH

Cá kình vừa béo vừa ngon
Em đổ bánh khoái xương dòn thịt thơm
Vừa ăn vừa nhấp rượu Chuồn
Món quê dân dã tiếng đồn gần xa
.
BÁNH CANH CÁ LÓC THUỶ DƯƠNG

Bánh canh cá lóc Thủy Dương
Đang thành đặc sản phố phường Huế thơ
Sáng trưa chiều tối đêm khuya
Trẻ già trai gái tìm mê vị nhà
.
BÁNH CANH NAM PHỔ

Nhờ em dáo bột tài ba
Bánh canh Nam Phổ nhà nhà đều ưa
Nhụy tôm hồng thắm màu xưa
Tiếng rao thánh thót bài thơ Ưng Bình *
------
* Ưng Bình có bài thơ về Bánh canh Nam Phổ:
Mời chị mời anh chén bánh canh Nam Phổ
Xơi vô bổ khỏe, có chất bổ có mùi hương
Sâm Cao Ly cũng sút, rượu Quỳnh tương cũng không bì
Lại thêm mát mẻ can trường

BÁNH ƯỚT THỊT NƯỚNG KIM LONG


Kim Long tỏa khói chiều thơm
Thịt em nướng đã ướp hương đậm đà
Bánh ướt dẻo trắng mượt mà
Đón mừng thực khách gần xa lót lòng

BÁNH KHOÁI







Bột tôm thịt trứng ửng vàng
Cùng chung khuôn bánh thơm tràn phố đông
Nước lèo rau sống tỏi nồng
Càng an càng khoái càng… không muốn về

CHÈ HẠT SEN

Hạt sen vừa bổ vừa thanh
Tan trên đầu lưỡi ngọt lành hương xưa
Chè sen mời gọi người thơ
Mát lòng du khách ngẩn ngơ bạn tình

CHÈ BỘT LỌC BỌC THỊT QUAY







Ngọt ngào bùi béo tìm nhau
Thịt quay nằm giữa trắng phau bột mềm

Quen nhau tình đã nên duyên
Chè ngon xứ Huế ngỡ quên đường về

CHÈ ĐẬU NGỰ

Thức ngon xưa tiến quân vương
Tinh hoa trời đất đượm hương kinh thành
Chè đậu ngự mát và thanh
Đêm, dâng chén ngọc an lành châu thân


Người Huế đón Xuân

Mùa xuân về, bên cạnh những thú vui mang bản sắc văn hóa, người dân Huế còn thưởng xuân bằng nhiều cách khác nhau: Người say mê âm nhạc cổ truyền thì thả hồn theo điệu đàn tuyệt kỹ, giọng ca Huế trữ tình với hình ảnh phong hoa tuyết nguyệt, với sao trăng sông nước bằng tâm trạng rạo rực chào xuân hay man mác cảm hoài khi ngắm cảnh sinh tình. Người ham mê võ thuật thì đến với những xới vật mùa xuân tìm cảm giác mạnh hứng khởi xuân tươi. Người chí thú với những giá trị tâm linh mang dấu ấn thiêng liêng một thời khai canh, mở đất thì tìm về lễ hội tín ngưỡng dân gian... Từ những góc nhìn ấy mà bài viết nầy xin trang trọng mời bạn vui xuân cùng Huế.

CA HUẾ
Nghệ thuật ca Huế vốn đã từng kén chọn không gian biểu diễn (tịch bất chỉnh bất đàn), thời gian (hoàng hôn bất đàn), thời tiết (phong vũ bất đàn), người thưởng thức ca Huế cũng phải là người chuẩn mực, trang nghiêm (Y phục bất chỉnh bất đàn), là tay sành điệu mang tính tri âm, tri kỷ (nhân bất thính bất đàn). Giữa mang mang thanh khí đất trời, trong sắc xuân muôn hồng ngàn tía, ca Huế theo tiết xuân lan tỏa, ngân nga, thấm sâu cái tình dào dạt những hòa âm đẹp, vi tế, thuần khiết, cao nhã, sang trọng đang được chắt chiu, nâng niu, gìn giữ: Mùa hoa nở, nước non càng ngời xanh. Khiến tâm hồn khinh khoái. Xuân gấm thêu ước dệt biết bao tình. (Long ngâm - Vui xuân thanh bình, Thanh Tùng).Giá như được dạo thuyền đêm Nguyên tiêu thì lại càng kỳ ảo, người và thiên nhiên là một, xuân tứ càng dâng: Dạo thuyền lúc gặp trăng. Nước trong ngần một hồ băng. Lời gió rụng động muôn rừng. Khi nước mây một vần. Nào là người quen biết. Bóng trăng xa lại gần...(Phẩm tuyết - Dạo thuyền lúc gặp trăng).
Từ mạch nguồn sinh động của quê hương, trong làn khói hương trầm và hương hoa trang trọng, những làn điệu ca Huế bay bổng, dập dìu hơi thở xuân thì xứ sở gợi cảm, gợi tình. Cảnh quan, non nước Hương Bình từ đó được nghệ thuật âm nhạc truyền thống thăng hoa. Giọng hát cung đàn đan thanh hòa quyện với thiên nhiên cẩm tú muôn phương và muôn thuở.Chỉ một đóa hoàng mai cũng trào dâng tứ xuân ca: Tiếng nguyệt cầm lên khoan nhặt, lòng thắp sao trời. Lung linh đêm dài, sáng đường vui. Xuân lai láng, Năm tháng xuân hoài. Tình say, nhạc đời say.Hiên ngoài một cánh hoa nở cho đời. Gởi bên lòng mộng lành ngày xuân, sắc trời xanh trong...Mây vờn qua núi xuân mãi xuân tình... (Cổ bản - Một bài ca xuân).
Đến với Huế trong những ngày xuân. Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu...du khách trong và ngoài nước không thể không thưởng thức ca Huế được tổ chức theo dạng thính phòng hoặc du thuyền trên sông Hương. Trong khung cảnh thiên nhiên trữ tình, thơ mộng, nhất là những đêm trăng sáng, làn đông phong nhè nhẹ, êm đềm gợn sóng, mờ ảo sương sa. Hương Giang với vẻ đẹp kỳ ảo được hòa thanh vào cung bổng cung trầm réo rắt và lời ca nữ điệu nghệ ngân êm dễ làm say đắm lòng người: Tiếng ca mềm em trỗi một mầm xanh. Lời ca gọi vầng trăng. Níu ngàn sao bay xuống với đời xanh, bóng đêm xa dần...(Tứ đại cảnh - Lời ca gọi vầng trăng).
Thuyền nhẹ nhàng trôi, dưới nước trên trăng. Những giai điệu đàn khách, nam, hơi dựng, hơi xuân, vui buồn cùng lời ca thanh thoát, khoan thai giàu bản sắc Huế thường tạo cho người nghe một mối đồng cảm tương giao với người biểu diễn; với thiên nhiên và con người Huế trầm lặng mà hiếu khách, dịu dàng mà đắm say. Sự đắm say nghệ thuật của một miền đất văn vật được tiếp truyền từ dĩ vãng và lưu giữ, chuyển tải đến hôm nay.
Giữa mùa xuân đẹp cảnh, sinh tình, dòng sông Hương, con thuyền ca đang đón đợi những tâm hồn đồng điệu. Xin trang trọng mời người!


HỘI VẬT LÀNG SÌNH
Từ quan niệm “một linh hồn minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”, tinh thần thượng võ cũng là điều mà người dân Huế thường quan tâm hướng tới mà tiêu biếu là Hội vật làng Sình trong những ngày đầu xuân mới
Như đã thành lệ, hàng năm cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, làng Sình, - tên chữ là Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế - một ngôi làng nằm bên hữu ngạn, phía hạ lưu sông Hương lại diễn ra hội vật. Dân gian Thừa Thiên Huế quen gọi là Hội vật làng Sình. Hội vật làng Sinh bên cạnh yếu tố tâm linh, mang giá trị truyền thống dân tộc còn được thể hiện ý chí mong muốn người dân Lại Ân luôn sung sức, khỏe mạnh, rèn luyện cho đàn ông, thanh niên làng được cường tráng cùng đức tính dũng cảm, tự tin, giàu có niềm tự hào quê hương, xứ sở; làng mạc thanh bình, yên ổn, ruộng đồng tươi tốt, ngành nghề phát triển - Lại Ân còn nổi tiếng với giòng tranh tín ngưỡng: Tranh làng Sình.
Ngày diễn ra hội vật mới thật sự là ngày người dân làng Sình ăn Tết. Cùng với xới vật, nơi hội tụ đông đảo đô vật của nhiều vùng đất võ về là sự hiện diện nhiệt thành của ông già bào lão, của nam thanh nữ tú, tuổi thơ từ thành phố Huế, từ các vùng phụ cận về trẫy hội. Mơn man gió sông Hương tràn sắc nắng. Trống làng vang giục giã tứ phương về. Cờ xí rợp sân đình cao xới vật. Người chưn người áo nối cạnh thâm the... Do xới vật nằm bên bờ sông Hương nên thuyền bè cũng tấp nập vào ra, rộn ràng tiếng nói cười du khách. Trước sân đình làng Lại Ân cờ xí phần phật bay trước gió sông Hương. Vui nhất là từ hôm trước và trong ngày diễn ra hội vật, các điểm trò chơi dân gian cũng đã thu hút nhiều khách xuân đến cùng chơi. Đồng thời, khắp nơi trong làng nổi lên hình ảnh các mệ, các o tất bật luôn tay trong các hàng quán cơm hến, bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bán bột lọc, bánh ướt, bánh ram ít, bánh tét, cháo lòng, bánh canh, chè... để làm vui lòng thực khách. Đến với đất võ mà không “thời” vài món đặc sản Huế thì chuyến du xuân về làng Sình làm sao trọn vẹn. Ngày hội vật làng Sình luôn sống động. Mái đình xưa truyền thống một đời dân. Con thuyền trôi giọng hò ngân sóng nước. Trai thượng đài gái trây hội mùa xuân...


LỄ HỘI CẦU NGƯ
Mùa xuân Huế, còn có một lễ hội khác mang tính cách tín ngưỡng dân gian nhưng không kém phần sinh động, giàu thanh sắc, hương xuân. Đó là Lễ hội cầu ngư tại làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm suy tôn vị Thành Hoàng của làng là ngài Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), gốc Thanh Hoá, là người có công dạy cho dân làng Thai Dương nghề đánh bắt thủy hải sản và nghề buôn bán ghe mành, ngư cụ để đem lại sự no ấm, sung túc, thịnh vượng cho dân làng. Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ bao gồm các nội dung sinh động, nhiều màu sắc dân gian như lễ tế thần linh, tri ân các bậc tiền hiền, lễ cầu ngư và lễ hội đua trải. Lễ tế thần diễn ra khoảng 2 giờ sáng ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Một bài văn tế được dâng lên các vị thần linh và các bậc tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, đánh bắt cá được mùa, dân làng no ấm, sung túc, thịnh vượng mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc. Đêm cầu ngư rộn rã trống chuông. Đình Thai Dương hương trầm nghi ngút. Cờ xí rợp gió lên phần phật. Khuya thiêng liêng giao cảm đất trời.... Khoảng 4 giờ sáng lễ chánh tế kết thúc.
Tiếp sau đó là phần hội cầu ngư. Có nhiều màn hoạt cảnh mô tả những sinh hoạt nghề biển. Trò diễn "bủa lưới" là màn diễn về nghề mang đậm tính chất lễ nghi. Tiếp theo trò bủa lưới bắt cá là màn trình diễn của các ngư dân bán thuỷ hải sản cho các "bà rỗi" (người bán cá) đang chờ sẵn. Màn mua bán kéo dài khoảng hơn một giờ.

Dô ta nào !
Lưới bủa nơi nơi
Dô ta nào !
Lưới câu giăng thả
Nào nhám, nào thu, nào ngừ ... đủ cả
Nào mực, nào tôm, nào vọ ... đầy thuyền

Chương trình ngày hội được tiếp tục bằng cuộc đua trải trên phá Tam Giang. Cuộc đua mang ý nghĩa cầu cho no ấm, vừa được mùa cá, vừa được mùa lúa, thoả mãn ước vọng no ấm của cư dân; đồng thời thế hiện sức mạnh của người dân biển trước đại dương bao la:

Dô ta nào !
Thuyền ta ra khơi
Sóng biển xuân hồng hào sức trẻ
Dô ta nào !
Thuyền ta mạnh mẽ
Lướt đại dương mở hội trùng dương
Lễ hội Cầu Ngư đúng là ngày hội của cả cộng đồng người quê biển, vừa dào dạt lòng yêu nghề, tràn đầy nguồn lạc quan trong cuộc sống vừa chứa chan hy vọng giữa mùa xuân. Lễ hội là nguồn cổ vũ cho ngư dân có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề biển nước mênh mông, gió to sóng cả. Hội cầu ngư thành nét xuân tươi. Hồn dân tộc đơm mầm trỗ lộc. Mừng bội thu ngư dân mình đậm da xanh tóc. Mặt trời lên từ phía Thai Dương...









.































1 nhận xét:

  1. Bài thơ Có Con Gái, là bài mà Ba Võ Quê, người Ba tinh thần đã viết cho cháu đấy! Hôm nay mẹ Kiều đã ra đi về cõi Vĩnh Hằng...con lại nhớ đến Ba, đến mẹ đến bài thơ Ba viết tặng!

    Trả lờiXóa