Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

TỪ HOÀI TẤN ĐỌC CAO THOẠI CHÂU - TỪ HOÀI TẤN

Từ Hoài Tấn đọc Cao Thoại Châu *
Tôi vẫn nhớ hoài cái cảm giác bổi hồi rung động lạ kỳ khi đọc bài thơ “ Để nhớ lúc Trâm xa” của nhà thơ Cao Thoại Châu năm 1969, lúc ấy tôi đang ở Kontum, những ngày tháng nghỉ ngơi trước khi về Sài Gòn lao vào một cuộc sống mới.
Hình như tôi vừa tiễn một người
Có điều gì mất đi trong tôi
Lúc qua đèo tôi nhủ mình như thế
Lệ có bào mòn núi cũng không nguôi
(Để nhớ lúc Trâm xa – trang 36)
Gia đình tôi lên lập nghiệp ở Kontum từ năm 1961 – có 2 căn nhà ở Khu Võ Lâm, đường Đống Đa. Tôi thường đi máy bay DC-3 của Hàng Không Việt Nam vào thăm nhà mỗi dịp hè (thời chiến đường bộ và đường sắt không an toàn).  Năm 1969 đối với tôi là một năm ghi dấu mốc quan trọng. Tôi 20 tuổi và quá tuổi để vào Đại học theo luật Tổng động viên thời đó và trong tình trạng chở nhập ngũ.
Tôi đọc bài thơ của Cao Thoại Châu trên đường từ Kontum vể Pleiku chơi (bằng xe gắn máy với 1 người bạn), uống cà phê ở quán Dinh Điền, trong tâm trạng đồng cảm : vừa chia tay một thời đi học đầy mơ mộng với mối tình nhiều nhung nhớ.
Tôi biết anh Cao Thoại Châu qua những bài thơ trên tạp chí Văn hồi đó, tôi cũng có một đôi bài được chọn đăng ở đây, mặc nhiên trong tâm tưởng đã có lòng yêu mến. Sau này khi gặp anh ở Sài Gòn (cũng mới cách đây vài năm) mới biết ngoài tình thân hữu văn nghệ còn có mối quan hệ về quê hương (bà xã anh là người cùng quê với tôi : làng Chuồn, Thừa Thiên Huế)
Sáng thứ bảy 28/9/2013 tôi gặp lại nhà thơ Cao Thoại Châu sau nhiều tháng, nhân buổi tưởng niệm nhà thơ Kim Tuấn đã mất được 10 năm. Anh tặng tôi tập thơ “Mời em uống rượu” ra cùng lượt với tập thơ của bạn tôi : Nguyễn Miên Thảo, thơ tình. Trong thời gian này tôi cũng mới vừa in xong tập thơ “Phục hưng tôi & em”.
Không hẹn mà gặp, tất cả những bài thơ trong ba tập thơ của chúng tôi đều được sáng tác trước năm 1975.
Có phải là lưu luyến và thương tiếc cái quá khứ ấy chăng ? Chắc chắn đối với chúng tôi là không phải.  Đã nửa thế kỷ làm thơ, sinh hoạt văn nghệ qua những thời kỳ của đất nước, dù sao mỗi người chúng tôi cũng có chút ít tên tuổi trong lòng bạn bè, bạn đọc yêu mến. Không cần thiết phải tạo dựng lại danh vọng như ‘tuồng hư ảo”  ấy. Chỉ là một dấu ấn – ghi lại một quãng đời đẹp đẽ – tuổi trẻ của chúng tôi.
Có những đêm trường gợi tiếc thương
Có ta lấy tóc đếm ưu phiền
Có ta nâng trái sầu chin rã
Có lệ ta hòa chung hơi men
(Mời em uống rượu, trang 55)
Tuổi trẻ của chúng tôi giữa một thời chiến loạn lạc, mỗi đứa một số phần, mang nỗi buồn chung của nhân thế “ Cũng có đau thương làm vui bạn nhỏ” hay  có đời ta là quán cô hồn”
Một giai đoạn của lịch sử - và chúng tôi không thoát ra khỏi vòng xoáy ấy. nhưng trên tất cả là niềm vui sáng tạo – thơ - giải phóng và làm thăng hoa cuộc đời của những người tuổi trẻ chúng tôi giữa một thời chiến tranh không thể tránh khỏi.
Đề cho đến bấy giờ nó vẫn còn nguyên là ngọn lửa - và thơ như sự tìm kiếm miệt mài trong cô đơn của người sáng tạo. Bởi làm thơ là cách thể hiện nỗi cô đơn (?).
“ Và ta lại ra đi
Không phải kiếm một nửa nào chi hết
Trong những thứ bày ra trên mặt đất
Ta đi kiếm mình, kiếm mỗi một ta thôi !
( Vô định hành, trang 100)
"Từ Hoài Tấn đọc Cao Thoại Châu"
Đó là dòng đề tặng của anh Cao Thoại Châu trên trang đầu tiên của tập thơ.
Và tôi đọc thơ anh.
Như cảm xúc cách đây gần năm mươi năm cùng với chiếc xe mobylette xanh trên đường từ Kontum về Pleiku những năm thời chiến:
Có ta trong một toa tàu trắng
Tỉnh rượu nắm nô rỡn một mình
Có em còn đứng sau khung kính
Có nỗi buồn gởi một toa riêng
26/12/1968
(Mời em uống rượu, trang 57)
Cám ơn anh Cao Thoại Châu
TỪ HOÀI TẤN
Sài Gòn giữa tháng 10/2013
*Mời em uống rượu, thơ Cao Thoại Châu, Bìa và phụ bản Đinh Cường, NXB Hội Nhà Văn 2013, 112 trang, Giá bán 80.0000 đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét