Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

THUỞ THANH XUÂN CỦA TỪ HOÀI TẤN - VŨ TRỌNG QUANG






Phục Hưng Tôi & Em (*) có thể xem như tập thơ đầu tay của nhà thơ Từ Hoài Tấn, đầu tay theo cái nghĩa những ngày đầu mới làm thơ, dẫu rằng trước đó tác giả đã có hai tập thơ in riêng và nhiều tập thơ in chung khác; những bài thơ khởi thủy có mặt khi tác giả còn vô danh nhưng mong ước trở thành nhà thơ. Đây là tập hợp những hoài niệm từ mấy trăm bài thơ chép tay, chọn lọc những bài ưng ý thành một tập có con số rất đẹp là 99 bài, được chia làm ba phần; Phần 1: Bão vọng; phần 2: Hãy lay tình thức dậy; phần 3: Ngợi ca mây trắng; cẩn thận ghi chú xuất xứ năm dưới tất cả những bài thơ.
Phục Hưng Tôi & Em, cũng có nghĩa phục sinh những bản thảo cũ, phục sinh những năm đẹp đẽ của tuổi học trò, phục sinh năm tháng khi còn tập tành trong bút nhóm, trong thi văn đoàn khoảng năm 1967 – 1974, một khởi đầu manh nha nhưng gieo & mở hành trình văn chương sau này:
 “ Dẫu yêu em một ngày
    Bằng cả quảng đời sau đó “ (**)


Những bài thơ trong sách đa phần thể thơ tự do, những người trẻ khi bắt đầu cầm bút thường chọn thơ tự do, có nghĩa chọn  xuất phát điểm mạnh mẽ, tâm thức thoải mái trong thể loại tự do thuận lợi trong việc bày tỏ ý tứ và tinh cảm, không bị gò bó bởi luật lệ khuôn mẫu; và đây cũng là sở trường dài hơi của Từ Hoài Tấn.
Có thể thơ có giọng điệu kể lể bolero nhưng không sa vào “ái tình diễm lệ”, những người mói cầm bút hay vướng đến, có bài còn dễ dãi dàn trải trùng lấp, lập lại, sợ không nói hết ý, có bài tuy hồn nhiên lại ước muốn điều lớn lao:
  “ Ta vác thập tự qua mấy nghìn năm tìm đât trú “
Không sao, đó là điều tất yếu hiện hữu trong tuổi mới lớn , tuổi chớm biết yêu; tác giả bài viết này khi xưa còn “ái tình diễm lệ” dễ liệm hơn nữa kìa.
Nhưng cái tuổi mười bảy dậy thì ấy:
   “Em vừa tròn mười bảy
     Ngát mùa trăng niên thiếu rất nồng”
  “Mưa của mùa mưa thơm của gái”
Lại có những câu thơ lạ lẫm:
   “Có một thời xuân chim báo bình nguyên
     Bay về núi non tự tử”
   “Ai để cánh tay trần
    Bên ngoài miệng vực”
 Hoặc:
  “Đường em áo ngại những mưa đời”
 Những câu thơ ấy là một dự báo sung sức cho một tên tuổi Từ Hoài Tấn.
Dẫu rằng nghi vấn về “Thời xuân xanh còn không”, dẫu tóc xanh không còn, cũng không quên “Lòng em thơm quá khứ”.
 Bây giờ tóc qua thời chớm bạc, đến ngoài  sáu mươi năm cuộc đời, lòng mình không thôi ám ảnh:
 “Đốt thuốc lòng sầu thương cháy đỏ”
 Nồng cháy như thế, bùng cháy đam mê như thế, cũng phải:
 “Sớm mai qua cầu gió xé”      
 Một tiếng kêu xé lòng, tiếng kêu đau lòng, đành vẫy tay qua cầu ra đi về phía bên kia.
 Khao khát theo tiếng gọi của văn chương, bởi :
  “Đã quen hơi gió của ra đi”
-------------------------------
 Trở về quá khứ như một ghi nhận chứ không phải trở về để hoài niệm hoài, nói quyết liệt hơn trở về không phải để từ bỏ hình thức mà từ bỏ nội dung.
 Bài thơ có tựa “Buổi chiều cuối năm trên một chuyến xe buýt”, chàng đã đi trên xe buýt đầu đới ấy, đã đau đáu khi lòng đã vắng; nhìn lại nhưng  không thể quay lại. Tình yêu hôm qua vẫy tay như chuyến xe buýt, khi đã rời khỏi bến đợi thì không nên hú gọi chạy theo,  phải chờ một buýt khác, phải sang trang khác. Thơ phải khác.

Vũ Trọng Quang

(*)  Nxb Hội Nhà Văn phát hành trong tháng 10/2013.
Bìa: Lê Ký Thương. Phụ bản: Lê Ký Thương, Thân Trọng Minh, Lê Thánh Thư
Tập thơ được bày bán tại Nhà sách Hà Nội số 245 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. TPHCM
(**) Những câu in nghiêng là thơ Từ Hoài Tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét