Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

VỊ TƯỚNG THIÊN TÀI VÀ BÌNH DỊ

Chiều ngày 4.10.2013,vị tướng thiên tài Võ Nguyên Giáp,người Cộng sản chân chính duy nhất còn  lại đã ra đi.Tuyển tập thơ văn xin đăng những tư liệu chưa hẳn ai cũng  biết, nói về một khía cạnh khác của một con người đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

 MÁI NHÀ XƯA

Trước nhà Đại tướng có hàng chè cắt tỉa đặc trưng của vùng Lệ Thuỷ - Ảnh: N.T.T

              Cụ Võ Thuần Nho (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - em trai Đại tướng) trong phác thảo phục chế vườn nhà Võ Nguyên Giáp có phần đất ghi: trồng “hoa kẻ trộm”, cả huyện Lệ Thủy, dân kiến trúc, dân xây dựng chịu chết không luận ra được hoa gì là “hoa kẻ trộm”, hóa ra đó là hoa mười giờ theo cách gọi cũ của người làng ông.
           Mỗi lần về làng, nhìn con sông Kiến Giang tôi có cảm giác như nhún người một cái là nhảy qua được. Nhưng hồi nhỏ, bên kia sông, làng ông Giáp, nhà ông Giáp là cả một chân trời xa lạ. Các bến sông đối diện nhau. 6 tuổi, chúng tôi cũng thử bơi sang nhưng mới tới giữa dòng đã lập tức thối lui vì bị bọn trẻ làng ấy tấn công bằng đất, đá. Nhưng tới một ngày hè chói chang khi tôi kịp qua tuổi thứ bảy, thì không một sức mạnh nào ngăn cản được chúng tôi vượt sông. Đầu hè năm 1959, dân một nửa huyện nườm nượp kéo về vùng Kiến Giang để đón Đại tướng lần đầu tiên về thăm quê. Và chừng 10 giờ 30 phút sáng là lúc trẻ con sông nước bắt đầu nóng lưng kéo nhau nhảy tùm tùm xuống bến. Bên kia sông xôn xao lên, có những chiếc xe chạy chậm len lỏi giữa dòng người đang đứng kín đặc ven đường, ven sông. Trong tư thế Adam nguyên sinh, chúng tôi lồng qua sông như những chú nghé con, chạy sấp ngửa lăn lộn theo đoàn người cố sống cố chết chen tới gần những chiếc Com-măng-ca mui trần đang chạy rất chậm. Nắng gắt, tôi nhìn thấy một mảng áo quân phục màu xanh rêu, cái gáy đầy đặn mướt mồ hôi thít chặt bởi vành mũ kê-pi, một cánh tay gấp thước thợ, năm ngón tay duỗi thẳng đặt ngay ngắn trên vành mũ. Tất cả chỉ diễn trong khoảng 3 giây, rồi đoàn người ào lên dúi dụi thằng bé vào một hố cỏ nào đó ven đường.
            51 năm đã trôi qua, cái khoảnh khắc kỳ lạ ngắn ngủi ấy cứ mãi lung linh trong ký ức mà tôi mang theo suốt đời tới khi thành người lính đứng dưới cờ, thành tình bạn vong niên kỳ lạ với ông tướng đồng hương nổi tiếng, với cả giáo sư phu nhân Đặng Bích Hà và ái nữ Võ Hồng Anh. Sau này, khi nhiều lần tiếp cận, tôi thấy ông bao giờ cũng hạ kính xe, xuống đi bộ chào nhân dân một cách hết sức cẩn trọng.
             Mười năm sau cái lần vượt sông ấy tôi nhập ngũ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào hồi cam go nhưng bài học nhập môn của tân binh vẫn là kỹ năng chào. Và, khi đứng trong hàng quân nghe tới khẩu lệnh “Tiểu đội, nhìn đằng trước... chào!". Thốt nhiên, tôi nhớ lại... cánh tay gập thước thợ, năm ngón tay sấp, khép kín, duỗi thẳng đặt nghiêng trên vành mũ... Tôi, ngực hơi ưỡn ra, mấy giây nín thở, gập mạnh cánh tay đưa lên vành mũ như thể từ kiếp trước đã là một quân nhân chuyên nghiệp. Cử chỉ của tôi làm ông tiểu đội trưởng hơi ngạc nhiên và buột miệng khen - phần thưởng đầu tiên của tôi trong đời quân ngũ.
                Rất lâu sau này tôi mới biết lần ấy ông về quê nhưng không hương khói được cho thân phụ, thân mẫu. Cụ ông Võ Quang Nghiêm đang an nghỉ dưới chân núi Ngự Bình, ngoại ô thành phố Huế dưới quyền kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Cụ bà lại nằm tận Hà Tây, nơi sơ tán thời đánh Pháp. Đây cũng là thời gian về quê mà khi làm việc với tỉnh và huyện, bằng con mắt của nhà chiến lược, ông đã chỉ thị mở con đường 16 từ quê nhà Lệ Thủy chạy lên Trường Sơn, vòng vào đường 9 bắc Quảng Trị rất hữu dụng thời đánh Mỹ, cũng như khảo sát bước đầu những tuyến đường ngang qua Lào trong hệ thống đường Hồ Chí Minh sau này. Nhưng đó là chuyện quốc gia đại sự, còn chúng tôi, lũ trẻ nít của những năm cuối thập niên 50 thế kỷ trước, sau lần được “diện kiến” người đồng hương nổi tiếng ấy, chúng tôi bắt đầu đến trường. Người ta thành lập hợp tác xã nông nghiệp, giao trâu bò cho xã viên trông giữ. Chúng tôi, một buổi đến lớp, một buổi chăn trâu cắt cỏ.
                “Ai bảo chăn trâu là khổ”, còn chúng tôi thích chăn trâu hơn đi học. Ngày hè nắng hạn, cỏ ngoài đồng không còn, chúng tôi sục vào các vườn hoang tìm cỏ. Và, khu vườn rộng của gia đình Đại tướng bỏ hoang nhiều năm là nơi cắt cỏ trâu lý tưởng. Khu vườn có nhiều cây to, gặp ở đây những cây khế cổ thụ quả chín rụng, cây mít vào mùa xuân ra dái ăn chát chát sít sít. Còn nhìn thấy cả đám hoa mười giờ có tên Việt cổ là “bông kẻ trộm”. Cây khế, sau này nhà thơ Trần Dzụ viết những dòng gan ruột được phổ nhạc thành ca khúc Cây khế vườn anh dịp đi dự trại viết Đại Lãi đến 30 Hoàng Diệu, Hà Nội hát ông nghe cảm động lắm. Bông kẻ trộm (đám hoa mười giờ theo cách gọi xưa cũ của quê tôi) này đến cuối thế kỷ 20 khi cụ Võ Thuần Nho (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - em trai Đại tướng) trong phác thảo phục chế vườn nhà Võ Nguyên Giáp có phần đất ghi: trồng “hoa kẻ trộm”, cả huyện Lệ Thủy, dân kiến trúc, dân xây dựng chịu chết không luận ra được hoa gì là “hoa kẻ trộm”.
Căn nhà ông bị Pháp đốt năm 1947 khi tái chiếm Lệ Thủy. Thân phụ của ông - cụ Võ Quang Nghiêm - bị Pháp bắt vào giam ở lao Thừa Phủ, mất tại Huế để lại trong dân gian câu nói khí khái của nhà nho khi trả lời sĩ quan Phòng nhì Pháp: “Con tôi sinh ra nhưng không dạy được cũng không biết nó đang ở đâu, nhờ các ông bắt về cho tôi dạy dỗ”. Sau này, qua các bậc cao niên trong họ, tôi mới biết cụ có giao hảo với cụ nội tôi và các vị nho sĩ bên tả ngạn sông. Cụ mất ở lao Thừa Phủ, được cơ sở cách mạng chôn giấu dưới chân núi Ngự Bình, năm 1979 mới cải táng về quê.

              Có thể chỉ là tình cờ, tôi trở thành người làm báo duy nhất ở Bình - Trị - Thiên tham gia trực tiếp vào cả hai sự kiện đặc biệt liên quan đến việc hiếu đễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đầu năm 1979, mới chân ướt chân ráo từ Hà Nội về nhận việc ở Huế được mấy tháng, tôi đã được cử đi theo việc cải táng di hài cụ Võ Quang Nghiêm - thân phụ của Đại tướng. Cụ Võ Quang Nghiêm mất tháng 6.1949, sau thời gian bị Pháp bắt, tra khảo và giam cầm. Căn nhà của cụ từ những năm ba mươi đã là địa chỉ liên lạc của cán bộ hoạt động cách mạng. Với phong độ của nhà nho cộng với nghề bốc thuốc cứu người, cụ qua mặt được mật thám Pháp trong một thời gian rất dài. Nhưng đến giữa năm 1947, khi Pháp đã chiếm gần hết vùng đồng bằng Lệ Thủy thì với quân đội viễn chinh có lẽ không gì hiệu quả hơn là bắt cụ để khống chế “cậu quý tử” đang là đối thủ của “đại Pháp”. Chỉ trước đó ít ngày, du kích đã kịp đón cụ bà và cháu Võ Hồng Anh lên chiến khu rồi đưa dần ra Bắc.
              Những nhân chứng từng phụ trách việc chôn cất tử thi trong Bệnh viện Huế đã giúp Chuyên ban xác minh có được những tư liệu chính xác định vị mộ phần của cụ ở xã Thủy Trường - thành phố Huế. Hội đồng cất bốc và cải táng di hài cụ do đại tá Thái Bá Nhiệm, lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy Bình - Trị - Thiên, làm Trưởng ban (ông Nhiệm quê làng Phú Thọ bên tả ngạn Kiến Giang, gần nhà tướng Giáp). Một đoàn xe có cờ, hoa đưa linh cùng với nghi lễ trọng thể dành cho liệt sĩ, người có công với cách mạng, sinh thành một danh nhân quân sự cách mạng đưa cụ về “mái nhà xưa”, tổ chức lễ viếng rồi từ đó xuống đò kết đôi ngược dòng Kiến Giang lên an nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ tại xã Mai Thủy.
Ngôi nhà của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá ( Quảng Bình) .Ảnh NT Thịnh

ĐẦU CAN VÕ TƯỚNG SA BINH

              "Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa..." là ca từ trong một ca khúc rất ấn tượng viết về Bác Hồ. Bác Hồ lên tàu Latouche - Tréville tìm đường cứu nước vào năm 1911. Năm ấy, ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, bên hữu ngạn Kiến Giang có một hạt bụi lớn thành mầm, mầm đội đất trồi lên: cậu bé tuổi Tân Hợi ra đời ngày 25.8, để tuổi hai mươi thành học trò của Bác, tuổi tam thập chỉ huy một đội quân du kích vỏn vẹn hơn ba chục nhân mạng, tuổi tứ thập làm rung chuyển thế giới bằng một trận đánh ngang ngửa 56 ngày đêm với đội quân viễn chinh nhà nghề, thiện chiến và... thắng tuyệt đối, tuổi lục thập đuổi được một đội quân hùng mạnh của một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới ra khỏi đất nước, giành lại toàn vẹn non sông...
                Có vẻ như mỗi bước chinh chiến của vị tướng tổng tư lệnh thế kỷ 20 đã được nhà lý số nổi tiếng thế kỷ 16 Trình Tuyền Hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm định liệu tiên đoán cả. Nhưng chuyện đó để sau hẵng kể. Còn bây giờ, ta trở lại An Xá bên hữu ngạn Kiến Giang, nơi ông chào đời.
                 Đất hai huyện Lệ Thủy - Quảng Ninh (có thời nhập lại thành Lệ Ninh) và sông Kiến Giang chảy qua là như vầy: Mỗi huyện là một nhát cắt như một lát bánh đòn (bánh tét) của đất nước. Nghĩa là, cấp huyện mà có biên giới quốc gia với nước bạn Lào ở phía tây và hải phận ở phía đông. Dãy Trường Sơn chạy dọc phía tây có đỉnh Đâu Mâu thanh như ngọn bút. Sông Kiến Giang chảy về xuôi cuộn lại thành phá Hạc Hải (biển cạn) mênh mông vạn khoảnh ví như cái nghiên mực. Ven biển là bãi cát Đại Trường Sa lấp lóa trắng. Chiều hè muộn, mặt trời gác núi, bóng ngọn Đâu Mâu đổ xuống như ngọn bút chấm vào nghiên mực Hạc Hải viết lên trang giấy Trường Sa. Vậy mới có danh ngôn: Mâu Sơn vi bút/Hạc Hải vi nghiên/Trường Sa vi bản. Sông Kiến Giang gồm hai nhánh nhỏ phát nguyên từ núi Quan Độ chảy hướng tây bắc - đông nam, nơi hợp thủy gặp núi, cuộn lại thành vực An Sinh, lại chảy theo hướng nam bắc, xuống Tiểu Phúc Lộc lại chia hai nhánh ôm ấp vùng châu thổ tả - hữu, qua khỏi phá Hạc Hải còn nghển cổ lại như một khóa son sản sinh 5 nhạc sĩ tài hoa họ Dương làng Quảng Xá, rồi nhập với dòng Long Đại thành sông lớn Nhật Lệ đổ ra biển.
                   Địa linh sinh nhân kiệt. Tương truyền, gần hai ngàn năm trước, thuật sĩ Cao Biền đã yểm huyệt An Sinh (?!). Dấu tích nay vẫn còn. Thế kỷ 16, quan quân đào hói (kênh) nhà Mạc chặn long mạch đứt dòng quận công ở Đại Phúc Lộc. Cuối thế kỷ 13, quận công Hoàng Hối Khanh vào lập huyện Nha Nghi (tức Lệ Thủy ngày nay). Giữa thế kỷ 16, tiến sĩ Dương Văn An người làng Tuy Lộc (liền mạch đất với An Xá) về chịu tang mẹ, nhuận sắc và tập thành Ô Châu Cận Lục, quyển sách phong thổ địa chí đầu tiên của Thuận Hóa (Bình Trị Thiên). Đầu thế kỷ 17 (1609) quan tham chiến Triều Văn Hầu (Nguyễn Triều Văn) vào nhập cư đất Phong Lộc mang theo con trai Nguyễn Hữu Dật mới 6 tuổi, sau phò chúa Nguyễn được coi như Gia Cát Khổng Minh, được phong tới Tĩnh Quốc Công. Năm 1650, quý tử của Tĩnh Quốc Công là Nguyễn Hữu Kính ra đời mỹ danh là Nguyễn Hữu Cảnh, để tới tuổi tứ thập (1692) thành vị chưởng cơ tài năng xuất chúng, trong 8 năm (1692-1700) định vị hình hài đất nước, hoàn thành công cuộc tiến xuống phương Nam bắt đầu từ Lý Thường Kiệt (1069) kéo dài suốt 631 năm.
                     Năm 1628, Đào Duy Từ đến Quảng Bình cùng với Nguyễn Hữu Dật xây dựng hệ thống Lũy Thầy trên đất hai huyện chống nhau với quân Trịnh. Thế kỷ 19, tả hữu Kiến Giang vinh danh các dòng họ Võ Xuân, Nguyễn Đăng, nguyên lão ba triều. Các vị thượng thư Nguyễn Hữu Bài, Võ Trọng Bình, Huỳnh Côn. Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Kế Viêm, "tác giả kịch bản đồng thời là đạo diễn" hai trận chiến Cầu Giấy (Hà Nội) rạng danh chính sử đánh Tây. Phong trào Cần Vương lan rộng xuất hiện một loạt võ quan kháng chiến đánh Pháp: lãnh binh Mai Lượng, đề đốc Lê Trực, Hải long vương Bạch Xỉ, tướng Hoàng Phúc, Nguyễn Phạm Tuân... rồi lắng lại một vị tiến sĩ nho học cuối cùng của kỳ thi cuối cùng: Võ Khắc Triển đăng khoa năm 1919. Năm ấy Võ Nguyên Giáp 8 tuổi, 6 năm sau vào học Quốc Học, lại ra Hà Nội dạy học, làm báo, làm cách mạng, chuyển qua làm quân sự ở tuổi 33, không qua một trường quân sự chính quy nào, "chuyên tu tại chức" hình như cũng không. Nhưng ông có 3 người thầy là những sư phụ đáng kính: lịch sử, nhân dân và Hồ Chí Minh.
                      Lại nói, sông Kiến Giang về đến Tiểu Phúc Lộc (Thượng Phong) thì quẫy đạp uốn lượn liên tiếp tạo ra bên bồi bên lở. Bên lở lở mãi không có dân cư, bên bồi bồi thêm xóm làng trù phú. Khúc sông Kiến Giang chảy qua làng ông - làng tôi, lạ thay các bên lở đều mang địa danh gốc Chàm. Quãng bờ sông Đờng Đờng lở, đến bến sông nhà ông thì bồi sa mạnh. Bên làng tôi vùng lở có tên là Thùi (nghĩa Chàm là cái quán lợp lá). Cuối làng là phá Hạc Hải. Chợ Thùi ăn sản phẩm Hạc Hải. Có thể bởi vậy mà những năm gần đây, khi đã yếu, ông vẫn nhiều lần yêu cầu tỉnh nhà xử lý đập Mỹ Trung cứu lấy Hạc Hải. Vậy mà thực ra thì ông chỉ gắn bó với Hạc Hải trong tuổi thiếu niên. 14 tuổi ông đã vào học Quốc Học, học giỏi có tiếng, được học bổng của Pháp. 70 năm sau có người còn khơi ra chuyện này để làm khổ ông. Năm 1944, khi ông đội mũ phớt, đeo súng côn chỉ huy đội quân 34 người tôi vẫn chưa phải là hạt bụi.
                        "Đầu can võ tướng sa binh..." sấm Trạng Trình phán khá rõ. Chữ Giáp đứng đầu 10 can, năm 1954 (Giáp Ngọ) cũng đầu can, ông thắng trận, nhưng phải tới bốn năm sau tôi mới cảm nhận được tiết tấu Giải phóng Điện Biên, điệu múa sạp mà các chiến sĩ mang về từ Tây Bắc và cái tên Võ Nguyên Giáp vang lên như một tiếng kèn gọi quân. Giai điệu giải phóng Điện Biên phổ biến nhanh và quen thuộc.

 Nguyễn Thế Tường
tn.online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét