Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

ĐỌC SÁCH : LƯỚT SÓNG THƠ TÌNH CỦA THẢO - CAO THOẠI CHÂU



LƯỚT SÓNG 
THƠ TÌNH CỦA THẢO
Trưa hôm qua tôi có một giấc ngủ trưa không ngủ được, ngoài trời thì lất phất và xám xám kiểu thời tiết sập sùi có bão ở đâu đó xa đây. Lòng vì thế cũng trở nên không vướng bận điều chi, và chọt nghĩ là mình phải gõ một bài đã ươm suốt mấy ngày. Là nói bài viết sau khi đọc tuyển tập THƠ TÌNH mà tác giả là Nguyễn Miên Thảo, người tôi biết đã gần nửa thế kỷ trong tư cách đó là một nhà thơ được độc giả tôn xưng chứ không do một cơ quan nào cấp phát cho một cái thẻ có dán ảnh và đóng dâu. Gần đây hay có dịp gặp nhau thấy bạn ấy dễ mến, có phần là type người dễ tin, dịu dàng đúng phong cách của một nhà thơ “tri thiên mệnh” và đang yêu, luôn yêu. Nghe nói tim bạn phải mổ, không hiểu có liên hệ nhân quả gì với sức yêu của Thảo hiện nay không?
      Như tên của tập, thơ Thảo là thơ tình. Tôi đọc nó đến hôm nay là lần thứ ba kể từ nhận được đúng một tuần trước, và tôi thấy quan điểm lập trường của mình về thơ tình lại thêm một lần được chứng minh “hoàn toàn đúng đắn”! Đọc thơ tình quá sức vất vả, bởi là vì người làm loại thơ ấy đã giấu kín, đã cách điệu và đôi khi đã đắng cay khi đưa cảm xúc tình yêu vào trong thơ. 107 bài trong THƠ TÌNH này đã chắc chi là của một mối tình, thường có khi là vài hoặc hơn vài mối...cho nên giải mã ra để hiểu và cảm là vất vả như đi tìm cổ vật. Giả sử khai quật được thì việc nghe được tiếng nói từ những “cổ vật” này cũng đâu có dễ chi?
       Thảo không đạo mạo mà cũng không phóng túng, có chăng chỉ ngoa ngôn về sự mình là một lãng tử như để rao trước cho người con gái có một ấn tượng chấp nhận mãnh liệt đó thôi, một kiểu “tự nói xấu” mình về điều thâm tâm không thực sự cho là xấu, trái lại đáng để cho con gái yêu “Ta vốn kẻ hoang đàng chi địa/ Em cho ta hết cả xuân thì/ Ta tiêu tán đến tận cùng khánh kiệt/ Để bây giờ còn lại khối tình si”. Có những lúc anh bạn nhà thơ của chúng ta mang một chút đùa dỡn vào trong thơ làm cho thơ lúng liếng và trẻ hẳn ra “Em xem trong đám học trò/ Đứa nào yêu sớm thì cho điểm mười/ Dạy văn ấy tức dạy người/ Tình yêu có trước cuộc đời có sau”.Đứa nào” là đứa nào? Học trò- chắc là không, vậy đích thị người nhận điểm 10 là...cô giáo và người yêu cô ấy tức là Thảo! Câu sau cùng trong bốn câu trên là một câu làm tôi tấm tắc, thơ Thảo thường vẫn thế, nguyên một bài hay thì không nhiều nhưng có những câu để đọc mà tấm tắc thì hình như bài nào cũng có. Là tôi nói một cách ngay thẳng và công bằng.
       Không hiểu khi tỏ tình và suốt trong quá trình duy tu bảo dưỡng tình yêu của chính mình, Thảo làm như thế nào, nghiêm túc pha lẫn rưng rưng hay cũng cà rỡn thì tôi không biết, chỉ biết thơ tình Nguyễn Miên Thảo thật tự nhiên không tỉa tót nắn nót tạo dáng kiểu bonsai hoa kiểng, theo tôi đó là một nét riêng của Thảo trong cái rừng thơ tình hiện có. Tôi thú vị hai câu giản dị này “Bây giờ Huế đã mùa mưa?/ Sài Gòn cũng chuyển sang mùa gió Tây”, nhà thơ cung cấp một thông tin khí tượng “bù trất” như vậy đó. Và : “Thấy em xõa tóc/ ngả nghiêng bên trời/ Anh cầm/ Một sợi lên chơi/ Ai dè/ suốt cả một đời/ lao đao”. Sự định lượng (một sợi) ở đây chắc chỉ là một cách nói vu vơ, nhưng cái rất tự nhiên là phiá bên kia của sợi tóc: suốt cả một đời lao đao! Một cách tự nhiên,Thảo đã “định tính” được sợi tóc! Một sợi đã thế, nếu mà cầm cả một búi tóc thì không biết sẽ ra sao, (đời + kiếp) n lần! Cũng một cách cảm tự nhiên, tôi cho rằng Thảo “lao đao” một cách hạnh phúc của tình yêu chứ chắc là không theo cách của người lao đao thật sự của người kiếm sống hay kiếm công danh đâu.
     Là người thích sự thanh tao của những cái nằm trên thân xác cho nên tôi rất thấm mấy câu này trong THƠ TÌNH “Nghe tin trái đất nóng lên/ Em nằm lơ đễnh ở bên lụa là/ Anh xin làm bóng trăng tà/ Để che khuất cái nõn nà giùm em”. Ánh trăng là sự dịu nhẹ, Thảo quá sức là khôn! Những kiểu như đó, những câu như đó thật nhiều trong tập, nói lên một sự định hình thơ tình Nguyễn Miên Thảo, không đau đáu, không bi đát, không thất bát, nói chung là thơ tình Nguyễn Miên Thảo không phải là thơ thất tình như nhiều người khác. Vì vậy chúng mới dễ thương, dễ làm cho người đọc tấm tắc và bay bổng theo tác giả. Vì thật lòng mà nói, có những nhà thơ hay làm rách việc khi thổi tính triết lý bi đát vào tình yêu thành thơ thất tình, làm khổ lòng thêm người trong cõi nhân sinh!
       Nguyễn Miên Thảo đa tình, điều này tôi đã thể nghiệm thực địa như nhà địa chất hoặc lâm sàng như cách làm của bác sĩ y khoa nơi con người kinh qua nhiều khúc quanh rùng rợn mà vẫn cà rỡn như chả có gì, nhưng phải chăng vì trái tim “đa” nên có nhiều mối tình? Tôi nghĩ là “đa mối” thì đúng hơn và mối này đi thì vương mối khác để lại cho Thảo ...tập thơ này, chứ không ủ ê như những bậc đàn anh thơ tình khác “Em ơi lửa tắt bình khô rượu/ Đời vắng em rồi vui với ai?”. Cái chính là mối nào của  Thảo cũng hồn nhiên, nồng nàn lan tỏa dễ chịu chừng nào còn có thể! Đó là sự đứng đắn của tình yêu của một nhà thơ đa tình!
      Tựu trung thì hai câu tôi tấm tắc nhất của Nguyễn Miên Thảo là "Cái của em cũng hồng như  của mẹ/ Thuở sinh ra ta đã thấy một lần". Và cặp câu tôi chưa giải mã được của Thảo là "Nếu năm xưa anh không còn nữa/ Bây giờ hai đứa chắc bên nhau". Cái khó này nằm trong cái khó đọc thơ tôi đã nói trên đầu bài viết ! 
-------------- 
* Nguyễn Miên Thảo,THƠ TÌNH,  NXB Hội Nhà Văn, Văn Tuyển thực hiện, 2013


4 nhận xét:

  1. Thích câu"nghiêm túc pha lẫn rưng rưng hay cũng cà rỡn " rất hay
    Trả lời
  2. Bình thơ kiểu rất lạ mà thật hay.
    Trả lời
  3. Nguoitungyeumotnhàtho05:16 Ngày 08 tháng 10 năm 2013
    Bình thơ thật độc đáo và...cao thoại châu!
    Trả lời
  4. Cô gái không quen một nhà thơ nào09:25 Ngày 08 tháng 10 năm 2013
    Cứ như lời bình của nhà thơ Cao Thoại Châu thì thi sĩ Thảo như cánh chuồn chuồn đậu xuống bông hoa! Sẽ tìm đọc xem nhà thơ có tình chung thủy không>
LƯỚT SÓNG 
THƠ TÌNH CỦA THẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét