Trịnh Y Thư và Võ Chân Cữu trong quán
Kỳ 18
Kỳ 18
Thơ:
Bóng Với Hình
Trao cho
người bạn từng là một nhà thơ 2 quyển sách tặng, gồm tập tạp bút của tôi mới
phát hành, cùng tập thơ mới của một người bạn nhờ chuyển, chúng tôi cười vui
khi đùa: cuốn thơ ăn theo cuốn này !
Tác giả tập thơ khá nổi tiếng, sách mới in ra tháng
trước ở Mỹ. Tất nhiên nó hoàn toàn khác về phong cách thể hiện, cũng như động
cơ in ra của một số cây bút trong nước. Nhưng sách thơ hôm nay đều có số phận
chung: bị người đời hờ hững; đem đi cho
cũng ít người muốn nhận! Đau lòng thay cho thơ! Cái gì sản sinh ra nhiều cũng
đều bị như vậy!
“Cơm áo không đùa với khách thơ!” Tôi rất tâm đắc khi
được xem câu nhà thơ Du Tử Lê trả lời một bạn trẻ hỏi rằng muốn làm theo ông
(làm thơ, vẽ tranh), có dễ không. Thi sĩ khuyên: phải có một nghề nghiệp (kiếm
sống) vững chắc trước khi theo con đường nghệ thuật.
Nhưng hàng ngày vẫn rất đông người lướt mạng, tìm đọc,
ghi lại những bài thơ hay. Đời sống của nhiều người làm nghệ thuật vẫn được độc
giả tìm hiểu. Nhà thơ và nhiều nhà văn hóa vẫn có tham vọng rằng: con người
sống trên trái đất dù ngôn ngữ, tập quán khác nhau nhưng vẫn có thể cảm thông
nhau qua nghệ thuật thơ ca. Thơ hay vẫn được chuyển ngữ. Nhiều nhà dịch thuật
vẫn tìm cách “dấn thân” vào cõi dịch thơ, dù họ biết rằng âm điệu, tiết tấu của
câu chữ-những yếu tố đầu tiên tạo nên sự thu hút của câu thơ-thì mỗi dân tộc
mỗi khác (chưa kể trong một nước lớn thì từng địa phương cũng khác nhau).
Vượt qua
giới hạn ngôn từ
Vì sao có lực hút ấy? Phải chăng nhà thơ là những kẻ
luôn có tham vọng muốn con người vượt qua mọi giới hạn để chia sẻ nhau những
cái đẹp trong nghệ thuật ?
Thi hào Mexico, Octavio Paz, Nobel văn chương 1990
từng cho rằng: “Tìm kiếm một ngôn ngữ
vượt trên tất cả các ngôn ngữ là một trong những cách giải quyết sự đối kháng
giữa đơn nguyên và đa nguyên. Đó là mối quan tâm luôn tồn tại trong tâm trí con
người. Một cách để giải quyết là dịch thuật…” Ông cũng tóm tắt lý lẽ của
những người chống lại việc dịch thơ: “Mối
tương quan giữa âm và nghĩa chính là cái tạo ta thơ, và không thể phiên dịch
mối tương quan ấy”.
Octavio Paz từng thử phản bác lý luận trên. Ông cho
rằng: “các thi sĩ không bao giờ ìm cách tránh né những khó khăn của việc truyền
thông mà luôn tìm cách vượt qua những khó khăn ấy! Vì thế người ta mới nói: thơ
không phải là truyền thông mà là cảm
thông.”…Bài thơ chỉ là ẩn dụ của điều mà thi sĩ cảm nhận và suy tư. Ẩn dụ này
là sự phục sinh và biến dạng của kinh nghiệm sống. Đọc một bài thơ là tái tạo
trong tâm thức quá trình song hành và biến dạng ấy. Việc dịch thơ lập lại tương
tự quá trình trên nhưng trong một cách thế có nhiều hiệu ứng quan trọng hơn:
mục đích của việc dịch thơ không phải là đạt tới cái bản chất đặc thù ban đầu
không thể tới kia, mà là tới một vật đồng dạng vốn cũng rất khó tới”
(Theo bài dịch của Cù An Hưng: Cầu nối và Vực Thẳm,
sách Hành Trình Thơ, NXB Thanh Niên 2007)
Phải chăng vì Nhà thơ mang nặng nghiệp dĩ mà trời đất
đã ban ?
Gặp nhau ở Nam California vào tháng 11-2012, cả tôi và
Trịnh Y Thư đều giật mình. Vì cả hai vốn là bạn của nhau từ hồi hơn 45 năm
trước. Là bạn cùng sáng tác trên các trang báo sáng tác thiếu niên, lại cùng
nhau ôn luyện chương trình trung học đệ nhị cấp. Khi trưởng thành, cả hai đều
thay đổi bút danh nên tưởng đã lạc nhau. Năm 1969, Minh (tên thật của Thư) sang
Mỹ đi du học, còn tôi (Hưng) hào hứng bước hẳn vào giới văn nghệ Sài Gòn với
bút hiệu mới, và bắt đầu thành danh. Nơi xứ người, anh trở thành chuyên gia
công nghệ tin học nhưng lại trở về với con đường sáng tác: làm thơ, viết
truyện, dịch sách. Có thời gian dài, Trịnh Y Thư là chủ bút báo Văn Học thay
anh Nguyễn Mộng Giác. Trịnh Y Thư còn nổi tiếng là một guitarist điêu luyện.
Như vậy, đây là một người khá đa tài. Tác phẩm thứ 3 của anh, tập truyện ngắn
“Người Đàn Bà Khác” viết tại Mỹ nhưng được NXB Thế Giới (Hà Nội) in lần thứ
nhất với 1000 bản vào quý IV năm 2010 ( tất
nhiên trả ngay nhuận bút). Và nghe đâu nay đã bán sạch. Nhưng Trịnh Y
Thư vẫn nói thi ca vẫn là lãnh vực anh say mê nhất.
Bóng của “Đồ
Chơi”
“Chỉ Là Đồ Chơi”, tác phẩm thứ 4 của Trịnh Y Thư là
một tập tạp văn. Hình như từ lúc được in ra, đầu 2013, nó rất nổi đình nổi đám,
được nhiều người tìm đọc, phê bình. Nhưng mãi đến tháng 5-2013, khi anh về Việt
Nam, tôi mới nhận được sách. Là người sáng tác, và là một dịch giả có uy tín,
nhưng hình như Trịnh Y Thư lại có máu “lập ngôn”. Ở cuối bài viết “Thay lời
tựa”, anh khẳng định:
“Văn nghệ là
cuộc hành trình xuyên vũ trụ không bao giờ đến đích. Nó không cần đặt ra mục
đích của nó là gì. Nó không đi tìm cái hoàn mĩ bởi làm gì có cái hoàn mĩ. Nó
không luận đến thành công hay thất bại. Nó nhận thức rất rõ một điều là nếu nó
có đưa ra một luận thuyết nào thì sớm muộn luận thuyết đó cũng sẽ chìm vào quên
lãng. Và theo tôi, đó chính là bản chất muôn đời của văn nghệ.”
Có lẽ chính vì coi các sáng tác phẩm “chỉ là đồ chơi”
nên anh ít quan tâm đến tâm tính, điều kiện sống và hoàn cảnh sáng tác của các
nhà văn nhà thơ đương thời. Theo ghi nhận của tôi, người làm văn chương hôm nay
(tất nhiên loại trừ các “nhà văn ăn lương”), dù đang ở trong nước hay hải
ngoại, cũng đều rất cô độc. Có khi đó lại là điều hay để giữ được bản lãnh
trong sáng tác. Nhưng nó lại là sự nghiệt ngã. Vì cuộc sống đói nghèo thường
cản trở các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hàn huyên cùng bầu bạn. Mà với người làm văn
nghệ thì việc có bạn hữu tâm giao để trao đổi về những chuyện mới gợi hứng, về các
tác phẩm hay đã là sự kích thích vô bờ bến. Ở Miền Nam ngày trước, người làm
văn nghệ đi chốn nào xa cũng đều được các “văn thi hữu” đón tiếp, hàn huyên.
Còn hiện tại, việc “gặp gỡ-giao lưu” đều phải dựa vào nguồn chi ngân sách !
Lần gặp lại Trịnh Y Thư vào tháng 5 vừa rồi, ngồi uống
cà phê trong một quán quen, trời mưa nhẹ lúc chập chọang, tự nhiên tôi lại nhớ
đến một bài lục bát của Thanh Tâm Tuyền. Nhiều người đoán rằng “người mở đầu
cho trường thơ tự do” này đã làm nó vào những ngày chờ đi cải tạo, hoặc lúc mới
ở trại về, chờ đi ra nước ngoài. Nhưng tuyệt đối không một chữ giận thù nhân thế.
* Thanh Tâm
Tuyền
Trú mưa trên phố Hòa Hưng
Đột nhiên rào trận thiết tha
Lạc trên phố bạn nhớ nhà thân quen
Trú chân hiên dột ướt mèm
Cửa sau lưng đóng nhá nhem mưa dầm
Mưa như xưa xối âm thầm
Réo um gió bạt nhòe câm bóng hình
Cố tri trời dội vong tình
Âm u sấm lảng nhạt duềnh chớp khuya
Đạp xe lặn lội đường về
Lênh đênh cây tối bộn bề gió lay.
Đột nhiên rào trận thiết tha
Lạc trên phố bạn nhớ nhà thân quen
Trú chân hiên dột ướt mèm
Cửa sau lưng đóng nhá nhem mưa dầm
Mưa như xưa xối âm thầm
Réo um gió bạt nhòe câm bóng hình
Cố tri trời dội vong tình
Âm u sấm lảng nhạt duềnh chớp khuya
Đạp xe lặn lội đường về
Lênh đênh cây tối bộn bề gió lay.
Tôi có sự liên tưởng ấy bởi
vì Trịnh Y Thư cũng là một người có dịch thơ. Người có máu “nhận định văn học”
cho rằng với những bài thơ viết theo thể lục bát hoặc cổ phong như vầy, Thanh Tâm
Tuyền đã “tự dịch” phần hồn những bài thơ tự do của mình sang thơ luật. Việc
này làm cho thơ ông tuy hình thức gắn với hình dạng truyền thống, nhưng hồn thơ
vẫn giữ được nét “Thanh Tâm Tuyền”. Cách dịch các bài thơ Đường của các danh sĩ
trước đây cũng là như vậy.
Trịnh
Y Thư không khẳng định rằng dịch một bài thơ sang một ngôn ngữ khác có chuyển
tải hết được cái hồn và sự truyền cảm của bài thơ hay không. Anh rất “khôn” khi
viết trong bài “Đôi Điều Về Dịch Thuật”, rằng : “Có lẽ tôi sẽ vẫn dịch thơ nhưng quả thật đó chỉ là công việc của người
tập tành làm thơ”.
Làm thơ, kể cả dịch thơ, hôm
nay đôi khi là làm “trò cười” cho những người có chức hay nhiều tiền. Vậy nhưng
hôm nay, vì sao vẫn rất nhiều người nặng lòng với nó ? Ông Cù An Hưng, người
dịch đoạn văn của Octavio Paz được trích dẫn ở trên là một giáo sư về toán nổi
tiếng ở Sài Gòn trước ’75 cũng như hiện nay. Ông vẫn đang tiếp tục làm và dịch
rất nhà thơ.
Chào ai ?
Thong dong một mình chạy
theo đường men vách núi và những cánh rừng hoang từ Bảo Lộc về tới Phan Thiết, tôi
đến thăm nhà thơ Nguyễn Như Mây. Nhà anh từng là một quán nhậu hải sản đông
khách, các con đều làm ăn thành đạt và có hiếu. Như vậy về vật chất, Như Mây
không có gì phải bận tâm lắm. Thật bất ngờ khi nhà thơ vốn quen làm thơ trữ
tình, giờ lại mở tủ lấy tặng tôi một tập thơ khoảng 60 bài. Anh tự chép, trình
bày như một tập sách in..Anh đặt tên “Núi” cho thi tập những bài thơ không đề
này. Câu đề từ ngay trang đầu:
Sáu-mươi-năm
Vẫn nụ cười
Coi đời
Nhẹ
Hơn
Khói sóng…
Tôi tải một bài thơ trên
trang lật tình cờ giữa tập, và hiểu thêm rằng các nhà thơ vẫn tự đuổi theo bóng
mình:
Tôi chào tôi ở trong gương
Hàng ngày gặp mặt nên thường chào nhau
Tôi chào tôi ở trên cầu
Bóng ai dưới nước, nhìn sao giống mình?
Tôi chào tôi suốt ngày đêm
Cả trong giấc ngủ cũng nhìn thấy tôi !
Làm sao quên được con người
Đóng hai vai suốt một đời nhân sinh ?
Bao giờ tôi hết gặp mình
Tôi không biết !..kìa, lại nhìn thấy
nhau…
Qua bài thơ của Nguyễn Như
Mây, tôi hiểu hơn ý của Trịnh Y Thư vừa trích dẫn ở đoạn trên. Bài thơ mà ta
làm hay dịch, cũng như bóng với hình.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét