Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

MẶT TIỀN NGHỆ THUẬT - VÕ CHÂN CỮU


                                                     Kỳ 15
                                        Bóng Mây và Hình Thái
Tôi lại về ngồi lặng yên trước hiên nhà; có bữa hàng mấy tiếng đồng hồ chỉ để  nhìn con suối in hình những bóng mây. Đồi núi uốn mình bao quanh lũng biếc. Chỉ tiếng chim kêu, xe cộ xóa nhòa. Nhiều người quen không thân đã đồn nhau rằng “ông Sài Gòn ấy bị trầm cảm, đừng đụng đến”.
Trầm cảm vẫn được cho là một bệnh của tuổi già. Những người ấy có khi cả ngày không muốn mở miệng nói với ai một câu nào, kể cả với những người gần gũi. Cứ cho là như vậy, còn gì khỏe hơn ! Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn suốt nhiều năm liền chẳng đã tự nhận mình là “điên-điếc-đui” đó sao.
Người giàu nhất
Giới sáng tác nói chung, nhiều nhất là các nhà thơ thường dễ bị sa vào cảnh trầm cảm. Có khi chỉ vì một “bóng chữ”-chọn một chữ nào đắc ý nhất cho câu thơ và cả bài thơ. Người đọc thơ tinh ý vẫn dễ nhận ra cái chữ “thần” ấy, và đồng cảm. Nhà phê bình gọi đó là cách “điểm nhãn”. Câu “đắc” nhất trong bài thơ Tình Quê của Hàn Mặc Tử qua bao nhiều bản in về sau vẫn bị lẫn lộn từ “lóng nghe” thành “lắng nghe” đó sao.
Thời đại vi tính, in ấn đa dạng nhưng có khi chính tác giả xem lại bản “type” vẫn bị lầm. Âm  từa tựa nhưng nghĩa của chữ thì khác nhau một trời một vực. Như với tôi, bài thơ “Chùa Cổ Bên Sông” xuất hiện từ năm 1969, đã được nhiều nơi chọn in vào các tuyển tập. Nhưng khi cho in lại vào tập “Trước Sau” năm 2011, tôi vẫn để lộn từ “Mưa lùng chánh điện” ra “Mưa lồng chánh điện”. Lòng cứ tự trách mình ! Nhiều trang mạng hôm nay vẫn cứ tìm  in lại những bài thơ hay trước ’75. Mới cách nay mấy hôm, Blog Hợp Tuyển Thơ Văn của Nguyễn Miên Thảo khi tải lại bài thơ nổi tiếng “Nhớ Tuổi Vàng” của Tuệ Sỹ (in đầu tiên ở tờ Khởi Hành 1969) không hiểu vì sao lại thêm vô một chữ trong câu mở đầu: Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ” bị biến thành “Đôi mắt ướt “tuổi trẻ vàng” khung trời hội cũ”…Nhiều người đọc gọi điện, email tới trách, chủ trang Blog đã kịp thời chỉnh lại. Cũng may là trang mạng tựa như lời nói, chưa in ra giấy: “khẩu thuyết vô bằng”-lời nói cửa miệng khó là bằng chứng !
Một chữ trong câu thơ. Mà sao quan trọng vậy? Đã có trăm bài bình, giải thích. Bùi Trung Niên thi sĩ trong tập “Đi Vào Cõi Thơ” từng giải thích, đại ý rằng: đó là điều “bất khả tư nghị”; để hiểu được nó, người ta có thể dùng cách diển đạt bằng một hình tượng khác, bằng một chữ khác, chứ không thể giảng giải nó! Có lẽ vì vậy nên khi Bùi Giáng dịch thơ hay một đoạn văn hay đã hình tượng nó bằng những từ ngữ gần xa,,bóng bẩy theo cách của mình. Nhiều người vẫn cứ tưởng là ông “giỡn” khi diễn dịch !
Sức mạnh của chữ
Qua các cơn “trầm cảm”, tôi cũng lúng túng không thể giải thích ra. May sao mới đây, Chu Ngạn Thư, một nhà thơ thuộc thế hệ rất sau Bùi tiên sinh, trong tập thơ mới nhất, đã diễn giải them “nỗi niềm” của mình:
Chu Ngạn Thư
(Bài số 37)
Ta muốn chôn vùi cái ta
Tận trong sâu thẳm bao la hồn mình
Ta muốn gieo xuống vô minh
Những đóm ánh sáng lung linh sao trời

Con cá mắc cạn, nào bơi !
Con thú sập bẫy chờ hơi thở tàn
Còn ta trong cõi tan hoang
Cái chữ còn lại vô vàn thiết thân
                                  (Mấy Bước Chân-bản thảo tập thơ 2012)
Té ra cái làm nhà thơ tư lự như sa vào cảnh vô hồn chỉ vì tìm không ra mấy “cái chữ”.
“Cái chữ” trong thơ vì sao lại làm cho nhà thơ khắc khoải đến vậy ? Đâu phải chỉ một mình thi sĩ là quan tâm đến chữ. Ngôn ngữ là tài sản vô giá của  nhân loại. Hình như một dân tộc càng văn minh, thì từ vựng, cả trong nói và viết đều giàu lên so với nhiều ngôn ngữ của đồng loại. Con thú, con chim hình như chỉ có mấy tiếng kêu, nên chưa thể có ngôn ngữ. Ở con người, các nhà văn, nhà thơ hẳn nhiên phải giàu từ vựng. Nhưng đâu phải chỉ có  nhiều, mà còn phải biết cách dùng nó thật đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ. Tôi chơi thân với nhiều người trong giới sáng tác. Có lần trong một cuộc tranh luận tầm phào, ai nấy đều không thể phân định trong giới sang tác, ai thuộc nhóm “điên nhất”. Nhiều họa sĩ nổi tiếng nhất của phương Tây từng tự mình cắt tai, hay chặt ngón tay, rút vào sinh sống với các thổ dân. Vì màu sắc là tài sản trước tiên của con người. Nhưng số thi sĩ cuồng vọng hay rút về chốn câm lặng, vẫn nhiều hơn !
Nhưng ngôn ngữ của văn chương và cả thơ ca, có gì khách với người đời không ? Bạn tôi, anh Hoàng Văn Quang ở bang Arizona trước khi vượt biên từng là một dịch giả nhiều tác phẩm văn học đã xuất bản ở NXB Đà Nẵng từ thời bao cấp qua lúc bắt đầu mở cửa. Sang Mỹ, anh ra sức học lấy được bằng Master về kỷ thuật rồi trở thành một “Manager”, anh nghiệm ra và nói thẳng với các bạn hữu thơ ca rằng đừng tự hào lắm về ngôn ngữ của mình. Vì nó không là một thứ quyền lực như nhiều người vẫn tưởng. Ngôn ngữ có quyền lực vẫn thuộc về các nhà hoạt động tôn giáo hay chính trị. Một cụm từ mới từ một khái niệm tư tưởng, triết học đưa ra có thể làm chết hay làm khổ đến hàng vạn, hàng triệu triệu người. “Thiên Đàng”, “Địa Ngục” hay “Cõi Đại Đồng” là những ví dụ. Từ ngữ đáng kể nhất ở Việt Nam sau ’75 lại là khái niệm “làm chủ tập thể”. Nó giữ phần quyết định đến đời sống, sinh hoạt, cả trong cách viết lách của mỗi người. Ngôn ngữ của thơ ca làm sao mà so được về vai trò và tác dụng ?
Nhận định trên quả là khó cãi. Vậy thì ngôn ngữ của thơ ca có tác dụng gì ? Nếu không thì tại sao mà đến nay tại Việt Nam vẫn “nhà nhà làm thơ, người người làm thơ !”. Đến độ trên các diễn đàn trí thức gần đây, cả phía chính thống và bên “lề trái” đã diễn ra nhiều bàn luận về chuyện ai cũng có quyền xưng mình là “nhà văn”, “nhà thơ”. Thật khó mà định ra được những “tiêu chuẩn” nào. Nhiều người có máu tiếu lâm đã cho rằng tốt nhất, ai xưng mình là một “Nhà” thì phải là một “Hội viên” ở các hội sang tác của trung ương hoặc ở tỉnh ! Cách phát biểu cho vui nêu trên đã trở thành một “sự thật” khi các tờ báo lớn nhất trong nước khi đưa tin kết quả các giải thưởng văn học. Người đoạt giải nhất trong các bộ môn văn, thơ, vẫn được kêu là “tác giả” khi không là “hội viên”. Còn chữ “nhà văn”, “nhà thơ” vẫn chỉ dùng cho các “hội viên”, dù người đó được giải thấp hơn ! Vui sao cách dung từ.
Ai làm thơ chắc cũng phải trăn trở nhiều khi chọn các từ trong câu. Với các nhà lão luyện, các từ ấy nó tự đến. Thật vậy không ?
Hình Thái
Chiều nay em đã đến
Mời tôi ra biển xanh

Tình yêu nào có hẹn
Mà đuổi bắt không cùng
……….
                       (Võ Chân Cửu-1969)
Một người bạn tình cờ gặp đã chép lại tặng tôi bài thơ từ một tập san quay Ronéo ở quê nhà năm 1969, mà đến nay dường như tôi đà quên lãng. Người bạn lại hỏi : tại sao dung từ “đã đến”  mà không phải là “lại đến”. Tôi đành ngớ người, giải thích theo kiểu của mình : Năm ấy tôi mới 17 tuổi, mới có cảm giác yêu lần đầu, thì biết đâu mà phân biệt là “đã” hay “lại”. Chữ nghĩa nó tự đến. Nhưng rõ ràng rằng ngôn ngữ thơ là một sự đuổi bắt, như tình yêu !
Cõi hồng trần
Nhưng nếu lỡ “đuổi bắt” không được thì sao ? Có lẽ một lần nữa, tôi đành mượn them mấy câu thơ của Chu Ngạn Thư trong tập “bản thảo” mới nhất đã nêu để giải đáp :

(Bài 39)
Chưa thấy đồi chưa thấy truông
Mà sao một đám chuồn chuồn vây quanh

Rằng vú tên gọi nhũ hoa
Đồi trăng trên ngực thiên hà sao băng

Tang kinh ẩn mật cuối trôn
Muốn thỉnh thì cứ lênh đênh hồng trần
Trời ơi, một nhà thơ đã từng “Ta muốn vùi chôn cái ta/ Tận trong sâu thẳm bao la hồn mình”, nhưng vì “trầm cảm” chưa chôn được, thì anh lại tìm ra trong cái đẹp cảm dỗ của thân xác.
Ngôn ngữ của thơ ca quả như là những bóng mây, khó vẽ nên hình.  Xin hãy tiếp túc làm giàu thêm ngôn ngữ. Như cụ Phạm Quỳnh đã viết : “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn-Tiếng ta còn, nước ta còn !”
                                                                                           (Còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét