Với 22 bài Tản mạn (kể cả bài của Nguyễn Lương Vỵ viết về
thơ Võ Chân Cửu ), có lẽ đây được xem như những trích đoạn Hồi ký cho nhiều dòng thơ xuất hiện trước
‘ 75 ở Miền Nam.
Chắc nhà thơ Võ Chân Cửu không muốn vậy. Nhưng với tôi
: - theo dõi suốt loạt bài, tôi vẫn thấy ngồn ngộn sự kiện sinh hoạt văn chương
vùng đất phía Nam thời chia cắt. Trong
đó, bao gồm những chuyện tâm tình, tâm thế, cá tính. Và cả chuyện “ bếp núc “
của mỗi nhà thơ. Chưa nhất thiết phải chi li phân loại từng khuynh hướng, từng
thời kỳ, từng địa phương. . ., chúng ta vẫn có thể thấy trong tập Tản
Mạn nầy đủ các trào lưu, các trường
phái . . . trong nền thi ca Miền Nam trước đây !
Đôi chân xê dịch, trái tim hết
lòng vì bè bạn và nguồn tư liệu phong phú đã kết nối Võ Chân Cửu với đa phần
văn nghệ sĩ Miền Nam. Từ các lão làng tiền bối như Quách Tấn , Nguyễn Ngu Í,
Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương . . . đến các bậc
đàn anh như Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, Trần Đức Uyển, Tuệ
Sỹ… cùng các bạn cùng trang lứa ( làm sao kể ra hết ở đây ! ) đã tạo cho tập
Tản Mạn như một bức tranh đa sắc, độc đáo , mà vẫn đẫm tình người, dù đâu đó
V.C.Cửu đã bóng gió nói đến một vài “
nhân vật “ mượn thi ca vào mục đích khác, cho riêng họ.
Cái thấm đẫm của Võ Chân Cửu vào những trang
viết, không phải từ những trích dẩn của từng tác giả , mà lại đi từ những ý
tưởng, những ghi nhận, những sự vật . . . đôi khi không có gì dính dáng đến thơ.
Điều gây thích thú là cách đặt nhan đề cho từng Khúc Tản Mạn. Như Lá Vú Sữa , Rau Tập tàng, Tiếng Chim Tu Hú ,
Đường Vân Gỗ, Gỗ Và Đá, Tiếng Thác Non Xa . . .
Có thể thấy ngay cách tìm tứ và đặt nhan
đề của Võ Chân Cửu. Như trong bài Đường
Vân Gỗ : “ . . . Nhưng cần nói rõ, Joseph
Huỳnh Văn là một nghệ sĩ thứ thiệt ! “Cách mạng“ của đời thực và trong thơ ca
có thể là biểu tượng của cái đẹp. Nguyễn Miên Thảo sau ngày 30-4 từ một căn cứ
cách mạng trở về, xuất hiện tại nhà tôi trong bộ bà ba đen. Lập tức nhà thơ
Nguyễn Đức Sơn tới mò quanh bụng xem thử có dắt cây súng lục không ! Ngay sau
30-4 , Joseph Huỳnh Văn đi làm thợ mộc. Trong nghề mộc, anh lại chỉ chuyên phần
đánh vẹc-ni trên mặt gỗ. Những đường vân từ cây có khi lại đẹp hơn chữ nghĩa,
mỗi loại gỗ phải đánh theo một cách để vân lộ ra hơn hay ẩn giấu.
Anh mất tháng 2-1995. Khi đó chiếc đi-văng có hộc làm chỗ đựng đồ mà năm
1981 anh chở tới tận nhà cho, khi tôi tay trắng về lại Sài Gòn kiếm sống, vẫn
chưa phai lớp vec-ni ban đầu . “
Hoặc như đoạn
mở đầu của bài Gỗ và Đá (tác giả đã
trích đưa ra bìa 4 của sách) : “ . . . . Cách
nhìn duy vật thô sơ vẫn xem gỗ và đá là những loài vô cơ. Giờ đây, người ta cho
rằng trong đó sự sống vẫn dịch chuyển. Có khi nó chứa đựng cả phần hồn ! Thật
vậy chăng ? “
Văn học Miền Nam gói trọn trong 21 năm ( 1954-1975 ) là môt nền văn học
tự thân, hầu như không có tính kế thừa
từ lớp trước, có chăng chỉ là âm hưởng của một số tác giả tiền chiến. Nhưng với
thi ca Miền Nam, thì ảnh hưởng nầy lại rất ít. Đông Hồ, Quách Tấn , Vũ Hoàng
Chương hầu như không tạo được ảnh hưởng gì đối với đội ngũ các nhà thơ trong
giai đoạn nầy.
Lực lượng làm thơ thì vô cùng hùng hậu, dù trong đó,
những ngày chiến tranh ác liệt đã nuốt trọn gần 15 năm. Đến nay, cũng chưa
ai làm cái công việc tổng hợp lượng thơ
đã in thành tập, hay đăng trên các báo giai đọan này. Sách báo thất tán, tác
giả người còn, người mất , người ra nước ngòai định cư. Điều kiện góp nhặt thật
vô cùng nan giải.
Gần đây, một trang mạng văn học nghệ
thuật có làm một chuyên đề Thơ Tình Miển Nam trước 1975 , nhưng cũng chỉ mới “ tập
hợp “ được trên 300 nhà thơ , chính xác là 321 tác giả. Và chỉ mới chuyên về
thơ Tình . Nếu phân dòng : thơ Thiền, thơ Đạo, thơ Đời , . . . thì còn vô số tác giả và tác phẩm đáng phải
nhắc !
Sự đóng góp của Võ Chân Cửu trong
tập Tản Mạn cho ta hình dung lại rất nhiều khuôn mặt thi ca của Miền Nam. Có
nhiều tác giả mà hiện nay với đôc giả
thế hệ 8X trở đi, hầu như không ai biết cả . Nó cho thấy sự phong phú trong
sáng tác của các văn nghệ sĩ thời đó. Tác giả Nguyễn thị Hải Hà sau khi đọc Tuyển
tập Tho Tình Miền Nam có ghi nhận như sau : “ Thơ Tình Miền Nam . . . giống như một loại rượu nho quí tìm được trong
hầm rượu cũ. Loại rượu đặc biệt do một giống nho chỉ có trong thời kỳ ấy, ướp
bằng nắng của mùa ấy, mọc trong đất của khu rừng nho ấy…”.
Nên khi Võ Chân Cửu điện
đề nghị tôi viết mấy dòng cảm nhận về tập sách nầy, tôi không biết phải viết gì
đây. Bởi lẽ tư liệu sống qua giao tiếp rộng rãi của ông thể hiện qua tập sách
này, đã giúp cho tôi rất nhiều thông tin về thi ca Miền Nam trước ’75. Cho nên,
lời đầu tiên tôi là : “ Võ Chân Cửu, tôi rất cảm ơn vì Bạn đã cho tôi uống lại
một vò rượu quí mà hôm nay đã gần tuyệt tích .”
Bình Dương, cuối tháng 8-2012
Chu Ngạn Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét