Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

NHÀ THƠ KIÊN GIANG TỪ TRẦN

Trái tim của nhà thơ - soạn giả - ký giả kịch trường Kiên Giang (Hà Huy Hà) đã ngừng đập lúc 6 giờ 30 ngày 31.10 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM), thọ 86 tuổi.


Như Thanh Niên Online đã đưa tin về tình trạng nguy kịch củanhà thơ Kiên Giang, tác giả bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài trên áo tím, sau hơn 2 ngày hôn mê sâu (từ trưa ngày 28.10), nhà thơ Kiên Giang đã qua đời.

Được biết, sau khi tẩm liệm, linh cữu nhà thơ Kiên Giang sẽ được quàn tại Nhà Tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 1.11. Lễ truy điệu tiến hành lúc 7 giờ ngày 3.11, sau đó đoàn xe tang sẽ di chuyển và tạm dừng ở trụ sở Ban Ái hữu Nghệ sĩ TP.HCM (133 Cô Bắc, quận 1), nơi ông có nhiều năm gắn bó.

Nhà thơ Kiên Giang sẽ an nghỉ tại Nghĩa trang Hoa viên Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), nơi người bạn chí cốt của ông, nhà văn Sơn Nam, cũng đã an nghỉ hơn 5 năm về trước.

 


Nhà thơ Kiên Giang - Ảnh: Đào Trung Phụng

Chị Ngọc Thùy, con gái lớn của nhà thơ, cho biết do đọc được trên báo có tin một bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường, nhà thơ đã gom chút tiền hưu, đón xe từ TP.Long Xuyên (nơi ông an dưỡng cuối đời) lên TP.HCM để giúp đỡ cho trường hợp này. Tuy nhiên, vừa tới  TP.HCM, chưa kịp thực hiện ý định thì ông bị đột quỵ vào xế trưa 28.10. Người nhà của cố nhà báo Phong Vân đã đưa ông vào cấp cứu tại Bệnh viện Quận 8, sau đó chuyển ông qua Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5), và từ đó đến nay ông chưa tỉnh lại.

Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17.2.1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá. Năm 17 tuổi (1946), đang là học sinh, Trương Khương Trinh đã có dịp tiếp xúc và gần gũi với nhà thơ Nguyễn Bính tại Rạch Giá và tôn Nguyễn Bính là thầy dạy làm thơ của mình (bài thơ Tiền và lá của ông chịu ảnh hưởng rõ nét của Nguyễn Bính). Sau này, ông làm thơ lấy bút danh là Kiên Giang (bài thơ nổi tiếng của Kiên Giang là Hoa trắng thôi cài lên áo tím được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc).

Ông còn là một soạn giả cải lương nổi tiếng với bút danh Hà Huy Hà, cùng thời với Năm Châu, Viễn Châu và được coi là thầy của cặp soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Những vở cải lương mang dấu ấn Hà Huy Hà là Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới (vở này đã đưa cô đào Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm năm 1958). Ngoài làm thơ, soạn kịch bản cải lương, Kiên Giang còn là ký giả kịch trường của nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn trước 1975 như: Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín…Ông từng bị tù vì là một trong những người tổ chức Ngày ký giả ăn mày, phản  đối Luật báo chí sửa đổi của chính quyền Sài Gòn năm 1974.

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che khuất người thương nóc giáo đường
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím 
Em là cô gái tuổi băng trinh
Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông 
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường
Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông 
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi
Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi, chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ 
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình!
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Vẫn còn ấp ủ mộng băng trinh
Em lên xe cưới về quê chồng 
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím 
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím, màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường
Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẻ thù
Nhưng rồi người bạn trang lứa ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ngân vang lời tiễn biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím 
Mà cài trên nắp áo quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi
Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.
Tiền và lá
Ngày xưa, hớt tóc "miểng rùa”
Ngây thơ, mẹ bắt đeo "bùa cầu ông".
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
Đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào .
Đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời .
Anh moi đất nắn "tượng người",
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem "người đất" đổi tiền "lá rơi".
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ đời họp một mình tôi vui gì!
Kiên Giang
Hà Đình Nguyên

Nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/
XIN THÀNH THẬT CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH NHÀ THƠ VÀ CẦU CHÚC LINH HỒN NHÀ THƠ THONG DONG NƠI CÕI KHÁC
Nguyễn văn Trai - Viêm Tịnh - Mặc Tuyền - Nguyên Minh - Nguyễn Sông Ba - Nguyễn Miên Thảo - Văn Viết Lộc - Cao Huy Khanh - Từ Hoài Tấn - Nguyễn văn Hiền - Phạm Tấn Hầu - Lê Ngọc Thuận - Nguyên Quân  - Hồ Đăng Thanh Ngọc và một số anh em văn nghệ sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét