Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

GIỚI THIỆU " NỖI BUỒN PHA LÊ " CỦA NHÀ THƠ TRƯƠNG NAM CHI - CAO THOẠI CHÂU


TRƯƠNG NAM CHI 
LÀM CHI TRONG LỤC BÁT “NỖI BUỒN PHA LÊ”(*) ?
Cả ngàn năm tồn tại, thơ Lục Bát như một con thuyền, mang khái niệm tiếp nhận và lưu chuyển. Người bình dân xưa gửi vào con thuyền ấy một chút, chỉ mới một chút tâm tư nhỏ lẻ, bình dị như nông phẩm cũng nhỏ lẻ của họ “Qua đình ngả nón trong đình / Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Chút tâm tình ấy chở bằng Lục Bát là hợp lý và đắc dụng! Nhưng gửi cả một cuộc đời với triết lý về sự xung đột của Tài / Mệnh vào Lục Bát thì phải kể đến Nguyễn Du, ấy là nói gửi một cách gọn gàng và lưu chuyển thành công. “Buồn trông cửa bể chiều hôm / Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa / Buồn trông ngọn nước mới sa / Mây trôi man mác biết là về đâu” thì không còn là “hàng” manh mún nữa, thành “hàng” có giá trị gia tăng rất cao rồi : Một thân phận người!
     Tôi nghĩ, sau cụ Nguyễn có một cuộc đổi mới con thuyền Lục Bát để nó không chỉ chuyên chở được “hàng nội” mà còn đắc dụng lưu chuyển cả “Cái Tôi” triết lý, nhân sinh, trái tim lãng mạn tiếp thu từ nền văn hóa mới phương Tây. Và người thành công là Huy Cận! Hồi những năm 60 ở Sài Gòn, tôi có viết về “Lục Bát Huy Cận” theo suy nghĩ này, khiến một số nhà thơ hơi khó chịu nhưng rồi thấy êm và có lẽ họ nhận quả đúng có một dòng lục bát mang tên như tôi viết! “Đi rồi, khuất ngựa sau non / Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu /  Trơ vơ buồn lọt quán chiều / Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người”“Tay anh em hãy tựa đầu / Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi” “ Nai cao gót lẫn trong mù / Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về”. Đó là những câu thơ Huy Cận tôi trích vào bài viết năm xưa ấy, có nhấn mạnh hai chữ “nẻo thuộc” và các nhà thơ khi ấy im trước “thương hiệu” Lục Bát Huy Cận!
     Từ ấy đến nay, Lục Bát luôn được làm mới. Thường là “chẻ” hai câu thành bốn câu, năm câu nhưng xem ra cũng vẫn rón rén trên “con thuyền ba lá” chứ chưa cho thấy một sự mạnh dạn nào đáng kể. Thật sự chưa có một nhà thơ nào làm lục bát theo kiểu này một cách kiên trì, chỉ lâu lâu đá vào một chút. Là sao ? Tuy không phải người bảo thủ nhưng có lúc đọc những câu lục bát “chẻ” này tôi nghĩ…thôi cứ nên 6 / 8, xuống hàng làm chi cho…tốn giấy! Vì nghĩ vậy nên tôi không trích đăng những câu ấy vì sẽ rất mất lòng mà chẳng lợi chi và lợi cho ai! Vả, thơ cũng là một cõi chơi, không ai có thể bắt người ta đi một lối hay không được đi một lối…
       Rồi một hôm mới đây thôi, tôi ngẫu nhiên có cuộc gặp “kép” với Trương Nam Chi, vừa gặp người lần đầu lại là lần gặp thơ của người, tập thơ “Nỗi Buồn Pha Lê” ghi mạnh bạo ngoài bìa là thơ Lục Bát. Vốn tin vào chữ nghĩa của các nhà thơ, tôi hiểu nhà thơ đang có quyết tâm, kiên trì thể hiện mình bằng cách làm công việc là…làm mới kiểu thơ này.
Trương Nam Chi làm chi trong tập lục bát của cô? Trước hết là “chẻ” câu nhưng không “chẻ” như nhiều người thành 2/4/4/4 mà tôi nói ở trên.
Nợ nần vắt
Kiệt đời nhau
Nên duyên tiền kiếp
Buông câu
Ú…
Òa!
     Thoát công thức 6/8 để tạo dựng một tiết tấu 3/3/4/2/1/1, có vẻ là phá hơi dữ và cái tiết tấu này không dùng cho mọi bài, ngay sang đoạn thơ khác của cùng bài, nó đã thành: “Trước ta thành/ Lũy chắn/… Và / Sau ta biển động/ Khó mà / Lội/  Sang” (3/2/1/4/2/1/1). Và cứ thế tiết tấu biến báo khôn lường, chỉ âm hưởng lục bát là còn lại! Cách “chẻ” chữ của Trương Nam Chi là vậy, và cô không phải chỉ có “chẻ” chữ, “chẻ” tiết tấu truyền thống, còn thứ khác nữa : Chẻ ý!
     Lục Bát truyền thống vốn hao hao như thế này “Cho em được nắm bàn tay / Đời người dễ có mấy ai hiểu mình”, và  “Vì đời lắm nỗi/ Bất minh / Nên tình trong sáng / Giúp mình vững tâm” đó cũng là thơ Trương Nam Chi- những suy nghĩ rất con gái và rất hiền lành. Nhưng Trương Nam Chi đột nhiên chuyển ý từ sự “vẩn vơ” như vậy sang một sự…tung tẩy “Mà/ Sao nước mắt/ Hình như…/Hình như máu đỏ/ Loang/ Từ trong tim”. Và như thế vẫn còn nhẹ nhàng cái duyên làm mình làm mẩy của người nữ, khác những câu này của tác giả “Thì / Em cứ việc / Cách tân/ Bao nhiêu đau đớn ? Cho lần / Rạch / Da/ Bao nhiêu lầm lỡ/ Xót xa / Hóa thành tiếng khóc / Oan gia lạc / Loài” .
       Điều tôi cảm nhận ở đây là những câu không cùng độ dài và được ngắt ý đột ngột kia lại là những mệnh đề, có khi là mệnh đề độc lập! Chẻ ý nhưng khéo léo lắm mới được như vậy!
Tôi nghĩ thơ Lục Bát là một dòng dài bất tận, lâu lâu lại nổi lên những “nhánh” độc đáo làm thành một "biểu đồ" : Dân gian – Nguyễn Du – Huy Cận và tiếp tục sau này. Ở nhánh thứ nhất, lục bát như con thuyền chở theo nông phẩm của nền văn minh lúa nước. Nhánh tiếp theo ai cũng hay là chở một triết lý về kiếp hồng nhan. Nhánh Huy Cận chở nặng cảm xúc, con tim của “cái Tôi” được giải phóng khao khát yêu và cũng bơ vơ…Nhánh hiện tại của nhiều người ra đời trong bối cảnh nền kinh tế hướng về thị trường, nhiều khi cuộc sống bị bê tông hóa từ chỗ ở đến cả tư duy, cảm xúc. Lục bát hiện đại phải chở cả một khối nặng nề…
     Người đọc thơ nào cũng có những tham vọng nhìn thấy những “thương hiệu” mới và tôi nhận ra một Trương Nam Chi trong số những nhà thơ đang đi tìm “thương hiệu” cho dòng lục bát của mình. Là người làm thơ cũng khá lâu nhưng tôi rất sợ lục bát, cả đời tôi có lẽ chỉ được cặp này “Tôi về sầu trắng đôi vai / Đi như quân tướng trong ngày bại vong” nên chi tôi rất chú ý đến tập thơ của người bạn mới gặp. Đổi mới thì nhiều, nhưng có căn cơ và quyết tâm thì hình Trương Nam Chi đang một mình một cõi. Rất mong cô thành công để cho tôi thỏa lòng mong ước, nhưng rồi sẽ ra sao thì tùy thuộc vào chỗ nhà thơ chỉ làm mới một chút cho vui hay là…Trương Nam Chi, nhà thơ lục bát, tại sao không ?
---------
(*) Nỗi Buồn Pha Lê, lục bát Trương Nam Chi
NXB Hội Nhà Văn. Văn Tuyển thực hiện 2014

Trương Nam Chi : Hai bài lục bát












Trương Nam Chi
1.    MÒN
Đường mòn
Mòn
Gót chân đi

Trời cao mòn cánh
Chim di theo bầy

Đường xa mòn sợi
Gió gầy

Nợ nần mòn mỏi
Chất
Đầy đời nhau

2.    DÂU BỂ
Nợ nần vắt
Kiệt đời nhau
Nên duyên tiền kiếp
Buông câu
Ú…
Òa !

Trước ta thành
Lũy chắn
…và
Sau ta biển động
Khó mà
Lội
Sang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét