Một buổi sáng mưa dầm và lạnh giá, thứ lạnh và mưa được xếp vào loại đặc sản của Huế như nhiều người vẫn nói, Phan Lệ Dung và tôi ngồi trong căn phòng nhỏ ở Gác Trịnh. Dung kể cho tôi nghe về tập thơ đầu sắp ra mắt có tên gọi "Bản hoà âm khắc nghiệt". Tôi nhìn những tán cây long não bên ngoài song cửa đang lắc lay gió, nhớ hình như ai đó đã nói rằng thượng đế rất hào phóng khi ban phát đớn đau khắc nghiệt cho con người mà hân hoan hạnh phúc thì quá chi li, keo kiệt... Mãi vẫn chưa thấy in thơ. Hỏi, Dung bảo còn phải thay đổi nhiều thứ chưa ưa ý. Dùng dằng hơn nửa năm, tập thơ mới được ra mắt với nhan đề: "Ký ức hoa cẩm chướng đỏ".
Cái tên gọi mới đọc lên thôi đã gợi nhớ trong những người quen biết, khi còn là nữ sinh áo trắng mười bốn mười lăm tuổi, cô bé Lệ Dung đã làm thơ.. Tôi nghĩ rằng lúc ấy, chắc Phan Lệ Dung cũng chưa nghĩ đến chuyện mình sẽ là nhà thơ. Cả sau này khi đã là người yêu, là vợ của nhà thơ Thái Ngọc San, những bài thơ do ngẫu hứng bất chợt cũng chưa làm dày thêm nỗi đam mê sáng tác ở Dung. Chỉ đến khi định mệnh lên tiếng gọi anh San đi xa. Trở thành goá phụ lúc tuổi già chưa đến mà thời thanh xuân thì đã bỏ lại đằng sau, Phan Lệ Dung đến với thơ như tìm về một đỡ nâng cho những ngày tháng chông chênh tưởng không gì đắp vá nổi...
Đọc hết 41 bài thơ, tôi thấy Phan Lệ Dung đã đúng khi đổi tên cho tập thơ này. Bởi những bài thơ trang trải cảm xúc suốt từ miền thơ ấu cho đến khi đã là "thiếu phụ mỏng manh", đã oằn lưng gánh chịu nhiều đau thương mất mát trong những nỗi đời riêng chung, giọng thơ ở nhiều cung bậc cảm xúc vẫn không bi luỵ thống thiết. Do cách nói mộc mạc, dung dị tự nhiên làm phút chốc như nhẹ tênh đi những xót xa thấm đẫm một phận đời? Hay bởi những buồn đau một khi đã quá nặng, sẽ tự lắng dần để tâm hồn ta trở nên trong trẻo hơn?
Đó là những tiếc nuối ngậm ngùi về một mái ấm đã khuyết lẻ khi một nửa yêu thương vừa ra đi:
chiều nay
gió về
cửa nhà mình không khép
con ở Sài Gòn
anh Lỳ ở xa tận Quy Nhơn
Ba cũng ở rất xa, xa lắm
Mẹ ở nhà một mình
nhớ con
(Thư gửi con gái đang học ở Sài Gòn)
Là trở về với nỗi cô đơn thường trực khi những đứa con yêu đã lớn khôn, đã ra khỏi vòng tay mẹ:
lâu quá mới được ôm vào lòng
đứa con trai ba mươi tuổi
chiếc xích lô sơn màu tím cũ kỹ
chậm chạp lăn đều trên mặt đường Lê Lợi
thả tiếng kêu cọc cạch
rơi vào đêm
ai cúng đầu năm đốt vàng mã bên đường
khói bay lên thơm mùi than giấy
sau lưng tiếng còi tàu rời rã
có tiếng chim non kêu đêm
trên hàng cây long não
mắt tôi nhạt nhoà.
(Mồng một tết tiễn con lên tàu vào Sài Gòn)
Hoặc là những xót đau về cái chết trong chiến tranh:
tới ngã ba ông Rồng
người đứng đông như kiến
bu quanh mấy xác chết máu me la liệt
không có tiếng người khóc
chỉ có tiếng gió thổi mắc trên cành cây
không thoát ra được
chị dặn em
nhắm mắt đi qua kẻo tối về nằm chộ
(Trời đang mưa trong núi)
Hay khi chứng kiến phút ra đi của người thân:
nhớ cái cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng
khi cánh tay cha buông thõng xuống thành giường
mẹ đã khóc thành tiếng
đầu giường kia
mặt em tôi tái ngắt
tôi hốt hoảng chạy ra đường
kêu làng kêu xóm
con chim chù huýt trên cành cây cất tiếng gọi hồn
(Một ngày ảm đạm)
Và nhiều nhất, vẫn là với những mối tình. Dẫu là những hoài niệm về những ngọt ngào lẫn đớn đau đã qua. Hay bồi hồi bởi cơn gió tình yêu mới hôm nào thoảng đến:
và một chiều nắng muộn
anh đi
gió mang cánh hoa màu đỏ bay về phía cuối trời
nắng buổi chiều
nhoà nước mắt tôi
(Ký ức hoa cẩm chướng đỏ)
mùi hương nồng thắm
như còn phảng phất đâu đây
anh hôn em ngọt ngào
anh hôn em hân hoan
ngoài kia trời nhả nắng hanh vàng
(Giá như anh về thật)
đã hơn một năm
mình xa...
phố nghèo vắng bóng
anh không nói gì
nắng phai chiều dạo ấy
anh đi trước
tôi dứng nhìn theo
con đường ngập lá
khoảng cách mênh mông
sao lại thấy gần
đời hai phía còn vấn vương
mong một ngày gặp lại
(Thì thầm)
gửi anh
một chút xót xa
đường vạn dặm
anh phiêu bạt cánh chim lãng tử
em thiếu phụ mỏng manh
biết khi nào gặp lại
ôi, đất trời phiêu lãng anh.
(Gửi anh)
Lâu nay tôi vẫn thường bị chinh phục bởi vần điệu trước khi cảm xúc về nội dung của thơ. Nhưng khi đọc "Ký ức hoa cẩm chướng đỏ", hình như tôi đã thay đổi. Tuy từ đầu đến cuối, chỉ không hơn vài cặp câu có vần một cách ngẫu nhiên, thơ Dung vẫn bàng bạc âm hưởng của ca dao. Có lẽ không gian trong hoài niệm của Dung rất gần gũi và quen thuộc với cánh đồng, con trâu, với cánh cò, đôi chim chiền chiện...
cái nắng, cái nắng đa tình mênh mang đi khắp
sao không về thắp lửa bên em
nắng hời, nắng ơi.
em còn nụ hôn lận trong khoé mắt
đợi đêm về khoe với gió đông
em còn nỗi buồn giấu trong vạt áo
ai biết mà cảm thương.
(Điệu ru nắng)
ngày mai cắt lúa đồng xa
giữ chân cho khéo kẻo sa đồng lầy
ngày ấy buổi chiều choàng lên cánh đồng
tiếng hò đưa lả lướt
con cò trắng bay lên
cuốn cả đồng vàng vào đôi cánh
(Cánh đồng hoài niệm)
Những bài thơ như những lời kể chuyện mộc mạc chân chất. Mộc mạc nhưng không thô thiển. Và vì thế mà người đọc thấy như đang ở trong đời thực, cho dẫu cuộc đời cứ dắt ta loanh quanh, dùng dằng mãi với những khóc cười, được mất. Với "Ký ức hoa cẩm chướng đỏ", Phan Lệ Dung đã khiến tôi có cảm giác như vừa ra khỏi men say của một thứ cocktail, trong đó hương ngọt ngào hân hoan thì rất nhẹ mà vị tiếc nhớ u hoài thì cứ mãi đằm sâu...
Huế, 12-10-2014
Nguyễn Thị Duyên Sanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét