Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

MỒNG NĂM TẾT - CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 8)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 – 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Tám


81 - Dương Văn Phúc
GỬI NHỜ VƯỢT BIÊN
Việt kiều ở Đức sinh năm 1967 tại Phan Thiết. Sống ở Đức (2007).
Chưa đầy 10 tuổi đã cùng chị và em trai được bố mẹ vốn là dân đánh cá gửi nhờ thuyền vượt biên từ vùng biển Phan Thiết năm 1976. Và sau một hải trình kinh hoàng suýt chết đã đến được Thụy Sĩ nhưng do vô thừa nhận nên phải vào trại trẻ mồ côi.
Phải chờ một thời gian dài sau đó ba chị em mới được nhận làm con nuôi, mỗi người một gia đình ở cách xa nhau. Riêng mình may mắn được nhận làm con út một gia đình thuộc giới văn nghệ sĩ.
Lớn lên ra đời làm việc mới tìm về lại quê hương tìm gia đình thì cha đã mất chỉ còn lại mẹ già, muốn đưa mẹ qua Đức nhưng mẹ không thích chỉ muốn ở lại cùng làng nước. Năm 1997 lấy vợ, mẹ mới chịu qua dự đám cưới.
Cuộc đời những trẻ mồ côi vượt biên đã được khái quát hóa qua câu chuyện của mình thành bộ phim truyện nhựa “Em trai tôi lấy vợ” do đạo diễn Thụy Sĩ là người anh nuôi thực hiện năm 2007 trình chiếu trong Liên hoan Phim Thụy Sĩ. Trong phim có sự tham gia của một số diễn viên VN trong đó có NSƯT Thành An và NSƯTMẫn Thu (đóng vai bà mẹ).

82 - Đặng Văn Minh
“NGÀN GIỌT LỆ RƠI”
Cán bộ ngành ngoại giao sinh 1909 tại Vĩnh Long – Mất 1986 ở VN (78 tuổi).
Tham gia Cách mạng từ thời kháng Pháp, năm 1954 đi tập kết dẫn con trai lớn ra Bắc để vợ và 5 con nhỏ ở lại miền Nam.
Ra Bắc, chuyển qua ngành ngoại giao làm đại sứ, con trai lớn được đưa đi Nga đào tạo thành một sĩ quan phòng không. Còn tại miền Nam, một con trai cũng được chọn lựa qua Mỹ huấn luyện làm phi công chiến đấu nhưng không may thiệt mạng trong một phi vụ bay thử tại đây; một con gái thì lấy một phi công hải quân Mỹ hoạt động trên chiến trường VN rồi sau chuyển qua Hawai.
Trong biến cố 30.4.75, con gái cùng chồng sống ở Hawai vận động hải quân Mỹ đưa máy bay qua Sài Gòn di tản mẹ và cô em gái út đang mắc kẹt ở đây qua Mỹ. Nhưng cũng từ đó tiết lộ thân phận của mình là con gái một cán bộ ngoại giao cao cấp của Cộng sản!
Thế là phía Mỹ mở một chiến dịch mật ngầm tìm cách dùng con gái gài mối liên hệ với chính quyền mới ở VN. Từ đó sắp xếp một cuộc hội ngộ tại Nhật Bản vào tháng 6.75 giữa người con gái với cha mình ở hai bên chiến tuyến sau 23 năm xa cách, trong cuộc gặp còn có mặt đứa cháu ngoại… lai Mỹ!
Nhưng cuộc gặp gỡ bí mật này sau đó đã được ông báo cáo lại với Hà Nội, bởi vậy có thể nói một “cuộc chiến tình báo” đã diễn ra giữa đôi bên Mỹ và Cộng sản tranh nhau “giành giật” gia đình họ Đặng. Qua đó một cuộc đoàn viên gia đình được cả hai bên cho phép diễn ra trên đất trung lập Pháp năm 1976 với hy vọng “phe mình” sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh nội bộ gia đình này. Phía nguời cha (vẫn chung thủy với vợ) cố thuyết phục vợ con quay về quê hương nay đã độc lập thống nhất, phía người mẹ (cũng ở vậy một mình nuôi con) thì ngược lại không chấp nhận chế độ Cộng sản và lại muốn lôi kéo chồng theo mình. Kết quả ý đồ bên nào cũng thất bại.
Năm 1977 thêm một cuộc hội ngộ gia đình nữa được dàn dựng lần này trên đất Anh với mục đích “chiến tranh chính trị” tương tự tuy kéo dài đến hai tuần lễ vẫn không đi đến đâu vì quan điểm lập trường đôi bên quá cách xa nhau. Cuối cùng hai “phe” – phe mẹ đầy đủ mẹ và các con, phe cha chỉ mình ông vì người con trai cả sĩ quan phòng không Quân đội Nhân dân VN đã bị kỷ luật xuất ngũ – đành chấp nhận “đình chiến” để còn giữ lại chút tình cảm gia đình huyết thống trước khi chia tay nhau gần như vĩnh viễn trong nước mắt – “Ngàn giọt lệ rơi” chính là tựa đề của thiên hồi ký đẫm lệ này mà nhiều năm sau người con gái l?y chồng Mỹ đã viết lại (“A thousand tears falling”).
Từ đó đôi bên ngàn thu vĩnh biệt, người cha qua đời năm 1986, bà mẹ mất năm 2001 sau khi đã gặp mặt người con trai đầu bấy giờ cũng đã qua sống luôn ở Mỹ. Tập hồi ký “Ngàn giọt lệ rơi” được đạo diễn Mỹ dựng thành phim, ngoài ra còn được dùng làm tài liệu giảng dạy trong một số trường ở Mỹ chung quanh chủ đề cuộc chiến tranh Việt - Mỹ.

83 - Đinh Thị Đen
VỤ THẢM SÁT THÔN T’RÂU
Dân thường người dân tộc sinh năm 1960 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Đà Nẵng (2007).
Cuối tháng 4.1963 đang đêm quân Mỹ dùng máy bay trực thăng mở một trận đột kích vào thôn T’râu thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông ngày nay) nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu vì đây là một căn cứ địa tiếp tế hậu cần cho bộ đội vùng đông Trường Sơn. Cuộc tấn công diễn ra nhanh chóng chủ yếu tập trung vào ngôi nhà dài đốt nó cháy rụi, nơi hơn 20 dân làng đang ngủ say không hề hay biết chuyện gì xảy ra, toàn bộ người lớn bị thiêu cháy hoặc bị bắn chết tại chỗ. Chỉ có 12 đứa trẻ chạy ra thoát thân thì được nương tay tha chết trong đó có ĐT Đen khi ấy mới 3 tuổi.
Sau đó bọn trẻ được đưa về Đà Nẵng, vào cô nhi viện mở đầu chặng đời lưu lạc tha phương mất dấu quê nhà, cha mẹ.
Riêng mình được đổi tên đi học trường y tế ở Quãng Ngãi ra làm y tá trên huyện miền núi Quảng Nam. Năm 1993 gặp được một nguời bà con kể lại đầu đuôi nguồn cội gốc gác mình liền xin nghỉ việc về Đà Nẵng mở tiệm hớt tóc với mục đích ở gần quê cũ để tìm cách đi truy tìm dấu tích gia đình năm xưa. Nhưng trải qua hơn 40 năm vùng quê xưa nay đã đổi khác quá nhiều, dù có về lại – hơn 10 lần - cũng không tìm ra đâu là nơi làng bản ngày trước, đâu là di tích của ngôi nhà dài đã trở thành nấm mồ tập thể cả làng. Thế là hàng đêm thức trắng ngồi viết những lá thư lai láng nước mắt thương nhớ cha mẹ không bao giờ được được gửi đi bởi có biết đâu là địa chỉ: “Không đêm nào tôi không nằm mơ thấy quê hương, thấy những đứa trẻ đen đúa như tôi ngày xưa khóc vật vã giữa nương rẫy và thấy cả người mẹ ngủ ngon lành trên chõng tre…”
Mãi đến năm 2007 một già làng bên cạnh mới tình cờ phát hiện được dấu tích hai chiếc cột nhà của nhà dài kia bị cháy xém vùi lấp dưới đất. Từ đó xác định được địa điểm nhà làng thôn T’râu ngày xưa.
Những đứa trẻ thôn T’râu sống sót đã gọi nhau cùng trở về dựng bia và một dãy mộ tượng trưng tưởng niệm cha mẹ và thân nhân bất hạnh của mình tại đây để nói rằng “Chúng con đã về đây!”

84 - Huỳnh Phan Anh
KINH NGHIỆM HƯ VÔ THỰC SỰ
Nhà văn tên thật Huỳnh Thanh Tâm sinh 1940 tại Bình Dương. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 75 dạy Triết và viết báo, sáng tác, dịch thuật, từng ra ứng cử Quốc hội ở miền Nam. Sau 75 vẫõn ở lại TPHCM không theo gia đình ra nước ngoài.
Từ đó sống đời quên lãng lang thang quán xá bầu bạn với giới văn nghệ trẻ đàn em say sưa quên đời. Bấy giờ mới đích thực được sống “kinh nghiệm hư vô” như nhan đề một cuốn tiểu luận đã viết những năm 60 – “Văn chương và kinh nghiệm hư vô” – lúc ấy vốn mới chỉ là một mớ kinh nghiệm lý thuyết ảnh hưởng văn chương viễn mơ phương Tây.
Bất ngờ đến thời đổi mới được “khôi phục” lại vị trí nhà văn cũ uy tín, bắt đầu dịch và in lại một số tác phẩm văn học Pháp. Thế là được cả chính phủ Pháp công nhận là một chuyên gia về văn hóa Pháp, được mời đi nghiên cứu dịch thuật ở Pháp.
Mãi đến năm 2002 mới chịu qua Mỹ đoàn tụ với gia đình song vẫõn thường xuyên về nước đi tìm lại dư âm của bao thời dâu bể đã qua. Với một quan điểm độc lập: “Tôi xin khẳng định một điều là cho dù tôi có sống ở Mỹ một vài năm nay hay trong suốt phần đời còn lại của cuộc đời thì tôi cũng khó hội nhập được vào nước Mỹ! Tôi không bao giờ là một nhà văn lưu vong. Tôi đã và vẫn sẽ là một người VN… Tôi nghĩ trong khi chờ đợi làm nhà văn thì hãy làm người đã. Điều đó cũng có ích cho xã hội.”

85 - Huỳnh Trí
ĐẠI TÁ VỀ HƯU KHÔNG NGHỈ HƯU
Bộ đội về hưu sinh 1947 tại An Giang. Sống ở An Giang (2009).
Đại tá “Hai Trí” khi còn tại chức đã quan tâm nghe ngóng tin tức rồi tổ chức đi tìm hài cốt đồng đội trên chiến trường Campuchia nơi ông từng chiến đấu một thời trước 75.
Đến khi về hưu 62 tuổi vẫn tình nguyện xin theo Đội K93 An Giang làm nhiệm vụ truy tìm và quy tập hài cốt bộ đội hy sinh trên chiến trường Campuchia. Phải xin phép cấp cao đặc biệt mới được chấp thuận cho đi theo đoàn làm cố vấn hướng dẫn.
Từ đó trong 8 năm qua không hề “nghỉ phép” ngày nào đã đi khắp các tỉnh Ta Keo, Kan Dal, Kam Pot, Kompong Speu, Koh Kol trên đất Campuchia giúp tìm được gầøn 800 bộ hài cốt bộ đội liệt sĩ đưa về quê mẹ.
Dân Campuchia kính phục gọi ông là “Tà Hai” ý chỉ tôn trọng một người có uy tín trong phum sóc của họ.


86 - Jenny Do
MỘT TÌNH YÊU HUẾ
Luật sư sinh 1966 tại Vũng Tàu. Sống ở Mỹ (2008).
Con lai mẹ VN bố Mỹ (tên Việt là Phương Thanh) nên được bảo lãnh qua Mỹ năm 1984. Tốt nghiệp luật sư nhưng lại quay qua hoạt động xã hội và nghệ thuật có nhiều cống hiến cho TP San Jose (làm cố vấn cho Hội đồng Nghệ thuật San Jose) nên năm 2007 đuợc bang này tặng cho danh hiệu “Người phụ nữ của năm.”
Từ đó còn chuyển hướng đưa những hoạt động trên hướng về quê hương như tại Mỹ lập Phòng tranh Greence dành cho học sinh Việt, tổ chức những buổi nói chuyện về văn chương VN… Trực tiếp hơn, còn về VN tổ chức những hoạt động từ thiện. Đặc biệt không hiểu vì sao tập trung cho Huế (quê gốc Huế?) như lập Hội “Những người bạn Huế”, lập “bệnh viện di động” cho người nghèo, vận động giúp bệnh nhân nghèo mổ tim, lập Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú năm 2003, nuôi trẻ mồ côi Huế, cấp học bổng…
Giữa bao nhiêu công việc bề bộn như thế thì giữa năm 2007 được chẩn đoán… mắc bệnh ung thư khi mới hơn 40 tuổi! Nhưng sau những đợt hóa trị vẫn tranh thủ bay về Huế…

87 - Không tên 1
MÁI TÓC NẠN NHÂN BOM NAPALM
Thợ thêu nữ sinh 1960 tại Tây Ninh – Mất 2006 ở Bà Rịa - Vũng Tàu (47 tuổi).
Là một nạn nhân tương tự Kim Phúc cô bé trần truồng vừa chạy vừa la hét dưới trận mưa bon napalm ở Tây Ninh năm 1972 trong bức ảnh nổi tiếng của phóng viên ảnh quốc tế Nick Ut.
Sau đó được đưa về bệnh viện ở Sài Gòn chạy chữa cứu sống với mặt mày và thân thể chi chít vết sẹo, tóc không bao giờ mọc nổi nữa. Rồi được một gia đình nhân hậu ở thành phố nhận làm con nuôi.
Sau 75, bố mẹ nuôi đều qua đời đẩy chị vào con đường phải tự lực mưu sinh làm đủ các nghề như giữ em, ở đợ, thậm chí đi quét rác nữa… Nhờ có người giúp đỡ được đi học nghề thêu ba năm thành tài, ra mở lớp dạy thêu và tự gây dựng được một cơ sở làm tranh thêu xuất khẩu.
Đời sống đã ổn định, công việc làm ăn phát triển tốt nhưng vẫn luôn giữ mặc cảm là người không bình thường, đầu phải luôn chiếc mũ len che những vết sẹo loang lổ, không nói năng giao tiếp được rõ ràng mà phải dùng cách bút đàm nên chán đời nhiều lầøn muốn tự tử.
Đếùn một ngày nọ bất ngờ nhận được một món quá quý giá đầy xúc động: Một mái tóc dài của một bạn học thêu cũ không may gặp tai nạn qua đời trước khi lìa đời đã trăng trối tặng lại cho chị đội thay chiếc mũ len xấu xí kia.
Món quà đã làm chị bừng tỉnh trong cuộc sống tiếp tục với niềm tin yêu trở lại thành một người như bao người bình thường khác. Như tâm tình nhắn gửi: “Chị chỉ xin một điều: Đừng nêu tên chị vì chị cũng bình thường như bao con người bình thường khác.”

88 - Không tên 2
KHÔNG ĐƯỜNG VỀ
Người dân tộc Tây Nguyên không biết tên sinh 1957 tại Pleiku. Sống ở Mỹ (2004).
Năm 2002 đi theo nhóm người dân tộc ở Tây Nguyên trốn qua Campuchia rồi được Mỹ thu nhận cho ngụ cư ở bang North Carolina.
Đến năm 2004 cùng 2 người bạn đồng hương khác quyết định về VN thăm gia đình qua ngã Los Angeles nhưng đến nơi không đi được do không được Tòa Đại sứ VN cấp visa. Cả ba được hội tôn giáo cứu trợ chuẩn bị đưa họ về lại Quận Cam nơi có đông đảo cộng đồng dân VN sinh sống nhờ giúp đỡ nhưng cả ba lại tìm cách trốn quay trở lại sân bay quyết về VN cho được.
Tuy nhiên trong chuyến đi thứ hai này, bản thân “Người không tên” mất hết giấy tờ lại không biết tiếng Anh nên chỉ còn lại một mình trong khi 2 người kia thì đi được nhờ máy bay Đài Loan đưa qua Campuchia khỏi cần thị thực visa của VN. Từ đó ông bị… kẹt lại ở sân bay trong suốt một tháng trời ăn ngủ tại chỗ cứ tơ lơ ngơ dáo dác đây đó mà chẳng biết xoay xở ra sao! Cuối cùng nhân viên sân bay phát hiện mới cùng những người hảo tâm giúp đỡ tìm chỗ ở, mua thức ăn, góp tiền mua vé máy bay cho ông về San Francisco một lần nữa xin visa nhập cảnh vào VN xem sao…
Giống hệt chuyện của bộ phim truyện “Terminal” do 2 ngôi sao Mỹ thực hiện, Tom Hanks đóng vai “Người không tên”, S. Spielberg đạo diễn. Nhưng Tom Hanks còn có đoạn kết có hậu, còn trường hợp này không biết kết thúc thế nào, chỉ biết nhân vật chính ở đây nói ông vẫn chấp nhận “liều” về nước dù biết có thể bị chính quyền làm khó dễ vì đã bỏ trốn qua Campuchia.

89 - Khúc Minh Thơ
ÂN NHÂN CỦA H.O
Nhà hoạt động xã hội sinh khoảng 1948 tại Sa Đéc. Sống ở Mỹ (2010).
Năm 23 tuổi đã thành góa phụ khi chồng sĩ quan quân đội chế độ cũ tử trận để lại 3 con nhỏ. Sau đó lấy chồng khác sĩ quan cao cấp cảnh sát chế độ cũ.
Vào thời điểm 30.4 làm nhân viên Đại sứ quán chế độ cũ ở Philippines phải bỏ qua Mỹ, chồng con còn kẹt lại ở Sài Gòn phải đi cải tạo.
Tại Mỹ qua quan hệ với bạn bè cũ làm trong ngành ngoại giao Mỹ đã trở thành người tiên phong đứng ra vận động với Quốc hội và chính phủ Mỹ (gặp Tổng thống R. Reagan và Tổng thống G. Bush cha thời đó) liên hệ với phía VN nhằm xác lập chế độ H.O dành cho sĩ quan chế độ cũ được bảo lãnh qua Mỹ. Trong thời gian 8 năm vận động có lúc bà được chẩn đoán tình nghi mắc bệnh ung thư nhưng vẫn không bỏ cuộc.
Cuối cùng chế độ HO được 2 nước chuẩn thuận bắt đầu thực hiện từ năm 1990 giúp cho khoảng 300.000 gia đình sĩ quan chế độ cũ đi cải tạo trở về được bảo lãnh qua Mỹ. Riêng ba con bà lại phải vượt biên mới qua được, sau đó mới bảo lãnh chồng qua đoàn tụ vớùi gia đình.

90 - Khương Thế Hưng
NGƯỜI YÊU CỦA ĐẶNG THÙY TRÂM
Bộ đội sinh 1934 tại Hội An, Quảng Nam – Mất 1999 ở Hà Nội (66 tuổi).
Chính là người yêu của nữ liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm tác giả cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được phát hiện nổi tiếng từ Mỹ chuyển về VN năm 2005, là nhân vật M. trong cuốn nhật ký (viết tắt bút danh làm thơ của anh, Đỗ Mộc hoặc Nguyên Mộc).
Mới 16 tuổi đã tham gia đánh Pháp, sau tập kết ra Bắc. Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ trí thức (con trai nhà thơ tiền bối Khương Hữu Dụng) nên nhanh chóng nổi tiếng là một mẫu thanh thanh niên lý tưởng thời này: Đẹp trai, “cái gì cũng giỏi” từ học hành, ca hát, đánh đàn, thổi sáo (tác giả bản nhạc múa “Chàm Rông” nổi tiếng thời anh chiến đấu trên chiến trường miền Trung sau này), làm thơ, chơi thể thao….
Mối tình đôi bên chớm nở từ mối giao tình hai gia đình trí thức cùng gốc gác miền Trung tập kết (bố ĐT Trâm là bác sĩ quê Huế và ĐT Trâm cũng sinh tại Huế). Nhưng năm 1962 từ khước vào đại học và chia tay người yêu để xin vào Nam lại chiến đấu trên chiến trường máu lửa Quảng Ngãi, trong đoàn chiến sĩ vào Nam chiến đấu sớm nhất. Từ đó nhanh chóng trở thành một lãnh đạo cuộc chiến chống Mỹ ở địa phương, lăn lộn gần 100 trận đánh chịu khoảng 20 vết thương trên mình. Ngoài ra còn thành lập Đoàn Văn công Quảng Ngãi, sáng tác nhiều hành khúc chiến đấu và bản nhạc múa “Chàm Rông” (năm 2006 thân hữu đã ghi lại một đĩa CD kỷ niệm).
Từ hậu phương miền Bắc, năm 1966 ĐT Trâm tốt nghiệp bác sĩ cũng tình nguyện vào Nam phục vụ và tìm đến Quảng Ngãi với hy vọng gặp lại cố nhân mối tình đầu cũng là mối tình vĩnh cửu. Nhưng hờn tủi thay khi gặp lại thì anh tỏ vẻ xa cách, trốn tránh không chịu nối lại đường tơ. Không phải vì anh đã có “người khác” mà vì một lý do thầm kín không bao giờ bày tỏ mà mãi đến khi hy sinh năm 1970 – lúc mới 28 tuổi - có lẽ cô cũng chưa kịp hiểu thấu tại sao. Mà anh cũng chưa kịp hé lộ cho ai khi cùng thời điểm đó bị thương nặng đưa về Bắc chữa trị (sau đó chuyển qua làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân, tham gia Ban Liên hợp quân sự bốn bên rồi về làm việc ở Tổng cục Chính trị quân đội).
Lý do đó mãi đến hàng chục năm sau khi anh qua đời năm 1999 người thân mới phát hiện trong những dòng nhật ký úa vàng của riêng anh còn kẹp ở giữa những lá thư của ĐT Trâm – một “Nhật ký Khương Thế Hưng”. Nhật ký của một mẫu hình chàng trai lý tưởng chủ nghĩa cực kỳ sẵn sàng cống hiến hy sinh tất cả bản thân kể cả chuyện tình yêu vì lý tưởng chiến đấu cho quê hương đấùt nước.
Trong nhật ký anh đã giảûi thích lý do sở dĩ “đoạn tình” với ĐT Trâm vì một ý hướng cao thượng không muốn làm cho người yêu sau này phải đau khổ vì mình: “Tình hình này chắc chắn anh sẽ hy sinh trước ngày toàn thắng. Nên giữa đôi ta chỉ là tình bạn, tình anh em mà thôi… Anh sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để Thùy tìm một hạnh phúc đảm bảo hơn, trọn vẹn hơn.”
Nhưng đau đớn và oái oăm thay chính người yêu lại ra đi trước anh, khi đó bom mới nổ trong lòng anh: “…Thùy ơi sẽ không có người con gái nào giống Thùy đâu, trong cuộc sống và trong trái tim mình… Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới. Anh đã nghĩ đó là tình yêu của người lính… Có phải vậy đâu mà lòng anh hôm nay thì trống rỗng… Bây giờ thì như bao giờ anh cũng cần sống xứng đáng hơn. Bao giờ cũng phải phủ định mình để khẳng định mình. Sống như vậy cực lắm Thùy ơi. Anh đuối sức. Và anh đau khổ…”
Nỗi đau đó được giấu kín trong đáy sâu tâm hồn, câm nín đến chết. Nó được ghim chặt trong đời thường cũng như cuộc sống của một người luôn sống vì người khác, không muốn làm phiền đến người khác nên tự mình chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Thậm chí còn không chịu làm thẻ thương binh để hưởng chế độ dù người đầy thương tích và nhiễm CĐDC, mỗi khi lên cơn từ vết thương đầu nhũn não có thể gây loạn trí chỉ ôm đầu lăn lộn chịu đựng một mình!
Trong lời tưởng niệm đọc tại lễ tang, nhà văn Nguyên Ngọc đã ngậm ngùi ghi nhận một người anh hùng thầm lặng của thế hệ, của thời đại: “Anh đã sống một cuộc đời xứng đáng. Đã có một con người trọn vẹn đi qua thế gian này. Một con người cao đẹp, tài năng, đức độ nhưng luôn luôn lẩn khuất giấu mình mà có lẽ chúng ta đã không thật sự biết rõ, thấu hiểu…”
Một “Paven VN” với thiên tìønh sử lãng mạn bi tráng vào hàng bậc nhất trong chiến tranh chống Mỹ nói riêng, trong lịch sử chiến tranh nói chung.
(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét