Từ lâu bánh tét, rượu làng Chuồn thơm nức tiếng. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi xuôi phá Tam Giang về với ngôi làng cổ kính có lịch sử trên dưới 600 năm để được cùng những người dân chất phát của vùng đất văn hóa này cảm nhận hương Tết của làng Chuồn.
Làng Chuồn nằm ven đầm phá Tam Giang, là cách gọi theo tiếng Nôm của làng An Truyền thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Đây là một trong những ngôi làng được hình thành sớm trên đất Thừa Thiên - Huế. Nơi đây còn có đình làng mang phong cách kiến trúc đặc trưng của đình làng triều Nguyễn gắn liền với sự ra đời, phát triển của làng vào thế kỷ XV được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều văn thân võ tướng, người ta còn biết đến làng Chuồn qua đặc sản rượu tăm đậm đà, qua bánh tét, nếp thơm nức tiếng và cả nghề tranh dân gian tồn tại mấy trăm năm nay: nghề làm trướng, liễn giấy.
Tranh trướng, liễn giấy - hương sắc của ngày xuân
Tết xưa, nhà nhà xứ Huế đều chọn tranh trướng, liễn giấy làng Chuồn để trang trí bàn thờ gia tiên. Đây là loại tranh nặng tính lễ nghi thuộc dòng tranh mộc bản truyền thống của người Việt. Tranh làm bằng giấy dó hoặc giấy điều, bồi thành tấm theo nguyên tắc "lòng đỏ, biên lục, mép vàng". Ngày trước, tranh được làm bằng giấy dó do làng Đốc Sơ sản xuất, hoặc sang trọng hơn là loại in trên giấy điều lấm tấm nhũ vàng của người Hoa.
Ông Huỳnh Lý, một nghệ nhân 90 tuổi, với hơn 60 năm gắn bó với nghề, cho biết: “Trướng liễn được in trên giấy báo cũ. Người thợ dùng giấy báo nhuộm màu, bồi lên thành tấm theo kích thước y môn treo ngang trướng, hoặc treo dọc liễn bằng nguyên tắc bồi cổ truyền "Lòng điều - kế lục - chỉ vàng" (lòng đỏ, biên lục, mép vàng) rồi đem in chữ, phơi khô và trang trí họa tiết”.
Liễn giấy làng Chuồn gồm hai loại chính: liễn bông, một bộ phận gồm 4 bức in hoa theo kiểu tranh tứ bình: mai, lan, cúc, trúc và liễn chữ, mỗi bộ gồm 3 bức, một bức đại tự in một trong ba chữ Phúc, Lộc, Thọ treo ở giữa và hai liễn giấy treo ở hai bên.
Còn loại y môn trang trí theo kiểu "lưỡng long triều nguyệt" thường dùng để trang trí sau vách gian chính, nơi thờ phụng tổ tiên, hoặc treo ngang làm diềm, rèm trước và sau bàn thờ hay ở các gian phụ trong ngày Tết.
Thuở trước, trướng liễn làng Chuồn được in bằng các màu tự pha chế và bằng cây cỏ thiên nhiên: màu đỏ làm bằng thổ hoàng; màu cam từ gạch non; màu lục từ lá mối và bông ngọt; màu vàng thì sử dụng lá đung và hoa hòe…
Ngày nay, nghệ nhân làm tranh ở làng Chuồn không còn dùng các loại màu truyền thống mà chuyển sang dùng hóa chất để in. Điều đó đã làm mai một tính truyền thống trong bức tranh dân gian. Trên mỗi bức trướng liễn, câu đối đều thể hiện niềm ước mong phúc đức, thịnh vượng, coi trọng đạo hiếu nghĩa hay ca ngợi cảnh sắc đầu xuân. Thông qua bố cục, đường nét và màu sắc, các nghệ nhân đã thể hiện hình tượng âm dương để nhấn mạnh sự sinh tồn của vũ trụ, mối giao lưu giữa trời đất...
Tết xưa, về làng Chuồn sẽ thấy những mảng màu xanh, đỏ, vàng được phơi đầu làng, góc xóm. Bây giờ, cả làng chỉ còn ông Lý đang cố níu giữ nghề đã từng góp phần tạo nên hương sắc ấm cúng ngày xuân. Một chút ngậm ngùi khi nghe ông tâm sự: “Hồi trước, dịp Tết tui làm hàng nghìn bộ nhưng chừ chỉ vài trăm bộ thôi. Nhà cửa ngày càng khang trang, người ta không còn mua trướng, liễn để trang trí nữa”. Vẻ như, khi những ngôi nhà tranh vách đất ngày càng hiếm dần thì nghề làm tranh trướng, liễn làng Chuồn cũng sẽ chìm khuất trong dòng đời náo nhiệt?
“Đệ nhất danh tửu” của đất Thần kinh
Tôi từng nghe đâu đó rằng, rượu làng Chuồn được xưng tụng là “đệ nhất danh tửu” của xứ Thần kinh. Giữa nhiều loại rượu dân gian của Huế, rượu làng Chuồn có hương vị đặc trưng không lẫn được... Đến làng Chuồn, mùi rượu cứ thoang thoảng ra tận đầu ngõ, thơm nồng.
Làng Chuồn có khoảng 200 người làm nghề nấu rượu với hơn 100 lò rượu suốt ngày đêm đỏ lửa. Ngày thường đã vậy, ngày Tết người ta còn nấu nhiều hơn. Ông Rạng cũng là người có thâm niên nấu rượu, nay đã truyền nghề cho con trai là anh Đoàn Khỏe, cho rằng, rượu làng Chuồn ngon là nhờ cách chọn gạo, ủ men. Gạo được chọn phải là loại gạo lức, nấu mới ngọt. Ngày trước, người làng Chuồn nấu rượu bằng loại gạo lức đỏ đầy cám nhưng nay loại gạo này trở nên khan hiếm nên phải thay thế.
Đến thăm lò rượu của anh Đoàn Khỏe mới thấy, để có một mẻ rượu ngon, giai đoạn rải và phơi cơm rượu được chăm chút cẩn thận, ủ men đúng độ. Rượu ngon còn nhờ bàn tay của người pha chế. Trải qua bao thế hệ, rượu làng Chuồn vẫn luôn giữ vững thương hiệu của mình ấy là nhờ người làm rượu đã luôn nấu rượu nguyên chất, không pha cồn. Đó chính là cái tâm của người làm nghề được tiếp truyền từ bao thế hệ nay.
Bánh tét mô ngon bằng bánh làng Chuồn
Người làng Chuồn làm bánh tét quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Vừa đến đầu làng đã nghe thoảng trong gió mùi thơm của đậu xanh, thịt mỡ và hương nếp nồng nàn quyện vào nhau ngào ngạt. Nhà nhà đều làm bánh. Trẻ con lau lá, người lớn thì vút nếp, xào nhụy, gói bánh… Những bàn tay thoăn thoắt trong câu chuyện râm ran, ríu rít nụ cười tươi rói.
Tôi ghé vào nhà bà Hồ Thị Thí, một trong những gia đình có thâm niên làm bánh tét ở làng. Chị Hoàng Thị Oanh, con dâu bà Thí kể: “Ngày thường, gia đình tui gói khoảng 50 đòn bánh để bán ở chợ. Nhưng những ngày giáp Tết, mỗi ngày gói 300 đòn. Rứa là cứ đến Tết, cả nhà đều quanh quần quanh nồi bánh tét. Mỗi người mỗi tay, mỗi việc”.
Nghe ông Đoàn Rạng kể bí quyết làm nên loại bánh đặc trưng của vùng quê này mới hiểu vì sao bánh tét làng Chuồn có vị trí đặc biệt trong đời sống ẩm thực ngày Tết của người dân Huế.
Ông Rạng năm nay 75 tuổi và đã làm bánh từ lúc tóc còn để chỏm. Gia đình ông đã qua 4 đời làm bánh tét. Tay gói bánh thoăn thoắt, ông kể: “Có bánh tét mô ngon bằng bánh làng Chuồn. Ngày xưa, ở làng Chuồn có bức ruộng cửa gồm 20 mẫu, trong đó có một mẫu cho hạt nếp thơm đặc biệt (thường gọi là nếp tây). Hằng năm, dân làng vẫn mang loại nếp này dâng lên vua. Nếp tây làm bánh tét rất mềm, dẻo, có vị thơm riêng. Đây mới chính là loại bánh tét làng Chuồn ngon nức tiếng”. Bây giờ, loại nếp này đã bị mất giống nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được cách gói bánh truyền thống để tạo nên hương vị riêng của bánh làng Chuồn.
Trước tiên là khâu chọn nếp, phải chọn nếp thơm, đều hạt, giã trắng. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (giữ bánh được lâu). Lá gói bánh là lá chuối sứ không già lắm. Nhụy được làm từ đậu xanh mỡ (loại hạt đậu lớn, đều) và mỡ lợn cắt thành thỏi dài, vuông. Tiêu hành, muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp. Đòn bánh gói đẹp phải để nhụy bánh nằm đúng trung tâm, giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau...
Thưởng thức bánh tét làng Chuồn, mọi người sẽ cảm nhận được vị mềm dẻo của bánh, hương thơm dịu của nếp, vị béo bùi của nhụy bánh và vị cay của tiêu hành… Dường như, với hương riêng ấy, bánh tét làng Chuồn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân cố đô.
Vừa nấu bánh, chị Nguyệt, con gái ông Rạng góp chuyện: “Bánh được nấu trong khoảng 6 giờ. Khi nấu, lửa phải đỏ mạnh, đều và thường xuyên thêm nước. Thường, một thùng bánh nấu 100 đòn nhưng gói xong 50 đòn, tui phải bắt nước luộc ngay, bởi để lâu bánh sẽ bị chua. Tuyệt đối không nấu bánh bằng nước mưa, nó sẽ làm đỏ bánh. Bánh để được trong khoảng 10 ngày”.
Trời nhá nhem tối, se lạnh. Bên bếp lửa hồng tí tách, đôi má chị Nguyệt ửng hồng như e ấp, thẹn thùng. Lửa bập bùng trong ánh mắt, khói quyện thành vòng bay lên, loãng ra tạo nên một không gian lãng đãng, thi vị mà ấm cúng của ngày Tết. Chợt nao lòng nhớ ngày còn bé, quây quần cùng ông bà, ba mẹ quanh nồi bánh tét đang đỏ lửa để chờ đến thời khắc giao thừa.
Chia tay làng Chuồn, tôi nhớ mãi cảm giác khi ngắm nghệ nhân Lý miệt mài trang trí cho những bức tranh đầy màu sắc, lúc nhấp chén rượu thơm nồng, ăn miếng bánh tét dẻo, mềm. Chừng ấy thôi cũng đã đủ hương, vị của ngày xuân
Làng Chuồn nằm ven đầm phá Tam Giang, là cách gọi theo tiếng Nôm của làng An Truyền thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Đây là một trong những ngôi làng được hình thành sớm trên đất Thừa Thiên - Huế. Nơi đây còn có đình làng mang phong cách kiến trúc đặc trưng của đình làng triều Nguyễn gắn liền với sự ra đời, phát triển của làng vào thế kỷ XV được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều văn thân võ tướng, người ta còn biết đến làng Chuồn qua đặc sản rượu tăm đậm đà, qua bánh tét, nếp thơm nức tiếng và cả nghề tranh dân gian tồn tại mấy trăm năm nay: nghề làm trướng, liễn giấy.
Tranh trướng, liễn giấy - hương sắc của ngày xuân
Tết xưa, nhà nhà xứ Huế đều chọn tranh trướng, liễn giấy làng Chuồn để trang trí bàn thờ gia tiên. Đây là loại tranh nặng tính lễ nghi thuộc dòng tranh mộc bản truyền thống của người Việt. Tranh làm bằng giấy dó hoặc giấy điều, bồi thành tấm theo nguyên tắc "lòng đỏ, biên lục, mép vàng". Ngày trước, tranh được làm bằng giấy dó do làng Đốc Sơ sản xuất, hoặc sang trọng hơn là loại in trên giấy điều lấm tấm nhũ vàng của người Hoa.
Ông Huỳnh Lý, một nghệ nhân 90 tuổi, với hơn 60 năm gắn bó với nghề, cho biết: “Trướng liễn được in trên giấy báo cũ. Người thợ dùng giấy báo nhuộm màu, bồi lên thành tấm theo kích thước y môn treo ngang trướng, hoặc treo dọc liễn bằng nguyên tắc bồi cổ truyền "Lòng điều - kế lục - chỉ vàng" (lòng đỏ, biên lục, mép vàng) rồi đem in chữ, phơi khô và trang trí họa tiết”.
Liễn giấy làng Chuồn gồm hai loại chính: liễn bông, một bộ phận gồm 4 bức in hoa theo kiểu tranh tứ bình: mai, lan, cúc, trúc và liễn chữ, mỗi bộ gồm 3 bức, một bức đại tự in một trong ba chữ Phúc, Lộc, Thọ treo ở giữa và hai liễn giấy treo ở hai bên.
Còn loại y môn trang trí theo kiểu "lưỡng long triều nguyệt" thường dùng để trang trí sau vách gian chính, nơi thờ phụng tổ tiên, hoặc treo ngang làm diềm, rèm trước và sau bàn thờ hay ở các gian phụ trong ngày Tết.
Thuở trước, trướng liễn làng Chuồn được in bằng các màu tự pha chế và bằng cây cỏ thiên nhiên: màu đỏ làm bằng thổ hoàng; màu cam từ gạch non; màu lục từ lá mối và bông ngọt; màu vàng thì sử dụng lá đung và hoa hòe…
Ngày nay, nghệ nhân làm tranh ở làng Chuồn không còn dùng các loại màu truyền thống mà chuyển sang dùng hóa chất để in. Điều đó đã làm mai một tính truyền thống trong bức tranh dân gian. Trên mỗi bức trướng liễn, câu đối đều thể hiện niềm ước mong phúc đức, thịnh vượng, coi trọng đạo hiếu nghĩa hay ca ngợi cảnh sắc đầu xuân. Thông qua bố cục, đường nét và màu sắc, các nghệ nhân đã thể hiện hình tượng âm dương để nhấn mạnh sự sinh tồn của vũ trụ, mối giao lưu giữa trời đất...
Tết xưa, về làng Chuồn sẽ thấy những mảng màu xanh, đỏ, vàng được phơi đầu làng, góc xóm. Bây giờ, cả làng chỉ còn ông Lý đang cố níu giữ nghề đã từng góp phần tạo nên hương sắc ấm cúng ngày xuân. Một chút ngậm ngùi khi nghe ông tâm sự: “Hồi trước, dịp Tết tui làm hàng nghìn bộ nhưng chừ chỉ vài trăm bộ thôi. Nhà cửa ngày càng khang trang, người ta không còn mua trướng, liễn để trang trí nữa”. Vẻ như, khi những ngôi nhà tranh vách đất ngày càng hiếm dần thì nghề làm tranh trướng, liễn làng Chuồn cũng sẽ chìm khuất trong dòng đời náo nhiệt?
“Đệ nhất danh tửu” của đất Thần kinh
Tôi từng nghe đâu đó rằng, rượu làng Chuồn được xưng tụng là “đệ nhất danh tửu” của xứ Thần kinh. Giữa nhiều loại rượu dân gian của Huế, rượu làng Chuồn có hương vị đặc trưng không lẫn được... Đến làng Chuồn, mùi rượu cứ thoang thoảng ra tận đầu ngõ, thơm nồng.
Làng Chuồn có khoảng 200 người làm nghề nấu rượu với hơn 100 lò rượu suốt ngày đêm đỏ lửa. Ngày thường đã vậy, ngày Tết người ta còn nấu nhiều hơn. Ông Rạng cũng là người có thâm niên nấu rượu, nay đã truyền nghề cho con trai là anh Đoàn Khỏe, cho rằng, rượu làng Chuồn ngon là nhờ cách chọn gạo, ủ men. Gạo được chọn phải là loại gạo lức, nấu mới ngọt. Ngày trước, người làng Chuồn nấu rượu bằng loại gạo lức đỏ đầy cám nhưng nay loại gạo này trở nên khan hiếm nên phải thay thế.
Đến thăm lò rượu của anh Đoàn Khỏe mới thấy, để có một mẻ rượu ngon, giai đoạn rải và phơi cơm rượu được chăm chút cẩn thận, ủ men đúng độ. Rượu ngon còn nhờ bàn tay của người pha chế. Trải qua bao thế hệ, rượu làng Chuồn vẫn luôn giữ vững thương hiệu của mình ấy là nhờ người làm rượu đã luôn nấu rượu nguyên chất, không pha cồn. Đó chính là cái tâm của người làm nghề được tiếp truyền từ bao thế hệ nay.
Bánh tét mô ngon bằng bánh làng Chuồn
Người làng Chuồn làm bánh tét quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Vừa đến đầu làng đã nghe thoảng trong gió mùi thơm của đậu xanh, thịt mỡ và hương nếp nồng nàn quyện vào nhau ngào ngạt. Nhà nhà đều làm bánh. Trẻ con lau lá, người lớn thì vút nếp, xào nhụy, gói bánh… Những bàn tay thoăn thoắt trong câu chuyện râm ran, ríu rít nụ cười tươi rói.
Tôi ghé vào nhà bà Hồ Thị Thí, một trong những gia đình có thâm niên làm bánh tét ở làng. Chị Hoàng Thị Oanh, con dâu bà Thí kể: “Ngày thường, gia đình tui gói khoảng 50 đòn bánh để bán ở chợ. Nhưng những ngày giáp Tết, mỗi ngày gói 300 đòn. Rứa là cứ đến Tết, cả nhà đều quanh quần quanh nồi bánh tét. Mỗi người mỗi tay, mỗi việc”.
Nghe ông Đoàn Rạng kể bí quyết làm nên loại bánh đặc trưng của vùng quê này mới hiểu vì sao bánh tét làng Chuồn có vị trí đặc biệt trong đời sống ẩm thực ngày Tết của người dân Huế.
Ông Rạng năm nay 75 tuổi và đã làm bánh từ lúc tóc còn để chỏm. Gia đình ông đã qua 4 đời làm bánh tét. Tay gói bánh thoăn thoắt, ông kể: “Có bánh tét mô ngon bằng bánh làng Chuồn. Ngày xưa, ở làng Chuồn có bức ruộng cửa gồm 20 mẫu, trong đó có một mẫu cho hạt nếp thơm đặc biệt (thường gọi là nếp tây). Hằng năm, dân làng vẫn mang loại nếp này dâng lên vua. Nếp tây làm bánh tét rất mềm, dẻo, có vị thơm riêng. Đây mới chính là loại bánh tét làng Chuồn ngon nức tiếng”. Bây giờ, loại nếp này đã bị mất giống nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được cách gói bánh truyền thống để tạo nên hương vị riêng của bánh làng Chuồn.
Trước tiên là khâu chọn nếp, phải chọn nếp thơm, đều hạt, giã trắng. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (giữ bánh được lâu). Lá gói bánh là lá chuối sứ không già lắm. Nhụy được làm từ đậu xanh mỡ (loại hạt đậu lớn, đều) và mỡ lợn cắt thành thỏi dài, vuông. Tiêu hành, muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp. Đòn bánh gói đẹp phải để nhụy bánh nằm đúng trung tâm, giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau...
Thưởng thức bánh tét làng Chuồn, mọi người sẽ cảm nhận được vị mềm dẻo của bánh, hương thơm dịu của nếp, vị béo bùi của nhụy bánh và vị cay của tiêu hành… Dường như, với hương riêng ấy, bánh tét làng Chuồn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân cố đô.
Vừa nấu bánh, chị Nguyệt, con gái ông Rạng góp chuyện: “Bánh được nấu trong khoảng 6 giờ. Khi nấu, lửa phải đỏ mạnh, đều và thường xuyên thêm nước. Thường, một thùng bánh nấu 100 đòn nhưng gói xong 50 đòn, tui phải bắt nước luộc ngay, bởi để lâu bánh sẽ bị chua. Tuyệt đối không nấu bánh bằng nước mưa, nó sẽ làm đỏ bánh. Bánh để được trong khoảng 10 ngày”.
Trời nhá nhem tối, se lạnh. Bên bếp lửa hồng tí tách, đôi má chị Nguyệt ửng hồng như e ấp, thẹn thùng. Lửa bập bùng trong ánh mắt, khói quyện thành vòng bay lên, loãng ra tạo nên một không gian lãng đãng, thi vị mà ấm cúng của ngày Tết. Chợt nao lòng nhớ ngày còn bé, quây quần cùng ông bà, ba mẹ quanh nồi bánh tét đang đỏ lửa để chờ đến thời khắc giao thừa.
Chia tay làng Chuồn, tôi nhớ mãi cảm giác khi ngắm nghệ nhân Lý miệt mài trang trí cho những bức tranh đầy màu sắc, lúc nhấp chén rượu thơm nồng, ăn miếng bánh tét dẻo, mềm. Chừng ấy thôi cũng đã đủ hương, vị của ngày xuân
Theo TTO.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét