Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 6)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Sáu


59 - Đỗ Mậu
“VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI”
Thường dân ở Mỹ sinh 1917 tại Quảng Bình. Sống ở Mỹ.
Đó là nhan đề tập hồi ký đồ sộ đầu tiên của một cựu tướng lĩnh và quan chức chế độ cũ ở nước ngoài (bút danh Hoành Linh – Đỗ Mậu), in lần đầu năm 1986 tại Mỹ dày gần 1.100 trang (750.000 từ), sau đó tái bản 9 lần ở Mỹ, một lần ở Úc năm 1990 với hơn 20.000 bản bán ra – một kỷ lục của ấn phẩm VN hải ngoại. Tại VN cũng được in năm 1991 nhưng… đổi tên sách!
Cuôn hồi ký bao trùm thời kỳ lịch sử kéo dài từ thời kháng Pháp 1945 đến năm 1975 được tác giả mệnh danh là “hồi ký chính trị” qua đó ghi nhận những chặng đường lịch sử đất nước mà mình là chứng nhân với một quan điểm dân tộc gút lại bằng một “quy luật đặc thù của lịch sử Việt” là “Hễ đã phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc”
Ấy có lẽ cũng là đúc kết cuộc đời cuộc đời phức tạp của một con người từng có nhiều tham vọng chính trị cuối cùng đều thất bại bị cơn sóng thời cuộc cuốn phăng ném qua bên lề lịch sử.
Thời trai trẻ từng theo Cách mạnh đánh Pháp nhưng sau lại bỏ qua… đi lính cho Pháp (hàm trung úy) rồi di cư vào Nam theo phò Ngô Đình Diệm, nhờ cùng quê với tổng thống nên được tin cậy giao cho nắm ngành tình báo – mật vụ. Tuy nhiên một thời gian sau lại bị thất sủng bèn quay qua ủng hộ nhóm tướng lĩnh Dương Văn Minh làm đảo chánh chế độ Diệm năm 1963.
Đảo chánh thành công được cử làm Bộ trưởng Thông tin có ý đồ dùng đòn “gậy ông đập lưng ông” để chống Cộng tức là sử dụng phương pháp, biện pháp thông tin tuyên truyền của Cộng sản để chống lại Cộng sản.
Nhưng nhóm tướng lĩnh Dương Văn Minh bị Mỹ ngại thân Pháp đã giật dây nhóm “tướng trẻ” lật đổ “tướng già” khiến ông tướng khá văn võ toàn tài họ Đỗ cùng bị cho ra rìa luôn, vĩnh viễn bị loại khỏi chính trường miền Nam. Cuối cùng phải lưu vong qua Mỹ tìm quên trong việc nghiên cứu lịch sử chiến tranh VN, từ đó viết nên cuốn hồi ký giá trị rất giàu tư liệu lịch sử nhất là những chuyện “hậu trường chính trị”.
Đã mấy lần về lại VN, ngồi xe lăn ra thăm tận làng xưa ở Quảng Bình một thời cùng quê với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm, Thích Trí Quang.

60- Hoàng Cát
NẠN NHÂN “CÂY TÁO ÔNG LÀNH”
Nhà thơ sinh 1942 tại Nghệ An. Sống ở Hà Nội (2010).
Từ năm 1965 đã là bộ đội chiến đấu ở Thừa Thiên - Huế, đến 1969 bị thương được rút về hậu phương chữa trị phải cưa một chân (gắn chân giả) nên qua 1971 xuất ngũ ra Hà Nội.
Tài hoa, giao du rộng, tính tình phóng khoáng nên gia nhập làng báo làm thơ được nhiều người ái mộ. Sự nghiệp, tiếng tăm đang lên như diều thì xảy ra tai họa cuộc đời.
Đầu tiên là cưới vợ nhằm đúng vào đêm máy bay Mỹ thả bom phố Khâm Thiên làm cả đám cưới tan tác. Tiếp đến năm 1973 viết truyện ngắn thiếu nhi “Cây táo ông Lành” đăng trên báo Văn Nghệ chẳng hiểu vì lý do gì bỗng nhiên bị “đánh” cho te tua! Lấy lý do truyện này có “hai nghĩa” nên chụp đủ thứ mũ “phản động”, “chống phá”, “xuyên tạc” đường lối chính sách.
Dư luận cho rằng thực chất scandal văn chương kể trên là do thiên truyện thiếu nhi vô hại này đã “phạm húy” lãnh đạo ngành văn hóa nghệ thuật lúc đó là Tố Hữu vốn có bí danh đồng chí “Lành”. Cho nên thời đó mới có câu vè “Hoàng Cát không viết điều hung/ Ông Lành chớ làm việc dữ.”
Nguyên nhân chưa rõ chỉ biết thực tế từ đó tự động bị treo bút, thất nghiệp lâm vào cảnh gia đình đói rách tang thương. Phải xoay xở làm đủ các nghề lao động chân tay – tính ra đến… 17 nghề! – như dán tem thuốc, cuốn thuốc lá điếu, rang đậu phọng, làm nem chạo, làm bóng bì, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi chó Nhật, nuôi chim vẹt (bán làm cảnh), nhổ lông bì lợn, buôn lợn, bán nước chè vỉa hè… Phải đeo chân giả mà đạp xe thồ hàng. Nhưng cũng không xong, không yên thân, làm đâu thua đó lại còn bị gạt nợ, quỵt tiền, quậy phá, làm khó dễ.
May mà còn nhờ có cái “mác” thương binh nên mới được “chừa” ra. Và phần khác sống được nhờ vợ một tay tần tảo “cứu” qua ngày dù vợ cũng mắc bệnh bướu biến chứng qua tim.
Lận đận mãi đến 20 năm sau đến thời Đổi mới 1989 mới thực sự được “giải phóng” khỏi cái án treo bút – thật ra là án bất thành văn! – bắt đầu viết báo làm thơ trở lại, “vịn thơ mà đứng dậy”. Từ 1991 in được một số tác phẩm kể lại thời gian khó “Cám ơn vỉa hè”:
“Ta cảm ơn vỉa hè bụi bặm
Đã nuôi ta năm tháng cơ hàn…”
Và nhắc nhớ lại việc đền ơn đáp nghĩa với vùng đất Thừa Thiên – Huế một thời cưu mang cứu sống minh trong thời binh lửa:
“Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất mẹ tôi bị bom tàn sát
Tôi chôn cất em tôi không thấy xác
Trên chiến trường phía Nam.
…………………………..
Tôi đã chôn biết bao bạn bè
Giữa tim tôi
Không nhớ hết từng người.
………….
Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất ấp ủ người em tình nghĩa…
Tôi giữ mãi những nấm mồ
Luôn được ấm
Giữa ngực tôi.”
Tất cả như được “sống lại”, gần 70 tuổi vẫn chuẩn bị ra tập thơ tổng kết sự nghiệp dù mắc bệnh tim từng mấy lần ngã quỵ trên vỉa hè. Hàng năm vẫn tìm về thăm xứ Huế làm việc đền ơn đáp nghĩa với đồng bào từng cưu mang mình thời lửa đạn (dẫn một người nữ thương binh ra tận Hà Nội kiện đòi đất bị xã cắt mất) dù phải đi cà nhắc với một chân giả.
Riêng vụ án “Cây táo ông Lành” mãi mãi vẫn là một bí mật lịch sử vì sau này nghe nói ông Tố Hữu phủ nhận mình là “thủ phạm” mà đổ cho một “lãnh đạo cấp trên” đứng đàng sau! Có giả thuyết phải chăng bị ganh ghét vì “mối tình trai” mà cố nhà thơ Xuân Diệu dành cho ông?
Nhưng thôi, “Bây giờ tôi không chỉ trích ai, cũng không để bụng. Tất cả đã qua rồi. Tất cả đã là quá khứ.” Như tựa đề một tập thơ đã in mà tâm hồn muốn hướng đến: “Thanh thản”.

61 - Hoàng Mộng Thu
“FLOWER LADY”
Nhà hoạt động từ thiện. Sống ở Mỹ (2007).
Vượt biên qua Mỹ lấy chồng người Thái Lan được 3 con thì ly dị.
Từ năm 1995 thành lập nhóm Tình thương hoạt động từ thiện bằng cách tổ chức thường xuyên đi thăm các tù nhân vị thành niên nhằm động viên, giáo dục các em biết ăn năn hồi cải để được sớm trở về với xã hội bên ngoài. Bằng phương thức độc đáo là đem hoa đến tặng các em và dạy chúng cách làm giỏ hoa để tặng lại mẹ mình, từ đó được tặng cho biệt danh “Phu nhân Hoa”.
Hơn 10 năm chuyên tâm làm từ thiện như thế chưa biết được đền bù cái gì vậy mà đến năm 2007 thay vào đó lại rước lấy tai ương con gái 25 tuổi vừa tốt nghiệp đại học bị phát hiện bị ung thư máu sắp chết!
Nhà từ thiện bây giờ không còn cách nào hơn cầu cứu mọi người hiến tủy (phải là phù hợp) giúp cứu sống con…

62 - Hoàng Đình Hiến
NGƯỜI GÌN GIỮ “NHẬT KÝ CHIẾN TRANH”
Thường dân sinh khoảng 1949 tại Quảng Tri. Sống ở Mỹ (2000).
Sĩ quan chế độ cũ biệt phái về dạy học ở Đà Nẵng.
Tình cờ đã nhận và lưu giữ cuốn “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn cách mạng Chu Cẩm Phong đã hy sinh trên chiến trường miền Trung. Chẳng những gìn giữ mà còn nâng niu tác phẩm – trong tình trạng rất mỏng manh dễ rách nát - trình bày lại bìa sách một cách trân trọng và tìm cách chuyền tay cho nhiều người khác đọc.
Sau 75 đã mang cuốn sách trao lại cho chính quyền mới rồi… đi cải tạo! Sau đó lặng lẽ qua Mỹ. Một trường hợp giống hệt người thông dịch viên cho lính Mỹ đã giúp cho cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không bị đốt bỏ.
Mãi đến năm 2000 khi “Nhật ký chiến tranh” được công bố và xuất bản, người ta mới sực nhớ đến anh thì đã… biệt vô âm tính rồi!

63 - Hoàng Ngọc Tuấn
KẺ VÔ GIA CƯ TRÊN QUÊ HƯƠNG
Nhà văn sinh 1947 tại Huế – Mất 2005 ở TPHCM (59 tuổi).
Nhà văn nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 với những truyện ngắn tình yêu lãng mạn nhẹ nhàng của tuổi trẻ đô thị thời chiến tranh, sau Giải phóng vẫn tiếp tục ở lại sống bằng ngòi bút.
Nhưng bây giờ không phải qua sáng tác (hầu như bỏ luôn) mà tìm cách “viết trốn” vào thể loại… bình luận thể thao quốc tế (bút danh Huấn Toàn) với phong cách Việt Nam hóa World Cup, Euro bằng giọng điệu khá hài hước hóa vì “Tôi không biết làm việc khác được ngoài sự viết”. Còn viết về văn nghệ quốc tế với bút danh Nhị Ngọc nhắc nhớ một mối tình đẹp trước 75 mà đối tượng này hiện là một nghệ sĩ, nhà văn nổi tiếng cũng vẫn sống một mình, lớn tuổi mới lấy chồng Việt kiều. Cả hai mảng đề tài “phi chính trị” trên là dễ viết “lách” nhất để kiếm sống tồn tại thời này!
Song song đó là một cuộc sống thời gian sau này mới càng lãng mạn lạ lùng hơn cả truyện của mình với chủ truơng “bốn không” - không hộ khẩu, không nhà cửa, không vợ con, không xe máy! Hầu như suốt đời không có… hộ khẩu (ghét làm thủ tục nhiêu khê), nhà cửa (đến độ một tuần chia ra nửa tuần về ngủ nhà mẹ, nửa tuần kia “đăng ký” chia đều đến ngủ nhà 2 người bạn thân), rong chơi đây đó vẫn trên chiếc xe đạp còm cõi (có bạn Việt kiều cho tiền bắt mua xe gắn máy thì không chịu), kiên quyết từ chối lập gia đình (hẹn đi “coi mặt” thì… bỏ trốn!), ngồi quán thường trực một mình đối ẩm lặng lẽ không muốn ai ngồi cùng.... Mắc bệnh không chịu đi bệnh viện, đến giai đoạn cuối thì đã muộn.
Có vẻ như mọi sự trước mặt đều “hình như là cuộc sống” giống tựa đề tập truyện thành công nhất “Hình như là tình yêu”. Như trước đây tự nhiên nổi hứng đưa tay xin đăng lính tác chiến thứ dữ Biệt động quân để “cho biết” rồi sau đó đào ngũ về thành phố Huế lang thang theo nhạc Trịnh.
Bắt đầu từ năm 2000 một số tác phẩm cũ – và sau đó là toàn bộ (không nhiều) – được tái bản kịp cho nhìn mặt lại những đứa con tinh thần một thời trước khi ra đi vì bệnh ung thư thực quản.

64 - Hoàng Ngọc Tuấn
MỞ TOANG CÁNH CỬA ÂM NHẠC THẾ GIỚI
Nhạc sĩ sinh 1956 tại Nha Trang. Sống ở Úc (2010).
Ngày 30.4.75 mới vào đại học ở Nha Trang nổi tiếng với ngòn đàn guitar tài hoa mà mỗi lần đánh đàn là như một “cuộc đùa chơi với những sợi dây đàn”.
Bị “lý lịch đen” gia đình nên mấy lần vượt biên đều thất bại hoặc bị bắt nhưng cuối cùng cũng đi được đến Philippines năm 1983 rồi sau đó chuyển qua Úc.
Tại đây thành danh lớn sau khi tốt nghiệp đại học các bằng Triết Tây, Âm nhạc dân gian đã phát huy toàn diện tài năng, đặc biệt về âm nhạc đoạt giải thưởng quốc tế. Còn tham gia thành lập các nhóm văn nghệ và báo điện tử cấp tiến “Tiền Vệ”…
Đã mấy lần quay về quê hương nhớ một thời người con phố biển lang thang đàn đúm…

65 - Hoàng Phủ Ngọc Tường
LỬA TRO THAN
Nhà văn sinh 1937 tại Huế. Sống ở Huế (2010).
Giáo viên rời trường Quốc Học ở Huế đi kháng chiến chống Mỹ năm 1966 rồi trở về 30.4.1975 trở thành là một hình ảnh thần tượng về người trí thức Tây học thời hiện đại ở vùng đô thị miền Nam đi chiến đấu Cách mạng chiến thắng vinh quang. Một mẫu người trí thức dấn thân quá đẹp quá lý tưởng của triết lý hiện sinh Sartre và Camus thập niên 60.
Sau 75 tích cực tham gia hoạt động chính trị, văn hóa xã hội tiếp tục thực hiện lý tưởng nhưng thực tế không như mong muốn khi ước mơ đổi mới – dù chỉ mới manh nha trong lĩnh vực văn học – đã sớm thất bại nặng nề từ “sự cố” Tạp chí Sông Hương ở Huế (là trụ cột trong BBT) bị chận đứng năm 1988. Sau đó “chạy” về Tạp chí Cửa Việt của Quảng Trị (làm Tổng Biên tập) không được bao lâu cũng bị ngưng nửa chừng năm 1992.
Buồn chuyện đời thế thái nhân tình, thêm vào đó là tâm sự đời tư và khúc mắc về biến cố Mậu Thân 68 ở Huế (bị dư luận nước ngoài quy một phần trách nhiệm, sau đó đã được một số nhân chứng lên tiếng “minh oan”) đẩy tới chỗ khủng hoảng. Tới mức ngã bệnh nặng tưởng không qua khỏi ((thức khuya xem World Cup 98 bị té tai biến hôn mê 2 tháng) may mà cuối cùng cứu được. Cái giá phải trả của một người trí thức – nghệ sĩ lại vướng vào cái vòng kim cô chính trị khiến phải cười đau khóc hận vì ảo tưởng.
Bây giờ còn sống được giống như trở về từ cõi chết, hơn 10 năm chỉ nằm và ngồi xe lăn nói ngọng nghịu vẫn gắng gượng suy nghĩ và viết (đọc cho vợ ghi) in được hơn 7 tập sách tiếp tục vinh danh thể loại bút ký sau Nguyễn Tuân, đặc biệt là bút ký thơ mộng về Huế như “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Như một “mệnh lệnh trái tim” từng thúc giục mình khi mới bước chân vào con đường Cách mạng.
“Rất nhiều ánh lửa” là tựa đề tập bút ký viết về Cách mạng những ngày Cách mạng chưa thành công nhưng khi Cách mạng thành công rồi thì những “ánh lửa” đó không còn nhiều nữa mà đã trở nên nhỏ nho, đơn lẻ. Chỉ còn lẻ tẻ vài “đốm lửa” như bản thân mình là một chân dung tự họa:
“Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt, một đời phù du.”
Còn thực tế thì: “Mình ước được yêu vợ cho tới bến, ước được một trận say, được nói một câu tròn vành rõ chữ… Thậm chí ước được đi ỉa một mình không người săn sóc… Chỉ ước có rứa thôi mà trời kiên quyết không cho!” (Nguyễn Quang Lập kể)

66 - Hoàng Thi Thơ
TÌM LẠI ĐỨA CON BÊN KIA GIỚI TUYẾN
Nhạc sĩ sinh 1928 tại Quảng Trị – Mất ở Mỹ 2001 (72 tuổi).
Từng đi theo kháng chiến chống Pháp từ đầu, hoạt động văn nghệ, tuyên truyền ở Huế – Quảng Trị cùng thời với nhạc sĩ Trần Hoàn nhưng năm 1952 rời bỏ hàng ngũ về Huế rồi vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc theo chế độ “Cộng hòa”. Vì thế sau 1975 cùng với Phạm Duy là hai nhạc sĩ bị chế độ mới liệt vào danh sách “đen” những kẻ “chiêu hồi” phản bội nặng tội nhất.
Trong thời gian 20 năm hoạt động văn nghệ ở miền Nam, là một nhạc sĩ tài hoa đa năng để lại nhiều thành tựu trên những lĩnh vực khác nhau. Là tác giả của nhiều ca khúc đậm chất trữ tình lai láng hồn quê (“Đường xưa lối cũ”, “Gạo trắng trăng thanh”, “Rước tình về với quê hương”…) lẫn những tình khúc ướt át lãng mạn (“Tà áo cưới”, “Hình ảnh người em không đợi”, “Túp lều lý tưởng”…). Đồng thời còn viết trường ca, nhạc cảnh, nhạc kịch, biên đạo múa… Tổng cộng hơn 600 ca khúc đủ loại.
Tháng 3.1975 ông dẫn đoàn văn nghệ VN (trong đó có bà vợ sau cũng là một ca sĩ gốc Bắc di cư) qua Nhật Bản trình diễn dài ngày thì xảy ra biến cố lịch sử Giải phóng 30.4 nên cùng vợ tìm đường qua Mỹ định cư luôn.
Có một sự cố xảy ra khi ông bỏ kháng chiến về thành là lúc đó ông không biết người yêu cùng quê – một ca sĩ nổi tiếng thời này và cả sau này ở Hà Nội - mà ông để lại trong chiến khu đang mang thai đứa con đầu lòng của ông. Đứa con trai đó sau này về Hà Nội mang họ bố dượng, khi làm nhà báo thì lấy bút danh mang họ mẹ.
Mãi đến năm 1993 trong thời đổi mới được phép trở về thăm lại quê hương (về thăm lại làng Bích Câu ở Quảng Trị, nơi tạo nguồn cảm hứng cho ca khúc để đời “Đường xưa lối cũ”), ông mới có dịp lần đầu tiên được gặp mặt con sau 40 năm biệt tích, còn con thì theo lời mẹ “hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha”. Nhưng là một cuộc gặp gỡ khá chua xót đắng cay bởi đôi bên “bất đồng chính kiến” khiến tình cha con không được trọn vẹn!
Đó cũng là thời gian ông phát hiện mình mắc bệnh tim nặng phải qua một lần giải phẫu, trong mấy năm cuối đời phải thường xuyên ngủ ngồi vì phổi sặc nước không hút ra được.
Có lẽ bao nhiêu biến cố cuộc đời đó đã đưa ông đến dòng sáng tác ca khúc mang đậm dấu ấn thiền học cuối đời: “Tôi khác ông tiên ở chỗ: Ông tiên không còn vướng bụi trần, còn tôi khổ quá đến phút này mà trái tim vẫn rung động. Điều đó chứng tỏ là vẫn còn vướng bụi trần…”.
Sau khi mất môt đêm diễn 15 ca khúc thiền của ông đã được tổ chức ở Mỹ.
Năm 2009 lần đầu tiên một số ca khúc của ông đã được phép lưu hành trong nước 8 năm sau ngày qua đời.

67 - Hoàng Thị Nghị
GẦN 70 TUỔI MỚI LẤY CHỒNG
Cán bộ hưu trí sinh 1929 tại Hải Phòng. Sống ở Hải Phòng (2006).
Dân Bắc nhưng đã sớm vào Nam hoạt động cách mạng, 2 lần ở tù Côn Đảo.
Sau 75 trở về quê hương làm Hội Phụ nữ rồi về hưu làm Hội Từ thiện.
Sau chiến tranh thấy mình đã khá lớn tuổi và biết mình do bị tù đày tra tấn mất khả năng làm mẹ nên quyết không lấy chồng. Mãi đến gần 70 tuổi mới chịu xây dựng gia đình với một người bạn già bộ đội về hưu để cùng tìm nơi nương tự lẫn nhau lúc đời đã xế chiều.

68- Hoàng Thị Thoa
NGƯỜI CHỒNG CHƯA BAO GIỜ CƯỚI
Lao động làm thuê sinh tại Hải Phòng. Sống ở Hải Phòng (2007).
Trước chiến tranh đã hứa hôn làm lễ ăn hỏi với người yêu sau đó vào Nam chiến đấu, hẹn ngày chiến thắng trở về sẽ hợp hôn.
Tuy chưa kết hôn chính thức nhưng vẫn xem mình là dâu trong nhà chồng thường xuyên qua lại chăm sóc, đỡ đần bố mẹ chồng chưa cưới. Cùng nhiều bạn đồng cảnh ngộ tham gia các CLB Những cô gái có bộ đội chồng chưa cưới hoặc có chồng bộ đội đi B. Có anh thương binh về an dưỡng nơi này ngỏ tình ý nhưng quyết liệt từ chối, nói mình “đã có chồng”.
Nhưng đến sau 75 mới được tin người yêu đã hy sinh trên chiến trường miền Nam xa xôi. Thế là… sinh bệnh tâm thần ngơ ngơ ngẩn ngẩn đi đâu cũng cứ nhắc đến “Anh Hoạt yêu quý”! Bà mẹ thương con, lo cho con quá cũng… phát điên theo!
Một thời gian sau mới tạm khỏi bệnh rồi liền vào Nam tìm đến tận Quảng Nam thăm mộ người chồng chưa bao giờ cưới đã làm lỡ làng cả một đời con gái mà rốt cuộc mình cũng không thể nhận được vinh dự vợ liệt sĩ.

69 - Hoàng Trúc Ly
LẠC LỐI VỀ
Nhà thơ tên thật Đinh Đắc Nghĩa sinh 1933 tại Đà Nẵng – Mất 1983 ở TPHCM (51 tuổi).
Trước 75 là một mẫu nhà thơ, nghệ sĩ kiểu cổ điển điển hình ở miền Nam với phong cách sống tự do phóng túng, đời sống lang thang trôi nổi không nhà cửa ổn định, không vợ con, kiếm sống nhờ vào nghề báo (làm thơ, viết truyện “bình dân”). Cộng thêm tệ nghiện hút thuốc phiện được xem như một cái “mốt” của văn nghệ sĩ rơi rớt từ thời Tiền chiến.
Từ đó thế giới thơ văn của ông mang màu sắc mạ mị, kỳ ảo với những giây phút xuất thần như không khí văn chương của Đinh Hùng một thời:
“Ta từ giấc mộng bước gần em
Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm.
Ô hay con gái bay nhiều quá
Hai cánh tay mềm như cánh chim…”
Sau 75 một mẫu người như thế chắc chắn khó hòa nhập được với chế độ mới tuy có lúc cũng nhận làm nghề người canh giữ áo quần đồ đạc cho khách tại một hồ bơi công cộng. Tuy nhiên cuộc đời riêng vẫn thế nay đây mai đó, có nhà (bố mẹ) song không về mà cứ mãi đêm đêm lang thang say sưa - và vẫn còn “nhớ” bàn đèn! - trên những nẻo đường vô tận, mệt nhoài thì tìm về bạn bè kể cả ngày tết.
Và trong một đêm ngoài phố như thế ngất ngưởng băng qua đường bị xe tông chết như điều mà mình đã tiên tri từ lâu:
“Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm.
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Ao xanh mây lá vết bầm núi non.”
(Bài “Vĩnh biệt”)
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét