Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 4)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Bốn


36. Đào Mộng Nam
DI CHÚC IN THƠ TIỀN NHÂN
Học giả sinh 1940 tại Nam Định – Mất 2006 ở Mỹ (67 tuổi).
Học giả Hán Nôm – và viết sách dạy học chữ Hán - nổi tiếng ở miền Nam trước 75, di tản qua Mỹ làm chuyên viên ngành này cho ĐH Cornell.
Trên xứ người vẫn cặm cụi làm chuyện mà thậm chí ở trong nước cũng ít ai thèm làm là đã tập trung dịch hơn 3.000 bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát thành tập “Cao Chu Thần toàn tập”. Dịch ròng rã trong hai thập niên 80-90 mới xong song đến lúc qua đời vẫn không có điều kiện in. Vì thế đã để lại di chúc cho gia đình cố gắng in sau khi mất.
Nhưng có lẽ đến nay việc này vẫn chưa làm được.

37. Đào Ngọc Lời
THƯƠNG BINH CHỐNG NẠNG ĐI TÌM CON
Thường dân sinh 1946 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2006).
Bộ đội tham gia chiến trận Đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh. Sau 13 năm máu lửa bị thương cụt một chân mới phục viên năm 1977.
Lấy vợ cũng là một cựu chiến binh sinh được con trai năm 1979 thì mắc bệnh CĐDC thường xuyên bị co giật và nổi cơn phá phách đồ đạc trong nhà tan hoang. Em còn thêm chứng ngớ ngẩn hay bỏ nhà đi lạc, đi lang thang như kẻ mộng du vô thức hoàn toàn không biết đường về khiến bố bất kể ngày đêm hay mưa gió phải chống nạng đi tìm con khắp phố chợ…

38. Đào Văn Tư
SỬA XE ĐẠP LÀM TỪ THIỆN
Bộ đội về hưu sinh 1934. Sống ở TPHCM (2006).
Cựu bộ đội thông tin về hưu năm 1994 thì ngay năm sau ra đầu ngõ ngồi… sửa xe đạp, vợ con không ai cản được! Nhưng sửa lấy tiền không phải cho mình hay cho gia đình mà gom góp đem đi đóng góp cho các quỹ từ thiện đúng như bảng hiệu ghi trên thùng đóng góp “Sửa xe ủng hộ người nghèo”.
Làm quá có lần ho ra máu phải vào viện nhưng vừa ra viện đã lại có mặt thường trực ở điểm sửa xe đạp quen thuộc. Tuy rằng “Bây giờ xe đạp ít lắm nhưng kệ, một ngày kiếm được ký gạo cho người nghèo là mừng rồi.”


39. Đào Xuân Quý
CHỊU ĐIỀU TIẾNG NUÔI CON NUÔI
Làm doanh nghiệp nhỏ. Sống ở Hải Phòng (2009).
Bộ đội xuất ngũ sau 75 gia đình đã có 5 con hoàn cảnh khó khăn song vẫn nhận nuôi thêm 5 người con nuôi nhà nghèo hậu quả chiến tranh nữa. Bắt đầu từ một Bà mẹ Anh hùng mắc bệnh qua đời do không có tiền chạy chữa để lại một đứa chắt bị hỏng một mắt không nơi nương tựa.
Những đứa con nuôi của ông đem về nuôi từ nhỏ còn có em mất cha mẹ làm nghề đào núi bị đá đè chết, có em bị mẹ đẻ bỏ rơi từ lúc còn bồng ẵm… Nuôi trong cảnh cực nhọc tới mức có lúc phải xé áo may ô lấy làm tã lót cho cháu. Nay thì các em đều đã trưởng thành, có em tình nguyện đi bộ đội nối nghiệp cha nuôi.
Chuyện nuôi nhiều con nuôi như vậy còn gây điều tiếng dị nghị cho gia đình, có người nghi đó hẳn là… con rơi của ông hoặc gia đình ông có ý đồ lợi dụng làm ăn gì gì đó. Nhưng vẫn bất chấp tất cả vì: “Tính mình là thế, có lúc hai bàn tay trắng nhưng thấy người khác khổ không thương không chịu được. Tôi nuôi bọn trẻ không tơ hào gì, cũng không chờ đền đáp. Các cháu sinh ra đã thiệt thòi, chỉ mong sau này chúng lớn lên thành người và đi vào con đường tươi sáng…”

40. Đặng Ngọc Giang
LÀM LẠI CUỘC ĐỜI TRÊN CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Thường dân sinh tại Hà Nội. Sống ở Gia Lai (2007).
Bộ đội đánh Mỹ ở Tây Nguyên, sau 75 xuất ngũ lập gia đình sinh được 4 con đều dính CĐDC nên chán đời bỏ nhà đi đãi vàng sống đời lang thang phiêu bạt khắp chốn không màng đến tương lai.
May sao đến năm 2000 được tin vợ sinh thêm một con trai không còn mắc bệnh CĐDC nữa mới quay về nhà. Bấy giờ quyết chí làm lại cuộc đời bằng cách dẫn vợ con… trở lại chiến trường xưa ở Gia Lai tìm một vùng đất hoang dưới chân đèo Tô Na bắt tay vào khai khẩn sản xuất.
Từ đó trở thành một người tiên phong vận động giúp đỡ người dân tộc Jarai trồng bông, làm lúa nước, giúp đỡ trẻ em mồ côi trong vùng (còn nuôi thêm một đứa con nuôi nguời dân tộc tật nguyền bị bỏ rơi) nên rất được đồng bào dân tộc kính trọng và yêu mến.
Thỉnh thoảng nếu có thấy buồn cuộc đời thì ngậm ngùi ngâm nga mấy câu thơ (tác giả Liên Xô cũ) tự an ủi:
“Hạnh phúc và bất hạnh
Niềm vui và nỗi buồn trong cuộc đời mỗi người
Luôn luôn là sự song hành….”

41. Đặng Ngọc Khoa
NHÀ BÁO CỦA NHỮNG SỐ PHẬN “LÝ LỊCH”
Nhà báo sinh 1957 tại Đà Nẵng – Mất 2009 (53 tuổi).
Trước 75 từng hoạt động trong lực lượng học sinh sinh viên tiến bộ ở Đà Nẵng rồi vào chiến khu theo Cách mạng làm lính đặc công chiến đấu. Nhưng sau 75 bị tổ chức… bỏ rơi do lý lịch gia đình “có vấn đề”!
Nhưng vẫn không mất tinh thần, tình nguyện vào thanh niên xung phong tiếp tục chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Trở về vẫn không được ai nhận vào làm việc đành bỏ lên Tây Nguyên làm rẫy rồi quay về lại Đà Nẵng… làm ruộng! Vào làm hợp tác xã tìm cách phát huy năng lực có sẵn về văn nghệ để làm văn nghệ quần chúng ở cơ sở rất đa năng từ viết kịch, dựng kịch đến làm phát thanh viên, nhạc công, thơ vè, cải biên dân ca…
Một thời gian sau được đồng đội cũ giúp đỡ đưa về làm Sở Văn hóa – Thông tin nhưng được một năm thì bị “đì” lên huyện miền núi ở ba năm đến khi về lại thành phố thì… không cho nhập lại hộ khẩu! Thế là lại thất nghiệp về làng làm việc vặt phụ vợ.
Mãi đến năm 1989 mới lại được đồng chí cũ đưa về làm báo Hội LH Thanh niên ở Đà Nẵng song chỉ được 9 tháng thì báo dẹp tiệm lại trở về thất nghiệp. Hết đường xoay xở, cuối cùng đành chọn con đường “hành phương Nam” đưa vợ con vào Đồng Nai… làm rẫy. Rồi may được bạn bè thương tình giới thiệu cho đi dạy… môn thể dục ở trường cấp 2.
Đến đây xem chừng mới hết vận hạn khi sau đó nhờ ở gần TPHCM nên được báo Thanh Niên “nhớ” gọi về làm phóng viên từ năm 1991.
Về làm báo như cá gặp nước, bắt đầu phát huy mọi tài năng viết phóng sự bám sát thực tiễn cuộc sống trên địa bàn miền Trung quen thuộc. Đặc biệt rất quan tâm tìm hiểu, phát hiện về những số phận bị thành kiến xã hội phân biệt vùi dập oan uổng như trường hợp Nguyễn Mạnh Huy ở Nghĩa Bình cũ đã đậu đại học mà địa phương vẫn không cho phép đi học. Đó là những số phận lao đao, điêu đứng thời Hậu chiến do “di sản” lý lịch gia đình để lại ngoài ý muốn như chính bản thân mình từng trải qua. Bên cạnh đó là những cuộc đời bất hạnh khốn khó của trẻ em nghèo, đồng bào bị thiên tai…
Đang lúc sung sức muốn làm rất nhiều việc giúp đời giúp người hơn nữa như để cố gắng níu kéo lại quãng thời gian đã mất oan uổng thì đột ngột căn bệnh ung thư quái ác đã cướp mất tất cả những gì được anh nâng niu ấp ủ còn sót lại sau một thời thanh xuân đã hết chiến tranh mà vẫn cứ còn bão táp!

42. Đặng Thị Xuân Hợp
“LÀNG VN” Ở PHILIPPINES
Thường dân ở Mỹ sinh 1963 tại Quảng Ngãi. Sống ở Mỹ (2006).
Cùng chồng đều là thợ may đạo Thiên Chúa và người anh vượt biên năm 1989 từ Phan Thiết trên tàu chở 169 người, sau 7 ngày lênh đênh tàu bị hư máy trôi giạt, thức ăn nước uống sắp cạn kiệt thì may gặp được tàu Philippines cứu đưa về trại tỵ nạn Palawan.
Từ đó trải qua 8 năm trong trại chưa được nước nào tiếp nhận trừ người anh từng ở tù VN được đi Mỹ. Tại đây sinh được 4 con, đứa đầu bệnh mất chôn ngay trong trại (sau hỏa thiêu gửi về quê chôn bên làng ngoại).
Năm 1997 giới từ thiện hải ngoại chủ yếu là các soeur đạo Thiên Chúa vận động xây “Làng VN” ở một tỉnh xa để dành cho các thuyền nhân trong trại chưa được đi định cư nước khác. Trại lập theo kiểu như ở làng quê VN (có cả một “con suối VN” do một Việt kiều hảo tâm làm), mỗi gia đình được cấp một căn nhà (ban đầu gồm 150 gia đình), vợ ngày ngày ra ngoài đi bộ bán hàng rong còn chồng ở nhà lo việc nhà và chăm các con ăn học hoặc làm nghề may phụ vì ở đây phụ nữ dễ làm ăn buôn bán hơn. Con cái đi học chung trường Philippines, có em học khá được nhà trường tuyên dương.
Nhưng cuộc sống quá khó khăn, nơi ở lại quá xa thành phố khó kiếm sống nên càng ngày số gia đình thuyền nhân bỏ Làng VN đi chỗ khác càng nhiều, chỉ còn lại vài chục gia đình VN thực sự. Để rốt cuộc dân nghèo Philippines vào thay chỗ dần biến nó thành… Làng Philippines!
Trải qua 8 năm nữa ở Làng VN đến năm 2005 nhân có đợt bổ sung di dân mới qua Mỹ mới được xét duyệt cho cả gia đình lên đường tìm đến với “Giấc mơ Mỹ”. Làng VN tại đây xem như giải thể từ đó.

43. Đặng Văn Tuyến
NGƯỜI QUẢN TRANG TỰ NGUYỆN
Dân thường sinh 1952 tại Nam Định. Sống ở Hà Nội (2009).
Đi bộ đội năm 1970, sau chiến tranh trở về Hà Nội làm công nhân sống ở phường Vĩnh Tuy.
Tại đây mới có dịp biết đến khu di tích “bể xương” ở ngõ 559 đường Kim Ngưu (quận Hoàng Mai) tức là khu di tích chôn cất hàng vạn hài cốt nạn nhân không người thân thích cũng không biết danh tính gốc tích chết trong nạn đói năm 1945. Một khu di tích lịch sử nhưng chưa được chính thức xây dựng thành nghĩa trang đàng hoàng nên cứ hiện diện một cách tự phát như vậy giữa lòng thủ đô mà cũng chẳng ai dám “động” tới!
Thế là năm 2004 vì một thôi thúc nội tâm nào đó bỗng dưng bỏ việc xin với địa phương tự nguyện làm người quản trang “bán chính thức” cho khu di tích này. Hàng ngày sáng chiều đều đặn vào lo việc quét dọn, tưới cây, dâng hương chăm sóc cho bao linh hồn vô thừa nhận. Vì tâm nguyện: “Làm việc nghĩa này, tôi chỉ mong làm cho những vong hồn xấu số vô danh bớt cô đơn, lạnh lẽo…”
Có lẽ do có tâm nguyện như vậy nên trái với người khác “yếu bóng vía” thường lo sợ thêu dệt, ông nói lui tới nơi này cả ngày lẫn đêm chưa bao giờ ông… gặp ma cả!

44. Đinh Thị Tuất
NGƯỜI LƯU GIỮ NHẬT KÝ LIỆT SĨ
Thường dân sinh tại Hà Tĩnh. Sống ở Đà Lạt (2009).
Chị của liệt sĩ Đinh Hữu Hội hy sinh năm 1972 trên chiến trường Tây Nguyên trong 37 năm qua đã lưu giữ cẩn thận, thành kính kỷ vật của em là một cuốn nhật ký viết bằng thơ (26 bài) kể về thời gian chiến đấu của mình ở miền Nam. Một cuốn sổ nhỏ qua thời gian giấy đã ố màu vàng khè, nhiều chỗ không đọc được vì thấm nước mưa mực viết nhoè ra. Nhưng nó đã được xem như một vật báu gia đình.
Tuy nhiên kỷ vật thì có mà tin tức về mộ chôn ở đâu vẫn không có thông tin cho gia đình. Vì thế năm 1984 bà xin chuyển vào công tác ở Lâm Đồng, từ đó bôn ba khắp các tỉnh Tây Nguyên cố truy tìm tông tích, mộ chí của em song vẫn không thấy.
Cuối cùng năm 1995 xảy ra một loạt sự kiện khá lạ lùng giúp bà tìm ra mộ chí em mình đã quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Gia Lai cách đây 6-7 năm. Đầu tiên là bà chị ruột nằm mơ thấy liệt sĩ về báo mộng chỉ dẫn đến đúng nghĩa trang trên, thậm chí còn chỉ rõ vị trí mộ! Sau đó khi đến Gia Lai do quá mệt bà ngất xỉu thì được người cứu giúp, tiếp đó được một người đàn ông lạ mặt chở xe đến tận Bộ Chỉ huy quân sự Gia Lai rồi quay xe bỏ đi không cả lấy tiền xe, không để lại tên họ. Từ đó truy tìm hồ sơ ở Bộ Chỉ huy mới tìm ra mộ chí liệt sĩ em mình.
Lưu lại Gia Lai bốn ngày thì cả bốn ngày đều ngồi bên mộ em đã mất cách đó 23 năm.

45. Đinh Văn Em
NGƯỜI “TRỐN” HÒA BÌNH 13 NĂM
Thường dân sinh 1938 ở Quảng Ngãi. Hiện không biết ở đâu, còn sống hay không.
Người dân tộc Hrê trước đi lính chế độ cũ, sau Giải phóng sợ quá trốn vào rừng rồi… đi lạc khiến suốt 13 năm dài phải sống như “người rừng” ăn cây cỏ và thịt thú rừng để tồn tại. Khi được phát hiện năm 1988 đã hoàn toàn quên hết tiếng Kinh, còn tiếng mẹ đẻ thì phát âm rất khó khăn.
Còn hơn ở Nhật Bản sau Thế chiến II có khá nhiều cựu binh Thiên hoàng bỏ trốn vào rừng (trên các đảo hoang ngoài Thái Bình Dương mà quân Nhật chiếm làm căn cứ) mãi đến 40 – 50 năm sau mới được phát hiện. Tất cả đều không biết chiến tranh đã kết thúc, lùi xa hàng chục năm rồi!

46. Đoàn Minh Phượng
ĐI TÌM CỘI NGUỒN
Nhà văn nữ kiêm đạo diễn điện ảnh sinh khoảng 1956 tại Sài Gòn. Sống ở Đức – VN (2010).
Cùng em trai rời khỏi VN sau 75 nhưng mỗi người một ngả, chị ở lại Đức, em qua Mỹ. Học nhạc ở Đức nửa chừng bỏ qua làm phóng viên đài truyền hình.
Đầu những năm 90 sau khi “Mọi chuyện đã ổn rồi, tôi mới ngồi nghĩ lại, mới chợt nhận ra mình thiếu cả một quê nhà”. Từ đó “Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết” nên quyết định quay trở lại quê hương. Gặp lại người thân trong gia đình cả những người từ “phía bên kia”.
Cảm nhận được nguồn cội mới cùng em bỏ ra 10 năm nghiền ngẫm thực hiện bộ phim truyện nhựa “Hạt mưa rơi bao lâu?” sau đó đoạt giải thưởng ASEAN và một loạt giải quốc tế khác ở Hà Lan, Mỹ, Úc, Scotland. Tiếp theo in cuốn tiểu thuyết đầu tay “Và khi tro bụi” đoạt ngay giải thưởng Hội Nhà văn VN 2007.
Dù làm phim hay viết văn, tác phẩm luôn là kinh nghiệm ám ảnh quá khứ mất gia đình mất quê hương vì chiến tranh như bộ phim trên kể lại hành trình một người con đi tìm tung tích mẹ ruột của mình qua cuộc chiến hoặc cuốn truyện sau nói về nhân vật chính “Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh…”
Trong hành trình truy tìm gốc gác mình đã trở về Hội An cùng gia đình khôi phục xưởng gỗ cũ của ông nội ngày xưa.

47. Đỗ Hòa
SỐNG SÓT TỪ SƠN MỸ
Thường dân còn có tên Đỗ Ba sinh 1959 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2010).
Một trong số ít nạn nhân của vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, Mỹ Lai năm 1968 còn sống sót đến ngày nay chính là đứa trẻ được 2 lính Mỹ H. Thompson và L. Colburn trên trực thăng cứu sống (cứu sống 9 người tất cả và sau đó đứng ra tố cáo tội ác này). Nhờ lúc đó mới 9 tuổi nằm dưới các xác chết, máu me đầy mặt nên sau đó được lính Mỹ cho trực thăng đưa về bệnh viện Chu Lai cấp cứu.
Nhưng nghe nói sẽ bị Mỹ đưa qua Mỹ luôn nên sợ quá bỏ trốn về nhà. Tuy nhiên về nhà không còn ai, mẹ và 3 em đều đã chết trong cuộc thảm sát, cha đang ở tù Côn Đảo, chú là bộ đội đặc công đã hy sinh nên đành qua sống nhờ bên nhà ngoại gần đó. Nhưng nhà bà ngoại cũng không ai lo vì còn người cô cũng đã đi du kích luôn.
Sau 75 được Cách mạng phát hiện là nạn nhân Sơn Mỹ nên năm 1978 được… ra nước ngoài qua CHDC Đức làm chứng nhân trong chiến dịch tố cáo tội ác của Mỹ trong chiến tranh VN. Nhưng sau đó về nước thì… rơi vào quên lãng, trả về địa phương để “tự lo”.
Khi ấy mới học tới lớp 7, cha ra tù Côn Đảo được vài tháng thì mất vì bệnh ảnh hưởng tra tấn nhà tù, ở nhà với bà ngoại quá cực khổ bèn bỏ học vào TPHCM làm đủ nghề lao động chân tay như rửa chén, gánh hàng thuê, đạp xích lô mướn. Cũng không xong, từ đó trở thành dân trộm cắp năm 1987 bị bắt lãnh án 9 tháng tù. Ra tù lại tái phạm năm 1988 thêm 18 tháng tù.
Ra tù năm 1990 tiếp tục làm dân “bụi” lang thang sống công viên vất vưởng qua ngày. Bà ngoại ở quê nhắn gọi về nhưng không về vì… không có tiền xe! Thế rồi trên bước đường bụi đời gặp một cô gái con nhà nghèo ở Nhà Bè làm thợ hồ lấy làm vợ có được một con 3 tuổi.
Vợ con đèo bòng lại vô công rỗi nghề thế là ngựa quen đường cũ đi trộm cắp tiếp và năm 1992 đi ăn cắp dây điện bị bắt lần thứ ba. Ra tòa 3 lần từ 1992 – 1996, ban đầu chỉ bị kết án 3 năm tù song sau bị nâng lên đến 10 năm vì bị quy vào tội danh kinh khủng “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” dù chỉ là đồng lõa (còn một tên đầu têu) cắt đứt 7kg dây điện đường! Vào tù, vợ con bỏ đi thành tù tứ cố vô thân.
May mắn là cuối cùng cũng có được một đoạn kết có hậu cũng lại nhờ 2 cựu binh ân nhân lúc trước khi trở lại VN lần thứ hai năm 2001 nhân dịp kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ hỏi thăm tin tức cậu bé may mắn năm xưa. Từ đó mới tìm ra đương sự đang… ở tù! Bấy giờ mới có được người đi thăm nuôi và khi mãn hạn tù được nhiều người cùng quê chung tay giúp đỡ làm lại cuộc đời năm 2007. Lấy vợ khác sinh được một cháu trai, vừa làm bảo vệ công ty vừa đi mua bán ve chai kiếm thêm tiền ở Long An.
Đến năm 2009 lại được ân nhân cũ Colburn (Thompson đã mất vì bệnh ung thư đầu năm 2006) gửi tặng tiền giúp đỡ nên cùng vợ về lại quê xưa Sơn Mỹ mua bò nuôi trở lại đời nông dân với lòng biết ơn vô cùng đối với một “Người Mỹ không trầm lặng”: “Năm xưa ông cứu tôi thoát chết, giờ giúp chúng tôi thoát cảnh nghèo khổ nữa…”
Một người sống sót 2 lần, lần đầu từ chiến tranh, lần sau từ… sau chiến tranh! Sau khi là nạn nhân “bị chỉ định” của chiến tranh (lệnh quân Mỹ “Giết hết không tha”) lại trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của… hòa bình trong một thời Hậu chiến đầy mâu thuẫn dằn xé tan nát không ít số phận cuộc đời bị đưa đẩy đến chỗ tận cùng oan khiên nghiệt ngã.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét