Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 2 )

CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai

16.Bùi Văn Thành
NHÀ CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT CẤP XÃ
Thường dân sinh 1938 tại Phú Thọ. Sống ở Phú Thọ (2007).
Bộ đội xuất ngũ năm 1972 trở về làm nghề giáo.
Năm 1997 thương con em đồng đội nhiễm CĐDC đã tự nguyện lấy nhà mình làm “Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật xã Vĩnh Chân” kêu gọi mọi người đóng góp giúp nuôi các em, chữa bệnh, dạy chữ, dạy nghề miễn phí với châm ngôn “Làm từ thiện không cần thủ tục gì” và “Giúp được các cháu là cái phước đấy!”
Cả vợï con cùng xúm vào giúp một tay.
Tiếng lành đồn xa được nhiều cá nhân và tổ chức từ thiện hỗ trợ thêm cho ông giáo già chẳng giàu sang chi nhưng lòng đầy thanh thản tự trào rằng:
“Tre già để gốc cho măng
Đức cho con cháu, tâm dâng cuộc đời.”

17.Bửu Chỉ
VỤ ÁN “VẮNG THỦ”
Họa sĩ sinh 1948 tại Huế – Mất 2002 ở Huế (55 tuổi).
Trước 75 là sinh viên ĐH Luật ở Huế nổi tiếng với loại tranh bút sắt (vẽ trên giấy stencil in tài liệu roneo phổ biến thời đó) độc đáo duy nhất về đề tài đấu tranh chống chế độ cũ trong phong trào học sinh sinh viên đô thị tuy không được đào tạo chính quy về nghề vẽ.
Sau 75 được “đàn anh cùng quê” Tố Hữu ưu ái, được đánh giá cao là họa sĩ trẻ tiến bộ,– tới mức tả khuynh, khác với bản tính nhút nhát hiền lành hồi nhỏ – được đưa đi giới thiệu và học hỏi ở các nước XHCN anh em rồi chuyển về làm báo Sông Hương ở Huế.
Nhưng tại đây cũng chính cái khuynh hướng tranh bút sắt ngày nào đó đã quay ra làm hại chính mình khi vô tình xảy ra vụ án gán ghép về bức tranh biếm họa “Vắng thủ” (theo hình vẽ “thủ” có nghĩa là đầu người) do mình có sáng kiến khởi xướng theo chủ đề chống tiêu cực mới manh nha thời đó đăng trên tạp chí này năm 1988. Tuy nhiên theo dư luận lại bị “hiểu lầm” là có ý ám chỉ một lãnh đạo tỉnh đương nhiệm!
Từ đó có những “sức ép vô hình” buộc tác giả phải ra đi khỏi báo, rơi vào khủng hoảng vướng vào một chuyện tình đời tư có gây tai tiếng.
Nhưng cũng nhờ vậy hơn mười năm cuối đời có thời gian quay trở lại với nghiệp hội họa đích thực, bây giờ chuyển qua khuynh hướng biểu tượng - trừu tượng đậm chất triết lý nhân sinh cuộc đời sâu sắc. Hoàn toàn 100% trái ngược hẳn loại tranh bút sắt Cách mạng đánh đổ xiềng xích nô lệ theo Mỹ!
Mất đột ngột từ một cơn đột quỵ gây bàng hoàng cho mọi người.

18.Cao Văn Viên
“BÍ MẬT” CỦA ĐẠI TƯỚNG TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG
Nguyên Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng của chế độ Sài Gòn cũ sinh 1921 tại Lào - Mất 2008 ở Mỹ (88 tuổi).
Nguyên Đại tướng đã mang tai tiếng tự mình ký lệnh từ chức và bàn giao mà “bỏ chạy” trong những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ tháng 4.1975. Mãi đến cách đây vài năm đích thân mới lên tiếng tự biện hộ cho mình về vấn đề này cũng như một số trách nhiệm liên quan đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa.
“Vấn đề” Cao Văn Viên trên công luận có thể nói xuất phát từ cuốn sách của TS Nguyễn Tiến Hưng mang tên “The Palace File” bản tiếng Anh in ở Mỹ năm 1986 sau đó dịch ra tiếng Việt là “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” ra mắt năm 1987.
Tác giả nguyên tốt nghiệp đại học ngành kinh tế ở Mỹ về nước trở thành cánh tay mặt cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm “Cố vấn Đặc nhiệm” về kinh tế và ngọai giao nhưng khi Sài Gòn thất thủ 30.4.75 thì lại đang… kẹt ở Mỹ làm công tác vận động Quốc hội Mỹ “cứu” Nam VN. Sau đó sống đời lưu vong mới gom góp tư liệu viết nên tác phẩm trên với nội dung mô tả những ngày cuối cùng của chế độ Thiệu. Và trong cuốn sách đó có vài đoạn ám chỉ đến tướng Viên như về chuyện bỏ nhiệm sở “chạy trốn” hoặc khi nghe TT Thiệu từ chức thì đi theo “nước mắt chảy quanh nói “Thưa Tổng thống, tôi không bao giờ nghĩ sẽ có ngày hôm nay” (!?).
Thế nhưng từ ngày đó đến cả 15 năm sau vẫn không nghe thấy ông Viên vốn cũng đang cư ngụ ở Mỹ (bang Virginia) có ý kiến phản bác gì mãi cho đến năm 2003 - 2004 ông bỏ công ra bổ sung lại cuốn sách “The Final Collapse” (Cuộc sụp đổ cuối cùng) bằng tiếng Anh do ông góp phần biên soạn theo yêu cầu và được sư tài trợ của Trung tâm Quân sử Mỹ được phổ biến hạn chế năm 1983 trong đó ông mới có mấy lời “nói lại cho rõ” chuyện này.
Cuốn sách thực chất chỉ là một công trình nghiên cứu thuần túy về mặt quân sự để rút kinh nghiệm chiến thuật, chiến lược mà thôi nhưng nay được ông Viên nhờ một nhà sử học VN thế hệ sau này dịch ra bằng tiếng Việt thành cuốn “Những ngày cuối của Việt Nam Cộng hòa” nhân đó ông thêm thắt chi tiết và đặc biệt viết một bài Bạt qua đó chính thức bày tỏ chính kiến biện minh cho mình trước một số vấn đề mà công luận đặt ra về vai trò của ông trong biếân cố lịch sử 30.4.
Ông cho biết trong hai năm 1970 – 1971 đã ít nhất nộp đơn lên TT Thiệu xin về hưu non 3 lần với lý do đã đủ thâm niên quân vụ và… sức khoẻ kém (nên nhớ ông là người có vóc dáng cao lớn rất oai vệ!) nhưng không được chấp nhận. Vì thế đến cuộc rối loạn đại khủng hoảng nội tình chính trị miền Nam vào tháng 4.75 nhân sự kiện TT Thiệu từ chức nhường chỗ cho Phó TT Trần Văn Hương rồi sau đó là tân TT Dương Văn Minh, ông quyết định từ chức… lầøn cuối cùng thực hiện nguyện vọng đã có từ lâu. Mặt khác, ông không muốn tiếp tục phục vụ chính quyền Dương Văn Minh sẽ theo khuynh hướng hoà hoãn “liên hiệp” với Cộng sản, nhất là khi tướng Minh vốn không ưa gì mình từ hồi đảo chính lật đổ cố TT Ngô Đình Diệm. Từ đó theo đúng hệ thống quân giai ông đã “báo cáo miệng” việc từ nhiệm lên cấp trên lúc đó là Trung tướng Trần Văn Đôn Bộ trưởng Quốc phòng để trình lên TT Hương tạm quyền và TT Hương đã ký sắêc lệnh đồng ý. Tuy nhiên TT Hương chưa kịp bổ nhiệm người thay thế tướng Viên thì đã phải chuyển quyền lại cho TT Minh nên trong thời điểm lộn xộn dầu sôi lửa bỏng đó buộc lòng tướng Viên phải tự ký quyết định… chỉ định Trung tướng Đồng Văn Khuyên lúc đó làm Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu (hiện còn sống ở Mỹ) xử lý thường vụ chức Tổng Tham mưu Trưởng chờ TT Minh cử người thay. Xong rồi tướng Viên mới liên lạc với Mỹ di tản ra Hạm đội Mỹ ngày 28.4. Sau đó TT Minh đưa Trung tướng “hoàng phái” Vĩnh Lộc vào chức vụ trên song chỉ một ngày sau thì tướng Lộc cũng… theo chân tướng Viên nốt!
Tướng Viên kể rằng từ sau khi ký kết Hiệp định Paris 1972, TT Thiệu với tư cách Tổng Tư lệnh tối cao hầu như nắm hết quyền chỉ đạo quân sự ra lệnh thẳng cho các tướng vùng hay binh chủng (TT Thiệu cũng xuất thân từ hàm trung uý quân đội Pháp, trước khi lên làm tổng thống mang lon trung tướng) khiến tướng Viên chỉ còn đóng vai trò thứ yếu. Trước kia họp quân sự đều tổ chức ở Bộ TTM nhưng này phải dời qua Dinh Độc Lập do đích thân TT Thiệu chủ trì kiểu “độc diễn”. Một số kế hoạch chiến thuật, chiến lược do Bộ TTM vạch ra trái ý TT Thiệu đều không được duyệt hoặc bỏ không trình lên vì biết trình cũng như không như kế hoạch “tái phối trí” lực lượng và lãnh thổ sau khi Mỹ cắt viện trợ quân sự 300 triệu USD/năm. Tóm lại theo ông, cuộc sụp đổ của quân đội Sài Gòn trách nhiệm chính về mặt điều quân, chiến thuật, chiến lược thuộc về TT Thiệu.
Phần mình, tướng Viên tiết lộ ông cũng cảm thấy sự nhục nhã thất trận nên từng xin tướng Phạm Hà Thanh Cục trưởng Cục Quân y lúc đó loại thuốc độc cyanuyre thủ sẵn để khi cấp bách sẽ tự tử.
Tướng Viên khẳng định mối quan hệ với TT Thiệu hoàn toàn đặt trên nền tảng quân vụ không có quan hệ tình cảm sâu đậm nào giữa đôi bên nên hoàn toàn không có chuyện ông chạy theo khóc lóc với TT Thiệu. Thậm chí ông còn kể khoảng giữa năm 1970 TT Thiệu có ý định thay ông bằng Trung tướng Đỗ Cao Trí thân cận hơn nhưng cuối cùng không thành một phần do tướng Trí sau đó bị tử nạn rớt máy bay.
Nhưng là quân nhân chuyên nghiệp thì ông phải biết cay đắng khi thất trận, nhất là với cương vị ông từng nắm giữ. Thua trận là thua trận - không chỉ thua một trận mà cả cuộc chiến - không thể đổ lỗi đi đâu, cho ai được. Có lẽ vì vậy nên sau khi qua Mỹ, ông rút vào “ở ẩn” im lặng tránh xuất hiện công khai hay tiếp xúc báo chí, phỏng vấn, tuyên bố này nọ; không tham gia các sinh hoạt cộng đồng kể cả theo các phe phái “chống Cộng”.
Ít ra đó cũng là phần tự trọïng cuối cùng của một bại tướng như tướng Dư Quốc Đống – Tư lệnh Dù sau ông - qua đời cũng ở Mỹ sau ông 3 tháng.
Có lẽ cũng vì nỗi đau câm nín đó mà ông phải lần lữa chờ đến nhiều năm sau mới có lời “tự bạch” về “bí mật” cuộc đời mình trong những ngày cuối cùng mang hàm Đại tướng Tổng tham mưu trưởng.
Nỗi đau còn nặng thêm vào cuối đời lưu vong khi đứa con trai duy nhất mất sớm, vợ qua đời, con gái lập gia đình đi làm xa bỏ lại ông một mình thui thủi cặm cụi tự đi chợ nấu ăn. Và tìm về với đạo Phật làm một lối thoát cuối đời như ông từng đã mường tượng khi bỏ nước ra đi “trong cặp có một cuốn sách về đạo Phật”.
Như khá nhiều trường hợp nỗi niềm u uẩn trên quê người chẳng hạn tướng Khuyên xử lý thường vụ chức Tổng TMT ngày nào còn vào chùa cạo đầu mặc áo cà sa, đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng cuối đời chuyên phổ thơ thiền Nhất Hạnh…

19.Chánh Trinh
ẢO TƯỞNG VỀ “LỰC LƯỢNG THỨ BA”
Nhà báo tên thật Lý Quý Chung sinh 1940 tại Mỹ Tho – Mất 2005 ở TPHCM (66 tuổi).
Một con người tài hoa đa năng đầy triển vọng đang lên trên chính trường miền Nam trước 75 thì nửa đường đứt gánh trước biến cố 30.4.75.
Vào nghề báo thể thao từ năm 20 tuổi, sau đó bỏ nhiều thời gian cho hoạt động chính trường Sài Gòn, trở thành dân biểu đối lập trẻ thuộc “Lực lượng thứ ba” – lực lượng “đứng giữa” Cộng sản và chống Cộng – theo khuynh hướng dân chủ cấp tiến có chủ trương hòa giải dân tộc. Vì thế trở thành Bộ trưởng Thông tin trong “Nội các 1 ngày” Dương Văn Minh.
Từ đó sau 1975 cùng với một số nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, trí thức tiến bộ chấp nhận ở lại với hy vọng cộng tác với chính quyền mới góp sức vào sự nghiệp thống nhất và hòa giải dân tộc. Với tư cách “nhân sĩ” (vào Mặt trận Tổ quốc) muốn tiếp tục hoạt động chính trị để thực hiện mong muốn đó nhưng thực tế không phải như vậy bởi “Lực lượng thứ ba” bây giờ xem như không còn được công nhận, không có chỗ đứng chính thức nên được tổ chức “chuyển ngành” quay trở về với nghề báo chuyên nghiệp!
Tuy nhiên vẫn còn đó cái “máu” hoạt động chính trị thực tiễn hướng đến mục tiêu tiến bộ xã hội nên ngay trong lĩnh vực chuyên môn báo chí cũng đã tham gia thúc đẩy đổi mới báo chí như đã góp phần đổi mới tờ Lao Động báo Trung ương (nắm chức Tổng Thư ký tòa soạn). Bên cạnh đó cũng đã tham gia những cuộc đấu tranh trong nội bộ một số tờ báo, góp phần gây không ít sóng gió ở một số tờ báo mình có cương vị tham gia như Tin Sáng, Tuổi Trẻ, Lao Động tới mức từng được xem là một “chuyên gia đảo chính”… các Ban Biên tập! Thậm chí còn bị xem là một nhân tố đưa đến việc đóng cửa báo Tin Sáng năm 1981, nhật báo tư nhân duy nhất do lực lượng nhân sĩ tiến bộ miền Nam thực hiện được phép in sau 30.4 nhằm mục đích làm “nhịp cầu” giữa chế độ mới và người dân Sài Gòn chưa “quen” với Cách mạng.
Nhưng trong tình hình báo chí đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, những nỗ lực đó cuối cùng đều thất bại. Cho nên cũng không ít lần phải chịu cảnh thăng trầm lên chức, xuống chức, từ chức, mất chức!
Cũng vì điều này mà không được lòng đối với cả 2 phía chống đối và ủng hộ chế độ mới - một bên cho là “đầu hàng”, “phản bội”; còn bên kia thì vẫn… không tin! Xin tự ứng cử Quốc hội hay thậm chí ứng cử vào Liên đoàn Bóng đá VN cũng bị bác bỏ. Đến cuối đời in một cuốn hồi ký cũng gặp khó khăn (đã in xong nhưng vẫn bị ngưng phổ biến buộc phải sửa chữa), chỉ vài ngày trước khi mất mới được phép phát hành hạn chế để ký tặng... trên giường bệnh!
Cuối cùng sự nghiệp để lại được biết nhiều vẫn là người đi tiên phong trong thể loại bình luận thể thao báo chí được nâng cấp lên trình độ chuyên nghiệp và đạt giá trị chất lượng cao bằng tính nhạy bén kết hợp đưa vào tính vấn đề của sự kiện nêu lên. Dù sao trong lĩnh vực hoạt động khá miễn cưỡng này lại có cơ hội phát huy khả năng tổ chức làm báo theo phong cách hiện đại nóng sốt Nam bộ cũng như tài năng bình luận gia thể thao, đặc biệt về môn thể thao “Vua” bóng đá và quần vợt. Trên cương vị Thư ký tòa soạn hoặc Trưởng ban Thể thao một số báo còn là người tổ chức thực hiện các trang báo thể thao định kỳ, đào tạo một số phóng viên thể thao kế thừa làm mới trang thể thao trên báo chí cả nước vốn là một điểm yếu của báo chí miền Bắc trước kia.
Có lẽ thâm tâm còn mong ước làm được nhiều việc khác trong những lĩnh vực khác nữa, tuy nhiên cuộc đời và thế sự chỉ cho ông làm được đến thế thôi.

20.Châu Kỳ
KỶ LỤC GIA MẤT XE ĐẠP!
Nhạc sĩ sinh 1923 tại Huế – Mất ở TPHCM 2008 (85 tuổi).
Từ Huế bôn ba vào Sài Gòn rất sớm trở thành một trong những nhạc sĩ kỳ cựu đầu tiên kết hợp tân nhạc với cổ nhạc VN (nhạc dân gian miền Trung). Đặc biệt tập trung vào điệu bolero làm thành phong trào nhạc tình bolero “bình dân” rất thịnh hành với những ca khúc đến nay vẫn còn được nhớ tới như “Giọt lệ đài trang”, “Sao chưa thấy hồi âm”, “Con đường xưa em đi”, “Đừng nói xa nhau”, “Được tin em lấy chồng”, “Đón xuân này nhớ xuân xưa”…
Ngoài ra còn nhạc về cố đô Huế thân thương: “Trở về”, “Mưa rơi”, “Huế xưa”, “Miền Trung yêu dấu”, Từ giã kinh thành”, “Tiếng hát dân Chàm”… Và nhạc phổ thơ vào hàng nhiều nhất. Tổng cộng hơn 200 bài. Bên cạnh đó đã đào tạo một thế hệ giọng ca bolero nổi tiếng một thời Chế Linh, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Băng Châu…
Từng tham gia hoạt động chống Pháp khiến bị bắt giam năm 1942. Nhưng sau đó không mặn mà với chính trị mà chỉ chuyên tâm vào văn nghệ. Thế mà sau 75 bị bắt đi “cải tạo” không án tù hơn 2 năm vì một lý do rấùt nhỏ nhặt, vô duyên là dám… “gây sự” với một quan chức văn nghệ cao cấp của miền Bắc vốn trước kia từng quen biết nhau (cũng là người miền Trung) nay ngoảnh mặt làm lơ lên tiếng dạy đời!
Sau khi được thả ra trở về vẫn sống đời thanh bần lạc đạo, lang bạc giang hồ tìm quên trong niềm vui bạn bè. Suốt đời đi xe đạp cà tàng và vẫn tiếp tục làm nhạc với tâm sự mới “Giọt đèn theo giọt lệ”, “Bỏ phố lên rừng” (bán nhà ở nội thành ra ngoại thành sống)…
Từ đó nổi tiếng với một kỷ lục lạ đời là “Người mất xe đạp nhiều nhất” gồm 11 chiếc tất cả, đều tại… quán nhậu do sau khi uống đã rồi thì được người khác chở về… quên luôn xe đạp của mình! Vậy mà vẫn thường xuyên đạp xe đạp đi nhậu cả hàng chục cây số, khi mất xe đạp thì đi xe ôm “bao” luôn cả khứ hồi lẫn bao nhậu bác tài tại chỗ để chờ chở về.
Từ thập niên 90 những khúc tình ca bolero của ông bắt đầu được hát lại làm người nhạc sĩ ấm lòng đôi chút. Trước khi mất còn được mời đi Mỹ thăm bạn bè cũ.
Sau khi mất được gia đình đưa về chôn trên đồi Thiên An ở quê Huế thân yêu bao năm cách biệt đúng như ước nguyện của ông.

21.Chị Ly
SỰ PHẢN BỘI CỦA XÁC CHẾT
Không rõ tên thật, sinh 1947 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2009).
Năm 25 tuổi có chồng bộ đội hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị nên sau Giải phóng tất tả vào Quảng Trị mong tìm dấu tích chồng. Dù không tìm được nhưng như ma quỷ xui khiến vẫn mua nhà ở lại nơi đây luôn xem như là quê hương thứ hai với mong ước một ngày nào đó sẽ tìm ra mộ phần hay hài cốt chồng.
Và quả là như có sự xui khiến thần bí nào tự nhiên tình cờ tìm thấy một di vật (chiếc nhẫn bạc tặng chồng lúc trước), từ đó lần mò ra một bộ hài cốt có lẽ của chồng mình. Nhưng đến lúc đó mới đối diện với một thực tế phũ phàng – qua hiện trạng hài cốt - là có thể chồng mình trước khi mất đã phạm tội… ngoại tình!
Dù chưa biết sự thật rõ ràng thế nào, chính xác đến đâu (thời đó chưa biết phương pháp nhận dạng khoa học AND), vẫn đưa hài cốt người nghi là chồng mình đó vào nghĩa trang liệt sĩ, làm lễ cúng tế đàng hoàng theo đúng tục lệ 100 ngày để tang rồi sau đó bán hết nhà cửa quay về quê cũ Thanh Hóa. Tuyệt không bao giờ đặt chân đến mảnh đất Quảng Trị quá “oan nghiệt” kia nữa! (Theo nhà văn Nguyễn Quang Lập).

22.Diễm Châu
TÌM LÃNG QUÊN THƠ TRÊN MẠNG
Nhà báo, nhà thơ tên thật Phạm Văn Rao sinh 1937 tại Hải Phòng – Mất 2006 ở Pháp (70 tuổi).
Trước 1975 là nhà báo, dịch giả trong nhóm Công giáo tiến bộ chống chế độ cũ. Tham gia những tờ báo, tạp chí đi đầu trong phong trào này như Trình Bày, Đối Diện “thân Cộng” nhưng không thuộc lực lượng, thành phần “chính quy” nên sau 1975 vẫn bị Cách mạng nhìn bằng con mắt ít nhiều nghi ngờ.
Muốn yên thân với công việc biên tập làng nhàng ở nhật báo Tin Sáng nhưng rốt cuộc cũng không xong khi Tin Sáng bị đẩy đến chỗ tự “hoàn thành nhiệm vụ” năm 1981. Rơi vào cuộc sống lang thang đời nghệ sĩ nghèo túng, có chiếc xe đạp cũng bị mất cắp! May mắn nhờ thâm tình riêng năm 1983 được nhà văn Pháp Regis Debray bảo lãnh qua Pháp.
Từ bước ngoặt cuộc đời đó, thấm thía bài học hoạt động xã hội cay đắng, lang thang trên xứ người ông mới quay về với bản chất thật một người nghệ sĩ sâu sắc, một nhà thơ uyên bác khi tự phát hiện mình một lần nữa bằng một công việc mới mẻ: Dịch thơ tứ xứ phổ biến trên mạng. Với một khối lượng khổng lồ hàng ngàn bài (tự nhận khoảng hơn 2.000 bài), được tặng giải thưởng quốc tế về dịch thuật Licien Braga năm 2000.
Và làm thơ, in thơ của mình “Thơ Diễm Châu và 10 bài ở Paris”. Từ nước ngoài nhớ về những bạn bè cùng chí hướng một thời nay đều rơi vào quên lãng trong dòng thời cuộc nghiệt ngã:
“Trần Tuấn Nhậm đã chết
Thế Nguyên – Trần Trọng Phủ đã chết
Nguyễn Khắc Ngữ đã chết
Đỗ Long Vân mới chết
chết
chết
chết
chết tai nạn
chết bệnh tật
chết xa nhà chết ở nhà
chết như mọi người phải chết
chết như những người chưa chết cũng sẽ chết
Những người chưa chết gửi lời chào những người đã chết:
Chết không phải là hết
chết là chết.”
(Tưởng niệm)
Trước khi mất đã có dịp trở về thăm quê hương với chút tâm tình chia sẻ trước bao bộn bề của cuộc sống, công việc vẫn còn đó trước mắt…

23.Duyên Anh
THÊM MỘT “VẾT THÙ TRÊN LƯNG NGỰA HOANG ”
Nhà văn tên thật Vũ Mộng Long sinh 1935 tại Thái Bình – Mất 1997 ở Pháp (63 tuổi).
Nhà văn nổi tiếng về đề tài thanh thiếu niên trước 1975 ở miền Nam trong đó “Vết thù trên lưng ngựa hoang” là một (đưa cả lên phim, chuyển thành ca khúc). Do có dính líu đến chính quyền cũ nên đi học tập cải tạo 5 năm, trở về vượt biên đến Pháp 1983.
Như thế lẽ ra phải là một nhân vật chống Cộng hải ngoại song sự đời trớ trêu, ở nước ngoài lại “từ khước rong chơi” để trở thành một tiếng nói phê phán, viết bài “bút chiến” lên án các nhóm chống Cộng lưu vong “không đàng hoàng”. Từ đó bị ”đánh” ngược lại là “ăng-ten của Cộng sản”, “làm quốc tế vận” cho Cộng sản.
Thậm chí, “đánh” theo đúng nghĩa đen là hành hung dã man trong một lần qua Mỹ năm 1988, đánh “không cho chết, chỉ cho tàn phế”, đánh mạnh tay tới mức bị hôn mê phải nằm viện gần cả năm trời liệt tay liệt chân! Phải nói ngọng một thời gian, phải tập viết tay trái để làm bài nhạc phổ thơ “Chiều bơ vơ.”
Sự ngẫu nhiên của định mệnh có vẻ “ứng” thật vào con người tài hoa của Duyên Anh như một “con ngựa hoang” phải hứng chịu nhiều “vết đòn thù”. Một người xuất thân từ tầng dưới xã hội, thủa nhỏ từng vào Thiếu nhi tiền phong, làm liên lạc viên cho bộ đội, vào Nam từng bỏ lên cao nguyên ôm mộng chống chế độ Diệm, bất thành về lại Sài Gòn kinh qua bao nghề nghiệp linh tinh không đi đến đâu, thất cơ lỡ vận mới tình cờ nhảy vào nghề viết văn, làm báo theo chế độ cũ.
Vì thế luôn có một mối đồng cảm thân thương với những thân phận giang hồ, giới trẻ bị vứt bên lề xã hội và đối kháng lại là sự căm hận, chán ghét tầng lớp trên nhà giàu, quan chức áp bức. Có thể nói sự mâu thuẫn nội tại này thấy rõ nét qua sự đối lập nghề văn – nghề báo song hành: Nếu trong văn chương là một ngòi bút trong sáng, chân thành, vị tha (sau này ở Pháp cuối đời còn làm thơ phổ nhạc nữa) thì trên báo chí là cây bút châm biếm cay độc (đặc biệt trong thể loại hồi đó gọi là “phim” hàng ngày, bây giờ là “tiểu phẩm) từng sử dụng rất thành công một thời.
Nhìn rộng ra hơn thì đó còn là mối mâu thuẫn giữa ước mơ lý tưởng và thực tế phũ phàng cũng là sự xung đột nội tâm của vô số người trong thế hệ này, ray rứt, khốn đốn vì lẽ “không theo phe nào”!

24.Dư Hải
PHÓNG VIÊN ẢNH THỂ THAO SỐ 1
Nhà báo tên thật Dư Văn Hải sinh 1953 tại miền Nam. Sống ở TPHCM (2010).
Tháng 4.75 là lính hải quân được Mỹ đưa tàu di tản qua Mỹ. Nhưng đến Mỹ thì xảy ra cuộc “nổi loạn” của nhiều người di tản bất đắc dĩ vì nhớ nhà đòi về nước chứ không chịu ở Mỹ nữa. Là một trong số đó, ngoài nhớ gia đình còn vì nhớ… người yêu!
Cuối cùng phía Mỹ phải nhượng bộ, tống tất cả lên một chiếc tàu của VN Thương tín quay đầu về lại VN. Nhưng chuyến trở về của những công dân yêu nước này quá gian nan, sắp cập bến Vũng Tàu thì suýt bị Cách mạnh bắn chìm vì nghi là… địch! Lên bờ rồi thì lập tức bị bắt đi… cải tạo mấy năm trời ở Phú Yên, sợ bị CIA cài điệp viên vào!
Mãn học tập trở về TPHCM chuyển qua chụp ảnh dạo rồi dần dần trở thành phóng viên ảnh thể thao cho báo Thể thao TPHCM.
Từ đó nghề nghiệp thăng hoa lên đỉnh đoạt giải AFC (Liên đoàn Bóng đá Châu Á) chụp ảnh bóng đá Cúp Châu Á 2004 tổ chức tại VN. Là phóng viên ảnh thể thao cần cù, tận tụy, say mê hết mình với nghề nghiệp có mặt tại hầu hết giải thể thao quốc tế lớn từ SEA Games đến Asiad, từ Euro đến World Cup, Olympic…

25.Dương Đức Lộc
MỘT MÌNH LÀM VIỆC BẰNG HAI
Công nhân. Sống ở Hà Nội (2004).
Lấy vợ quê Thanh Hóa cùng làm chung nhà máy cơ khí ô tô nguyên là thanh niên xung phong ở Quảng Trị thời chống Mỹ nên nhiễm CĐDC. Vì vậy sinh 4 con đều chịu hậu quả bệnh quặt quẹo khiến vợ phải ở nhà trông con, nhà máy thông cảm mới cho chồng làm luôn công việc của vợ để lĩnh đủ lương có tiền lo cho con bệnh.
Một mình làm quần quật đến kiệt sức như thế mà vẫn không cứu được con, trong vòng 7 năm – 1984, 1994, 1996 - ba đứa qua đời khi đã trên 20 tuổi. Còn lại một con cũng đã trên 30 tuổi quặt quẹo chưa biết sống được tới bao giờ.
(Còn tiếp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét