Thứ Năm, 14 tháng 1, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 3)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Ba

26.Anh Joseph Quang Cao
DÂN BIỂU MỸ ĐẦU TIÊN
Luật sư tên gọi tắt Joseph Cao, tên cũ Cao Quang Ánh sinh 1967 tại miền Nam. Sống ở Mỹ (2010).
Có cha là sĩ quan chế độ cũ bị bắt làm tù binh vào cuối cuộc chiến nên sau 75 trải qua thời thơ ấu khốn đốn cha đi cải tạo 7 năm, một mình mẹ nuôi đàn con 6 đứa.
Cuối năm 1975 được mẹ nhờ người cậu đưa đi vượt biên cùng 2 người anh nữa. Sau đó người cha học tập trở về - mắc bệnh trầm cảm và tiểu đường, hậu quả của thời gian ở trại cải tạo - mới cùng vợ con còn lại đi H.O qua đoàn tu.
Vốn thuộc gia đình Công giáo thuần thành, đã suýt trở thành… linh mục với 6 năm tu học trường dòng đạo Thiên Chúa nhưng rồi bỏ ra ngoài đời vì nhận thấy mình có lý tưởng hoạt động xã hội khác hẳn. Lấy vợ dược sĩ cũng là người Việt tị nạn gặp trong sinh hoạt nhà thờ, có 2 con gái.
Sau khi tốt ngiệp đại học ngành triết và luật, bắt đầu thực hiện ý nguyện phục vụ cộng đồng qua việc mở văn phòng luật sư chuyên về vấn đề nhập cư giúp đỡ người Việt vượt biên, tích cực tham gia vào Hội Cứu trợ thuyền nhân VN…
Ý nguyện trên chuyển thành hoạt động chính trị sau khi bản thân mình chứng kiến tình trạng chính quyền Mỹ bê bối trong vụ đối phó với cơn bão Katrina hoành hành năm 2005 và công tác cứu trợ sau đó ngay tại TP New Orleans (bang Lousiana) mà gia đình mình cư ngụ.
Từ đó cuối năm 2008 đắc cử dân biểu (Đảng Cộng hòa) Hạ viện Mỹ đại diện bang Lousiana - dân biểu gốc Việt đầu tiên và duy nhất.
Năm 2001 đã về thăm quê hương giúp xây dựng một nhà thờ và đầu năm 2010 trở lại với tư cách dân biểu Mỹ đến “giao lưu” với Nhà nước VN.

27.Chóe
CHẠY ĐUA LẤY LẠI THỜI GIAN ĐÃ MẤT
Họa sĩ tên thật Nguyễn Hữu Chí sinh 1943 tại An Giang – Mất 2003 ở Mỹ (61 tuổi).
Trước 75 là lính chế độ cũ bắt đầu tham gia làm báo nổi tiếng về vẽ biếm họa thời sự (bút danh Choé) và viết truyện ngắn, tất cả do mày mò tự học mà sau này có tâm sự như một sự “làm liều”. Vì nghề biếm họa chính trị đó đã từng bị chế độ cũ bắt bỏ tù mấy tháng.
Oái oăm buồn cuời cho số mệnh cũng vì tài biếm họa kia mà sau 75 lại bị rơi vào vòng lao lý một thời gian bị bắt đi cải tạo (không có án) do bị tình nghi có dính líu với “Vụ án hồ Con Rùa” bắt giữ một tổ chức chống chính quyền có sự tham gia của một số văn nghệ sĩ cũ.
Nhưng ra tù sau đó vẫn không dứt được nợ báo chí, nhờ sự giúp đỡ của một số đồng nghiệp cũ (nhà báo Chánh Trinh) trở lại với nghề vẽ biếm họa bắt đầu từ báo Lao Động. Nhưng… phi chính trị “hiền” hơn nhiều!
Từ đó bước vào thời đổi mới mở cửa đã “bùng nổ” vừa vẽ biếm họa cho báo vừa vẽ tranh vừa cả sáng tác thơ văn lẫn ca khúc trên nhiều tờ báo, lập kỷ lục “Lãnh nhuận bút nhiều nhất”, “Vẽ tranh nhanh nhất”! Làm việc cật lực gấp gáp như thể muốn chạy đua với thời gian tìm lại những năm tháng đã bị cướp mất oan uổng trong vô vọng như chân dung tự họa:
“Trời cho làm người vui tính
Khi gặp chuyện đau lòng
Ta không dám khóc
Bằng nước mắt.”
Nhưng bị bệnh tật hậu quả của thời gian lao lý dần dần quật ngã với nỗi đau là họa sĩ mà lại đau mắt (do biến chứng bệnh tiểu đường) không cho thấy được ánh sáng, màu sắc. Từ năm 2001 đã hư hẳn mắt phải, mắt trái chỉ nhìn thấy lờ mờ nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ cọ vẽ chuyển qua vẽ tranh tường khổ lớn để cho… dễ thấy hơn mà vẽ!
Đến khi cả mắt trái cũng sắp mù hẳn mới qua Pháp mổ mắt 5 lần không kết quả, tiếp tục qua Mỹ chữa có lần mở mắt nhìn thấy được đôi chút trong vòng nửa tiếng đồng hồ đã tận dụng cầm bút vẽ chớp nhoáng được 6 bức tranh. Ấy cũng là những bức cuối cùng của anh sau ca mổ không tỉnh dậy nữa.
Qua đời ở Mỹ nhưng thi hài vẫn được gia đình đưa về quê mẹ.

28.Dương Đức Vực
VIÊN ĐẠN XUYÊN THẾ HỆ
Công nhân sinh 1953 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2007).
Bộ đội trên chiến trường Thừa Thiên – Huế bị đạn bắn lún hộp sọ hôn mê cả tháng trời rồi được đưa ra Bắc chữa trị cứu sống.
Sau 75 làm công nhân đến 1990 được cho nghỉ mất sức do có dấu hiệu bệnh thần kinh bất bình thường. Vợ làm công nhân cũng xin nghỉ hưu non xoay qua đi bỏ mối hàng may mặc ở chợ thì xảy ra vụ cháy chợ Đồng Xuân làm phá sản mất hết tất cả.
Sinh được 3 con trong đó có con gái thứ hai học hết lớp 6 thì phát bệnh thần kinh giống hệt cha, hễ trái gió trở trời là lên cơn đau đầu nói năng lảm nhảm, ca hát cười cợt giống như kẻ khùng. Tới độ cả xóm đặt cho 2 cha con là “máy dự báo thời tiết” cứ thấy dấu hiệu thần kinh đó tức biết rằng… thời tiết sắp thay đổi!

29.Dương Hòa
NỬA ĐỜI TRẦM CẢM
Dân thường sinh khoảng 1947 tại Thừa Thiên - Huế. Sống ở Huế (2006).
Từng là sinh viên tham gia hoạt động Cách mạng ở Huế rất sớm, bị “phía bên kia” bắt rồi được thả ra nên trở về bị tình nghi chiêu hồi, muốn bắt liên lạc lại với cơ sở không được. Đành bỏ lên Đà Lạt dạy học.
Sau 75 lại bị “phía bên này” bắt vì nghi ngờ tội theo địch làm thân phận “tù nhân dưới 2 màu áo”!
Một thời gian sau có lẽ không có chứng cứ đích xác nên được cho về làm dân. Từ đó làm đủ nghề chân tay để sống qua ngày, lánh xa mọi nguời, gia đình tan nát…
Rơi vào trầm cảm u uất với mặc cảm nặng nề mà sự thật “phản bội” hay không chỉ một mình mình biết.

30.Dương Hứa
17 NĂM NHẶT LON RÁC
Công nhân ở Mỹ sinh 1946 tại VN. Sống ở Mỹ (2004).
Đến Mỹ sau 75 làm công nhân vệ sinh ở một trường học, làm những việc hèn kém nhất như lau nhà, chùi cầu tiêu từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối để nuôi 3 con ăn học. Đặc biệt luôn tới sớm hơn một tiếng đồng hồ để nhặt hết những lon nước uống bằng nhôm hay nhựa đã uống hết vứt bỏ, gom về bán rác phế liệu được 10 USD mỗi ngày.
Suốt 17 năm trời đều đặn làm thêm việc đó như một cái máy, suốt thời gian này chỉ xin nghỉ 2 ngày để đi đưa đám bà mẹ và dự lễ tốt nghiệp luật sư của đứa con út.
Tổng kết qua 17 năm dài đó đã kiếm được 37.000 USD bán đủ thứ lon rác để nuôi 3 con một gái hai trai học thành tài.

31.Dương Nghiễm Mậu
RỬA TAY GÁC KIẾM CŨNG KHÔNG YÊN
Nhà văn tên thật Phí Ích Nghiễm sinh 1936 tại Hà Đông. Sống ở TPHCM (2009).
Trước 75 là nhà văn tiên phong, tài năng và đứng đắn trong phong trào văn chương hiện sinh.
Sau 75 có đi cải tạo 2 năm, về chuyển qua học làm nghề sơn mài kiếm sống, hoàn toàn in lặng trên văn đàn trong nước lẫn hải ngoại.
Bỗng dưng đến năm 2008 được cho tái bản cũng lúc một loạt 4 tác phẩm quan trọng của mình in trước 75 ở miền Nam (Cũng đành, Nhan sắc, Đôi mắt trên trời, Tiếng sáo người em út).
Lần đầu tiên có sự xuất hiện của nhiều tác phẩm nổi tiếng của một nhà văn chế độ cũ có uy tín như vậy đã gây nên một cơn bão táp trong dư luận phê bình, học thuật trong nước. Dư luận phía Bắc nhìn chung ủng hộ việc “gạn đục khơi trong”, đánh giá khá tốt về những tìm tòi tư tưởng hiện sinh “VN hóa” cũng như kỹ thuật, bút pháp hiện đại của tác giả. Nhưng oái oăm thay một số ít dư luận phía Nam tập trung trên một tờ báo ở TPHCM lại tỏ ra… “bảo hoàng hơn vua” đã mở chiến dịch “đánh” tác giả – lẫn nhà xuất bản và công ty phát hành chủ trương in – tố là tác phẩm có hơi hướng chống Cộng. Dù những đoạn này đã được người chủ trương in – và tác giả đồng ý? - “tự kiểm duyệt”!
Tuy kết quả – trong thời đổi mới cởi mở hơn - cũng sớm chìm xuồng thôi nhưng nhà xuất bản đương nhiên thuộc cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm vụ này bị kiểm điểm khiến từ đó càng làm khó không ai còn dám làm chuyện”rách việc” in lại tác phẩm cũ cho những tác giả chế độ cũ nữa!

32.Dương Quỳnh Hoa
LÀM CHUYÊN MÔN HƠN LÀM CHÍNH TRỊ
Bác sĩ sinh 1930 ở Sài Gòn – Mất 2006 ở TPHCM (77 tuổi).
Học sinh Chaseloup-Laubat ở Sài Gòn, qua Pháp học tốt nghiệp y khoa (đảng viên Đảng Cộng sản Pháp) rồi trở về Sài Gòn tham gia hoạt động chống chế độ Diệm bị bắt ở tù năm 1960. Đến năm 1967 vào bưng tham gia Mặt trận Giải phóng miền Nam làm Bộ trưởng Y tế trong Chính phủ lâm thời Cách mạng miền Nam.
Sau 1975 là Thứ trưởng Y tế trong chính phủ thống nhất đầu tiên nhưng chỉ 2 năm sau xin từ nhiệm quay sang hoạt động thuần túy chuyên môn y khoa. Thành lập trung tâm nghiên cứu y học hướng về các đối tượng đồng bào vùng nông thôn, trẻ mồ côi, y tế cộng đồng, nhi khoa và cả chất độc màu da cam… Quốc tế ghi nhận những cống hiến này của bà qua nhiều giải thưởng UNICEF, UNESCO…
Một trong số ít nhà trí thức hoạt động cách mạng xuất thân từ Đảng Cộng sản Pháp còn sót lại cuối cùng đã nhìn thấy sự chuyển hướng tất yếu sang hoạt động xã hội phù hợp hơn sau bao thăng trầm của thời cuộc loạn ly.

33.Dương Thanh Liêm
Ở HIỀN KHÔNG GẶP LÀNH!
Giáo sư đại học sinh 1938 tại Bến Tre. Sống ở TPHCM (2006).
Đi tập kết ra Bắc được đưa đi học Hungary tốt nghiệp đại học nông lâm, sau 75 về Nam làm hiệu trưởng ĐH Nông lâm TPHCM.
Là một nhà giáo gương mẫu vừa giỏi chuyên môn vừa liêm khiết (ở nhà cấp 4, đi dạy bằng xe gắn máy cũ kỹ), tận tụy với học trò, về hưu vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy. Thế nhưng đời tư lại gặp nhiều bất hạnh phũ phàng tưởng khó ai chịu đựng nổi: Vợ sau khi sinh con trai duy nhất tự nhiên phát bệnh tâm thần nặng (có khi nổi cơn đuổi đánh chồng) khiến phải một mình đảm đương hết mọi việc nhà. Nhưng đứa con trai duy nhất thì đến năm 13 tuổi bị… chết trôi!
Lâm vào cảnh “cái gì quý nhất thì lại mất”, ông như rơi vào vực sâu không đáy, trở nên trầm cảm u uất một thời gian dài dù vẫn phải sống phải làm việc tiếp tục. Với “những bài giảng lúc nào cũng ẩn chứa một nỗi buồn vô tận, buồn từ guơng mặt, đôi mắt, buồn từ giọng nói, từ câu chữ…” - theo học trò nhớ lại với lời kết ngậm ngùi “Thầy ở hiền như thế mà chẳng gặp lành chút nào!”

34.Đàm Vĩnh Hưng
NAM CA SĨ SỐ 1
Ca sĩ tên thật Huỳnh Minh Hưng sinh khoảng 1969 tại Bình Định. Sống ở TPHCM (2010).
Sau 75 làm thợ hớt tóc ở TPHCM theo “phong trào” vượt biên… bị bắt! Được thả ra rồi mới về lo chuyện làm ăn sinh sống đàng hoàng.
Tự phát hiện có tài năng ca hát thiên phú dù không qua một trường lớp âm nhạc nào mà tất cả hoàn toàn do tự học, từ đó bắt đầu tham gia phong trào văn nghệ quần chúng ở TPHCM. Và đã vụt trở thành ngôi sao nhạc trẻ – biệt danh “Mr Đàm” - Số 1 cả nước từ năm 1991 vẫn tiếp tục giữ vững kéo dài đến nay. Nhờ luôn chịu khó tìm tòi sáng tạo từ phong cách biểu diễn – ảnh hưởng Elvis Presley - đến đề tài thể hiện không chỉ nhạc trẻ mà cả nhạc xưa.
Thế rồi trong một lần biểu diễn tại Festival Huế 2006 đã cao hứng và ngây thơ kể lại chuyện… vượt biên bị bắt! Lập tức sau đó bị các cơ quan chức năng “thăm hỏi sức khoẻ”, may mà cuối cùng được thông cảm “trẻ người non dạ”, “non kém bản lĩnh chính trị” nên chỉ phải làm kiểm điểm đại khái!
Còn trẻ độc thân đã ở đỉnh cao sự nghiệp – cả ở hải ngoại – song vẫn không vướng bệnh ngôi sao, rất gần gũi quần chúng ái mộ, quan tâm phục vụ giới trẻ học sinh sinh viên. Và là người đi đầu trong làng ca hát hết sức nhiệt tình tham gia công tác từ thiện giúp đỡ lớp người khốn khó trong xã hội.

35.Đào Linh
THIÊN THẦN ÁO TRẮNG
Nữ tu đạo Thiên Chúa. Sống ở Mỹ (2007).
Sau 75 vẫn còn ở lại VN, đến 1981 mới ra đi qua Mỹ làm việc trong một bệnh viện ở San Jose, California. Nhưng sau đó vẫn nhiều lần quay trở lại quê hương làm công tác y tế từ thiện.
Năm 2007 gặp một bệnh nhân nữ ở Huế mắc chứng bệnh bướu trên đầu vào loại bệnh di truyền chết người hiếm có trong nước không chữa được song qua nước ngoài mổ thì rất tốn tiền (khoảng 429.000 USD). Từ đó mới nghĩ cách đưa 2 người con qua Mỹ tìm cách thuyết phục được bêïnh viện nơi mình làm việc mổ ca này miễn phí.
Được chấp nhận rồi liền trở về VN đưa bà mẹ qua tiếp và lo cho cả 3 mẹ con ăn ở đầy đủ chờ ngày giải phẫu đầu năm 2008…
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét