Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 1)


CAO HUY KHANH
VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN

1975 - 2010

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Một
---------------------------------------
+ “Ai trong chúng ta mà đã không gánh chịu oan khổ của cuộc chiến? Tới với nhau để cùng cầu nguyện cho tất cả những người đã xấu số không phân biệt già trẻ, gái trai, Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo, chính trị – đó là một sự thực tập trị liệu rất cần thiết.”
Thiền sư Thich Nhất Hạnh (nhân đợt Cầu siêu Đại trai đàn chẩn tế bình đẳng tại TPHCM, Huế, Hà Nội năm 2007).
+ “Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, tôi sẽ đi thăm. Tôi sẽ đi thăm….”
Trịnh Công Sơn

Thay cho Lời nói đầu
MỘT GÓC CHÂN DUNG THẾ HỆ CHÚNG TÔI (Trích)

…. Thời Hậu chiến VN từ 1975 trở đi bắt đầu đánh dấu bởi nhiều sự kiện để lại dấu ấn hậu quả nặng nề như đi học tập cải tạo, đi kinh tế mới, “đánh” tư sản mại bản, đổi tiền, vượt biên, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cuộc chiến ở Campuchia, Liên Xô cũ và khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa sụp đổ, các hiện tượng tiêu cực, quan liêu bao cấp, tham nhũng trong hệ thống chính quyền, mặt bằng văn hóa của cả xã hội nói chung thấp, tình trạng thiếu dân chủ, phong trào đổi mới cởi mở... Đặc biệt hiện tượng vượt biên, đi H.O, đi O.D.P gây chia rẽ dân tộc trong và ngoài nước và hậu quả di chứng chất độc da cam/dioxin (CĐDC) để lại vô số thảm trạng đau khổ cùng cực cả về sinh lý lẫn tinh thần cho người dân VN.
Gánh vác trách nhiệm cũng như chịu đựng hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm đó – một kết quả để lại của cuộc chiến chống Pháp trước đó chưa được giải quyết rốt ráo tận căn cơ – là cả một thế hệ nối tiếp thế hệ đánh Pháp cộng thêm với nửa thế hệ mới lớn lên sau chiến tranh với người già nhất bây giờ cũng cỡ 70- 80 tuổi và người trẻ nhất ngoài 20 tuổi. Thế hệ đã đi qua chiến tranh này nay còn sống sót trong thời Hậu chiến gồm hàng triệu người hoặc từng tham chiến bên này hay bên kia hoặc trực tiếp chứng kiến, bị tác động bởi cuộc chiến từ cả 2 phía mà những ảnh hưởng, di chứng của nó vẫn còn ám ảnh cách này hay cách khác với mức độ nặng nhẹ khác nhau về mặt thân xác hay tinh thần trong cuộc sống kéo dài sau chiến tranh.
Trong thế hệ còn tồn tại trong thời Hậu chiến này ngoài những nhân vật nổi bật vinh danh Anh hùng đã được nói tới nhiều ai cũng biết còn vô số “số phận kỳ lạ” ở đây được hiểu là những con người dưới ảnh hưởng chiến tranh sau đó còn phải trải qua nhiều thăng trầm gian nan khốn khó – về điều kiện sống, tâm tư tình cảm – buộc phải đấu tranh để tồn tại (cả thành công lẫn thất bại) trong đó qua không ít hoàn cảnh nghiệt ngã đã tự bộc lộ, phát sinh những sự kiện, quyết định, hành động, việc làm có tính cách lạ lùng khác thường đáng cảm phục, nếu không thì cũng đáng để suy ngẫm cảm thông. Đó là những mảnh đời đầy sóng gió lên voi xuống chó, bị vùi dập có khi xuống tới đáy vực thẳm tuyệt vọng hoặc từng đấu tranh khốc liệt để vượt qua hoàn cảnh bi tráng khó tưởng tượng nổi vươn lên làm nên sự nghiệp không ngờ.
Tuy trong quá trình chiến đấu chống lại nghịch cảnh sau chiến tranh đó có người đứng vững vươn lên được và có người gục ngã rơi vào hố thẳm lịch sử nhưng những “số phận kỳ lạ” ấy ít nhiều vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lịch sử đời thường con người VN thời Hậu chiến. Những số phận như tiểu thuyết, còn hơn cả tiểu thuyết. Có kẻ là người nổi tiếng thành đạt, có người chỉ là thường dân vô danh hẩm hiu, có kẻ còn sống, có người đã rơi vào quên lãng, đã chết trong vinh quang hoặc cô đơn, đã hoàn thành sự nghiệp hoặc sự nghiệp dở dang cay đắng. Tất cả đều là những chứng nhân tràn ngập một giai đoạn lịch sử không thể quên được – thời Hậu chiến 1975 trở đi.
Những số phận đó trong thực tế lên đến hàng vạn người không đếm xuể, không kể xiết mà qua thời gian với nhịp sống hối hả của xã hội thời đại công nghiệp đang bị đe dọa bỏ quên bên lề lịch sử. Công trình này có thể xem là một “Bộ Sưu tập Số phận” về những “người thật việc thật” (nhắm đến con số biểu tượng 1.001 số phận kỳ lạ đó, xếp theo thứ tự ABC) cố gắng ghi nhận và nhìn nhận tất cả dưới quan điểm nhân bản, về con người VN ba miền nói chung không phân biệt thành kiến chủ nghĩa, quan điểm, địa phương, tôn giáo, sắc tộc…
Lịch sử không thể bị lãng quên. Thời Hậu chiến 1975 – 2010 chắc chắn là một giai đoạn lịch sử ghi đậm một dấu ấn đặc biệt đối với mỗi
người VN (dân tộc và lãnh thổ thống nhất sau hơn 150 năm) và Hồ sơ Hậu chiến này là một phần của lịch sử không thể bị lãng quên đó….
CHK
(Bắt đầu viết 30.4.2007)

--------------------------------------------------
1.Anh Cu Cá
ANH HÙNG LÀM NGHỀ LIỆM XÁC
Không biết tên tuổi thật. Sống ở Quảng Bình (2009).
Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Quang Lập :
“Anh một thời được coi là anh hùng của thị trấn Ba Đồn, là người bắt được phi công Mỹ đầu tiên của huyện.
Chiến tranh qua lâu rồi, chẳng ai nhớ đến anh nữa, chừng bốn năm chục tuổi anh bắt đầu nát rượu.
Anh chẳng làm gì ngoài việc đi liệm xác. Trong vùng hễ có ai chết là gọi anh Cu Cá, chưa khi nào anh từ chối kể cả lúc nửa đêm, phải đi xa năm mươi cây số anh cũng không từ.
Người chết có đủ loại, người khỏe mạnh, sạch sẽ không nói làm gì; người bẩn thỉu, bệnh tật, lại bệnh truyền nhiễm mà chết thì đến một cắc cũng chẳng ai dám mó tay vào. Anh Cá OK hết.
Anh ngậm rượu phun toẹt một cái nói một câu, lại ngậm rượu phun toẹt nói một câu, cứ như anh nói với người sống chứ không phải người chết….”

2.Ba Lãng
SỐNG LỚN TỪ CÕI CHẾT
Nhà báo tên thật Trần Minh Đức sinh khoảng 1942 tại Long An. Sống ở TPHCM (2009).
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Sài Gòn ra đi dạy rồi vào khu chiến đấu chống Mỹ, bí danh Ba Lãng.
Trúng bom B52 bị thương rất nặng được đưa ra Bắc điều trị rồi qua cả Trung Quốc chạy chữa theo Đông y may mắn được cứu sống.
Sau 75 được xem như một trong những người khai sinh ra báo Tuổi Trẻ, là “người cha tinh thần” của báo về cả tính chiến đấu lẫn cung cách phát triển theo chiều hướng đổi mới.Tuy vẫn ở trong tình trạng thể chất suy sụp mang theo trong người nhiều căn bệnh biến chứng khác dày vò hàng ngày, đi đứng lập cập từng bước, tay chân run rẩy lọng ngọng, có khi người nóng quá phải ngủ trong tư thế… trần truồng.
Chưa biết chết lúc nào nhưng còn sống ngày nào vẫn làm việc đều đặn, hiệu quả làm bao người khâm phục (thậm chí có nhà báo nữ khá tên tuổi muốn lấy ông không được bèn xin tinh trùng để thụ tinh nhân tạo (không thành công)! Ngay cả vị thầy thuốc Trung Quốc từng chữa cho khi gặp lại cũng rất ngạc nhiên thấy ông… chưa chết!
Còn lập Học bổng Trần Văn Tấn mang tên cha vốn là cựu giáo viên dành cho học sinh ở huyện Đức Hòa quê nhà.

3.Bà Nguyễn 1
16 NĂM Ở TRẠI TỴ NẠN MONG CON
Thường dân không biết tên họ (mẹ của Nguyễn Đức Cảnh) ở Mỹ sinh khoảng 1950 tại Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2006).
Nhiều làn vượt biên cùng cả gia đình nhưng không thành, cuối cùng đi một mình lại thoát nhưng phải để lại chồng và 2 con một trai 6 tuổi một gái 2 tuổi.
Được tàu Mỹ vớt đưa đến trại tỵ nạn Palawan ở Philippines rồi mắc kẹt ở đó suốt 16 năm trời vì lúc đó các nước khác đã… ngán nhận dân tị nạn VN, thủ tục nhập cư vào khó khăn hơn nhiều so với hồi trước thời mới bùng nổ phong trào vượt biên.
Từ đảo lại nhận tin xấu chồng và 2 con vượt biên lần nữa bị bắt. Sau khi ra tù, chồng gửi 2 con cho bà con nuôi còn mình thì đi… lấy vợ khác! Đành chấp nhận làm nghề đi bán hàng rong kiếm sống ở đảo, có khi bị cướp sạch, có khi còn bị rượt đuổi đánh đập trấn lột.
Năm 2005 gặp dịp Mỹ qua phỏng vấn theo chương trình đoàn tụ gia đình mới năn nỉ xin cho 2 đứa con còn ở VN đi theo nhưng cuối cùng chỉ có con trai 18 tuổi độc thân được “ăn theo”. Còn con gái đã quá 21 tuổi không được.
Nhưng dù sao cũng gặp được 2 con trên đất Philippines (thủ tục bấy giờ cho phép 2 con bay từ VN qua gặp phái đoàn Mỹ) như một “phép lạ”. Chỉ có điều sau đó con gái phải quay về VN chờ một ngày đoàn tụ thực sự chưa biết bao giờ.

4.Bà Nguyễn 2
TRONG VÒNG VÂY CỦA BỌN BUÔN NGƯỜI QUỐC TẾ
Thường dân không biết tên thật (mẹ của sinh viên Nguyễn Bích Ngọc) sinh khoảng 1960. Sống ở Mỹ (2006).
Sau khi đến Mỹ, năm 1999 đã rơi vào tay bọn buôn nguời đưa qua đảo Samoa làm công nhân cho một xưởng dệt may tư nhân chuyên bóc lột công nhân như nô lệ (dù đã đóng tiền cọc 5.000 USD). Bị đánh đập và bỏ đói nếu không chịu nghe lời chúng hay có ý đồ bỏ trốn.
Phải sống đời đày ải ở đây 2 năm cùng khoảng 300 công nhân VN và Trung Quốc. Mãi đến năm 2000 khi chính quyền Mỹ phát hiện điều tra ra bắt bọn chủ ra tòa và giải tán cơ sở này, bà mới được giải thoát gặp lại 2 con gái.
Sau đó tình nguyện ra tòa làm chứng tố cáo tội ác bọn buôn bán nô lệ kiểu mới. Được toà án Mỹ ghi nhận công trạng cung cấp chứng cứ, tạo điều kiện giúp đỡ cho 2 con vào đại học.

5.Bà Nguyễn Bảo Tùng
38 NĂM MỚI NHẬN ĐƯỢC XÁC CHỒNG
Thường dân sống ở Mỹ (2007).
Năm 1966 chồng sĩ quan không quân chế độ cũ lái máy bay trực thăng cho Lực lượng Đặc biệt Mỹ mất tích ở vùng biên giới Việt – Lào. Sau 75 đem con cái qua Mỹ ở vậy nuôi con.
Không ngờ năm 2000 Mỹ phối hợp với VN tìm kiếm hài cốt lính Mỹ đã tìm thấy xác chồng được trao trả cho Mỹ (vì chồng lúc đó biên chế lực lượng Mỹ) đưa về Mỹ cho bà tiếp nhận rồi đưa đi an táng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington trước sự chứng kiến của vợ con.
Nước mắt và lời khấn nguyện hoàn thành nhiệm vụ chồng giao phó ngày tưởng niệm trong mơ: “38 năm qua lúc nào em cũng tâm niệm: Em phải cố gắng, phải kiên nhẫn, phải nhẫn nhục nuôi con và chờ đợi. Thì nay anh về đây, anh thấy rằng những gì anh trao cho em em đã hoàn thành tất cả…”

6.Bà Nguyễn Thông Thái
M ẤT TÍCH CHỒNG 11 NĂM
Thường dân sinh 1956, sống ở Mỹ (2006).
Lấy chồng một hạ sĩ quan chế độ cũ năm 1976, có bố chồng đi học tập ở Miền Bắc nên cả gia đình phải đi kinh tế mới ở Bà Rịa.
Nhưng ở đây không trụ nổi nên quay về quê Sóc Trăng thì gặp nạn Khơ Me Đỏ ruồng bố lại chạy qua Cà Mau. Tạm định cư ở đây chưa được bao lâu thì năm 1981 chồng vuợt biên một mình không báo cho ai biết khiến tưởng là chồng mất tích hoặc chết rồi đành đi bán áo quần nuôi mẹ chồng cùng 2 con nhỏ và lo cho bố chồng còn trong trại học tập.
Nào ngờ chồng sau đó lại quay về hoạt động chống phá chính quyền bị bắt năm 1981 mà không biết. Mãi đến năm 1991 mới hay tin chồng còn sống mới đi thăm nuôi chồng ở tù!
Đến năm 1999 chồng mãn hạn ra tù gia đình mới đoàn tụ lại ở Cà Mau. Lúc đó bố chồng đã học tập trở về đi H.O qua Mỹ và đến năm 2004 thì bảo lãnh cho 2 vợ chồng cùng qua.
Làm lại cuộc đời từ đầu ở Mỹ cũng vẫn bằng nghề cũ bán hàng chợ cố dành dụm tiền bảo lãnh cho 2 người con gái đầu vẫn còn ở lại VN.

7.Bảo Ninh
“NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” CHỨ KHÔNG PHẢI “THÂN PHẬN TÌNH YÊU”
Nhà văn tên thật Hoàng Âu Phương sinh 1952 tại Nghệ An. Sống ở Hà Nội (2009).
Xuất thân từ gia đình trí thức có tiếng nhưng vẫn tình nguyện đi bộ đội làm lính đặc công vào chiến trường miền Nam. Sau chiến tranh mới trở về Hà Nội làm báo và bắt đầu viêt văn.
Nhưng tự nhận mình là “Nhà văn một cuốn” bởi sau cuốn tiểu thuyết đầu tay “Thân phận tình yêu” in năm 1991 lập tức đoạt giải Hội Nhà văn VN tính đến nay – hơn 15 năm rồi - nhà văn không còn… viết nổi một cuốn tiểu thuyết nào nữa (chỉ thỉnh thoảng truyện ngắn thì có vài cái)!
Như thể tác phẩm trên đã trút hết mọi tinh hoa nhiệt huyết của ông, đã vắt kiệt sức sáng tạo đỉnh cao của ông. Như mối ám ảnh đen tối không bao giờ nguôi khiến cả sau này khi nằm ngủ vẫn thường xuyên gặp lại cơn ác mộng chiến tranh khốc liệt ngày nào, ngủ mà “gằn gằn gừ gừ, chóp chép miệng, bất chợt đạp tay đánh chân, bất chợt gầm lên tao bắn hết, tao giết hết…” Bốn mươi tuổi mà tóc đã bạc trắng hết, không thể thiếu rượu mỗi ngày.
Cho nên dù có cố công xây dựng một cuốn khác cũng về đề tài chiến tranh (tựa đề tạm đặt “Thảo nguyên”) song vẫn dở dang không thành vì cảm thấy “không tự nhiên” như cuốn trước tuy tất cả chỉ đều quanh quẩn trong mối ám ảnh chiến tranh không sao dứt ra được.
“Thân phận tình yêu” là được đánh giá là cuốn tiểu thuyết hiện đại xuất sắc, ấn tượng nhất về cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua. Tác phẩm gây dư luận thời đầu đổi mới với quan điểm, nội dung và phong cách viết khác hẳn truyền thống qua đó “soi rọi một cái nhìn cá nhân vào những góc khuất của chiến tranh với một độ lùi thời gian cho phép”. Một cái nhìn về cuộc chiến mới đi qua khác hẳn cái nhìn lâu nay của những người chiến thắng, như một cái nhìn về “mặt trái” của chiến tranh.
Bởi vậy tựa đề ban đầu của nó là “Nỗi buồn chiến tranh” nhưng nó đã bị thay đổi thành “Thân phận tình yêu” do yêu cầu “bán chạy” của nhà xuất bản thời đầu thâp niên 90 (cũng có thể để “né” vấn đề chính trị)! Cho đến khi nó dịch ra tiếng Anh năm 1994 đã được dịch giả – người Mỹ! – lấy lại tên cũ là “Nỗi buồn chiến tranh” rồi “chết” tên luôn từ đó đúng như định mệnh của nó.
Cha đẻ ra nó – đúng là rất mang nặng đẻ đau – cũng thừa nhận như thế “thật” hơn vì đó là “nỗi đau về cái thời của mình, ít nhất là thế hệ mình…” Nỗi đau từ “Tôi vẫn cho rằng những người lính thời chống Mỹ có 2 chiến công lớn, một là thống nhất đất nước, hai là đổi mới đất nước” nhưng “Sau năm 1975, những người lính trở về ai cũng vui lắm. Mà chỉ sau chiến thắng 5-6 năm gặp lại nhau ai cũng buồn. Có lẽ chúng tôi đã quá nhiều ước mơ khi trở về như những người chiến thắng. Nỗi buồn chiến tranh được hình thành khi đất nước nghèo lắm, u ám…”
Có lẽ cũng do vậy mà năm 2008 đã từ chối để cho một đạo diễn Mỹ chuyển thể thành phim nhựa dù mọi thủ tục, kịch bản đã xong xuôi chỉ vì mong muốn “Phải là một bộ phim VN, người VN xem phải thấy hay, thấy đúng mới coi là thành công được.”

8.Blúp Dứ
NHÀ GIÁO ƯU TÚ BỎ NGHỀ
Nhà giáo sinh 1950 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2005).
Vốn gốc dân Lào vì chiến tranh lưu lạc đến huyện Nam Giang (Quảng Nam) theo Cách mạng làm giáo viên dạy học cho người dân tộc Tà Riềng. Từng bị thương do bom B 52 thả xuống giữa lớp học được chứng nhận thương binh 2/4, trên bụng còn nguyên vết thương.
Sau 75 làm hiệu trưởng kiêm thầy giáo hiếm hoi ở vùng sâu vùng xa này nên được phong Nhà giáo Ưu tú duy nhất – cũng là NGƯT người dân tộc duy nhất - của huyện năm 1989 (toàn tỉnh lúc đó mới có 6% thầy cô giáo là người dân tộc). Do quá trình gắn bó với buôn làng nên còn được xem là một “Già làng”.
Tuy nhiên đến năm 1991 tự động nghỉ dạy quay qua làm rẫy vì nghề giáo ở nơi xa xôi này thời đó không được ai quan tâm ngó ngàng, không đủ sống dù nay đã hòa bình rồi. Thế mà vận xui rủi vẫn không buông tha, qua năm sau một đốm lửa rẫy từ nơi khác bay qua đốt cháy rụi nhà cửa sách vở đẩy thêm một bước vào đường cùng…

9.Brigitte Lê
“VIỆT NAM ĐÂU PHẢI CHỈ ĐỒNG NGHĨA VỚI CHIẾN TRANH”
Nhà tổ chức nghệ thuật sinh 1962 tại VN. Sống ở Mỹ (2007).
Ra đi từ 30.4.75, qua Mỹ học tốt nghiệp kỹ sư IBM nhưng bỗng nhiên lại bỏ nghề qua chuyên làm gallery tranh VN đương đại tại Virginia.
Thường xuyên về nước đi nhiều tỉnh thành để tìm tranh đem qua Mỹ triển lãm trong đó cuộc triển lãm “Nghệ thuật VN thế kỷ 21” được đánh giá là một trong 3 cuộc triển lãm lớn nhất ở Mỹ về nghệ thuật đương đại VN.
Dù được ủng hộ hay bị chống đối vẫn kiên trì quan điểm của mình: “Chiến tranh đã ở lại phía sau, chúng tôi muốn tạo ra một thế giới nghệ thuật trong đó chúng ta có thể thảo luận hay tranh cãi với nhau… Chúng tôi chỉ muốn nói về VN đâu phải chỉ đồng nghĩa với cuộc chiến tranh vừa qua. Có rất nhiều cái đẹp ẩn chứa sau con người Việt Nam và những tác phẩm do người Việt tạo ra…”

10.Bùi Đình Thăng
SUY TIM VẪN LẬP THƯ VIỆN LÀNG
Thường dân sinh 1931 ở Hưng Yên. Sống ở Hưng Yên (2006).
Sau khi xuất ngũ năm 1982 trở về quê hương sinh sống.
Đến năm 1990 bỗng nhiên tự phát thành lập một thư viện cho làng đặt trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của mình. Không tiền nên thư viện gồm toàn sách báo cũ đi xin hoặc mua rẻ, bàn ghế do tự tay mình đóng, hàng ngày mở cửa từ 14h – 18h, độc giả làng đến xem còn được phục vụ nước chè tươi do chính tay “ông chủ” nấu.
Đang bị mắc bệnh hiểm nghèo u dạ dày và suy tim nhưng vẫn quyết tâm “Chính vì biết mình bệnh hiểm nghèo nên còn chút sức nào phải cố làm gì được thì làm.”

11.Bùi Giáng
VƯỢT LÊN “CÕI KHÁC”
Nhà thơ sinh 1936 tại Quảng Nam – Mất 1998 ở TPHCM (66 tuổi).
“Đại thi sĩ”, “Siêu Thi sĩ” từ sáng tác đại phóng khoáng đến phong cách sống lang bạt kỳ hồ bất chấp tất cả ở miền Nam trước 75 nay ai cũng đều công nhận. Thành tựu đó một phần nhờ ông là một… nhà thơ “điên”.
Nhưng không phải điên theo nghĩa bình thường mà chẳng qua ông nghệ sĩ quá, đọc nhiều quá, suy nghĩ nhiều quá cao quá mà thực tế cuộc sống không theo kịp nên thường lúc vượt lên trên nó như tìm một thế giới khác để phủ định thực tại. Chỉ có điều khi mới đặt chân vào thế giới mới đó thì còn tỉnh táo nhưng ở lại đó hơi lâu (thật ra chỉ cần vài chục phút thôi) tất yếu dễ bị nó cuốn hút theo như “lên đồng”,“nhập thần” trở thành mất tự chủ luôn! Bởi
“ Ta cứ tưởng xuống trần chơi một chốc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay.
………………………………………………….
Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ….”
Khi ông tự chắp cánh cho mình bay vào cái thế giới thượng tầng cao cả tuyệt đối đó thì tuy lúc mới đặt chân vào thế giới mới kia ông vẫn còn tỉnh táo nhưng ở lại đó… hơi lâu một chút (thật ra chỉ cần dăm ba phút khỏi đầu thôi) tất yếu sẽ dễ bị nó cuốn hút theo thành ra thăng hoa “tẩu hỏa nhập ma” (vài ba tiếng đồng hồ) tới mức trở thành gần như… điên luôn! Như kiểu âm binh “quậy” ngược phù thủy, làm chủ luôn cả phù thủy thầy mình. Ban đầu thực ra chỉ là muốn giả lả ba lơn đời chút chơi ai dè… lậm luôn thành bất chấp tất cả – từ cách sống “tự do tự tại” đến tự hành hạ thân xác - có sá chi đời:
“ Chúng tôi người ngợm vô thường
Lúc mê man lúc chán chường thế thân
…………………………
Ở đời kiệt tận xẩu xương
Hình hài biến thể thân mường tượng thân.”
(Lời người điên)
Bởi vậy mà sau đó qua cơn rồi ông trở lại… tỉnh rụi nói nói cười cười như trước thôi!
Nếu không làm sao có những lúc ông sáng suốt cực kỳ (nói chuyện Marx sang sảng đấy), làm sao ông có thể xuất khẩu thành thơ, phóng tay làm thơ xuất thần (văn của ông thực chất cũng là một dạng thơ xuôi mà thôi) và nhiều vô hạn như thế? Vẫn suốt ngày đi bộ qua vạn nẻo đường mà không lạc lối đường về, vẫn cất giữ kỹ những bài thơ đã làm, thỉnh thoảng còn gặt giũ, khâu vá áo quần, sắp xếp phòng ở, chăm sóc cây cối hoa quả, trồng rau trong vườn nhà, mỗi sáng mỗi tối trước khi ngủ còn ngồi thiền một tiếng đồng hồ, tết còn tìm đến lì xì tiền cho con cái bạn bè …
Bùi Giáng “điên” ở đây phải được hiểu theo một nghĩa tương đối nhẹ nhất, “điên có lúc” thuộc dạng tâm lý khác người chứ không phải do thể trạng tâm thần phân liệt hay ức chế dồn nén thường trực (stress nặng) vốn là 2 dạng quen thuộc của bệnh điên. Chắc chắn không phải là người điên theo cách hiểu thông thường bởi bao nhiêu tác phẩm triết luận, dịch thuật “thượng tầng tri thức” có người điên nào làm nổi?
Tuy nhiên có điều cần ghi nhận ở đây là trước 1975, Bùi Giáng không có dấu hiệu “điên” nhiều như thời sau 1975 (đúng ra từ thập niên 80 trở đi). Trước 75 những cơn “điên giây lát” đó của ông được chuyển thành những cuộc sáng tác xuất thần có thể ngồi viết liên tục vài ba ngày xong một cuốn dày cộm cho Nxb An Tiêm rồi sau đó là những cuộc ngao du đây đó vui chơi chọc giỡn bạn bè, người đẹp (Kỳ nữ Kim Cương) phôi pha cũng được một vài trống canh không có vấn đề gì lớn.
Nhưng kiểu “điên” đó thực sự chỉ thấy trầm trọng sau 75, trở nên có phần nặng hơn biến thành hành động “quậy”, chọc phá thiếu kềm chế dù thật ra đều vô hại. Hiển nhiên đó là hậu quả ngoài tuổi tác cao còn là do bị tác động bởi sự thay đổi hoàn cảnh xã hội tận gốc rễ gây bức xúc nội tâm cho một con người không vợ con, không nhà cửa, chỉ sống để sáng tác và vui chơi với bạn bè tri kỷ mà nay không còn biết gửi gắm cho ai, ở đâu, về đâu:
“Cuộc trần thế bách ban sự huống
Bao sự tình chìm xuống nổi lên
Người đi góc bể bập bềnh
Kẻ về xó bếp quên tên tuổi mình.”
(Lúc ngoảnh lại)
Tất cả chỉ trở nên trầm trọng sau 1975 khi chứng “điên” nửa tỉnh nửa mê trở thành có phần nặng hơn, biến thành hành động “quậy”, chọc phá thiếu kiềm chế (mang áo quần hành khất nằm hoặc đứng giữa ngả tư… múa may điều khiển giao thông…) dù đều toàn vô hại (hầu hết đối tượng vẫn quay ra thương tình ông sẵn sàng tha thứ). Người như ông rất thèm những tri kỷ mà nay tri kỷ đâu rồi – kẻ đã ra nước ngoài, nguời về quê lánh nạn, kẻ mất tích biệt dạng, người nay phải lo gánh nặng cơm áo vất vả… - kể cả khi ông dư sức nói chuyện Marx vanh vách sang sảng suốt đêm cũng nào có ai hiểu được ông (cũng may là người ta biết cái “tạng” của ông vậy nên không ai thèm “làm phiền” ông đưa ông về đồn hoặc tống ông vào nhà thương điên)? Từ đó đưa đẩy ông ngày càng gần gũi hơn với con đường đi lên “thượng giới” tự tại một mình ta như thế thôi.
Xã hội miền Nam trước 75 còn không được Bùi Giáng chấp nhận – chỉ “sống tạm”, “sống nhờ” thôi – thì xã hội đó sau 75 đảo lộn mọi bậc thang giá trị từ vật chất đến tinh thần, từ hoàn cảnh đến cách sống chung và riêng làm sao ông chịu nổi? Ngay những người bình thường hơi nhạy cảm một chút còn không chịu nổi huống hồ một con người quá nhạy cảm với quá nhiều tư tưởng, tình cảm phức tạp đan xen rối bời trong đầu chỉ chờ chực để bung ra như Bùi Giáng?

12.Bùi Minh Quốc
TỪ CHIẾN SĨ CÁNH MẠNG ĐẾN NHÀ TRANH ĐẤU DÂN CHỦ

Nhà thơ sinh 1940 tại Hà Tây. Sống ở Đà Lạt (2009).
Từng nổi tiếng về thơ từ thời trẻ ở miền Bắc, có bài được đưa vào sách giáo khoa. Lớn lên hăm hở tham gia cuộc chiến chống Mỹ với những bài thơ rực lửa lấy bút danh Dương Hương Ly (tên con gái). Cùng vợ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh bản thân gửi con gái nhỏ mới 16 tháng tuổi lại hậu phương để vào Nam chiến đấu. Không may vợ bỏ mình trên chiến trường miền Trung.
Sau 1975 đã nhiều lần về đất Quảng tìm mộ vợ – nhờ cả nhà ngoại cảm - nhưng bao lần đều thất bại. Có lần còn bị… lừa nữa (tìm được một vật lưu niệm của vợ nhưng là đồ… giả)! Cuối cùng đành chấp nhận đến ngay nơi vợ ngã xuống dựng tạm một tấm bia mộ tượng trưng không hài cốt với câu thơ đề phía sau “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/ Anh mất em như mất nửa cuộc đời.”
Với tên tuổi, uy tín sẵn có lần lượt nắm giữ các cương vị lãnh đạo hội văn nghệ kiêm tổng biên tập tác chí VHNT của Quảng Nam – Đà Nẵng và Lâm Đồng.
Nhưng đột ngột năm 1988 từ Lâm Đồng cuộc đời bỗng rẽ qua một ngả khác hoàn toàn bất ngờ như đoạn tuyệt luôn với một thời quá khứ vẻ vang: Đi đầu trong cuộc vận động đấu tranh đòi tự do dân chủ trong nước, đặc biệt đối với giới trí thức nghệ sĩ bất đồng chính kiến (như điển hình trường hợp nhà văn Dương Thu Hương vốn là bà con bên vợ). Tổ chức cả một cuộc đi xuyên Việt để thực hiện cuộc vận động trên. Sau đó còn tiếp tục lên tới biên giới phía Bắc “xem xét” phản đối vấn đề phân chia biên giới với Trung Quốc.
Kết quả bị câu lưu, khai trừ Đảng và đặt trong tình trạng quản thúc tại chỗ!
Trong lúc đó đời riêng cũng gặp tai ương kỳ cục là lấy vợ mới thì lại bị bạn… cướp vợ! Từ đó lang thang tay xách cái bị nhỏ và một chai rượu nay đây mai đó gặp ai cũng bàn chuyện thế sự vĩ mô…

13.Bùi Thị Thìn
TRAI TÀI GÁI SẮC BẤT HẠNH
Nữ văn công sinh 1943 tại Hà Nội – Mất 2005 ở Hà Nội (63 tuổi).
Sĩ quan văn công từng đi phục vụ ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào. Lấy chồng là bộ đội tên lửa con liệt sĩ ở Hà Nội được xem là một cặp trai tài gái sắc thời chiến, sinh được một con gái năm 1965.
Nhưng đến năm 1972 chồng hy sinh trong đợt máy bay Mỹ đánh phá thủ đô. Còn con gái lớn lên bị nhiễm CĐDC nặng vừa câm điếc vừa nằm liệt giường 40 năm trời. Bản thân mẹ cũng bị bệnh tim và thấp khớp, không ai giúp đỡ (cả bố mẹ bên nội lẫn bên ngoại đều không còn). Vừa bệnh vừa phải chăm con nên sức chịu đựng và nỗi đau không kham nổi nữa, cuối cùng bị nhồi máu cơ tim chết trước con năm 2005.
Gần như chết không nhắm mắt bởi lúc đó con gái nằm một chỗ hầu như không còn ai thân thích không biết sẽ ra sao, về đâu?

14.Bùi Tường Huân
RẢI TRO CỐT TRÊN SÔNG SÀI GÒN
Giáo sư đại học sinh 1924 tại miền Bắc – Mất 1987 tại TPHCM (64 tuổi).
Cựu khoa trưởng đại học Luật ở Huế thời chống chế độ Nguyễn Khánh, từng làm Bộ trưởng Giáo dục sau đó rồi thượng nghị sĩ khối Phật giáo CĐC và một lần nữa nhận chức Bộ trưởng Giáo dục của “Chính phủ 1 ngày” Dương Văn Minh nên bị “kẹt” lại Sài Gòn một mình sau 75. Tự nhận mình “Làm chính trị mắc rất nhiều sai lầm vì cái bệnh hoang tưởng nhưng chưa bao giờ nhúng tay vào một việc làm bẩn thỉu nào. Tôi không bao giờ là Trần Ích Tắc (bán nước)”
Đến 1987 được phép qua Mỹ đoàn tụ với gia đình và chữa bệnh song lại không vội đi cứ nấn ná ở lại thêm vài tuần vài ngày vì “Sang đến Mỹ bước chân ra ngoài là đất của người ta, mình chỉ là kẻ ở nhờ. Ở trong nhà thì vợ con phải nuôi một người chỉ còn là kỷ niệm cho tới chết. Đi để chuẩn bị cho một cái chết từ từ thì vội làm gì!”
Nhưng không ngờ bệnh phổi cũ tái phát qua đời không có mặt vợ con bên cạnh. Vài năm sau gia đình mới về mang hài cốt đi thiêu rồi rải tro dọc sông Sài Gòn theo ý nguyện cuối cùng của ông.

15.Bùi Văn Lành
HÀI CỐT CHƯA AI NHẬN
Quân nhân chế độ cũ, chết an táng tại Mỹ 2007.
Bị mất tích năm 1966 trong một chuyến bay trực thăng thám thính thuộc Lực lượng Đặc biệt Mỹ.
Mãi đến năm 2000 hài cốt mới được đoàn tìm kiếm VN phối hợp Mỹ tìm thấy và trao trả cho Mỹ đem về nước (vì lúc đó được biệt phái qua lực lượng Mỹ) an táng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington.
Nhưng không được ai thân thích nhận xác và đến chứng kiến lễ an táng. Có lẽ vì hoặc đã quá lâu hoặc không ai có mặt trên quê người mà ở quê nhà cũng chẳng ai quan tâm truy tìm gia đình thân quyến.



Theo Webs Van Viet Loc

1 nhận xét:

  1. Đọc thật thú vị theo nghĩa sau cuộc chiến khốc liệt và rất dài, trong khi còn ( chưa đầy đủ) những người như thế này thì mình là người có hạnh phúc. Còn đủ chân tay, trí óc tuy có mụ mị nhưng là do thứ khác chứ không phải do cuộc chiến. Có một hậu chiến chung và những hậu chiến của từng thân phận.

    Trả lờiXóa