Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

1-12,NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

Bác sĩ Bùi Thị Kim Cúc trong một
buổi sinh hoạt nhóm

Chị Phạm Thị Thương (bìa trái)


Vẫn sống như mọi người
Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS ,xin giới thiệu bài viết của Lan Anh (báo Tuổi Trẻ) về tấm gương nghị lực,lòng nhân ái và tình yêu cuộc sống

Nếu một ngày bạn có kết quả xét nghiệm máu dương tính với HIV, bạn sẽ làm gì? Tôi cứ trăn trở mãi về câu hỏi ấy mỗi khi nghĩ đến câu chuyện của những người phụ nữ này.


Đó là chị Phạm Thị Thương - trưởng nhóm tự lực của người có HIV “Vì ngày mai tươi sáng” ở đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh và chị Bùi Thị Kim Cúc - trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Hai người phụ nữ, một người chân lấm tay bùn vất vả nhưng nhân hậu, một là trí thức và đẹp người đẹp nết. Họ đang vượt lên trên căn bệnh thế kỷ để chứng minh rằng họ vẫn sống như tất cả mọi người bình thường.

Đứng lên trong bất hạnh

Chiều hạ tuần tháng mười một, chị Phạm Thị Thương lên tàu rời đảo để về Hà Nội. Lần này, chị đưa một người bạn cùng cảnh ngộ đến Hà Nội khám bệnh. Đây là công việc bình thường của chị.
Trong bộ quần áo tối màu không còn mới, chị Thương cười hết cỡ, khoe hai vợ chồng mới xây xong căn nhà trị giá 170 triệu đồng. “Tôi chỉ mong được sống để nuôi hai con được ăn học như những người bình thường” - chị nói nghe sao mà thương quá...

18 tuổi sinh con đầu lòng, 20 tuổi sinh bé thứ hai, Thương khỏe mạnh và vô tư như bao người dân ở xứ đảo hiền lành quê chị. Mãi đến cuối năm 2004, khi chồng Thương có những biểu hiện của người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và được xét nghiệm xác định dương tính với HIV thì Thương mới nhớ đến mình. Xét nghiệm lần 1: âm tính, lần 2 sau đó không may mắn như vậy.
Trái với hình dung của nhiều người về một người có HIV, Thương vẫn giữ nguyên được vẻ thật thà, hồn hậu và khỏe mạnh. Gương mặt đen sạm, bởi công việc của chị là phơi nắng cả ngày trên bãi biển để đào sá sùng. “Mùa này sá sùng đang đắt, 160.000 đồng/kg, mỗi tháng tôi có thể kiếm được 1,5 triệu đồng”- Thương khoe. Còn chồng Thương, mùa sứa vừa rồi anh ấy theo tàu đi hơn hai tháng ngoài biển, đem về hơn 40 triệu đồng.

Căn nhà trị giá 170 triệu đồng vừa xây xong là phần thưởng từ những nhát mai đào sá sùng của vợ, từ những ngày lênh đênh trên biển của chồng. Cả gia đình Thương đã về ở trong căn nhà này hai tháng mà vẫn lâng lâng vì mừng, vẫn sợ ngôi nhà là không có thật.
Ít ai ngờ rằng chỉ cách đây bốn năm, trong căn nhà cũ kỹ ở Quan Lạn, Thương tưởng đời mình chỉ còn cách chết. Chồng suy kiệt sức khỏe, Thương bán tất cả những gì có thể trong nhà để lo mua thuốc ARV điều trị cho chồng. “Phải cứu người trước, có gì bán được sẽ bán hết” - Thương quyết như thế. Có những ngày chị ứa nước mắt nhìn hai đứa con đói meo mà chẳng còn tiền mua cho chúng tấm bánh. Chính trong những ngày khó khăn ấy, người phụ nữ thật thà chỉ biết nghề đào sá sùng đã dám đứng lên thành lập CLB tự lực của người có HIV ở Quan Lạn. 35 người tham gia đầu tiên, nay là 45 người, do Thương làm trưởng nhóm.

“Bây giờ người dân ở quê tôi có thể ăn cùng, ngủ cùng, bắt tay, ôm... người có HIV như người bình thường. Trước đây, người có HIV vào nhà uống chén nước, chủ nhà lót lá ném cái chén đi ngay”- Thương kể. Và từ một người phụ nữ đào sá sùng, giờ đây câu chuyện của Thương có cả lịch chăm sóc người bệnh, lịch phát bao cao su, tuyên truyền, họp nhóm đầu mỗi tháng...

Thỉnh thoảng, chị lại lên Hà Nội, đưa những người có HIV ở huyện đảo quê mình đi khám bệnh. Chị kể không chỉ nhà mình, hầu hết những người có HIV ở Quan Lạn đều đã có cuộc sống tốt hơn xưa. Trong niềm vui chung ấy, có niềm vui của chị và mơ ước được sống để nuôi con như những người phụ nữ bình thường.

HIV không có nghĩa là chết

Chị Bùi Thị Kim Cúc, trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Cái Rồng, có chồng bị nghiện, mấy chục lần cai nghiện không thành, rồi anh ấy bệnh và mất vì HIV, biết bệnh nhưng Cúc giấu. Chị sợ bị mất việc, sợ bị mọi người xa lánh. Với sự thành thạo của một người trong nghề, chị tạo ra kết quả xét nghiệm HIV âm tính để được cử đi học nâng cao!
Nhưng y học không phải là tất cả, sau những tháng năm dài chịu đựng căng thẳng, dằn vặt về tinh thần, sức khỏe của Cúc suy sụp. Dù không dễ dàng nhưng Cúc đã công khai câu chuyện có HIV của mình với đồng nghiệp, cơ quan, bạn bè.
Nhìn Cúc trong bộ vest màu sẫm, nước da mịn sáng của người mới ngoài đôi mươi nhưng mái tóc lại điểm đôi sợi bạc, đủ hiểu những dằn vặt đã qua của chị dữ dội đến thế nào. “Tôi biết có rất nhiều người như tôi đang làm việc tại các cơ quan nhà nước không dám công khai, nhiều người sức khỏe suy sụp vì không được điều trị. Tôi chỉ muốn nhắn với mọi người rằng HIV không có nghĩa là hết, mình vẫn có thể sống như mọi người”- bác sĩ Cúc chia sẻ.

Công việc của một trạm trưởng trạm y tế thị trấn bận rộn: nào ngày tiêm chủng, nào là dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe..., nhưng chị vẫn nhận thêm công việc trưởng nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” của người có HIV ở huyện Vân Đồn. Chị nhận việc thay một người bạn gái, cũng đau khổ rồi dũng cảm như chị, nay trở thành nhân viên cho một tổ chức quốc tế về HIV.

Mỗi ngày, chị có thêm ba giờ tập aerobic ở phòng tập do chị mở ra cho chị em thị trấn. Với kiến thức y học sẵn có, chị đang giữ sức khỏe cho mình, để có thể lo cho mọi người cùng cảnh ngộ, lo cho cậu con trai 13 tuổi rất thích nghề kiến trúc sư...
LAN ANH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét