Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

TRANG VĂN NGÀY CŨ - SỐ 4


NHÀ VĂN
TRẦN ÁNG SƠN

Trần Áng Sơn Tuổi Sữu,sinh ở Hải Phòng,hiện đang sinh sống tại Sài Gòn là tác giả của trên 30 đầu sách đã xuất bản.Ông có mặt trên văn đàn từ đầu thập niên 1960 thế kỷ trước .Sách của ông gồm nhiều thể loại:tiểu thuyết,truyện ngắn,bút ký,tiểu luận văn chương và thơ.Bút ký Những Trang Sách Khép Mở gồm 3 tập phác hoạ chân dung văn học của hầu hết tàc giả viết cùng thời với ông ở miền Nam là tác phẩm khá đồ sộ và được bạn đọc mến mộ.Hiện ông đang chuẩn bị xuất bản : Khúc Đồng Vọng Chiều Tà (gồm 4 Tập);Vĩnh Biệt Chiến Trường và Thơ tình Trần Áng Sơn.Chúng tôi xin giới thiêụ một số sáng tác của ông được trích trong tác phẩm Truyện ký Hải Phòng,Dòng Sông Tuổi Thơ vừa xuất bản và tập Thơ tình Trần Áng Sơn sắp xuất bản . Tuổi thơ của ông có một thời gian dài ở Huế nên tác phẩm của ông phảng phất một chút thơ mộng sương khói cũa sông Hương núi Ngự

Thơ Trần Áng Sơn

VIẾT TÊN EM
Cho Colette Adam

Dù nửa đêm bánh xe lăn về sáng
Dù đôi mắt thiếu ngủ
Dù đôi môi quên cười
Anh vẫn viết tên em
Anh vẫn đọc tên em
Anh vẫn gọi tên em
Anh vẫn nhớ tên em
Dù cuộc đời không bao giờ toàn vẹn
Dù cuộc đời cứ mãi đi hoang

Đôi bàn tay co quắp
Anh vẫn viết tên em
Lên vòm trời xanh thẳm
Anh vẫn đọc tên em
Trên đôi môi vẫn đắng
Trên đôi môi thiếu cười
Và đôi mất thiều nắng
Anh vẫn viết tên em
Dù số phận có xa bàn tay với
Có hâm hấp buồn rầu vừng trán tình đời
Dù có bị hắt hủi


Anh vẫn viết tên em
Ở bên dây kẻm gai
Ở trong dây kẻm gai
Ở giữa lằn biên giới
Dù tình đời cho thuê như lữ quán
Dù loài người cắt xén tình người
Dù anh không bao giờ cúi mình bên thánh giá
-xưng tội

Anh vẫn viết tên em
Ở đâu ngoài Việt Nam
Hay ở ngay Việt Nam
Ở ngay trong thành phố
Ở giữa đường tự do
Hay ở dưới đường hầm
Anh vẫn gọi tên em
Làm nhịp cho hơi thở
Làm nhịp cho trái tim

Dù ở đâu,chỗ nào là vũ trụ
Anh vẫn tìm hy vọng ở loài người
Dù ở mãi nền trời xa thẳm
Hay một chiều rơi ngoài biển đen
Anh vẫn viết tên em
Bằng trái tim nhỏ bé
Anh vẫn viết tên em
Bằng tình yêu không phai

Anh vẫn đọc tên em
Giữa một mùa hôn phối

Anh sẽ gọi tên em
Như gọi tình yêu dậy
Anh nhớ mãi tên em
Trong cuộc đời sầu tủi
Chữ Colette Adam
Anh đã viết tên em
Anh vẫn viết tê em
1962

THẾ GIỚI MỚI

Khi yêu nhau ta có cả bầu trời
Cả thiên hà quỹ đạo để rong chơi
Khi yêu nhau không có ngày có tháng
Chỉ có đại dương hạnh phúc nghỉ ngơi

Khi yêu nhau không có đêm và ngày
Chỉ có địa cầu cằn cỗi vẫn xoay
Chỉ có địa cầu vì ta ở đó
Vì ta làm cho trái đất ngất ngây

Khi yêu nhau ta không còn thế giới
Chỉ có bầu trời mà ta tạo ra
Cả một địa cầu vì ta đổi mới
Loài người đầu tiên là hai chúng ta
5.1982

CƠN DỊU HIỀN ĐỘC ÁC

Nhưng ngày đắng cay đi tìm kỷ niệm
Những ngày rũ tóc để chờ mưa bay
Những ngày yêu ai chẳng cần giấu diếm
Những ngày thành thật như một cơn say

Bây giờ tình yêu như một cơn mê
Bây giờ hơn thua như một trò hề
Bây giờ nghênh ngang như loài dã thú
Bây giờ vùng vẫy như một cơn gió

Bây giờ không yêu vẫn làm thơ được
Không còn hiến dâng không còn từ khước
Những ngày xao động tiếng bọn ve chai
Những ngày chếch choáng như vừa mới say

Có khi cô đơn chối từ tiềm thức
Bao nhiêu nồng nàn bao nhiêu thúc giục
Làm ta bàng hoàng đi giữa ngày mưa
Làm ta bàng hoàng trong cuộc tiễn đưa

Khí phách trong đời làm đau vai áo
Ngôn ngữ đơn sơ biến thành gió bão
Ồ sao hôm nay ta lại thèm say
Thèm làm chim trời để sải cánh bay
Đến vùng bao la để tìm hơi ấm
Và để chôn đi cuộc tình ngượng ngập
Để nắng muôn trùng không dối gạt ta
Để tình yêu còn vị ngọt của hoa

Bây giờ xây lưng đối đáp với đời
Bây giờ đáng khóc lại ngạo nghễ cười
Bây giờ yêu đương như là hình phạt
Những cuộc hẹn hò làm ta chán ngắt

Bây giờ yêu thương đã là có tội
Bây giờ nói thật cũng là nói dối
Không có thì giờ để yêu nữa đâu
Nhưng có thì giờ để lừa dối nhau

Bây giờ tư duy ở một tầng thấp
Bây giờ mưa phùn cũng có cơn lốc
Bây giờ rủi ro như một cái hôn
Hôm nảo hôm nào làm ta buồn nôn

Bây giờ quẳng hết để đi lên đồi
Để nghe thiên nhiên an ủi bầu trời
Để nghe lòng mình phai đi kỷ niệm
Xoá đi dấu chân suốt đời tìm kiếm

Bây giờ quắt quay như một cơn ghiền
Bây giờ tàn bạo như một gã điên
Bây giờ ngọt ngào như một viên đạn
Đã bắn vào ta một cách thản nhiên

Bây giờ lên cao lại sợ trời cao
Bây giờ xuống biển lại sợ biển sâu
Bây giờ yêu ai lại là phụ bạc
Thôi,giả từ,cơn dịu hiền độc ác
6.1982

180o HUẾ
Tặng Hải Trung

Khi tôi về lỡ một nhịp mái đẩy
Lỡ một nhịp cầu,lỡ một dong sông
Về đến Truồi
Nhớ em và đêm trăng lạc lối
Đâu tìm thấy nửa si mê,nửa kia đắm đuối
Nủa dại khờ,nửa bối rối - mắt em
Vẫn con đường nửa lạ nửa quen
Vẫn thành quách
Đèn nửa sáng nửa tối
Nhìn lại vóc xưa rong rêu cát bụi
Em ơi và Huế ơi!

ĐÊM VŨ DI

Em pha trà bằng ánh mắt
Tay pha những thanh âm
Sương gió Hương Giang hoà anh thành cơn khát
Cho anh được uống ánh mắt em
Từng giọt ...
Từng giọt...
Đêm Vũ Di quánh màu hổ phách
Những chiếc đèn lồng ngủ giấc đêm hoang

Huế 6.2007

GIÁO KHOA THƯ MÙA ĐÔNG

Những năm học ở trường làng,vào mùa đông,đường đến trường rất khổ,khổ nhất vẫn là những đứa học trò nghèo như tôi.Nhà tôi ở bán đảo Hạ Lý,chung quanh toàn là sông nước,để đến trường,tôi phải đi dọc theo bờ sông,con sông thân yêu gắn liền với thời niên thiếu của tôi.Phải vượt qua một chiếc cầu tuyệt đẹp,Cầu Xi Măng.Chiếc cầu này có bốn đường lên hình thang xoắn ốc,ở giữa cầu là một nhịp vận hành bằng dây cáp có thể nâng lên,hạ xuống bằng cơ giới.Có những buổi chiều xách cần câu tôi say mê ngắm nhìn chiếc cầu in hình trên nền trời hoàng hôn.Nó đẹp quá,chính bởi chiếc cầu quá đẹp,tôi đã đem theo hình ảnh nó đi lang thang từ Bắc vào Nam.Mặc dù ở Huế có cầu Tràng Tiền nổi tiếng đẹp và thơ nhưng,với tôi,không chiếc cầu nào đẹp bằng chiếc cầu nối đường cho tôi đi học.Chỉ cách một con sông,bên này là thành phố,bên kia là thôn quê,trường của tôi ở giữa cánh đồng,dân cư thưa thớt,ruộng trống cây hoang ngút tầm.Qua khỏi Cầu Xi Măng,có một sân đá bóng người ta gọi là sân Xi Măng.Một sân đá bóng thuộc hạng sang thuở bấy giờ,chẳng hiểu nghĩ gì người ta lại xây một sân đá bóng đẹp như thế để một năm chẳng tổ chức nổi một trận đá bóng.Nó biến thành sân chơi tổng hợp của lũ học trò chúng tôi.Sát bên sân đá bóng là một cái hồ về mùa đông bốc hơi như sương mù toả khắp mặt hồ,nước trong hồ một nửa quanh năm ấm,nửa còn lại mát rượi.Đây chính là hồ bơi của chúng tôi.Ngay cả trong mùa đông,sau một trận bóng giữa lớp này và lớp kia,lũ chúng tôi ùa nhau nhảy xuống hồ,vừa bơi vừa la hét như một bầy vịt.Từ hồ nước nóng đến trường đều đi trên bờ ruộng.Mùa đông ở đất Bắc có mưa phùn,bờ ruộng trơn trượt,lũ học trò thi nhau "bắt ếch" ,có đứa vào lớp với đít quần bệt bùn,vậy mà chẳng đứa nào sợ,cứ đến"con đường đau khổ" là vừa đi vừa xô đẩy nhau,đứa nào ngã lăn trên bùn là niềm vui của những đứa chưa ngã.Có lẽ vì thế mà mà người ta gọi học trò là "nhất quỷ nhì ma" ngẫm bản thân tôi thấy chẳng...oan.Phía bên trái đường vào trường có một cái đồn,bọn lính trong đồn có lẽ không chịu được sự phá phách của lũ học trò,họ bày ra một trò chơi láu lỉnh,một học trò chân cẳng ngứa ngáy như tôi không thể từ chối.Ngay trước cửa đồn họ đặt một quả bóng bằng da ở một vị trí " ngon"không chịu được.Quanh năm đá bóng bằng giẻ rách quấn tròn,được "sút"một quả bóng da con gì sướng hơn.Vừa nhìn thấy quả bóng,chẳng cần suy nghĩ tôi lấy đà hết sức bình sinh sút.Sau cú sút tôi thét lên một tiếng,ngã lăn quằn quại trước cửa đồn.Mấy tên lính chạy ra nhìn tôi cười lăn,đến khi thấy tôi nằm im trên mặt đất,chúng hoảng hồn đem tôi vào đồn chăm sóc.Chân tôi sưng phù,may không gãy xương.Thì ra quả bóng được nhồi đầy cát,rất nặng,không có sự đàn hồi,cú sút của tôi càng làm trọng lượng quả bóng tăng lên,từ đó trước cửa đồn không có quả bóng nào nữa,còn tôi,chừa không dám sút bất cứ quả bóng nào bên ngoài sân cỏ.Nghèo chẳng có gì để khoe,tôi thì ngược lại,luôn nói về cái nghèo của mình,nhất là cái nghèo ấy đã trở thành ký ức,nó biến thành cái đẹp,cái đáng nhớ,cái nằm ở phần sâu thẳm của tâm hồn.Suốt những năm ở Tiểu học,tôi đến trường dưới mức thiếu thốn,viết mãi một cái quản bút đã tróc sơn,cái thước kẻ đã mờ con số,chiếc ngòi bút đã mài đi mài lại ở thềm xi măng để viết cho sắc nét chữ.Làm thủ công bằng những tờ giấy thủ công nhàu nát,tô màu bằng hộp bút chì màu thiếu màu cơ bản,ngắn củn cỡn.Không có cặp da tôi lấy giấy bao xi măng gấp thành cặp sách cũng có đủ hai ngăn,khi gặp mưa cả cặp,sách và người đều ướt như nhau.Tôi không được may mắn như những đứa trẻ khác,mùa nào thức nấy,quanh năm tôi mặc duy nhất một bộ quần áo chẳng thể gọi là trang phục.Mùa hè cũng như mùa đông,áo sơ mi tay dài hoặc ngắn,quần ngắn.Trên đầu không mũ(điều này do tôi không thích đội mũ),dưới chân không giày,thỉnh thoảng mẹ mua cho một đôi dép cao su trắng hiệu ngựa bay,chỉ đi được một tháng là vứt đi bởi khi đi tôi hay chạy,lúc chạy lại nhảy nhót,chỉ chân đất mới chịu nổi tôi,vào mùa hè,đi học trên những con đường nhựa nóng bỏng,tôi phải đổi chân nhảy lò cò đến trường.Vậy mà cả lớp thầy chỉ thương có một mình tôi.Ngôi trường tôi học cũng là một đề tài,được thành lập bởi hai nhà tu xuất đạo Thiên Chúa:tu sĩ Minh và tu sĩ Luân,ngôi trường mang tên Minh Nghĩa.Thầy Luân đã hoàn tục,có gia đình,thầy Minh một tay cầm Quốc Văn Giáo Khoa Thư,một tay mở Thánh Kinh,thầy thương tôi có lẽ tôi là đứa học trò nghèo nhất,dưới cặp mắt của thầy phải chăng tôi là hình ảnh của một số phận đoạ đày?Hoặc một con chiên bất hạnh?Tôi không biết.Thầy Minh thường hay quên,mùa đông để xua đi cái rét,tôi vưa chạy vừa nhảy đến trường,trong lớp học, ngồi sát người bạn học tìm hơi ấm. Đang giảng bài,chợt thầy Minh quên điều gì,thầy bảo tôi chạy về nhà,tìm trong đống sách ở đầu giường một cuốn La Rousse,một cuốn mẫu thủ công hay một tài liệu gì đó.Từ nhà thầy đến trường gần một cây số giữa đồng không mong quạnh,gió đông thổi ào ào,mưa đông rơi lất phất,trên người không áo ấm,phong phanh một chiếc áo bốn mùa,quần ngắn,chân đất,tôi cắn răng để khỏi nghe tiếng hai hàm răng cắn vào nhau nghe lập cập,nhưng cái rét đến ù tai không có cách nào quên được nó,nó là một phần đời niên thiếu của tôi,tôi và nó phải chịu đựng lẫn nhau.Trong các môn học,tôi khá nhất về toán,vẽ thủ công nhưng môn tôi yêu thích nhất là những bài học thuộc lòng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư.Một trong những bài tôi thuộc đén bây giờ là bài Mưa Phùn,có lẽ cô bé tả trong bài thơ có con đường đi học giống như tôi,mặc dù cô sướng hơn tôi nhiều.Con gái không nên khổ,để con trai khổ hết cho:
Hôm nay trời lai mưa phùn
Đường em đi học lầy bùn khổ chưa
Trên đầu không nón che mưa
Có đôi guốc vẹt lại vừa đứt quai
Tay em che vạt áo dài
Một tay xách guốc xốc hai ống quần
Bùn sâu đến mắt cá chân
Sách em ấp ngực mấy lần chực rơi
Xa xa trống đã điểm rồi
Em còn mò mẫm ngoài trời gội mưa.

Đây là bài học thuộc lòng tôi thích nhất,tôi tắm gội trong không gian mưa phùn,vui buồn trong mưa phùn,lớn lên với mưa phùn,nên người cũng có công đóng góp của mưa phùn.Tôi yêu bài học thuôc lòng ấy cũng còn bởi lẽ những gì cô bé trong bài học trải qua tôi cũng đã trải qua,trong điều kiện khắt khe hơn.Điều gì sẽ xảy ra với tôi nếu không có Quốc Văn Giáo Khoa Thư?Chắc tôi sẽ khác bây giờ lắm,dẫu tôi vẫn sống,vẫn làm việc.Tôi biết ơn những năm tháng dưới mái trường làng,bóng mát của ngôi trường luôn phủ xuống đời tôi,về những mùa đông đã trải qua trong đời.Cái đói rét,thiếu thốn không có gì ghê gớm,hơn năm mươi năm qua tôi vẫn chịu đựng được,cũng bởi,trong tim tôi,luôn có một cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư,luôn có những mùa đông cũ của những năm bốn mươi,giá rét biến thành lửa hồng sưởi ấm cho tôi,bây giờ và mãi mãi.
Sai Gòn,đêm mưa cuối năm 2002
Trích Hải Phòng,Dòng Sông Tuổi Thơ,Nhà xuất bản Văn Nghệ,2007


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét