Đến ngày lên Trang Văn Ngày Cũ thì đang ở Huế,tư liệu đều nằm trong máy ở nhà,đành chép lại bài "phỏng vấn" từ Blog của Nhà thơ Cao Thoại Châu vậy.
Huế là quê ngoại các con tôi và tôi rất ngán phong cách, sinh hoạt ngoài ấy. Nó cổ trang, phức tạp nhưng thâm thúy,ngay cái nước chấm, trái vả, bánh cuốn Kim Long hay chè sen… lác đác dăm ba hạt cho thơm, cũng khó hiểu nổi. Thế cho nên tôi vẫn loay hoay về việc món ăn Huế ngon không, con gái Huế đẹp ra răng và nhà thơ Huế làm thơ hay tới mô, họ nghĩ gì về thơ… Nguyễn Miên Thảo chung tờ Văn với tôi ngày nào, là một Huế cho những băn khoăn của tôi.
* NMT: Anh Cao Thoại Châu ơi, rượu ngon vài ly đủ thấm, câu ví von của anh làm tôi trả lời lạc đề. Số là sau năm 1975 tôi tạm cất bút – lý do sẽ nói ở phần sau – có một hôm nổi hứng lấy bút làm một bài thơ tứ tuyệt, lâu lâu đem ra đọc… một mình. Đầu thập niên 1990,tôi trở lại Sài Gòn, vợ chồng tôi sinh nhai bằng cách mở quán cà phê vỉa hè ở đường Sương Nguyệt Anh. Một hôm trong bữa nhậu, một người bạn bèn đọc thơ tình của Cao Thoại Châu, bài thơ có câu: "Ta đội nón đi mời em uống rượu”. Và bài thơ tứ tuyệt của tôi bắt đầu bằng câu thơ đó không sai một chữ. Nói liền kẻo CTC hồi hộp, bài thơ CTC xuất hiện trên một tạp chí văn hoc ở miền Nam trước 1975. Chuyện không ai biết kể ra mới sướng. May mà bài thơ tôi không đăng báo hỉ? Không thì có thêm một công án “đạo” thơ nữa cũng vui. Yêu thơ tình của bạn (dù lúc đó đã quen nhưng chưa gặp) nhập tâm mà tưởng thơ mình, thì anh biết tôi chọn “khúc” nào trong “3 khúc”. Đang trả lời câu hỏi “hóc búa” của anh thì thơ tới, thôi thì chép ra tặng anh luôn:
Nếu còn sống vài ba trăm năm nữa
Nhắc tên em ta vẫn bồi hồi
Tim còn đập rộn ràng trong ngực
Khi nghe em về một sáng mưa rơi.
Biết đâu sẽ có người con gái khác
Làm tim ta đau như em bây giờ
Cũng có thể có người con gái khác
Chưa bao giờ hiểu hết một nhà thơ.
Những khát khao vẫn còn nguyên trai tráng
Vẫn còn nguyên nhịp đập trái tim cuồng
Cũng có thể một ngày hương tình ái
Sẽ không còn mua chuộc được ta chăng?
Nói chuyện xa xôi làm gì thêm mệt
Ta yêu em yêu cả đất cả trời
Có nghĩa là xa cách để… yêu thôi
Nếu rủi ro ta với em xa thật
Như bây giờ đang xa cách sao đâu
Thôi ta hoá thành con ngựa đá
Cất vó một lần cho đến nghìn sau.
*CTC: Hồi ấy đói quá tôi hay uống chùa ở quán cóc của vợ chồng anh. Trong bài thơ anh làm năm 1966 có hình ảnh những đứa bé làm đám ma cho… viên đạn cối “Có những bổi chiều / người mẹ thấy lũ trẻ đưa đám một viên đạn moóc-chê đã hư/Những đứa trẻ theo sau khóc mùi mẫn”. Đó là những hình ảnh thực mà anh bắt được? Anh có nghĩ trẻ con thuở ấy lớn hơn chúng ta cùng thuở? Một trong những hình ảnh đẹp nhất thuở đó, tôi nghĩ thế.
*NMT: Hè năm 1966 từ Saigon về lại Huế, tôi đi thăm người bác ruột ở Cầu Hai, dưới chân núi Bạch Mã. Ban đêm ở đây không dám lên đèn, tôi đã viết bài thơ “Cuối Cùng Của Ngày” tại đây. Hình ảnh bọn trẻ chơi trò đưa đám viên đạn cối trong bài thơ là có thật. Đó là trò chơi của tuổi thơ sáng tạo trong chiến tranh ở một vùng quê mà sống - chết chỉ là gang tấc, cái chết rình rập khắp nơi. Tôi cũng như anh, và bạn bè của chúng ta nữa đã sống một thời kỳ phong phú như vậy. Nhiều lúc tôi tự hỏi sao mình lại còn sống đến bây giờ. Hãy chôn những tội ác chiến tranh vào quá khứ như trò chơi chôn viên đạn cối của tuổi thơ Việt Nam thuở ấy. Nói về chiến tranh tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Cao Tần mà tôi tâm đắc:
Cuộc chiến cũ hãy coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng .
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng .
Đồng ý chớ?
*NMT: Già sao đặng, tôi còn nhớ anh đã từng tuyên bố tuổi tác có thể làm ta chết đi nhưng không bao giờ làm ta già nua mà. Trái tim sinh học của tôi mổ xong chẳng ảnh hưởng gì trái tim làm thơ cả, lại còn muốn thất tình để làm thơ vì thấy các ông (Cao Thoại Châu,Hoàng Lộc,Phạm Cao Hoàng) làm thơ… thất tình hay quá. Ví dụ tôi mới viết bài thơ thất tình mới toanh, gửi đến các sư huynh mấy câu đọc chơi:"Từ ngày em bỏ ra đi/Câu thơ cũng úa huống gì là ta/Trái tim chết rất thật thà/Tự nhiên sống lại vẫn là nỗi đau/Từ ngày hai đứa xa nhau/Ta tình nguyện đứng phía sau cuộc tình".
Bài thơ viết ở bệnh viện đúng là sám hối đấy. Sám hối với ai thì xin anh hiểu cho không nói ra được,chỉ biết “người ấy ” là người tôi yêu quí nhất, được chưa?
*CTC: Chưa được, anh yêu kiểu "du kich chiến" à, mần răng lại tội nghiệp thế? “40 năm ở SG” nghe buồn mà vẫn hào sảng , Kim Tuấn khi còn sống in carte de visite là “Phó thường dân Nam Bộ”, carte của anh in thế nào? Lúc nào anh buồn nhất và bài thơ nào ưng ý nhất trong bốn chục lần dâu bể ấy? Tôi có thể nghe vì sao?
* NMT: Bốn mươi năm ở Sài Gòn, lúc tôi buồn nhất là năm 1969 được tin mẹ tôi mất mà không về được. Sau năm 1975 lại có nỗi buồn khác: bạn bè ly tán, tình người bạc thếch như vôi. Tôi quan niệm bây giờ chỉ sống với những điều tốt đẹp nên không buồn nữa. Bài thơ ưng ý nhất à, xin anh cho khất lại câu trả lời vì để hỏi ý kiến “người ấy” đã. Còn với tôi bài nào cũng ưng ý cả vì mang nặng đẻ đau mà.
* CTC: Sau “Tự bạch 1” “ Muời hai năm làm quan / Lòng sao luôn bức bối (…)/ Mười tám năm làm dân /Mới biết mình có tội” và câu này của anh mới là thấm “Mười tám năm làm thinh” Ba thứ “làm” rạch ròi, anh cũng minh bạch đấy nhỉ? Liệu sẽ có “tự bạch 2,3”? Tôi thấy có vị “sung khế”, nó đậm đến thế sao?
* NMT: Tự bạch à, là sám hối thôi anh ạ. Cũng chả sung khế gì đâu, đời người biết bao lầm lỗi, tổng kết lại bằng cách này hay cách khác thôi. Nhân đây tôi kể anh nghe câu chuyên xẩy ra sau năm 1975. Số là khoảng tháng 6 năm 1975 tôi từ Bến Tre về Sài Gòn tìm nhà văn Thế Nguyên xin đăng ký vào danh sách văn nghệ sĩ cũ,trụ sở ở đường Nguyễn Du, mà anh đang phụ trách. Anh Thế Nguyên với tôi là chỗ thân tình, có một thời gian dài tôi làm việc với anh ở tạp chí Trình Bầy và nhật báo Làm Dân do anh chủ trương. Ngày tôi đi bưng còn được anh đãi tiệc đưa tiễn. Gặp lại nhau, anh mừng lắm, xếp sổ sách và đưa tôi đi nhậu, tuyệt nhiên anh không đá động gì về chuyên đăng ký. Khi tiễn tôi về, anh nói với tôi một câu đại để là “Cậu lỡ rồi thôi về quê ráng phấn đấu làm một chân ấp trưởng, kiếm một chút đất nuôi heo nuôi gà cho nhiều để anh em có chỗ về nhậu. Viết lách à, phải 30 năm nữa không biết viết được gì không, đừng ảo tưởng, chỗ thân tình mình có lời khuyên cậu như vậy”.Sau này nghiệm lại mới thấy Thế Nguyên quả là nhà… tiên tri.
* CTC: “Uống cà phê trước dinh Độc Lập” có ngon hơn cà phê vỉa hè? SG có đặc thù quán cóc vỉa hè và cũng như NMT, CTC làm thơ từ những vỉa hè ấy đấy!
* NMT: Cà phê vỉa hè ngon hơn là cái chắc, anh quên tôi từng là chủ quán cà phê vỉa hè à. Uống cà phê ở dinh Độc Lập để có một phút tưởng tượng làm vua, uống cà phê ở vỉa hè là để có chỗ cảm hứng làm thơ, cả hai đều làm… vua cả. Đâu chỉ làm thơ mà còn yêu nữa đấy chứ. Vỉa hè muôn năm!
*CTC: Thế là anh làm tới… 3 vua lận! Cám ơn và chúc anh có thêm 38 năm nữa cho tròn 100.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét