Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

TÌNH BẠN TRONG THƠ TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM - NGUYỄN PHƯỚC BẢO QUYẾN



 Thế kỷ XIX, thế kỷ đen tồi và đau thương của lich sử dân tộc Việt Nam xét về mặt chính trị, kinh tế - xã hội. Nho học dần bị phá sản, giai cấp thống trị là nho sĩ dần bị lụi tàn, chủ quyền quốc gia bị chèn ép, chà đap và sau cùng mất vào tay thực dân Pháp. Nhưng nếu như tình hình chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn này lâm vào tình trạng vô cùng đen tối thì ngược lại tình hình văn học nước ta giai đoạn này lại có những thành tựu rất đáng tự hào. Bên cạnh việc văn học chữ Nôm đạt được nhiều thành tựu, chiếm địa vị cao hơn trước; tiếng Việt  thơ ca đạt đến trình độ nhuần nhuyễn, có đủ khả năng diễn đạt tâm hồn và cuộc sống phong phú của con người Việt Nam Có thể nói văn học Việt Nam giai đoạn này như một vườn hoa nở rộ đầy hương sắc với nhiều tên tuổi lớn. Một trong những tên tuổi lớn trong vườn hoa đầy hương sắc ấy là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm – hoàng tử thứ mười của vua Minh Mạng. Là một cây bút tài hoa, một nhà thơ nổi tiếng, Tùng Thiện vương đã để lại cho đời một sự nghiệp trước tác khá lớn, văn cũng như thơ. Về thơ, chỉ riêng Thương Sơn thi tập cũng đã gồm đến chín tập([1]) (khi khắc in bằng bản gỗ năm 1872 được gộp lại còn tám tập và chia thành 54 quyển với ít nhất là trên 2000 bài thơ).  Đó là tập thơ sáng tác bằng chữ Hán có qui mô vào loại lớn nhất thế kỷ XIX và là tập thơ làm nên danh vị “thất Thịnh Đường”([2]) của Vương. Thương Sơn thi tập là tâm huyết của cả cuộc đời ông Hoàng Mười; là thao thức, dằn vặt trong sâu thẳm tâm hồn một con người luôn luôn suy nghĩ về bản thân cũng như về thế giới xung quanh mình: nhân dân, đất nước. Có thể nói, qua hệ thống cấu trúc nội dung cũng như qua hệ thống đề tài, chủ đề, thể thơ, hình tượng thơ, Thương Sơn thi tập là tập thơ đã kế thừa và phát huy được những giá trị nội dung cùng nghệ thuật truyền thống của văn học trung đại. Và qua những gì mà Tùng Thiện Vương thể hiện trong thơ, ta thấy Vương là nhà thơ có một tâm hồn rất nhạy cảm, có một đời sống nội tâm vô cùng phong phú đồng thời còn cho thấy đó là nhà thơ đấy tài năng, đáng được xếp vào hàng thi bá. Bên cạnh mảng thơ bộc lộ xu hướng muốn sống cuộc sống ẩn sĩ, nhàn tản, tiêu sái, xa lánh lợi danh là mảng thơ thể hiện lòng ưu thời mẫn thế, lo lắng xót đau cho tiền đồ của đất nước, dân tộc; bên cạnh mảng thơ phản ánh hiện thực đen tối của thời đại, đất nước trước và trong khi bị thực dân Pháp xâm lược là mảng thơ nói lên tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên, tình cảm nồng hậu đối với người thân trong đó nổi lên tình cảm đáng quí của Vương đối với bạn .
Bạn của Vương hầu hết là những bạn văn, những danh sĩ đương thời. Tùng Thiện Vương, như chúng ta đã biết, là một ông hoàng thơ nổi tiếng ở Kinh đô, hơn nữa Vương lại là người hào phóng, «quí bè bạn, giao du chỉ trọng tài đức, không phân biệt sang hèn» (Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập IV quyển I – NXB Văn Học, 1984, tr. 153) nên tao nhân mặc khách nhiều nơi trên đất nước tìm đến giao hảo. Tình cảm bạn bè gắn bó, thân mật giữa Vương với các bằng hữu được thể hiện qua những lần họp mặt chuyện trò tâm sự, uống rượu ngâm thơ; qua những buổi dạo chơi, những lần tao ngộ, những lúc biệt ly cũng như những lúc bạn bè gặp chuyện vui, buồn trong cuộc sống .
Một lần cùng bạn dạo chơi Kim Long, một vùng đất nằm phía tây kinh thành Huế, Vương đã làm thơ ghi lại chuyến ngao du thú vị ấy :
                        Bạch Hổ(1) kiều biên hiển hiển sa,
Kim Long(2) hạng khẩu tịch dương tà.
Yên đinh khách hoán thuyền di ngạn,
Hương các chung thôi nguyệt đáo hoa ...
... Xuân lai sai giác tư du tối,
Bất phụ tân thi đáp tuế hoa.
     (Đồng hữu nhân du Kim Long)
(Bên cầu Bạch Hổ cát phơi ra,
Xóm vắng Kim Long bóng ác tà.
Bãi khói khách kêu thuyền chuyển bến,
Gác thơm chuông đổ nguyệt lồng hoa ...
                                    ... Xuân đến đi chơi vui thú quá,
Vần thơ không phụ tuổi xuân qua).
                                                            (Cùng bạn đi chơi Kim Long)
Cầu Bạch Hổ nghiêng mình soi bóng nước, lòng sông nước cạn, bờ cát nằm phơi mình dưới chân cầu, bóng chiều buông đầu ngõ xóm, bãi sông mờ khói sương, con thuyền chuyển bến, trăng lồng hoa, chuông ngân nga vang vọng ... Cảnh chiều Kim Long sao mà đẹp, mà thơ làm ngơ ngẩn lòng khách du ngoạn!
Một người bạn đường xa lặn lội đến thăm, Vương không dấu được nỗi mừng vui trước cảnh “cố nhân lai” ấy :
… Cố nhân diệt uổng giá,
Ác tý phương thảo gian.
Đàm thi khiển trệ lự,
Hàm bôi thư tiếu nhan …
(Hỷ cố nhân Lê Quang kiến quá) 
                               ... Bạn cũ bỏ công đến,
Cầm tay cỏ thơm vây.
Luận thơ khuây khổ lụy,
Nhấp rượu khoái tươi cười …
                                    (Mừng bạn cũ Lê Quang đến thăm)
Một lần tình cờ giữa đường bỗng gặp bạn cố tri, Vương ân cần trò chuyện rồi xuất khẩu thành thơ tặng :
                                 Tương phùng ác tý ám thương tâm,
Cọng thuyết niên lai khế khoát thâm.
Sách đắc nang trung thi bách thủ,
Qui trình cáp hảo đối quân ngâm.
                                             (Đạo phùng cố nhân khẩu chiếm dĩ tặng)
Gặp gỡ cầm tay giấu nỗi đau,
Suốt năm qua ý hợp tâm đầu.
Lục tìm sẵn có thơ trong túi,
Thỏa thích đường về ngâm với nhau .
                                                (Giữa đường gặp bạn cũ đọc miệng thơ tặng)
Còn gì thích thú bằng đã lâu mới gặp lại bạn cũ dù phải nén nỗi niềm tâm sự riêng không vui! Hơn nữa đây lại là một bạn văn nên, trên đường về, Vương đã lấy thơ có sẳn trong túi ra đọc cho bạn nghe để cùng nhau thưởng thức. Nguyên văn bài thơ không có một từ nào nói đến nỗi mừng vui nhưng người đọc lại cảm thấy nỗi vui mừng toát lên từ giọng điệu bài thơ.
Hội ngộ bạn bè, Vương có dịp cùng bạn uống rượu, ngâm thơ, hàn huyên tâm sự. Bài thơ Đồng hữu nhân dạ ẩm (Ban đêm cùng bạn uống rượu) sau đây tả lại niềm hứng thú của Vương trong một đêm trăng đẹp cùng bạn uống rượu ngâm thơ trên gác thâu đêm, bên ngoài, sen hồ tỏa hương thơm ngát, chuông chùa từng hồi ngân nga vẳng lại khiến tâm hồn con người lâng lâng, xao xuyến :
                        Mật tọa lương tiêu vĩnh,
Cao bằng ỷ tứ vu.
Nguyệt minh hàm bán các,
Liên khí động toàn hồ ...
... Tửu lan nhân bất mị,
Đề đoạn hiểu phi ô.
                   (Đêm mát ngồi thân mật,
Ý thơ bạn đẹp, sầu.
Trăng thanh soi nửa gác,
Sen ngát tỏa đầy ao…
                    … Rượu tàn người chẳng ngủ,
                                            Trời sáng quạ thôi kêu.)
            Mỗi lần có bạn đến chơi là mỗi lần Vương có dịp chuyện trò tâm sự những buồn vui trong cuộc sống. Bài thơ “Đồng Mai Xuyên(1) tự thoại cảm tác” (Cùng Mai Xuyên nói chuyện, cảm xúc làm thơ) sau đây là một minh chứng :
                    Dữ quân đồng thị sầu trung khách,
                    Tiễn chúc tương khan vô hạn tình.
                                            Kỷ xứ phong liêm xao thiết mã(2),
                                            Ba tiêu song ngoại vũ thinh thinh (thanh thanh)
                  (Khách sầu, tôi cũng giống như anh,
Thắp nến nhìn nhau, chan chứa tình.
Bao chỗ gió rèm rung ngựa sắt,
Ngoài hiên tàu chuối tiếng mưa nhanh).
Trong cảnh trời đêm, bên ngoài, mưa rơi thánh thót trên tàu chuối, gió thổi xao động bức rèm có ngựa sắt đong đưa tạo nên những âm thanh du dương réo rắt, Vương cùng bạn tự nhận mình là những khách sầu (sầu trung khách) đốt đuốc chuyện trò tâm sự sáng đêm. Nội tâm, ngoại cảnh tương tác, cuộc chuyện trò giữa hai người càng thêm thân thiết. Điều đó đã nói lên tình bạn thắm thiết cũng như tâm hồn nghệ sĩ của ông hoàng Mười.
Nhưng cuộc đời biến chuyển, con người đổi dời muôn vạn nẻo. Có tụ thì có tán, có hội ngộ thì có biệt ly nhưng hội ngộ, gần nhau thì ít ; biệt ly, xa cách thì nhiều. Trong cuộc đời mình, Vương đã nhiều lần chịu cảnh biệt ly, xa cách bè bạn. Thơ tống biệt, tiễn đưa của Vương có nhiều bài thể hiện một tình bạn vô cùng tha thiết. Nhân tiễn một người bạn trở về Bắc, Vương bịn rịn, luyến lưu khi cùng bạn nâng chén rượu giã từ. Vương như muốn nhờ chén rượu để giữ chân bạn ở lại với mình lâu hơn chút nữa trong khi tiếng chim tử quy khắc khoải bên tai và khúc ly ca đang réo rắt như giục giã bạn lên đường. Cảnh buồn càng làm cho lòng người thêm cô đơn, u sầu, héo hắt :
Tống quân Bắc khứ độc di du (do)
Nang thác tiêu nhiên xuất Triệu Châu(1)
Tam bôi biệt tửu cố tình du
Bích đào xuân mộ nham hoa lạc
Thanh khuyết(2) nhật tà giang thủy lưu
                                                                                    (Tống nhân Bắc du)
(Tiễn anh ra Bắc dạ cô sầu,
Vô hạn lòng buồn, nhớ Triệu Châu.
Dứt áo nao nao ly rượu tiễn,
Chia tay não nuột khúc tình sâu.
Đào xanh xuân muộn hoa rơi hết,
Lá khuyết ngày tàn nước chảy mau ...).
                                     (Tiễn người ra Bắc)
Một lần khác, tiễn một người bạn thân vô Nam làm nhiệm vụ, trước lúc lên đường, Vương bày tiệc rượu chia tay :
                        Mãn đường ty trúc xướng đồng đề,
Thu liễu môn tiền bạch mã tê.
Bất túy cố nhân kim dạ tửu,
Minh triêu hành xứ loạn viên đề.
                                                                        (Tống nhân Nam hành)
(Đàn ca rộn rã khắp nhà ngang,
Ngựa hí ngoài sân, cây liễu vàng.
Này bạn đêm nay đừng quá chén,
Sáng mai còn ruổi dặm xa đường).
                                                                        (Tiễn người vô Nam)
Bài thơ ghi lại tình cảm của Vương trong buổi tiệc tiễn đưa. Có đàn ca, hát xướng để giúp vui cho buổi tiệc. Nhưng hình như lòng người đưa tiễn đang ôm nỗi buồn chia biệt. Hình ảnh “thu liễu môn tiền”, âm thanh “bạch mã tê” mang âm hưởng ước lệ của thơ cổ điển phương đông, gợi lên biết bao buồn thương, lưu luyến trong lòng người đưa tiễn và càng làm cho không khí buổi tiễn đưa nhuốm vẻ ngậm ngùi hiu hắt. Mặc dù mượn ruợu tiễn đưa, có buồn thương thật nhưng Vương vẫn không quên nhắc bạn đừng nên quá chén vì sáng mai bạn còn phải rong ruổi đường xa đến chốn quan san để thi hành nhiệm vụ. Bề ngoài, buổi tiệc có vẻ vui nhộn nhưng tự trong sâu thẳm của tâm hồn là một nỗi buồn vô hạn. Bài thơ, với âm thanh, hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng tạo nên một bức tranh đưa tiễn buồn mà đẹp, đẹp một vẻ đẹp cổ điển mang phong vị Đường thi. Bài thơ cũng nói lên tâm hồn đa sầu đa cảm của nhà thơ chủ soái Tùng Vân thi xã.
Thơ tống biệt của Vương khá nhiều và rất phong phú. Với tâm hồn dễ xúc động, với tình cảm sâu nặng, gắn bó với bạn bè, cứ mỗi lần tiễn đưa là Vương đều có thơ đưa tiễn. Một người bạn phải tòng quân ra nơi chiến trận biên phòng mù bụi ... lòng  ngậm ngùi thương cảm, lúc tiễn đưa, Vương đã làm thơ trao gửi bạn :
                                    Sa mạc chinh trần khan nhật viễn,
                                    Sơn thành trường dạ thính viên đa.
Cố nhân cao xướng Dương quan khúc(1),
Tráng sĩ như văn Dịch thủy ca(2).
                        Bất hữu đại danh thùy vũ trụ,
Không linh tuế nguyệt dị ta đà.
                                    (Tống nhân tòng quân)
      (... Chiến địa bụi mù ngày thấy mịt,
            Sơn thành vượn lũ tối kêu hoài.
Dương quan khúc cũ nao lòng bạn,
Dịch thủy bài xưa não dạ ai.
Nếu chẳng lưu danh truyền vũ trụ,
Tháng năm lần lữa phí hoài thay).
     (Tiễn người đi lính)
Sau khi “tiễn đưa một chén quan hà”, nơi ly đình, nghĩ đến cảnh bạn sẽ phải trải qua : ngày, gió bụi sa trường tung mù trời đất; đêm, nơi đồn lũy giữa núi rừng hoang vắng, nghe tiếng vượn hú suốt đêm, Vương vừa cảm thương bạn vừa động viên bạn bằng hai hình ảnh giàu chất hàm ẩn qua hai điển cố : khúc hát Dương quan của Vương Duy đời Đường và khúc ca của Kinh Kha trên sông Dịch trước lúc sang Tần. Hình ảnh thơ gợi lên biết bao bi tráng cho cảnh tiễn đưa!
Một người bạn khác sau khi đậu Tiến sĩ, xin nghỉ phép về quê, Vương cũng tiễn đưa bằng những dòng thơ đầy lưu luyến :
                        Hoa phác Lương viên(1) tác tuyết phi,
Thiên oanh nhiễu thụ cố y y.
Liễu điều nhiễm tận đông phong lục,
Trực tống tình nhân đắc ý qui.
 (Tống Nguyễn Vũ, Thiện Bích nhân, thành tiến sĩ hậu thỉnh giả hoàn hương)
                        (Hoa mộc vườn Lương tợ tuyết rơi,
                                                Oanh về cố ý đậu cây ngơi.
                                                Gió xuân làm liễu tươi màu biếc,
                        Đưa tiễn tình nhân đắc ý hồi).
(Tiễn Nguyễn Vũ, người Thiện Bích, sau khi đậu tiến sĩ,  xin nghỉ phép về quê)
Tác giả mượn những hình ảnh hoa rụng, oanh hót, liễu xanh tha thướt để gợi tả tâm trạng buồn nhớ lúc chia xa. Cảnh thật hợp với tình. Tác giả còn gọi bạn bằng từ “tình nhân” càng cho ta thấy tình của Vương đối với bạn tha thiết biết chừng nào!                       
Vốn là một con người giàu tình cảm lại hào hiệp, hiếu khách, nhất là tao nhân mặc khách, bất luận là ai, đã một lần gặp gỡ, qua hàn huyên trở nên thất thiết, Vương đều dành cho họ những tình cảm đẹp đẽ. Một lần tiễn bạn về Hà Nội, Vương đã không quên gởi lời thăm hỏi vị sư chùa Bắc Lâm, một danh tăng được quen biết trong chuyến Bắc hành thuở nọ :
                        Tống quân bằng ký ngữ,
Nhất vấn Bắc Lâm thiền.
Hoàn Kiếm hồ trung nguyệt,
Niên lai kỷ hử viên.
                                                (Tống khách vãng Hà Nội) 
        (Tiễn anh xin gửi lời nhờ,
                  Hỏi giùm sư cụ ở chùa Bắc Lâm.
                 Trăng hồ Hoàn Kiếm đêm rằm,
                 Năm qua tròn được bao lăm hở người?) 
                                                                     (Tiễn khách đi Hà Nội)
Bài thơ ngắn gọn (nguyên văn theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt) mà nói lên được nhiều tình ý, vừa thể hiện cái nhìn đầy chất thơ của tác giả khi hoài niệm về cảnh hồ của đất kinh đô cũ vừa gợi tả được mối thân tình nhẹ nhàng, kín đáo của Vương đối với vị sư chùa Bắc Lâm.
Tình cảm buồn thương nhung nhớ đối với bạn cứ da diết trong lòng Vương sau mỗi lần tiễn biệt. Bài thơ “Tống biệt” (Tiễn biệt) – bài thơ làm theo điệu «Quan san nguyệt» sau đây sẽ nói lên tình nhớ thương da diết ấy :
                    Quan sơn thu dạ nguyệt minh thì,
Ảnh nhập ly diên động khách bi.
Minh nhật ngũ canh tàn mộng giác,
Bình phân lưỡng địa chiếu tương ti (tư).
                                    (Tống biệt - phú đắc Quan sơn nguyệt ([3]))
(Trăng sáng đêm thu nơi ải cao,
Bóng soi tiệc tiễn, khách vương sầu.
Hôm sau mộng tỉnh, canh năm hết
Hai chốn chia đều nỗi nhớ nhau).
Đưa tiễn bạn vào một đêm thu lúc trăng sáng nơi quan ải, ánh trăng chiếu vào bữa tiệc tiễn đưa khiến khách động lòng sầu muộn. Rồi đến lúc canh năm trời rạng sáng, tỉnh giấc mộng thì đất kia đã chia đôi, mỗi người một ngả nhưng lòng nhớ nhau vẫn một mà soi chiếu kẻ ở người đi. Câu cuối bài thơ chan chứa niềm thương nỗi nhớ không kém gì Kiều lúc tiễn đưa người tình Thúc Sinh ra đi trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du :
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
               Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
Cảm động biết bao và cũng đáng quí biết bao tình bạn của nhà thơ hoàng tộc Tùng Thiện Vương Miên Thẩm!
Cũng như thế, trên sông tiễn biệt một người bạn ra đi, lòng Vương lại dậy lên biết bao niềm luyến thương buồn nhớ :
                        ... Nhân dữ qui vân viễn
Tình như thu thủy đa
Tịch dương minh cổ đạo
Lạc diệp mãn bình pha
Giải ý lân ngư phủ
Xanh châu bất nhẫn ca.
                                                (Giang thượng tống biệt)
                   (... Người cùng mây trắng về xa,
                         Tình ta lai láng như là nước thu.
                   Bóng chiều sáng rõ đường xưa,
                         Con dốc phẳng lá vàng khô rụng đầy
                      Thương ngư phủ hiểu lòng ai
                         Chống thuyền không nỡ cất lời hát ca.)
                                                                           (Trên sông tiễn biệt)
Với nghệ thuật cổ điển thường thấy, khi trực tiếp bộc lộ nỗi niềm tâm sự lúc chia tay – Tình ta lai láng như nước mùa thu ..., khi gián tiếp thông qua ngoại cảnh để diễn tả nổi buồn thương của mình : đám mây trắng bay về xa, bóng chiều chiếu sáng con đường cũ, lá rụng đầy con đường dốc... Nhiều hình ảnh thơ hàm súc gợi lên nỗi niềm ly biệt làm xúc động lòng người đọc trước tình cảm của người đưa tiễn.
Lần khác, một người bạn mà Vương có nhiều cảm tình nồng hậu là Nguyễn Lê Quang nghỉ hưu về Hà Nội, Vương đã làm thơ tống tiễn với những lời lẽ rất thiết tha :
                        Lạc nhật chiếu suy thảo,
Tống quân đa khổ ngâm.
Cùng sầu quy cố lý,
Thùy lão phụ sơ tâm.
Dịch lộ hàn sơn sấu,
Quan môn thu lộ thâm.
Trung đồ phùng cửu nhật,
Tương vọng bích vân sầm.
                        (Tống Nguyễn Lê Quang(1) quy Hà Nội)
                (Nắng chiều chiếu cỏ úa
                  Tiễn bạn khổ ngâm nga.
                  Cố lý, về sầu muộn,
                  Sơ tâm, phụ lúc già.
                        Đường trường băng núi lạnh,
                        Cửa ải phủ sương mờ.
                  Gặp phải ngày trùng cửu,
                  Nhớ nhau nhìn núi xa).
                                         (Tiễn Nguyễn Lê Quang về Hà Nội)
Chiều xuống, ánh tà dương chiếu lên ngọn cỏ héo úa. Tiễn bạn, đau khổ ngâm mấy vần thơ. Bạn về quê cũ, đường trạm nơi núi lạnh vắng teo, sương thu che mờ lối quan san. Bạn đi rồi lòng Vương ngậm ngùi sầu nhớ và chỉ biết “tương vọng bích vân sầm”. Bài thơ gợi chúng ta liên tưởng đến Lý Bạch với Tống hữu nhân (Tiễn đưa bạn), cũng hình thức ngũ ngôn bát cú :
Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thủy nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lí chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.
(Núi biếc ngang thành bắc,
Sông trong lượn lũy đông.
Một lần nơi tiễn biệt,
Muôn dặm cánh cô bồng.
Bóng xế - tình bè bạn,
Mây trôi - ý ruổi dong.
Vẫy tay từ đấy biệt,
Tiếng ngựa xót xa lòng)(1).
Không những giống thơ xưa, thơ Tùng Thiện Vương còn giống cả thơ nay. Quả vậy, nhà thơ hoàng tộc Tùng Thiện Vương cũng “sướt mướt” thấm đẫm chất lãng mạn không thua kém gì Hàn Mặc Tử, một nhà thơ của phong trào thơ mới những năm 30 thế kỷ XX :
      Họ đã đi rồi, khôn níu lại
      Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
      Người đi một nửa hồn tôi mất
      Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
                            (Những giọt lệ)
Thế là “họ đã đi rồi, khôn níu lại”. Hội ngộ vui bao nhiêu thì tiễn biệt lại buồn bấy nhiêu. Có cuộc chia ly nào mà lại không buồn? Khúc từ ca chảy lệ trong lòng kẻ ở người đi và rồi là bắt đầu nỗi nhớ nhung. “Biệt ly nhớ nhung từ đây ...”! Nỗi nhớ nhung ấy mỗi khi có ngoại cảnh xúc tác nó lại dậy lên cồn cào, xao xuyến trong lòng Vương. Có khi đứng một mình trong vườn nhìn hoa rơi, nhìn bóng cây mát lạnh, nhìn những hàng dương liễu đứng lặng yên, nghe tiếng chim kêu lẻ loi... chạnh lòng Vương lại nhớ tới bạn hiền :
                        Hoa phi gíác biệt sầu,
Ỷ trượng tứ du du.
Thụ ảnh lương như thủy,
Vân dung bạc tợ thu.
Thùy dương bán mẫu tĩnh,
Đề điểu nhất thanh u.
Cố nhân tại hành dịch,
Kim dạ kỷ hồi đầu.
                                                (Viên cư hữu hoài) 
              (Hoa rơi sầu cách biệt,
                Chống gậy nghĩ đâu đâu
                      Bóng thụ mát như nước,
                      Dáng vân mỏng tựa thu.
                                              Thùy dương nửa mẫu lặng,
                Chim hót một âm sầu.
                Bạn cũ bận công cán,
  Đêm nay khó ngoái đầu).
                                      (Trong  vườn tưởng nhớ)
Lòng đang buồn nhớ bạn cho nên nhìn cảnh hoa rơi, bóng cây mát, mây thu mỏng, liễu thu im..., tất cả đều như hiu hắt, u buồn. Thật đúng như Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
       Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! 
Một buổi chiều, trong một chuyến đi chơi bằng thuyền, phải trú mưa trên sông, hồn thơ lai láng mà vắng bạn, Vương đã não nề nghĩ đến bạn trong những vần thơ đậm nét sầu :
Lạc nhật thiên nhai vạn hác u,
Sơn tiền kim dạ hữu biên chu.
Thi tình hợp tại hàn giang thượng,
Lô vĩ tiêu tiêu mộ vũ sầu.
                                                (Vũ túc giang thượng hữu hoài nhị tam tử)
(Non, lũng tối sầm lúc tịch dương,
Đêm nay trước núi chiếc thuyền buông.
Tình thơ lai láng trên sông lạnh,
Lau sậy vi vu mưa tối buồn).
                                    (Trú mưa trên sông nhớ hai ba người bạn)
Cũng vậy, một đêm, đi chơi thuyền trên sông giữa mùa thu, trong cảnh mây nước mù mờ, sóng xao bãi vắng, tiếng chuông chùa ngân vọng, sau cơn mưa đêm, Vương  lại nao nao nhớ đến bạn cũ :
      Bán khách đào thanh hô mộng khởi,
Nhất giang thu sắc trục sầu lai.
Vũ dư minh nguyệt hữu thời xuất,
Sương lý hoàng hoa hà xứ khai ?
Viễn đạo cố nhân thùy vấn tấn,
Đăng tiền tao thủ trọng đê hồi.
                                                            (Chu dạ hữu hoài) 
 (Tiếng sóng nửa vời khơi mộng tưởng,
Sông thu một dải gợi sầu thương
Mưa tàn trăng sáng nơi đầu núi,
Hoa nở xứ nào ở phía sương?
Bạn cũ đường xa, ai kẻ hỏi
Trước đèn tư lự nỗi buồn vương.)
                                    (Chơi thuyền ban đêm hoài cảm)
Một tối cuối thu, đậu thuyền trên sông Hương, ngồi một mình trước cảnh nước lụt đục ngầu của dòng sông, lòng Vương lại bâng khuâng nhớ đến bạn cũ phía trời xa ... Cảnh ấy lòng này, trông vời về quê bạn, lòng không nén được nỗi buồn nhớ. Trong cô đơn, Vương mượn chén rượu để khuây niềm nhớ :
       … Cùng thu nhất tôn tửu,
Cô khách thử thời tâm.
Chi tử quan sơn cách,
Song Ngư(1) nhật dạ trầm.
Na kham vọng quân xứ,
Thiên lý mộ vân thâm.
                                                (Dạ bạc hoài hữu văn kỳ bệnh sổ nguyệt hỷ) 
     (Cuối thu chén rượu lạt,
                                                Khách lẻ lòng buồn thiu.
Thân hữu cách xa quá
Song ngư bóng dáng tiêu
Trông vời về xứ bạn,
Nghìn dặm tím mây chiều.)
                                          (Đêm đậu thuyền nhớ bạn, nghe bạn đau đã vài tháng)
Nặng tình với bạn như thế nên, có những đêm không ngủ được, Vương thức dậy một mình cất bước tản bộ dưới trăng từ khuya đến sáng mà bồi hồi tưởng nhớ đến bạn đang ở nơi phương trời xa :
       ... Hữu hoài bất thành mị,
Khởi đạp không lâm ảnh.
                                                Dã tự cảnh sương chung,
Giang thôn quá yên đĩnh.
Cố nhân tại thiên mạt,
Bôi tửu nan cọng bỉnh.
Bồi hồi toại chí đán,
Phi duy luyến thanh cảnh.
      (Giang thôn dạ khởi bộ nguyệt)
                   (... Tưởng nhớ ngủ không yên,
                         Trở dậy dạo rừng vắng.
                     Báo thức chuông chùa khua,
                    Thuyền khói qua sông trắng.
Bạn cũ cuối trời xa,
Chén rượu khó cùng nhắm.
Bồi hồi tới sớm mai,
Đâu chỉ ham nhìn ngắm) (*10).
                                                (Ở xóm sông ban đêm thức dậy tản bộ dưới trăng)
Năm 1842, khi tạm biệt Kinh kỳ làm nhiệm vụ hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc làm lễ bang giao, ở đất Bắc xa xôi, nhân tiễn một người bạn trở về kinh thành, Vương đã không quên mượn lời gửi thăm các bạn cũ đang chờ đợi mình ở nơi xa để bày tỏ tâm tình của mình với các bạn :
Xuân thảo nhung nhung dương liễu thùy,
Tịch dương tống khách quá tiền bi.
Trường An thân hữu như tương vấn(1),
Mạc thuyết sầu nhan tự khứ thì.
                               (Tống khách hồi Trường An(2) kiêm ký chư cố nhân)
(Mơn mởn cỏ xuân, liễu rủ buồn,
Chiều tàn tiễn khách trước triền non.
Trường An bạn hữu như thăm hỏi,
Chớ nói buồn thiu vẻ mặt còn) .
                                                (Tiễn khách trở lại Trường An cùng gởi các bạn cũ)
Cảnh vật ở đất Bắc, liễu xanh rủ bóng, cỏ xuân tươi nõn nà nhưng trước cảnh  ấy lòng người nơi đất khách thêm sầu não, nhớ nhung. Tác giả nhắc bạn khi đến Kinh đô nếu ai có hỏi thăm mình thì xin chớ nói vẻ mặt của mình vẫn còn sầu bi như lúc ra đi. Lòng sầu nhưng lại không muốn cho các bạn biết mình sầu. Nhớ bạn và không muốn bạn lo cho mình. Tình cảm thật sâu sắc. Ý thơ thật hàm súc và cũng thật khéo léo trong việc bộc lộ tâm tình của mình đối với bạn.
Tình khứ lai tri ngộ của Vương đối với các bạn thật là nồng hậu, bất tuyệt. Bạn bè của Vương, Trung Nam Bắc đều có. Ngoài Bắc có Chu Thần, Phương Đình ... Phương Đình Nguyễn Văn Siêu – một danh sĩ tiếng tăm lừng lẫy một thời, cùng với Chu Thần Cao Bá Quát được người đời xưng tụng là “thần Siêu, thánh Quát” – quê ở đất bắc mà Vương thì ở đất kinh kỳ, người trung kẻ bắc lại thêm công vụ nên mặc dù tình bạn thâm giao nhưng hai người thường ít khi gặp gỡ nhau. Tuy xa xôi cách trở nhưng lòng Vương vẫn luôn tưởng nhớ đến bạn bằng một tình cảm vô cùng tha thiết :
Biệt hậu sơn xuyên vô hạn lộ,
Khách trung Yên Triệu hữu bi ca.
Viên lâm minh nguyệt khai tôn thiểu,
Dịch quán cao thu thính nhạn đa.
Thử tịch tửu biên ưng mộng ngã,
Bán lâu phong tuyết đổ Hoàng hà.
                                                         (Hoài Nguyễn Phương Đình(1) học sĩ) 
                                    ( … Cách biệt núi khe đường diệu vợi,
                                            Xa xôi Yên Triệu khúc buồn vương.
                    Vườn cây trăng sáng hơi men nhạt,
Quán trọ thu tàn tiếng nhạn vang.
                    Bên rượu chiều nay mơ mộng thấy,
                    Nửa lầu gió tuyết ngắm Hoàng giang) .
                                                                        (Nhớ học sĩ Phương Đình)
Riêng với Cao Bá Quát, một người bạn mà từ lâu Vương đã mến vì tài, cảm vì tình, khi đọc được bài «Đằng tiên ca» (Bài ca chiếc roi song)([4]), bài thơ làm trong chốn ngục tù của bạn, không nén được cảm xúc, Vương đã đề vào sau bài ca bài thơ ngũ ngôn như sau :
Phong vật cao thu đạm
Càn khôn dạ vũ trì
Dao liên hệ ngạn giả
Giải tục vịnh thiền thi(3)
Điệu tỷ thanh sương khổ
Tình kiêm lạc mộc bi
Bách tùng hữu bổn tính
Vô phụ tuế hàn ty (tư)
                                  (Cảnh vật tàn thu nhạt,
                                    Đất trời rả rích mưa.
                                    Thương thân người mắc tội,
                                    Thoát tục khách ngâm thơ.
                                    Điệu khổ tày sương hạ,
                                    Tình sầu nhập nhánh khô.
                                    Bách tùng bản tính thế,
                                    Đông giá vẫn trơ trơ.)
Bài thơ không những bộc lộ lòng thương xót cho bạn mắc phải tội một cách đáng tiếc mà còn bày tỏ niềm cảm phục trước tính khí cứng cỏi, không nao núng tinh thần của bạn trước cảnh ngục tù.
Cùng với những người bạn ở ngoài Bắc, Vương còn có những người bạn tâm giao ở tận miền Nam xa xôi.
 Một đêm thu trăng sáng lại gợi nhắc Vương nhớ đến Hy Phần Nguyễn Thông, một người bạn đã tình nguyện tòng quân vào Gia Định làm việc dưới quyền của Thống đốc Tôn Thất Hiệp để chống giặc. Nghĩ đến cảnh đường xa diệu vợi, hình dung ra biết bao khó khăn gian khổ bạn phải trải qua trên đường đi, cảm kích trước mục đích chuyến về Nam của bạn, trong nỗi nhớ thương xa cách, Vương đã viết lên những dòng thơ nhớ bạn với những tình cảm thật đậm đà da diết :
                        Thiên lý nam qui khách,
Kinh tuần vị để gia.
Lâm phong nhai khiêu hổ,
Thảo lộ đặng hoành xà          
Thu sĩ tâm không tráng,
Biên sầu mấn dục hoa.
Khả kham kim dạ nguyệt,
Tương ức tại thiên nha (nhai).
                                                   (Thu dạ hoài Hy Phần)
                  (Khách trẩy Nam ngàn dặm,
                  Mười ngày chửa tới nhà.
                  Gió rừng cọp nhảy múa,
                  Đường cỏ, rắn nằm trơ.
                                                Già lão lòng không mạnh,
                  Tình sầu tóc trắng pha.
                  Trăng đêm nay, cám cảnh,
                  Nhớ bạn hướng trời xa).
                                                   (Đêm thu nhớ Hy Phần)
 Và một lần, khi nghe Mai Xuyên từ phương Nam nắng gió đến kinh thành trong những ngày đông giá, Vương đã gửi thư ân cần thăm hỏi :
                        Tương tư kỷ độ độc đê hồi,
Văn đạo cố nhân đa khả ai.
Liệu đắc hàn nghiêm sương tuyết lý,
Mai Xuyên kim nhật sấu ư mai.
                                                            (Văn Mai Xuyên(1) lai Kinh hữu ký)  
                    (Nhớ nhau mấy độ dạ bồi hồi,
                    Nghe bạn có nhiều chuyện chẳng vui.
                    Rét buốt thế này sao liệu được?
                    Mai Xuyên nay hẳn ốm hơn mai).
                                                      (Nghe Mai Xuyên đến kinh gửi lời thăm)
           
Bài thơ nói lên biết bao tình cảm của Vương đối với bạn! Vương  vừa  gửi thư  bày tỏ sự nhớ nhung của mình vừa muốn chia sẻ nỗi buồn với bạn lại vừa tỏ ra lo lắng cho bạn sẽ không chịu nổi cái lạnh thấu xương của mùa đông ở đất kinh đô Phú Xuân này vì không lường trước nổi. 
Tương tự như thế, cũng trong mùa đông, khi nghĩ đến người bạn già – Nguyễn Tuan Thúc – đi sứ Trung Hoa, lần tay tính ngày tháng từ lúc bạn ra đi đến nay ắt hẳn đã gần đến Bắc Kinh. Nghĩ đến cảnh bạn phải chịu cái lạnh cắt da của đất Yên kinh mà lòng buồn bã xót thương cho bạn :
                                                Lão thử quan(2) tiền bát nguyệt thu,
                                                Xa như lưu thuỷ khứ du du.
                                                Kê trình thử nhật kham trù trướng,
                                                Phong tuyết man thiên quá Dịch châu(1).
                                                                      (Tháng tám mùa thu trước ải Dơi,
                                                                        Xe như nước chảy tới xa xôi.
                                                                        Đường đi nay tính, lòng ngao ngán,
                                                                        Châu Dịch người qua tuyết ngập trời!)
                                                   (Tháng chạp, nhớ ông Hồng lô Nguyễn Tuân Thúc     nhận  nhiệm vụ đi sứ Yên Kinh)
Thương bạn, lo cho cả đường đi nước bước của bạn ở chốn Yên kinh xa xôi. Một tình bạn chân thành và đẹp đẽ biết bao của nhà thơ hoàng tộc Miên Thẩm!
Thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh, Tùng Thiện Vương ý thức một cách sâu sắc rằng bên cạnh tam cương, ngũ thường còn có ngũ luân. Ngũ luân gồm: Quân thần hữu nghĩa (vua tôi có nghĩa với nhau), phụ tử hữu thân (cha con thân yêu nhau), phu phụ hữu biệt (vợ chồng có sự cách biệt để kính nể nhau), trưởng ấu hữu tự (anh em lớn nhỏ có thứ tự), bằng hữu  hữu tín (bạn bè có sự tin cậy nhau). Như vậy, tình bạn là một trong những tình chính của ngũ luân sau tình vua tôi, tình cha con, tình chồng vợ, tình anh em. bởi lẽ “dĩ văn hội hữu, dĩ hữu trị nhân” (dùng văn để họp bạn, lấy bạn để giúp cho điều nhân phát triển). Là một nhà nho chân chính, Tùng Thiện Vương đã rất xem trọng bạn bè nhất là những người bạn tri kỷ, đồng thanh đồng khí. Thơ viết về bạn chiếm một số lượng không nhỏ trong Thương Sơn thi tập. Và qua những điều đã phân tích, quả Tùng Thiện vương đã thể hiện một tình cảm thật nồng hậu, thiết tha đối với bạn bè. Từ đó ta càng thấy rõ Tùng Thiện Vương là một con người hiếu khách, nặng tình, nặng nghĩa với bạn biết chừng nào! Tấm lòng, tình cảm đối với bạn (cũng như tài năng đức độ) của Vương đã để lại trong lòng bạn bè những ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc như lời của một trong những người bạn của Vương – Trần Thiện Chánh(3) – đã viết tặng trong bài «Khốc Thương Sơn Công» :
                                    Hiếu khách Mạnh Thường chung báo quốc,
                                    Công thi Tử Kiến tuyệt ưu minh ...
                                    (Hiếu khách còn ôm lòng báo quốc
                                     Hay thơ không mỏi dạ lo đời ...)
----------------------------------                                    
(1) Tên một châu thuộc tỉnh Trực Lê, không xa Yên Kinh (Bắc Kinh bây giờ) (Dẫn theo Lương An – SĐD, trang 160)
(2) Tuân Thúc là tên tự của Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890). Ông người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, thuở nhỏ nổi tiếng thông minh, thi Hội đỗ Hoàng giáp, được bổ chức Hàn lâm tu soạn. Nhiều lần được thăng chức rồi bị giáng chức. Năm 1867 được thăng Hồng lô tự khanh và sung vào phái bộ đi sứ sang Yên kinh, nhà Thanh. Trở về nước ông cùng nhóm Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức, Bùi Viện dâng sớ đề nghị một chương trình canh tân tự cường nhưng không được nghe theo. Năm 1880, được thăng Bộ Hộ Thị lang. Năm sau, 1881, ông từ quan về làng. Ông mất tại quê nhà sau gần mười năm sống ẩn dật. (Theo Từ điển Văn học tập II – NXB KHXH Hà Nội – 1984)
(3) Hiệu là Tử Mẫn, người Gia Định, đỗ cử nhân, làm quan đến chức Biện lý Bộ Hộ, thành viên của Mặc Vân thi xã do Tùng Thiện Vương làm chủ soái.



([1]) Đó là : Nhĩ hinh, Bắc hành, Ngộ ngôn, Hà thượng, Mô Trường, Bạch Bí, Minh Mạng cung từ, Bạch Bí tục, Mãi điền. Khi khắc in Minh Mạng cung từ được gộp chung vào Bạch Bí nên còn tám tập.
([2]) Trích từ hai vế đối mà người đời đã vinh danh bốn nhân vật nổi tiếng về văn thơ thời ấy : “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”. (Siêu, Quát = Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát nổi tiếng về văn; Tùng, Tuy = Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương nổi tiếng về thơ thời ấy).
(1) Bạch Hổ : Tên cây cầu bắc qua sông Hộ Thành phía tây, chỗ cửa thông ra sông Hương. Đầu thế kỉ XX, khi Pháp làm cầu xe lửa bắc qua sông Hương ở ngay gần đó và cho mang tên Bạch Hổ thì cầu này được đổi tên thành  cầu Kim Long. Cầu này nay đã được làm mới bằng bê tông.
(2) Kim Long : Tên một làng ở phía tây kinh thành Thuận Hóa, bên tả ngạn sông Hương, vốn là đất xã Hà Khê, nơi trở thành phủ chính của chúa Nguyễn giai đoạn 1636-1687; về sau Hà Khê chia thành hai làng: Xuân Hòa và Kim Long. Kim Long nay đổi thành phường Kim Long thuộc thành phố Huế.


(1) Mai Xuyên là biệt hiệu của Phan Thanh Giản (1796 – 1867), người xã Bảo Thạnh, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc Ba Tri, Bến Tre), sinh ngày 12 tháng Mười năm Bính Thìn (11-11-1796), tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu Lương Khê, biệt hiệu Mai Xuyên, đỗ tiến sĩ năm 1826, làm quan trải qua ba đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức,làm đến chức Hiệp biện đại học sĩ. Năm 1862 được cử làm chánh sứ điều đình và ký hoà ước với Pháp; năm 1863 đi sứ sang Pháp thương nghị chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam kỳ, thất bại. Sau khi về được sung chức Kinh lược sứ ba tỉnh miền tây Nam kỳ. Năm 1867, Pháp tiến đến uy hiếp Vĩnh Long đế đánh chiếm luôn ba tỉnh miền tây. Cụ nộp thành cho Pháp rồi uống thuốc độc tự vẫn ngày 4 tháng 7 năm Đinh Mão (3-8-1867). Tác phẩm Lương Khê thi văn thảo.
(2) Sách Vân song tư chí chép: Vua Nguyên đế (nhà Hán) làm mười thanh gươm Bạc ngọc long dùng sợi tơ treo trước mái nhà. Đêm đến, gió thổi qua gươm va vào nhau nghe như tiếng nhạc. Người dân bắt chước, không dám dùng rồng mà dùng ngựa thay vào cho nên từ đó bày ra ngựa sắt mà truyền lại đời sau. (theo Từ Nguyên).
(1) Triệu Châu:
a) Tên châu thuộc nước Liêu. Thành cổ nay ở Các Lâm, phía nam huyện Thân Thành.
b) Ngày nay là tên huyện. Nguyên vua Mông Cổ là Quách Nhĩ La Tư đóng đô tại đó. Đến cuối đời Thanh đổi thành huyện, thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Sang thời Dân quốc lại đổi thành huyện Hắc Long Giang, hạt Long Giang (theo Từ nguyên).
(2) Thanh khuyết: Một thứ thực vật loại dương xỉ, rễ đâm dài xuống đất, mùa xuân ra lá non, mộng cuốn lại sau thành lá dài, sắc đỏ, trong lá có phấn dùng trang điểm được (Từ nguyên).
(3) Nùng Sơn: núi Nồng (Nùng) cũng thường gợi là núi Long Đỗ (rốn rồng), nằm giữa tỉnh thành Hà Nội. Trước vua Lý Thái Tổ đóng đô ở đó có dựng một chính điện ở trên núi. Triều Nguyễn đặt hành cung vẫn theo tên cũ. Đến năm Thiệu Trị thứ ba, đổi là điện Long Sơn.. (Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, Đông Minh Đặng Chu Kình dịch, Nha Văn hóa Tổng bộ Văn hóa xã hội xuất bản, Sài Gòn, 1966, trang 30).
(1) Nguyên là bài thơ Tống Nguyên Nhị sứ An Tây (Tiễn Nguyên Nhị đi sứ An Tây) hay là Vị Thành khúc (khúc ca Vị Thành) của Vương Duy đời Đường như sau :          
  
  
   西
Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần,
Khách xả thanh thanh liễu sắc tân.
Khuyến quân cánh tận nhất bôi  tửu,
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.
    (Trời mai mưa ướt Vị thành
Xanh xanh trước quán mấy cành liễu non.
     Khuyên người hãy cạn chén son,
Dương Quan tới đó không còn ai quen.)
  (Ngô Tất Tố dịch - Đường thi – Khai Trí xuất bản, Saigon, 1961, trang 132)
Về sau Vị Thành khúc được thu nhặt vào nhạc phủ gọi là khúc ca tống biệt, đến câu Dương Quan thì hát lại ba lần nên gọi là Dương Quan tam điệp. (Theo Từ nguyên)
(2) Sử ký, Kinh Kha truyện có chép: “Thái tử Đan nước Yên sai Kinh Kha đi giết Tần vương. Thái tử cùng các tân khách đều mũ áo chỉnh tề tiễn Kinh Kha đến sông Dịch. Cao Tiệm Ly thổi sáo, Kha theo đó mà ca, âm thanh trầm bổng réo rắt khiến kẻ sĩ theo tiễn đưa phải ngậm ngùi rơi lệ. Kha tiến tới trước khách mà ca rằng: / Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn/ Tráng sĩ nhất hề bất phục hoàn (Gió hiu hiu chừ sông Dịch lạnh ghê/ Tráng sĩ một đi chừ không trở về). Kha hát giọng rất khẳng khái khiến hết thảy kẻ sĩ đi theo phải trợn mắt, tóc dựng ngược cả lên. Sau đó Kha lên xe mà đi. (theo Từ nguyên). Đáng tiếc vụ hành thích không thành công, Kinh Kha bị giết.
(1)  Vườn của Lương Hiếu Vương lập ra để tiếp đãi khách quí. Thơ Lý Bạch có câu : Thập tải Lương viên khách. Tùng Thiện Vương lấy theo tích ấy. Tư Mã Tương Như (tự Trường Khanh, giỏi chơi đàn và làm phú, tác giả khúc Phượng cầu kỳ hoàng và bài Tử hư phú) đến chơi, Vương mời ở lại Lương viên cùng chư sinh giảng học, làm phú. Sau có bệnh, Tương Như cáo từ về ở Mậu Lăng nên người ta gọi ông là “khách cũ vườn Lương” (Lương viên cựu tân khách). Xưa Lương viên rất sầm uất, sau bỏ phế, đến đời Đường trở nên9* hoang tàn, xơ xác.
([3]) Tên một khúc cổ nhạc phủ đời Hán, thường tả cảnh biệt ly nơi quan tái.
(1) Không rõ tiểu sử, chỉ biết ông làm quan đến chức thị độc, ngoài Tùng Thiện Vương ông có kết bạn với Lí Văn Phức, sau về Hà Nội và mất thời Tự Đức.
(1) Lê Nguyễn Lưu, Thơ Đường tuyển dịch, tập I, Thuận Hóa, Huế, 2007, tr. 316)
(1) Song Ngư : Tên hai hòn đảo ngoài khơi cửa Hội nơi sông Lam đổ ra bể, thuộc tỉnh Nghệ An. Không rõ bạn đây là ai, nhưng chắc quê quán ở Nghệ Nghệ An.
(1) Thơ Đường, bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm của Vương Xương Linh: “ / Lạc dương thân hữu như tương vấn / Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ. (Lạc Dương bè bạn như thăm hỏi / Một tấm lòng băng đáy ngọc hồ - Lê Nguyễn Lưu dịch).
(2) Tên kinh đô nhà Tiền Hán. Đời sau người ta gọi kinh đô nhà vua là Trường An. Trong bài này, Trường An chỉ Phú Xuân, kinh đô triều Nguyễn.
(1) Tên hiệu của Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872), quê ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, làm quan cho nhà Nguyễn, giữ nhiều chức vụ cao: Chủ sự bộ Lễ, Thị giảng học sĩ, Học sĩ viện tập hiền v.v... Không những là một nhà thơ nổi tiếng mà còn là nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà văn tài ba. Tác phẩm: Phương Đình thi lọai, Phương Đình văn lọai, Phương Đình tùy bút lục... (Từ điển văn học, tập II – NXB KHXH – Hà Nội, 1984 – trang 98) .
([4]) & (3) Năm 1841, khi giữ chức hành tẩu Bộ Lễ, được cử làm sơ khảo ở trường Thừa Thiên, do thương hại những thi sinh làm bài khá nhưng lại bị phạm huý, ông đã dùng muội đèn sửa cho những quyển ấy cho khỏi bị đánh hỏng. Việc bại lộ, ông bị buộc tội trảm nhưng vua Thiệu Trị giảm cho ông tử tội trảm xuống tội giảo giam hậu (hoãn việc thi hành, giam lại đợi lệnh). Thời gian này ông vẫn làm thơ trong đó có bài Đằng tiên ca, làm theo loại thiền thi- một loại thơ không hạn chế số câu dài bao nhiêu cũng được như ve ngâm không dứt.
(1) Mai Xuyên: Xin xem chú tích ở trước .
(2) Tức cửa ải Con Dơi. Tác giả chú : “Trong Giao châu thảo của Trần Phu đời Nguyên, bài thơ Lão thử quan có câu : Tòng thử định tri thân bất tử/ Sinh tiền tiên quá Quỷ môn quan (Từ đây mới chắc mình không chết/ Lúc sống lần đầu qua Quỷ môn)”. Nay tháng tám ông ra khỏi ải, người Thanh cho là tháng chạp sẽ tới Yên kinh. Theo Đại Nam nhất thống chí tập IV cửa Quỷ môn ở xã Chi Lăng, châu Ôn, tỉnh Lạng Sơn.
(1) Tên một châu thuộc tỉnh Trực Lê, không xa Yên Kinh (Bắc Kinh bây giờ) (Dẫn theo Lương An – SĐD, trang 160)
(2) Tuân Thúc là tên tự của Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890). Ông người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, thuở nhỏ nổi tiếng thông minh, thi Hội đỗ Hoàng giáp, được bổ chức Hàn lâm tu soạn. Nhiều lần được thăng chức rồi bị giáng chức. Năm 1867 được thăng Hồng lô tự khanh và sung vào phái bộ đi sứ sang Yên kinh, nhà Thanh. Trở về nước ông cùng nhóm Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức, Bùi Viện dâng sớ đề nghị một chương trình canh tân tự cường nhưng không được nghe theo. Năm 1880, được thăng Bộ Hộ Thị lang. Năm sau, 1881, ông từ quan về làng. Ông mất tại quê nhà sau gần mười năm sống ẩn dật. (Theo Từ điển Văn học tập II – NXB KHXH Hà Nội – 1984)
(3) Hiệu là Tử Mẫn, người Gia Định, đỗ cử nhân, làm quan đến chức Biện lý Bộ Hộ, thành viên của Mặc Vân thi xã do Tùng Thiện Vương làm chủ soái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét