Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

CA TỪ TRỊNH CÔNG SƠN, THƠ NHƯ CÁNH VẠC BAY - CAO THOẠI CHÂU







      Hồi trước 1975 âm nhạc Sài Gòn có một sự phân khúc khá rõ. Những bài ca làm từ thời tiền chiến không khó khăn gì chiếm được chỗ yêu thích nhất trong lòng người nghe, cả trí thức lẫn những người mới lớn lên sau ngày đất nước bị chia cắt 1954. Những Dzoãn Mẫn, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao, Nguyễn Văn Khánh, Tô Vũ v.v. trở thành thần tượng của giới trí thức trẻ cũng như già. Và những Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Lê Thương v.v. cũng vậy. Tiếp theo các ông là những Cung Tiến, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Trọng Nguyễn... trẻ hơn và mới hơn rất được hâm mộ. Lúc bấy giờ, bất ngờ Trịnh Công Sơn xuất hiện, từ từ một lối đi riêng, âm thầm lặng lẽ mà xuất hiện, chiếm lĩnh cũng từ từ cho đến khi trở thành một hiện tượng lúc nào không hay.
      Những ai không hiểu âm nhạc cũng có thể nhận được phần riêng đôi khi khá hậu hĩnh cho mình qua những ca từ của ông, cái độc đáo của người nhạc sĩ này là ở chỗ đấy. Và thiết nghĩ có thể lý giải một phần nào được cái độc đáo, rằng nếu phân tích kỹ một chút sẽ thấy ca từ ấy là ngôn ngữ thơ hơn là lời của âm nhạc. Lời trong ca khúc nói chung thường là lời kể chuyện, tự sự cho nên phải tạo thành một mệnh đề có nghĩa rõ ràng. “Em đến thăm anh một chiều mưa, mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều” thì quá logic về ngữ nghĩa và ngữ pháp, nhưng “dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” thì nếu tách rời từng chữ thấy cũng là những chữ đời thường (dài, tay, em, mấy thuở..) nhưng cái khác thường ở đây là Trịnh Công Sơn ghép chúng lại thành một cấu trúc câu mà... chẳng ai hiểu được một cách duy lý cả! “Không hiểu được”, là ấn tượng rất mới của người nghe ca khúc và theo tôi, Trịnh Công Sơn là người đầu tiên mang đến. Bởi vì cũng với những từ, những tiếng của nhân gian ấy người nhạc sĩ này đẩy chúng đi xa hơn, mang cho ca từ của ông tính siêu thực, ẩn dụ khi cho chúng đứng chung thành một tổ hợp câu. Chỉ nghe nói có thơ siêu thực chứ lời nhạc siêu thực thì mãi đến Trịnh Công Sơn người nghe mới nghiệm ra!
      Nhạc là tiếng của tâm tư, tình cảm nhưng ca từ Trịnh Công Sơn hầu như còn là tiếng của thân phận con người, trong đó có thân phận quê hương, tình yêu hơn là cái ngọt ngào của nó như các nhạc sĩ khác thường mang lại cho người nghe. “Trẻ thơ ơi tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, nếu không tin Trịnh “phổ thơ vào nhạc” thì không hiểu được vì sao ca từ của ông lại khác những nhạc sĩ khác như vậy. Thân phận con người là lĩnh vực phản ảnh của thơ văn chứ không phải của âm nhạc có lời ? Tôi tự trả lời cho mình câu hỏi này bằng cách đồng thuận với... chính mình! Chính nhờ tính siêu thực mà trong bối cảnh miền Nam những năm 60, khi ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh có một chỗ đứng nhất định mà Trịnh Công Sơn bứt phá lên chia sẻ những ưu tư với giới trí thức trẻ. Hồi ấy, không được yêu thì... khổ đã đành, mà có mối tình lớn cũng thấy khốn khổ làm sao, bất an làm sao , những con người đấy sống trong tâm trạng bơ vơ phảng phất hoài nghi, băn khoăn về thân phận con người như một phạm trù triết lý. Thân phận quê hương chiến tranh in rất đậm trong ca khúc của Trịnh, và trong đó thái độ của nhạc sĩ được nhiều người cho là phản chiến. Nhưng tôi nghĩ, ngay cả những người lính thời ấy (trong đó một thời có tôi) cũng thích những ca từ “phản chiến” này của nhạc sĩ, bởi họ làm bổn phận của một công dân nhưng trái tim, tâm hồn cần được vỗ về, chia sẻ dù không chắc đã có sự đồng cảm !
     Ca từ Trịnh Công Sơn “gõ” đúng cửa và chinh phục người ta, ca khúc của ông vừa là món ăn thơm thảo của những trái tim âm nhạc vừa là sự quay quắt cuả những trái tim thơ, hơn 40 năm tôi vẫn nghĩ như vậy. Người ta nghe ca khúc của ông mà chẳng “hiểu” gì nhưng rất lâng lâng chếnh choáng bởi những câu coi như còn “bí ẩn” đó. Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao...” hay “người ngồi xuống xin mưa đầy. Trên hai tay cơn đau dài, người nằm xuống nghe tiếng ru”. Sẽ rất tốn công khi giải mã những câu này, bởi vì nó là ...ca từ siêu thực, vậy thôi .
     Có một điều là, những chữ rất bình thường một khi đã thành ca từ của Trịnh Công Sơn thì ít nhạc sĩ nào còn đến với chúng nữa, nó như là một cô gái thông minh nền nếp đã có một bến đậu yên bình thì những con bướm si tình chỉ còn cách đứng xa mà đau khổ. Hay nói theo cách bây giờ, những ngôn từ ấy đã có "thương hiệu" Trịnh Công Sơn rành rành. Mưa hồng (mưa và một trong những màu), nắng thuỷ tinh (nắng và một thứ...vật liệu xây dựng), lời buồn thánh (lời buồn và ông thánh) v.v là những ngôn ngữ đời thường nhưng nếu sau khi từ Trịnh Công Sơn đi ra, chúng có xuất hiện ở đâu thì có lẽ đấy chỉ là ...tên những quán cà phê văn nghệ, quán nhậu thì tuyệt nhiên không! Cà phê Diễm Xưa có ở nhiều nơi nhưng lẫu dê Mưa Hồng thì rất chướng tai và cũng chưa đâu có. “Xưa rồi Diễm” mãi đến bây giờ tôi vẫn nghe những người sinh ra sau 75 nói.
      Mang đến cho nhân gian những cảm xúc thơ chia sẻ nỗi bơ vơ với họ, nhưng Trịnh Công Sơn cũng nợ nhân gian biết bao là ngôn ngữ khi “chiếm dụng” thành của riêng ông! Ca từ - đúng ra là thơ - của Trịnh Công Sơn len lỏi vào tâm can, vuốt ve, ru nhiều thế hệ. Ca khúc Trịnh buồn, không não tình, cái buồn không đẩy người nghe xuống mà đồng hành với họ, bởi có quá nhiều lúc người ta như cánh vạc bay đêm, tịch mịch đến nỗi chỉ còn nghe được có mỗi tiếng bay của chính tâm hồn mình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét