Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

CHUYÊN GIA KINH TẾ NỔI TIẾNG PHẠM CHI LAN PHẢN ĐỐI ĐỀ ÁN 12.000 TỶ XÂY TRỤ SỞ BỘ GTVT



Như đã đưa tin, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa phê duyệt đề án trị giá 223.000 tỉ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực theo đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đề án, để hiện đại hóa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành ứng dụng công nghệ thông tin trong khối hành chính sự nghiệp và trường, viện cần tới 278 tỉ đồng tới năm 2030 cho 24 danh mục phần mềm, cơ sở dữ liệu (153 tỉ đồng giai đoạn 2012-2015 và 125 tỉ đồng cho giai đoạn 2016-2020). Riêng khối doanh nghiệp cần tới hơn 227 tỉ đồng đến năm 2030 cho các loại phần mềm quản trị doanh nghiệp.

Với việc đầu tư, nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện, Bộ GTVT ước tính cần 12.174 tỉ đồng cho đến năm 2030 (riêng từ 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng). Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng. Số tiền đầu tư này nhằm xây dựng trụ sở mới cho một số cục chưa có trụ sở làm việc, nâng cấp trụ sở làm việc của các đơn vị đã chật chội, xuống cấp.

Ngay sau khi đề án được phê duyệt, đã có khá nhiều thông tin trái chiều về đề án này. Để hiểu rõ vấn đề hơn, Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh T.T)

PV: Bà nghĩ gì về đề án vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng ký duyệt liên quan đến việc nâng cấp nhà làm việc đảm bảo tiêu chuẩn tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện của Bộ GTVT?

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ, hiện tại muốn có một trụ sở khang trang hiện đại là nguyện vọng chính đáng của tất cả các đơn vị như các doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là bộ xây dựng thì sẽ dùng tiền ngân sách. Và trong điều kiện kinh tế hiện nay đang khó khăn như thế này, ngân sách nhà nước đang có đòi hỏi thắt chặt chi tiêu, đầu tư từ ngân sách để vừa tăng hiệu quả và vừa giảm bớt những gánh nặng trên những nguồn nộp thuế thì đề xuất này của Bộ GTVT là không hợp thời.
PV: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chính phủ đang thực hiện việc cắt giảm chi tiêu, kiềm chế lạm phát, việc duyệt đề án này của bộ GTVT nói lên điều gì, thưa bà?

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nó thể hiện là hình như Bộ GTVT không nghĩ đến bối cảnh chung mà chỉ đề xuất riêng cho mình như vậy. Thêm nữa là ngành GTVT cũng là ngành còn đòi hỏi đầu tư rất nhiều để cải thiện hạ tầng giao thông chung đỡ ách tắc cho xã hội hiện nay nhưng mà mọi việc trong vài tháng nay bộ GTVT đề xuất đều là đánh qua phí vào đầu người dân. Trong khi những biện pháp để cải thiện hạ tầng giao thông thì chưa thấy đâu.
Vậy mà bây giờ tiền lại muốn dồn vào để đầu tư cho trụ sở hoành tráng như vậy thì thử hỏi ngân sách dành cho giao thông rồi ngân sách lại dùng để cho Bộ GTVT xây dựng trụ sở lớn như vậy thì liệu hạ tầng giao thông có cải thiện được trong thời gian tới hay không? Đó cũng là trách nhiệm của bộ và bộ phải nghĩ tới. Nếu có sự ưu tiên của bộ bây giờ thì đó nên là sự ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông hơn là cho việc xây dựng trụ sở bộ, các tổng cục và cục của ngành.


PV: Thời gian vừa qua, bộ trưởng Đinh La Thăng có nhiều đề xuất liên quan đến chuyện thu phí gây nhiều dư luận trái chiều. Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Thăng có nói tới vấn đề thu phí là để có kinh phí làm giao thông. Tuy nhiên, nay Bộ GTVT lại có đề án như vậy thì theo bà, việc này có gây ra hiểu nhầm cho người dân về việc bộ thu phí để xây dựng trụ sở?

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi không nghĩ là sẽ gây ra hiểu lầm như vậy đâu. Bởi vì có muốn huy động được tiền của dân thi cũng phải hỏi ý kiến của dân, phải có sự phê duyệt của Quốc hội và nhất là sự đồng tình từ người dân chứ không phải muốn thu bao nhiêu là thu được. Thêm nữa là nếu có thu được phí từ dân để cải thiện hạ tầng thì cái đó phải được đầu tư vào hạ tầng đồng thời có sự giám sát của người dân chứ không phải ngành giao thông thu được rồi thì muốn tiêu gì thì tiêu.
Nếu danh nghĩa là thu để cải thiện hạ tầng GTVT mà thực tế lại thu để xây dựng trự sở thì điều đó không thể có được.

PV: Vấn đề xây dựng trụ sở to hoành tráng, mua xe “xịn” đã từng chịu nhiều chỉ trích từ dư luận. Theo bà, với đề án như vậy của Bộ GTVT, dư luận có để yên?

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi tin chắc, xã hội sẽ không để cho Bộ GTVT làm như vậy. Và cả chính phủ, quốc hội cũng sẽ không để cho Bộ GTVT làm như vậy. Sẽ không có hiểu nhầm đó vì người dân hiểu rằng tiền họ đóng để làm gì. Xã hội bây giờ thông tin rộng rãi và người ta hoàn toàn có thể phản hồi ngay khi có vấn đề.

Tôi nghĩ là dư luận sẽ lên tiếng thậm chí là lên án một đề án như vậy. Và cho dù tiền của dự án như vậy, Bộ GTVT có thể huy động từ chỗ này chỗ khác trên danh nghĩa là ủng hộ bộ, hỗ trợ bộ thì tiền từ mặt bằng cũ hiện nay được nhà nước cho phép bộ bán đi lấy tiền xây dựng trụ sở mới cũng không phải là hợp lẽ. Vì trụ sở hiện nay bộ đang dùng, nhà nước quyết định di dời đi thì đó là đất của công, tài sản của quốc gia chứ không phải tài sản của riêng các bộ. Cái này không phải do bộ làm ra nên bộ muốn tiêu gì thì tiêu.

Các cơ quan nhà nước phải hiểu rõ, mọi nguồn đầu tư và phát triển đều là từ ngân sách, từ tiền thuế của người dân chứ không phải là từ đâu cả. Bộ không phải là cơ quan kinh doanh nên cũng không có quyền nói vì tôi kinh doanh tốt nên được doanh nghiệp cho hưởng cái nọ, cái kia. Điều đó là không thể có được. Ngay cả việc Bộ trưởng Thăng nhận cái xe do một đơn vị phía dầu khí tặng cũng đã làm xôn xao dư luận và hầu hết ý kiến được đưa ra thì tôi hiểu người dân không đồng tình kể cả nguyên lãnh đạo của các cơ quan.


PV: Trong đề án có nêu: với nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục nhà làm việc, trang thiết bị, dự án, đào tạo nghề, Bộ GTVT đề nghị các doanh nghiệp tự huy động, cân đối các nguồn vốn tự có, vốn vay, ODA, vốn huy động từ xã hội. Bà nghĩ sao về vấn đề này?


Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi cho rằng phải có 2 việc phải tách bạch ra: trụ sở của bộ là cơ quan công quyền là trụ sở của cơ quan nhà nước, không có doanh nghiệp lẫn vào đó. Không thể lẫn lộn trụ sở của bộ với trụ sở dành cho doanh nghiệp. Đã là doanh nghiệp dù là thuộc bộ và là doanh nghiệp nhà nước thì cũng phải lo trụ sở riêng. Nếu bộ GTVT để chung một “rọ” thì sẽ tạo ra sự không minh bạch rất lớn, từ đó sẽ tạo sự hiểu nhầm trong chi tiêu.

Tôi cho rằng bộ GTVT xây dựng thì lo cho trụ sở của bộ, nơi làm việc cho bộ trong điều kiện ngân sách cho phép nếu phù hợp với yêu cầu hiện nay của nhà nước về việc di chuyển bộ để tập trung vào một số nơi và ra khỏi trung tâm thành phố thì điều nhà nước cũng sẽ bố trí một khoản ngân sách nhất định cho việc đó.
Tiền xây dựng của bộ không thể nói là tự huy động từ ODA hay là vay mượn ở đâu được vì ODA suy cho cùng cũng là đất nước mình đứng ra vay đất nước khác rồi gánh nặng trả sẽ đè nặng lên vai các thế hệ sau này nếu không phải trả sớm ngay bây giờ. ODA không phải là tiền cho không. Không có chuyện bộ nọ bộ kia đứng ra huy đọng ODA cho mình để xây dựng trụ sở cho mình được. Tôi nghĩ là các nước cung cấp ODA cho mình cũng không ai cung cấp cho việc xây dựng trụ sở cơ quan. Họ cũng phải chịu sự giám sát của người dân đã đóng tiền cho chính phủ nước khác đã cung cấp ODA cho mình.
Còn các nguồn khác thì tôi cũng không nghĩ là nhà nước đứng ra đi vay. Tôi tin là chính phủ không cho phép các bộ được tùy tiện đứng ra tự đi vay để làm việc nọ việc kia nhất là đi xây trụ sở cho mình.
Tóm lại, tôi hoàn toàn không ủng hộ đề án này của bộ GTVT. Tôi nghĩ rằng trên đất nước này còn rất nhiều nơi người dân đi đường vẫn phải lầy lội. Nói trong ngành giao thông thì với số tiền hàng nghìn tỉ đồng như vậy không dám nói là sẽ phủ kín đường nhựa trên đất nước này nhưng nó sẽ giúp cho dân bớt khó khăn đi. Tôi tin với một Bộ trưởng bộ GTVT có lương tâm, các cán bộ có lương tâm thì đó là điều hạnh phúc hơn là việc ngồi trong một trụ sở to hoành tráng.
Rộng hơn, trên đất nước này còn thiếu bao nhiêu trường học, bao nhiêu bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho người dân. Tôi nghĩ con số như vậy là quá lớn trong khi nhà nước đang còn yêu cầu phải cải cách hành chính, thu hẹp hoạt động, tổ chức hoạt động sao cho hợp lý.

Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!


Theo GDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét