Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

NGẪU HỨNG TUÝ VÂN ( PHẦN 1) : TRẦN NGỌC BẢO

Cổng tam quan chùa Thánh Duyên
Cuộc lữ ngày chủ nhật 20/5/12 là một chuyến đi hoàn toàn ngẫu hứng. Ban đầu Trần lão có hẹn đến thăm một người quen ở làng Mỹ Á, gần làng Mỹ Lợi. Người bạn nói chỉ cần tới Mỹ Lợi gọi điện, ông bạn ấy sẽ chỉ đường tới nhà. Hơn 10 năm nay chưa lai vãng Tư Hiền nhưng Trần lão cứ lên đường, có lạc lối cũng không sao vì đi là đủ vui rồi. Còn bạn đường? Thì cứ gọi lão Thanh Kongkong. Lão này bạn bè gọi là "dân chơi không sợ mưa rơi".

Thế là hai lão khởi hành từ đây: làng Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Trần lão định đi theo quốc lộ 1 về Phú Bài rồi rẽ sang cầu Trường Hà, nhưng Thanh Kongkong gợi ý đi theo con đường về làng Ngọc Anh, Diên Đại, nơi có con đường quê nhiều bóng mát.

Cứ lên Honda mà dong ruỗi. Con đường này quả là vắng vẻ, khá im mát và nhất là mở ra một khung cảnh đồng quê thanh bình. Vì đang là mùa gặt cho nên có thể thấy cánh đồng với những ụ rơm thơm thơm thật lớn. Lão Kongkong còn chỉ cho thấy những ụ rơm đang làm nấm to khác thường.

Từ xã Phú Thượng của huyện Phú Vang, con đường dẫn qua xã Phú Mỹ, Phú Xuân, Phú Lương, Phú Đa. Thôn Nam Châu của xã Phú Đa nhắc nhở rằng đây là làng của những người gốc Nam bộ theo phò vua Gia Long, được cấp đất dưới thời vua Tự Đức để ổn định của sống về già ở đây. Nam Châu Hội Quán kề bên phủ Đức Quốc Công ở Kim Long là nơi hội họp của họ.

Đến cuối xã Phú Đa chúng tôi rẽ trái đi theo con đường dẫn ra cầu Trường Hà, mà có người cho là Trừng Hà với nghĩa Trừng là sáng mới đúng. Nhưng khó mà nói cho mấy ông có quyền thế nghe. Cầu Huyền Yến trước Cửa Hậu mà ông gọi là Bạch Yến thì người dân cũng phải gọi theo thôi. Dân có cầu mà đi là quí rồi. Tên với tuổi, đúng với sai làm chi.

Qua cầu một đoạn thì gặp ngay đường 49B. Chúng tôi rẽ phải và cứ thế đi qua Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Hưng. Mãi trò chuyện chúng tôi đi ngang ngã ba để rẽ sang làng Mỹ Lợi mà không hay. Cho đến khi Kongkong nhìn thấy trên cao phía bên phải có đỉnh một ngọn tháp với lá cờ Phật giáo bay phất phới mới hỏi chùa chi ri hè? Trần lão nói trong vùng này lão chỉ biết một ngôi chùa trên núi là Túy Vân. Hỏi một người bán quán bên đường thì đúng là Túy Vân Sơn thuộc xã Vinh Hiền rồi. Hóa ra là đi quá nhà bạn hơi xa. Nhưng có hề chi, cứ lên thăm chùa rồi gọi bạn thôi. Qua điện thoại mới biết ông bạn cũng định rủ mình ghé qua nhà rồi đi thăm chùa. Lên chùa khoảng 20 phút thì ông bạn từ nhà chạy đến nơi.

Đường lên chùa hồi trước rất vắng, ngày nay hàng quán đông đúc và một điều kỳ dị là con đường chạy xuyên qua chợ, đúng hơn là chợ đã "tự phát" lấn ra đường mà không ai sắp xếp lại. Ra khỏi chợ là một con đường khá quang đãng, nhưng ngay trước cổng chùa lại là mấy quán hàng bán cá liêu xiêu nhếch nhác. Vậy mà nhà nước vẫn cứ xếp chùa thuộc hạng "di tích lịch sử cấp quốc gia" và là một điểm tham quan trên bản đồ du lịch!

Chân núi Túy Vân chẳng có một bãi để xe, nhưng may là còn chỗ trống để đậu xe. Nhìn bên trái du khách thấy đầm Cầu Hai rất gần, nhưng bước đi mấy bước liền thấy một bãi rác "hoang sơ" một cách đáng sợ!
Cũng may là tấm bia của vua Thiệu Trị khắc bài thơ Vân Sơn Thắng Tích năm 1841 thì hãy còn.

Bia đề thơ Vân Sơn Thắng Tích của vua Thiệu Trị
Núi xưa có tên là Thúy Hoa, nhưng về sau do kỵ húy tên của Hoàng Hậu của vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa cho nên đổi thành Thúy Ba, sau này là Thúy Vân, nhưng dân gian gọi là Túy Vân.

Trên núi có chùa do Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) dựng để người dân thấm nhuần Phật pháp. Nhưng qua thời gian hơn 100 năm đã sụp đổ, vua Minh Mạng nhân một chuyến đi thăm cửa biển Tư Dung cho dựng lại chùa đặt tên là Thánh Duyên, đằng sau xây gác đặt tên là Đại Từ, và nơi cao nhất cất một tháp gọi là Điều Ngự (Đức Phật có một danh hiệu là Điều Ngự Trượng Phu).

Vua Thiệu Trí đánh giá chùa Thánh Duyên là một trong 20 cảnh đẹp bậc nhất của kinh đô. Bài thơ Vân Sơn Thánh Tích là để ca ngợi cảnh này:

Bích thúy toàn ngoan bất kế xuân
Dầu long ẩn phục liệt lân tuân
Huệ phong chung độ u lâm hưởng
Không cốc hương la pháp hải tân
Thụ luyến từ vân phù bích lạc
Kính xuyên tăng kịch tạp hồng trần
Thánh duyên phổ tế hàm quy thiện
Phật tích tăng quan tự hữu nhân
(Tạm dịch )
Vòi vọi non xanh ước mấy xuân
Rắn rồng nương náu chốn hang thần
Gác thiền chuông điểm rừng sau dội
Cõi diệu hương đưa biển pháp nhuần
Cây vướng mây lành lên thượng giới
Ðường xuyên guốc sải lấm hồng trần
Duyên vua rưới khắp đời quy thiện
Cảnh Phật huy hoàng hẳn có nhân

Điều đáng mừng là chùa nay đã được trùng tu đàng hoàng.
Đi vào cổng nhìn bên trái có một tấm bia khác. Tấm bia này đề là Ngự Chế, trong đó có 4 bài thơ có lời chú giải bằng chữ Hán của vua Minh Mạng khắc năm 1837.



Bia Ngự Chế của vua Minh Mạng

Bài thứ nhất dịch nghĩa là:
Dự lễ chùa Thánh Duyên

Xưa đổ nát gần hết,
Nay hầu hết trang nghiêm
Hào quang ngời bảo tướng,
Tuệ nhật sáng kim thân.(1)
Lưng dựa núi Thúy Vân,
Mặt hướng về biển cả
Cửa tùng hoa mừng khách,
Lối đá chim đón người.
Khánh rung xuyên rừng rậm
Tiếng kinh rộn hàng cây.
Núi sâu đẹp như vẽ,
Cảnh đẹp vui lòng người.
Khấu đầu chúc thọ mẹ,
Cầu đảo phúc con dân.
Đâu dám xưng hậu thuật(2)
Chỉ cốt rạng tiền nhân(3)
Chú giải:

Thời xưa núi này chùa rất nhiều, đều do Hoàng Tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế (Nguyễn Phúc Chu) xây dựng. Về sau trải qua nạn giặc Tây Sơn, nơi đây bị tàn hủy gần hết. Năm ngoái ta đi kinh lược tới đây, nghĩ rằng: danh sơn, thắng tích không thể để mai một mà không truyền lại. Huống chi đây là nơi Hoàng Tổ của ta làm ra để cầu phúc cho thần dân, vả lại đầu năm sau là đại lễ mừng thọ bảy mươi tuổi cho Thánh mẫu Hoàng thái hậu, vì nhớ nghĩ đến mẹ nên đẩy mạnh việc mở rộng Thánh Duyên. Vào dịp tốt mùa thu năm đó ở nền cũ xây chùa rồi đặt tên là: “Thánh Duyên tự”, ý nói rằng Hoàng Tổ lưu dấu tích ở đây, cho nên ta đặt ra câu đối rằng:
“Thánh tức là Phật, Phật tức là Thánh, có Thánh ấy mới mở ra sự cao sâu của Phật pháp.
Duyên vốn có Nhân, Nhân vốn có Duyên, có Nhân đó mới khuếch trương sự đủ đầy của thiện duyên.”.
Lại ở sau đó trên lưng chừng núi cho xây một cái gác tên là “Đại từ các”. Lại nữa, ở trên đỉnh núi xây một cái tháp tên là “Điều Ngự tháp”. Vào tháng Giêng năm này cũng đã hoàn tất để cung kính phụng thờ chư thiên tôn Phật. Hồi đầu mùa xuân, vì chưa rảnh rỗi đến đây. Nay là tháng ba tiết trời mùa xuân mát mẻ, vạn việc triều chính vơi bớt, ta mới thân hành dìu mẫu thân lên danh thắng này, thấy điện vũ huy hoàng, bảo tướng trang nghiêm. Trong lòng Thánh mẫu vui vẻ, khỏe khoắn bước chân, liền quay lại dạy ta rằng: “Hoàng đế có thể nói là người giỏi kế tục những việc làm tốt của các vị tiên vương đặt ra vậy”. Ta là phận làm con chỉ biết cảm tạ mà không dám nhận lời ban khen. Chỉ cốt trên thì phụ giúp hoàn thành thiện tâm của Hoàng tổ, thứ đến là làm đẹp lòng Thánh mẫu, cầu mong cho Thánh mẫu được thượng thọ sống lâu, quốc gia đươc an bình, dưới thì thần dân được khang thái, mùa màng tươi tốt, sông nước thuận hòa, nội tĩnh ngoại yên, đó thực là ý nguyện vốn sẵn từ trước của ta vậy.

Bài thứ hai dịch nghĩa là:
Gác Đại Từ
Gác cao dựa lưng núi
Cúi nhìn cảnh sắc nhiều.
Vượt lên cao trăm bậc,
Núi thẳm vờn mây trời.
Phía Nam ngàn núi phục,
Phía Bắc biển rộng chầu,
Rừng sâu cây rậm rạp,
Quanh co lối dẫn vào.
Lưng trời mưa hoa tụ,
Giữa trưa gió cuốn hương.
Chân như(7) nơi thắng địa
Bảng vàng đề “Đại từ”
Bài thứ ba dịch nghĩa là:
Lên tháp Điều Ngự
Bảo tháp nguy nga tận núi cao
Mười bậc trèo lên há mỏi sao,
Bốn mặt mênh mông ngàn đất rộng,
Ba tầng chọc thẳng giữa trời cao.
Điều Ngự ngàn thu còn lưu dấu,
Pháp luân thường chuyển vạn cổ truyền
Nội điển chưa am, thông diệu đế
Thiện tâm rộng mở hiểu chân thuyên.
Chú giải:

Trên tháp Điều Ngự dựng trục pháp luân bằng đồng. Bánh xe đều gắn chuông. Đến lúc gió thổi vào, bánh xe chuyển động và phát ra tiếng, xa gần đều nghe thấy. Lại nữa, tháp xây ba tầng. Tầng trên thờ Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Văn Phật Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương. Tầng giữa thờ Nhân Gian Điều Ngự Phúc Bị Quần Sinh Vạn Thiện Chí Tôn. Tầng dưới thờ Địa Phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm Diêm La Chủ Tể. Trung Thiên Điều Ngự là hiệu của vị Pháp Vương, sự tích này thấy trong Kinh văn. Thứ hai theo ý của ta, thấy đây là vị đầu tiên sáng lập ra đạo Phật. Còn về Địa Phủ Điều Ngự U Huyền khỏi phải nói cũng rõ. Đến như Nhân Gian Điểu Ngự mà hiệu là Phúc Bị Quần Sinh Vạn Thiện Chí Tôn, hoặc có người hỏi có thuyết nào nói không ? Thưa rằng, có thể đấy. Các vị vua trên thế gian chí thánh như hai ông Nghiêu, Thuấn cho đến các triều đại Nam Bắc (hễ ai) làm chủ thiên hạ mà ban ơn đức đến cho mọi người, để cho đời sau chịu phúc mà không có điều gì đáng hổ thẹn, chê trách, người như thế thì Thích gia gọi là Phật, Nho gia gọi là Giác, còn Pháp gia gọi là Thầy. Phụng sự các vị ấy để an ủi quần sinh, thì có gì không được. Xét về lý thì cũng chẳng có gì sai trái.
Bài thứ tư dịch nghĩa là:

Thúy Hoa sơn hành cung tức cảnh.

Sau tường dựa chân núi,
Cửa sổ sát bờ nước
Non Thái nuốt Bắc hải.
Núi Đôi chạm nam thiên
Mắt phóng xa nhìn ngắm,
Lòng vui mở mang nhiều.
Gió mát từ đâu thổi,
Khi nóng đã dần tiêu.
Sườn núi cây mây phủ,
Rừng hoa được mưa tưới.
Nửa đêm tiếng chuông vọng,
Giữa trưa kinh chùa vang.

(còn tiếp)

Trương Văn Thanh
Trần Ngọc Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét