Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

XÓT XA CHO TIẾNG MẸ ĐẺ

Mặc dù đang theo học ở nước ngoài, tôi đã đọc tất cả những bài viết trên Diễn đàn Dân trí về chủ đề bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt, tôi thấy đồng tình với ý kiến của nhiều tác giả và muốn nhấn mạnh thêm đôi điều.

Quả thật Tiếng Việt càng ngày bị bóp méo một cách khủng khiếp.
Đặc biệt với tầng lớp 9x và 10x, tiếng Việt được rút ngắn triệt để. Ví dụ 1 tin nhắn như sau (chị mua bánh mì cho em nhé) được chuyển thể sang ngôn ngữ 8x như sau: “Chj mua bah' mj cho em nak” ---> ngôn ngữ của 9x và 10x “C by bak' mj 4e nk” --> như thế này mà không phải người trong “ngành” thì có ngồi tra từ điển cả ngày cũng không dịch được. Cậu em trai mình nhắn cho mình vài cái tin hỏi thăm, mà sau khi đọc xong mình phải điện về hỏi em nhắn cái gì cho chị đấy.

Bản thân tôi hiện đang học ở nước ngoài, nhưng luôn muốn giữ nguyên cái tên Việt Nam của mình. Tại sao phải chạy theo mốt kiếm một cái tên tiếng Anh nghe cho thật là kêu để bằng bạn bằng bè. Chúng ta nên tự hào vì cái tên của mình chứ. Thứ nhất cái tên là món quà mà bố mẹ dành cho chúng ta, và cái họ là nguồn gốc của mỗi người, trân trọng cái tên cũng chính là trân trọng bố mẹ , trân trọng nguồn gốc của bản thân mình. Thứ 2: dù đi đến đâu, chỉ cần nhìn vào cái tên những người xung quanh sẽ biết “a, bạn là người Việt Nam”, đó không phải là một điều đáng tự hào sao? Trừ khi bạn không muốn chấp nhận nguồn gốc của mình mà thôi. Nên với ý kiến của riêng bản thân mình, những sinh viên đã, đang và sẽ đi du học xin hãy giữ nguyên bản cái tên Việt Nam của mình, để cho họ thấy người Việt mình cũng tài giỏi chứ có thua kém gì ai đâu.

Cái tên chỉ là một vấn đề nhỏ tôi muốn nói đến trong việc biết tự hào và coi trọng Tiếng Mẹ đẻ. Sử dụng Tiếng Việt trong văn nói và văn viết đang ngày càng biến tướng thành một ngôn ngữ tiếng Việt không phải, tiếng Anh cũng chẳng giống mà gọi là ký tự thì cũng không đành. Trên thế giới chắc chỉ có Việt Nam mới có kiểu pha tạp ngôn ngữ như thế này.

Ví dụ: ý nghĩa và bản gốc “Chị có khỏe không? bao giờ chị được nghỉ hè thì về nhé. Bố mẹ nhớ chị lắm đấy. Đừng quên mua quà cho em nữa”.

Và đây là tác phẩm văn viết qua tay các em từ lớp 6 trở lên: “Cj c0' koe? 0? Ba0 gj0 Cj du0c ngj hE, b0^' mE. nk0' Cj lEm' dey'. don't 4get by quA` 4e nUk.”. Đây có phải là hồi chuông cảnh bảo cho sự suy thoái của tiếng Việt. Liệu rằng vài chục năm nữa, tiếng Việt có còn được gọi là tiếng Việt và có còn được viết ra đúng với cái hình dạng ban đầu của nó nữa hay không. Đúng như nhiều tác giả đã viết trên Diễn đàn, Tiếng Việt thể hiện con người, văn hóa, tinh hoa của dân tộc... nhưng cứ cái đà này khi nhìn vào Tiếng Việt chúng ta chỉ thấy có một đống lộn xộn chữ chữ số số rồi nửa tây nửa ta. Còn đâu là tinh hoa dân độc, còn đâu là nét chữ - nết người nữa.

Không chỉ văn viết có vấn đề mà văn nói cũng đang chạy theo xu hướng không giống ai của văn viết. Có nhiều điều thật là lố bịch, rõ ràng mình là người Việt, tại sao trong 1 câu nói phải thêm vài từ tiếng Anh vào để nghe có vẻ tây tây. Giỏi thì nói cả câu đi để người nghe hiểu thì hiểu hẳn, mà không hiểu thì không hiểu luôn. Một số từ tiếng Anh phổ biến như OK, Sorry, Thank you... thì không nói làm gì vì nó đã trở thành từ phổ biến trên toàn thế giới rồi. Một số bộ phận bạn trẻ thì lại sính ngoại chê nội để chứng tỏ đẳng cấp

Ví dụ ý nghĩa nguyên bản “tớ bị ốm rồi, chắc mai phải nghỉ thôi, đừng quên xin phép cô giáo giúp tớ nhé, lại phải hủy buổi họp nhóm nữa, buồn quá”.

Chuyển thể sang văn nói “tớ sick rồi, chắc mai off thôi, đừng có forget xin phép cô giáo for me nhé. Mai lại phải cancel offline rồi, so sad... :d”.

Văn nói nửa tây nửa ta kiểu này không chỉ phổ biến trong giới trẻ mà nó còn lan tỏa đến mọi nơi như nhà hàng, quán xá, cafe vỉa hè. “Chị book chỗ chưa “hay” anh chị order món gì ạ” ...

Các bạn trẻ bây giờ không chỉ nói nửa tây nửa ta mà còn có khả năng chửi nửa tây nửa ta, nghe đến là nực cười. Vừa cười mà vừa xót xa cho Tiếng Việt của ta quá.

Thiết nghĩ, một con người độc lập phải có một tiếng nói độc lập, một đất nước tự do độc lập cũng cần phải có tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng. Có lẽ cấp 1, cấp 2, cấp 3 cần có thêm 1 môn nữa là “giữ gìn sự trong sáng của quốc ngữ” để cho học sinh biết coi trọng, tự hào về Tiếng Mẹ đẻ và tự giác trau dồi cách nói cách viết tiếng Việt, đảm bảo cho mọi người Việt biết nói và viết đúng Tiếng Việt.

Có người cho rằng: “Tiếng Việt còn nước Nam còn, tiếng Việt mất nước Nam mất” - có đến như vậy không thì chưa biết, nhưng chắc chắn đây là một vấn đề bắt buộc mọi người phải suy nghĩ nghiêm túc.

LÊ HƯƠNG
clever garden1298@yahoo.com

LTS Dân trí


Tiếng Mẹ đẻ vốn là một đặc trưng sống còn của một dân tộc. Qua hàng mấy nghìn năm hình thành và phát triển, chúng ta có thể tự hào về sự phong phú và tinh tế của Tiếng Việt. Bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Mẹ đẻ và góp phần làm cho nó ngày càng phong phú hơn vừa là nghĩa vụ, vừa là niềm tự hào của mọi người công dân Việt Nam.

Từ mấy trăm năm trước, tiếng Việt đã đủ tinh tế để làm nên tác phẩm bất hủ là Truyện Kiều. Ngày nay, tiếng Việt đã đủ phong phú đến mức mọi giáo trình bậc đại học cũng như mọi công trình nghiên cứu đều có thể viết bằng tiếng Việt. Tất nhiên trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, bên cạnh việc quan tâm trau dồi tiếng Mẹ đẻ, chúng ta còn phải coi trọng việc học ngọai ngữ và sử dụng tốt ngọai ngữ, nhất là tiếng Anh.

Nhưng dù có giỏi ngoại ngữ đến đâu mà không biết thể hiện đúng và nhuần nhị Tiếng Mẹ đẻ thì điều đó thật đáng buồn lắm thay, huống chi mới có chút ít vốn liếng ngọai ngữ đã tỏ ra ta đây, nói một câu tiếng Việt phải chêm vào vài tiếng Anh cho “oai” thì đấy chẳng qua cũng chỉ là một kiểu “trưởng giả học làm sang” mà thôi!
Theo DANTRI .COM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét