Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN ( KỲ 21)

VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Mốt

211 - Ksor Phi Ly
TRỞ THÀNH NGƯỜI DÂN TỘC 4
Nữ y sĩ tên cũ Nguyễn Thị Hằng sinh 1972 tại Pleyku. Sống ở Gia Lai (2010).
Tháng 3.1975 lúc mới 3 tuổi đã bị lạc cha mẹ (cha là lính chế độ cũ) trong cuộc “di tản chiến thuật” của quân đội chế độ cũ theo đường 7 (nay là quốc lộ 25) từ Pleyku về Tuy Hòa. May được một bộ đội người dân tộc J’rai cứu sống rồi đem về nhờ người chị gái nuôi ở xã Ia Rsiơm (huyện Krrong Pa, Gia Lai ngày nay).
Được mẹ nuôi người dân tộc đặt lại tên là Ksor Phi Ly nuôi dạy nên người như một người J’rai thực sự. Lớn lên được theo học khóa y tế trở thành y sĩ ở xã, lấy chồng sinh hai con gia đình êm ấm, đời sống ổn định.
Năm 1988 một vị cha xứ từ miền xuôi lên vùng này giảnh đạo tình cờ gặp cô lấy làm ngạc nhiên vì mặt mày, hình giáng trông giống hệt một người hàng xóm của cha ở TP.HCM. Thế nên khi về lại thành phố đã đem kể chuyện này cho ông hàng xóm biết, khi đó mới phát hiện chính là cha ruột của Ksor Phi Ly ngày xưa!
Cuộc gặp gỡ nhận con diễn ra nhanh chóng tại buôn làng. Cha mẹ ruột muốn xin lại con đẻ những bản thân cô không chịu vì “Mình rất nhớ rất thương những ngày ở trong nhà mẹ nuôi, học tiếng J’rai, ăn món ăn J’rai, sống với núi rừng… Mình không thể xa cái mương, cái rừng, con suối, đồng bào nơi đây…”
Bởi vậy có lần theo cha mẹ về thành phố thăm anh chị em được một ngày thì nhớ J’rai quá nên… bỏ trốn ra bến xe về lại với núi rừng! Từ đó cha mẹ đành chấp nhận mỗi năm tổ chức đoàn tụ gia đình một lần khi thì ở thành phố khi thì ngược lên cao nguyên.

212 - Ngô Quang Trưởng
BẠI TƯỚNG IM LẶNG
Trung tướng chế độ cũ sinh 1929 tại Bến Tre – Mất 2007 ở Mỹ (thọ 79 tuổi).
Xuất thân từ sĩ quan được Pháp đào tạo, lấy vợ là con gái nhà văn Thạch Lam (trong nhóm Tự lực Văn đoàn). Vào Nam phục vụ chế độ Ngô Đình Diệm. Được đánh giá là một trong những tướng lĩnh trong sạch và có năng lực của chế độ cũ nên được chế độ Thiệu – Kỳ tin cậy.
Từng được xem là “Người hùng Quảng Trị” năm 1972 khi chỉ huy chiếm lại Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa”. Nhưng trong biến cố 30.4.75 giữ chức vụ trọng yếu tư lệnh Quân khu I trấn giữ từ Quảng Trị – Đà Nẵng đã tuyên bố “tử thủ Huế” song rốt cuộc lại bỏ Huế rút quân vào Đà Nẵng rồi nhanh chóng bỏ chạy ra hạm đội Mỹ trước khi Đà Nẵng thất thủ. Về Sài Gòn ngồi chơi xơi nước một tháng thì di tản qua Mỹ.
Trên đất Mỹ trở thành một trong những ông tướng chịu trách nhiệm thất bại quân sự của chế độ cũ hiếm hoi tự rút lui vào im lặng trước biến cố lịch sử giải phóng miền Nam: Từ chối trả lời phỏng vấn, không tiếp xúc với người lạ, tránh xuất hiện trước công chúng.
Có tham gia viết sách cho Trung tâm Lịch sử quân sự Mỹ song chỉ nặng về phân tích chuyên môn chiến thuật chiến lược. Chỉ duy nhất một lần viết giãi bày tâm sự “Tại sao tôi bỏ Quân đoàn I?” trong đó nêu rõ nguyên nhân chính là do lập trường và quan điểm chiến thuật bất nhất, sai lầm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó ra lệnh rút khỏi Huế để bảo vệ Đà Nẵng không ngờ gây hỗn loạn làm sụp đổ tinh thần binh lính khiến sau đó giữ Đà Nẵng cũng không nổi. Rồi qua đời lặng lẽ.

213 - Ngô Sỹ Sơn
NẠN NHÂN KHI CHƯA GIÁM ĐỊNH ĐƯỢC CHẤT ĐỘC DA CAM
Thương binh sinh 1943 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2007).
Vào bộ đội 1964 trải qua gần 10 năm trên các chiến trường Tây Ninh, Tây Nguyên rồi chuyển xuống miền đông Nam bộ. Năm 1974 bị trúng đạn vào đầu nên được giải ngũ về quê dạy học sống qua ngày.
Nhưng khi làm thủ tục xuất ngũ, cơ quan y tế giám định thương tật chỉ cho mức 20% thương binh nên chỉ được lãnh một khoản tiền nhỏ trợ cấp một lần chứ không có lương hàng tháng. Không hiểu sao còn một mảnh đạn găm trong đầu mà lại bị xác định mức thương tật nhẹ như thế, ngoài ra ông còn bị nhiễm CĐDC mà có lẽ trình độ khoa học thời đó chưa biết, chưa phát hiện được.
Chỉ tội người thương bình này sau đó mới lãnh đủ tai họa khi lấy vợ sinh con gái đầu lòng năm 1978: Em càng lớn càng lộ rõ bệnh thiểu trí năng, liệt dây thần kinh mặt, lác mắt. Tiếp đến đứa con trai thứ hai sinh năm 1983 ngoài thiểu trí năng còn đầu to miệng méo, sức khoẻ phập phù… Cả 2 chị em đã 20 tuổi mà cứ ngơ ngơ khờ khờ như trẻ nít.
Lúc đó đưa đi khám mới hay chính là di chứng của CĐDC từ bố. Và cả bố bây giờ cũng phát tác hậu quả đó: Da nổi từng đám đen, bại não, mắt mờ, tai điếc cộng thêm mảnh đạn còn găm trên đầu đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, hơn 7 năm chỉ nằm một chỗ…
Đã vậy, người vợ và người mẹ tần tảo nuôi chồng và 2 con bệnh hoạn lại mắc bệnh mất sớm năm 1995 một phần cũng do không tiền chạy chữa bởi lương hưu giáo viên còm có là bao. Bà chạy chợ nuôi ăn cả nhà còn không đủû nữa lấy gì lo thuốc thang.
Bây giờ cả 3 cha con chỉ sống sót họa hoằn bữa đói bữa no nhờ lòng tốt của hàng xóm giúp đỡ. Còn việc làm thủ tục để xin hưởng trợ cấp nạn nhân CĐDC thì 4 lần đưa đơn vẫn còn phải chờ…cải cách hành chính chắc còn lâu!

214 - Ngô Thế Hùng
VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG BUSH
Việt kiều Mỹ sinh khoảng 1943 tại VN. Sống ở Mỹ (2008).
Năm mới 18 tuổi học sinh trường Nguyễn Bá Tòng ở Sài Gòn được bạn bè tôn xưng là “Vua xuống đường” luôn có mặt hàng đầu trong phong trào học sinh sinh viên biểu tình chống chế độ Ngô Đình Diệm. Vào Đảng từ thời đó.
Sau đó bị bắt giam ở nhà tù Tân Hiệp (Đồng Nai), còn nhốt trong khu biệt giam có cái tên đẹp đẽ là “Trại Sám hối”. Trải qua nhiều cuộc tra tấn dữ dằn, 2 lần đưa xuống nhà xác vì tưởng đã chết, sau 3 năm bị bệnh nặng mới cho đi bệnh viện chữa rồi trả ra vì thất “hết xài” rồi.
Ra tù tiếp tục hoạt động cho đến ngày Giải phóng. Nhưng khi tranh đấu đã thắng lợi thì lại không tiếp tục được vì lý do hoàn cảnh riêng đành chấp nhận qua Mỹ đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên trên xứ người vất vả làm lụng nuôi con nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ quê nhà giải tỏa bằng làm thơ kể cả thơ tiếng Anh được độc giả hải ngoại biết tên. Và đã 2 lần viết thư gửi Tổng thống Mỹ lúc đó G. Bush (con) đề nghị bãi bỏ cấm vận VN đều được phúc đáp ghi nhận.
Sau khi về hưu thường xuyên vê thăm quê nhà và lần nào cũng không quên tìm đến “Trại Sám hối” ở nhà tù Tân Hiệp để nhớ lại một thời không thể quên. Nhưng đáng tiếc chỉ biết ngậm ngùi trước một di tích lịch sử đấu tranh cách mạng mà bây giờ chế độ mới lại… quên mất, mặc cho điêu tàn tan nát – như cảnh “Thăng Long thành hoài cổ” mà Bà huyện Thanh Quan đã mô tả - chuẩn bị xoá hết để bán đất cho doanh nghiệp!

215 - Ngô Thị Sâm
CÓ CON KHÔNG CHA
Nông dân sinh 1948 tại Bắc Giang. Sống ở Bắc Giang (2007).
Thanh niên xung phong thời chống Mỹ đến 1976 mới xuất ngũ về quê nương tựa bố mẹ.
Do đã lớn tuổi không lấy được chồng nên đành chấp nhận có con (bé gái) với một người đã có gia đình mong tạo niềm an ủi cuối đời. Nhưng sinh con xong bị không ít lời đàm tiếu chung quanh nên xin ra Đảng để tổ chức khỏi mang tiếng.
Rồi cả mẹ lẫn bố đều lần lượt qua đời đẩy vào cảnh một mình tự lập nuôi con mọn trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn. Vì thế quyết định xin ra khỏi hợp tác xã để làm nghề gánh đá mướn cực nhọc kiếm tiền nuôi con. Nhung con lại bệnh liên miên mà toàn bệnh nguy hiểm đậu mùa rồi hoại tử đường ruột.
Dù vậy vẫn nuôi con trưởng thành song đến khi đó con lớn lên lại đi lấy chồng xa nên bây giờ trở lại sống lủi thủi một mình khi tuổi già xế bóng.

216 - Ngô Tình
NGƯỜI ĐẠP XE ĐI TÌM THÔNG TIN LIỆT SĨ
Nông dân sinh 1937 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2008).
Năm 1977 nhân một chuyến vào rừng kiếm củi tình cờ phát hiện ra 2 ngôi mộ liệt sĩ có tên tuổi và địa chỉ liền gửi thư về quê cho thân nhân tìm đến đưa hài cốt về. Từ đó tự nhận làm nhiệm vụ ăn cơm nhà vác ngà voi của một người chuyên đi truy tầm thông tin về mộ liệt sĩ trong tỉnh để thông báo cho gia đình liệt sĩ ở ngoài Bắc xa xôi hồi mới Giải phóng chưa biết gì hết.
Tất cả hành trình gian khổ hơn 30 năm qua đó đều diễn ra trên một chiễc xe đạp cà tàng đưa ông lặn lội đi đến khắp gần hết 72 nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh – nhiều nhất nước – để ghi lại thông tin về liệt sĩ sau đó viết thư thông báo cho các gia đình liệt sĩ. Những mộ liệt sĩ nào còn nằm rải rác thì khi nắm được chi tiết cụ thể liền đến tận nơi vẽ sơ đồ báo cho cơ quan địa phương tổ chức quy tập về các NTLS, sau đó viết thư cho gia đình ở xa hay để đến thăm viếng hoặc xin di dời về quê.
Nhiều thân nhân nhận thư ông vào đến nơi còn được tiếp đãi như người quen lâu năm, có khi còn ăn ở tại nhà và gặp khó khăn là được chủ nhà vay mượn tứ tung để giúp đỡ thêm tiền tàu xe… Đến năm 2000 mới bắt đầu có chương trình thông tin về liệt sĩ trên Đài Tiếng nói VN, lúc đó mới phối hợp gửi danh sách mình tìm được lên nhờ đài phổ biến thuận tiện, rộng rãi hơn.
Đến nay sau 30 năm đã gửi thư – và gọi điện – thông báo như vậy đến gần 1.000 địa chỉ gia đình thân nhân liệt sĩ giúp hàng trăm gia đình tìm được dấu tích liệt sĩ để lại.
Để làm “việc nghĩa” này – như ông nói – mình và người con lớn phải nhận làm thêm bảo vệ cho 2 trường học để có thêm tiền… gửi thư và gọi điện báo cho thân nhân liệt sĩ. Còn “con ngựa sắt” cũ mèm vẫn không thay nổi xe khác, có khi đi xa đến NTLS huyện khác cách nhà cả 100km gặp trời mưa đường trơn trợt cả xe lẫn người lăn xuống hố gãy chân phải nằm viện suốt tuần. Về già đạp xe không nổi vẫn nhờ cháu chở đi cho được, mắt đã lòa không viết thư được thì đọc cho con viết báo tin giùm.
Vậy nhưng vẫn kiên trì nhất mực: “Đây là niềm vui lớn nhất đời tui. Có các anh hy sinh thì mình mới được sống hòa bình như hôm nay. Mỗi công việc của mình làm đem lại được niềm vui cho các gia đình liệt sĩ là cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa lắm rồi.”
Nhưng oái oăm thay 2 người anh em ruột liệt sĩ của ông hy sinh năm 1969 thì cho đến nay hài cốt ông chẳng biết nằm nơi đâu!

217 - Nguyên Đạt
“ÔNG HỘT VỊT LỘN” THỔI SÁO
Việt kiều ở Mỹ sinh khoảng 1946 tại Huế. Sống ở Mỹ (2010).
Từ năm 1968 vào Tuy Hòa dạy học.
Sau 75 một thời gian, bị “bứng” khỏi nghề dạy đành chấp nhận xuống cấp làm nghề… bán hột vịt lộn ở ga, ngày ngày đạp chiếc xe đạp cà tàng chở thúng hột vịt lộn lên ga rao bán kiếm tiền nuôi con.
Và bên cạnh thúng hột vịt lộn còn thêm một vật bất ly thân nữa đeo theo là… cây sáo thổi vi vu. Bởi ông bán hột vịt lộn này còn là một nghệ sĩ thổi sáo tầm cỡ nhờ được ông nội truyền nghề từ nhỏ thời còn ở Huế, chiếc nôi của nghệ thuật cung đình. Không chỉ thổi sáo mà còn tự chế tác ra sáo ưng ý để trình diễn.
Từ đó trở thành chuyên gia thổi sáo không thể thay thế trong đêm thơ hàng năm vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng) dưới chân tháp Nhạn trên núi Nhạn được giới văn nghệ sĩ Phú Yên khởi xướng đầu tiên năm cách đây 30 năm (đến năm 2003 Hội Nhà văn VN mới nhân rộng truyền thống đó thành Ngày Thơ VN toàn quốc). Tính ra ông cùng cây sáo – nhạc cụ không thể thiếu đối với nghệ thuật diễn ngâm thơ - đã 28 năm góp mặt trong những đêm thơ đó sau khi trở về từ những… cuốc xe bán hột vịt lộn!
Ngoài ra còn đi tìm những giọng đọc và ngâm thơ để cùng tham gia, lập thành cả một nhóm trình diễn thơ ở địa phương.
Năm 2006 theo con qua định cư ở Mỹ nhưng cứ vào dịp Đêm thơ núi Nhạn hàng năm đến hẹn lại lên trở về Tuy Hòa với màn “sáo ca” quen thuộc mà tay nghề cùng với mái tóc bạc dần theo năm tháng ngày càng lão luyện: “Mình muốn làm người tình chung thủy của đêm thơ núi Nhạn dẫu có ở góc bể chân trời nào.”

218 - Nguyễn Bích Ngọc
“NỮ HOÀNG GIẤY VỤN” PHỐ BOLSA
Lao động nghèo ở Mỹ sinh khoảng 1938 tại VN – Mất 2008 ở Mỹ (70 tuổi).
Qua Mỹ sau 75 từ hàng chục năm sống bằng nghề gom giấy vụn quanh quẩn trên khu phố Bolsa – khu phố chính ở khu Little Saigon nổi tiếng trung tâm nguời Việt ở bang California - đem bán để nuôi con thành đạt nên người.
Hàng ngày thường đẩy xe đi nhặt giấy vụn, carton trong khu này rồi đưa về chất lên chiếc xe tải nhỏ của mình, vài ngày thì thuê tài xế lái xe chở mình đi bán lại một lần. Tối lại về chỗ cũ đậu xe rồi đi kiếm chỗ ngủ lang thang vạ vật đầu đường xó chợ, trong trạm bưu điện hoặc trạm metro, người ngợm nhìn bề ngoài luôn rách rưới nghèo khổ.
Cứ thế nuôi nấng con cái lớn lên có công ăn việc làm đàng hoàng (còn khoe cho con tiền mua nhà nữa), thậm chí có con còn làm ăn khá giả nữa thỉnh thoảng lái cả xe Mercedes ghé ngang chỗ bà đậu xe tải. Tuy nhiên dù bà đã lớn tuổi vẫn chẳng thấy con cái khuyên bà nghỉ việc để đưa bà về nhà chăm sóc mà vẫn bỏ mặc bà tự lo thân già.
Đến một ngày đầu năm 2008 người ta phát hiện bà… ngồi chết trên ghế xe đằng trước đã 2 ngày rồi mà con cái chẳng hề hay biết gì!

219 - Nguyễn Chánh Tín
DÂN NGỤY ĐÓNG VAI ĐIỆP VIÊN CÁCH MẠNG
Diễn viên điện ảnh sinh 1952 tại miền Nam. Sống ở TPPHCM (2010).
Trước 75 là ca sĩ, diễn viên trẻ, đẹp trai đang lên cùng thời Tuấn Ngọc, Elvis Phương. Sau 75 rơi vào tình cảnh bị “kỳ thị”, thất nghiệp nên chỉ còn con đường vượt biên và… bị bắt!
Chẳng hiểu do một cơ duyên nào mà lại bất ngờ được Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TPHCM lúc đó vào tận trại giam… bảo lãnh cho về (có thể có quan hệ bà con, quen biết?). Rồi đưa đến giới thiệu với ông Trần Bạch Đằng thời đó là một quan chức cao cấp ngành tư tưởng – văn hóa cũng là tác giải bộ truyện “Ván bài lật ngữa” viết về điệp viên có thật là cố đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo do Cách mạng gài vào chế độ cũ nay được tiểu thuyết hóa thành nhân vật Nguyễn Thành Luân. Và được ông này nhanh chóng quyết định chọn đóng vai Nguyễn Thành Luân trong bộ phim cùng tên!
Một chọn lựa hoàn toàn không ai ngờ mà lẽ ra ban đầu phải dành cho một cán bộ cộng sản chính cống là cố họa sĩ Ớt (tức nhà văn Huỳnh Bá Thành sau này là tổng biên tập báo Công an TPHCM) song sau đó gặp trục trặc. Cũng như đạo diễn Lê Hoàng Hoa được chọn thực hiện bộ phim cũng là một đạo diễn “cũ”!
Phần nào có lẽ nhờ vậy mà bộ phim thành công ngoài dự kiến đồng thời “đã níu chân tôi ở lại quê hương”. Để đến nay tiếp tục theo đuổi nghiệp điện ảnh, lập hãng phim riêng làm phim theo hướng dòng phim giải trí, thị trường.

220 - Nguyễn Chí Lương
NGƯỜI NHẮN TIN TÌM TRẺ LẠC
Công nhân nghỉ hưu non sinh khoảng 1952. Sống ở Hà Nội (2004).
Nguyên là đặc công hải quân chiến đấu ở Quảng Trị, Quảng Nam – Đà Nẵng, năm 1977 xuất ngũ về làm công nhân cảng.
Năm 1984 lấy vợ sinh được một con gái. Nhưng cháu lên một tuổi thì phát hiện bị nhiễm CĐDC luôn trở chứng bất bình thường quậy phá suốt ngày khiến bố phải xin nghỉ hưu non ở nhà trông chừng con.
Nhưng cháu gái có tật thường xuyên bỏ nhà đi lang thang ở đâu không biết, có khi đi biệt cả tuần, mỗi lần như vậy phải nhờ cả xóm đi tìm. Rồi nhờ nhắn tin tìm con trên Đài THVN cả trăm lần tới mức nhân viên đài thấy mặt anh là biết ngay cần làm gì giúp anh!
Rồi điều không may xảy ra khi trong một lần bỏ đi cả nửa tháng trời, cô bé đã bị kẻ khác xâm hại khi mới chỉ 14 tuổi. Vì vậy sau đó tìm cách gửi cháu vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Ba Vì song cuối cùng đành phải đón về lại vì thương con sống lạc lõng xa bố mẹ không nỡ…

CAO HUY KHANH
(Còn tiếp)

2 nhận xét:

  1. Tướng NQT( SN 1929) là con rể của Thạch Lam ( hay Hòang Đạo) tức phải gọi Nhất Linh là bác vợ chứ không phải em vợ như bài viết! NL sinh khỏang 1910, chị của ông tất phải sinh trước đó có nghĩa bà hơn NQT khỏang 20 tuổi là vợ chồng thì...kỳ quá.Người gõ máy đã gõ lầm, xin vui lòng chỉnh lại cho.

    Trả lờiXóa
  2. Thừa lệnh tác giả cám ơn nhà thơ Cao Thoại Châu đã phát hiên sai sót.Tướng NQT lấy vợ là con gái nhà văn Thạch Lam.OK

    Trả lờiXóa