Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN (KỲ 22)

VIỆT NAM
HỒ SƠ HẬU CHIẾN
1975 - 2010
NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
Kỳ Hai Mươi Hai


221 - Đặng Tuyết Mai
CỰU “ĐỆ NHỊ PHU NHÂN” BÁN “PHỞ TA”
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1943 tại Hà Nội. Sống ở TP.HCM (2010).
Di cư 54 vào Sài Gòn, lớn lên làm tiếp viên Hàng không VN chế độc cũ rồi gặp và kết hôn năm 1965 với tướng Nguyễn Cao Kỳ nguyên Tư lệnh Không quân VN Cộng hòa trước khi nhận chức tương đương Thủ tướng rồi Phó Tổng thống cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nổi tiếng là “Đệ nhị Phu nhân” trẻ đẹp, năng động, quan hệ rộng thường có mặt bên cạnh chồng cả trong những chuyến công cán quân sự, cả 2 được ví là một cặp “trai tài gái sắc” thời chiến.
Sau khi di tản qua Mỹ từ trước ngày 30.4.75, sống thầm lặng cho đến năm 1990 thì hai vợ chồng chấp nhận ly dị. Chồng cũ lấy vợ mới, còn mình bắt đầu tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt cộng đồng và theo gợi ý của con gái Nguyễn Cao Kỳ Duyên một MC có tiếng cũng đã thử làm MC và… ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Cũng đã về lại VN 4 lần, đầu tiên về Hà Nội lo xây mộ cha và ông bà. Năm 2008 lần đầu tiên ra mắt trên sân khấu phòng trà ở TP.HCM hát lại những ca khúc trữ tình miền Nam một thời trước 75.
Qua năm 2009 quyết định về TP.HCM ở lâu dài để mở quán phở mang tên “Phở ta” trong đó có món “Phở Mai” do mình tổng hợp sáng chế ra. Tất cả nhờ có nghề nấu phở nói riêng và món ăn “Bắc kỳ” nói chung mà mẹ dạy cho từ nhỏ, sau này qua Mỹ mới có dịp trổ tài nội trợ.
Đó là điều tự hào nhất bây giờ: “Tôi là một phụ nữ VN mọi lúc mọi nơi.”

222 - Đinh Viết Tứ
“VIỆT CỘNG NẰM VÙNG” Ở MỸ
Luật sư Việt kiều sinh tại miền Bắc. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 75 tốt nghiệp ngành luật và báo chí, làm luật sư tham gia hoạt động chính trị ở miền Nam trong phong trào sinh viên, sau đó có lúc từng làm đặc phái viên cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Sau 75 để vợ con di tản qua Mỹ còn mình vẫn ở lại Sài Gòn vì còn mẹ già phải chăm sóc. Từ đó chấp nhận hòa mình vào chế độ mới, lên sống và lao động tại nông trường Thái Mỹ ở Củ Chi dành để “cải tạo” giới trí thức thành phố. Đến năm 1992 khi mẹ mất mới chịu qua Mỹ đoàn tụ với gia đình.
Trên đất Mỹ tiếp tục hành nghề luật sư nhưng song song đó còn tham vọng làm báo nói với việc thành lập một đài phát thanh năm 1996 mang tên “Tiếng vọng quê hương” đặt trụ sở tại khu Little Saigon có quan điểm chính trị độc lập nhắm mục đich phản ảnh “thực tế thế nào thì nói thế, người làm báo không được phản ánh sai” về tình hình trong nước ngược lại với phần lớn hệ thống truyền thông báo đài hải ngoại ở Mỹ đều mang ý hướng chống Cộng cực đoan bằng cách “bóp méo sự thật”.
Đó quả là một việc làm được dân Việt kiều Mỹ xem là “điên rồ” – nhất là lại phát xuất từ khu Sài Gòn Nhỏ trung tâm của cộng đồng người Việt ở Mỹ - bởi đi ngược lại với chủ truơng của các thế lực chống Cộng từ lâu đã độc chiếm thị trường Mỹ nên gặp phải sự phản đối quyết liệt từ các phe nhóm này. Họ tổ chức biểu tình đả đảo “đài phát thanh Việt Cộng” của một “Việt cộng nằm vùng”, yêu cầu nghị viện bang California điều tra xem đài có nhận tiền của chế độ Cộng sản hay không, hăm dọa “thanh toán” cả gia đình chủ đài…
Trong tình hình căng thẳng như vậy, được một thời gian “Tiếng vọng quê hương” buộc phải tìm cách chuyển đổi thành chương trình mới khác “Việt Nam quê hương” rồi “Tiếng quê hương” dưới dạng đài phát thanh trên Internet… Song song đó còn hình thức làm tuần tin qua đĩa DVD mang tên “Đời sống Việt” (V-life)...
Ngoài ra còn bắt tay vào viết cuốn “Việt Nam, cuộc chiến mà tôi biết” và làm thơ. Cuối năm 2009 đã trở về nước in tập thơ dày cộm “Những bài thơ trên web” dày 819 trang – đóng bìa cứng giống như một cuốn… từ điển! - gồm đến 761 bài thơ 8 chữ với nội dung tâm sự hầu hết liên quan đến những vấn đề thời sự chính trị gần đây mà mình là một người trong cuộc…

223 - Lê Thị Diễm Thúy
ÁM ẢNH VƯỢT BIÊN TRÊN BIỂN
Nhà văn, nhà viết kịch, diễn viên Việt kiều sinh 1972 tại Phan Thiết. Sống ở Mỹ (2010).
Năm 1978 mới 6 tuổi cùng cha và các anh chị vượt biên theo đường biển đến Malaysia trước khi qua Mỹ. Trong chuyến đi đó đầu tiên bị lạc mẹ và một người chị (2 năm sau mới lại vượt biên chuyến nữa mới đến Mỹ), đến khi qua trại tỵ nạn Malaysia thì một người chị khác ra tắm biển cũng… chết luôn!
Lớn lên tốt nghiệp đại học chuyển qua viết văn, làm thơ, soạn kịch kiêm diễn viên kịch nghiêng về trường phái nghệ thuật trình diễn sắp đặt hiện đại. Đã có một tiểu thuyết và 2 vở kịch cùng nhiều bài thơ – đều bằng tiếng Anh - xuất bản, ra mắt ở Mỹ và một số nước Châu Aâu đạt tiếng vang, giải thưởng quốc tế.
Dù bằng hình thức thể hiện nào, đề tài trung tâm nổi cộm vẫn xoay quanh mối ám ảnh một tuổi thơ bi thảm, đặc biệt về chuyến theo tàu vượt biên “khủng khiếp” lênh đênh trôi giạt vô định trên biển nhiều ngày đêm đói khát chưa biết bến bờ về đâu, cái chết của người chị và nỗi nhớ quay quắt về ngừoi mẹ bị rớt lại VN…
Từ đó xuất hiện nhân vật hư cấu từ hình ảnh người cha lưu vong có “sức chịu đựng khủng khiếp, chịu đựng, chôn chặt, im lặng” biến thành nhân vật “hoàn toàn sống trong quá khứ, uống rượu, ngồi sám hối trong bóng đêm” trong cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tên du đãng mà tất cả chúng ta tìm kiếm” (The Gangster We Are All Looking For, in 2001, tái bản 10 lần ở Mỹ). Là nhân vật người mẹ không hề bước chân ra khỏi hoài niệm ở vở kịch “Mùa hè đỏ lửa” (Red Fiery Summer). Là hình tượng tấm vải trắng thay cho dòng sông, chiếc thuyền, người đàn bà ôm xác con trong vở kịch “Những xác người giữa chúng ta” (The Bodies Between Us).
Có thể nói là một nền “văn chương vượt biên” đích thực, nghiêm túc: “Tôi đã chịu một cú sốc lớn từ tuổi thơ khiến tôi không còn là một đứa trẻ nữa… Tôi còn viết thêm 2 cuốn tiểu thuyết cũng về đề tài này vì dường như tôi không thể viết khác được… Truyện của tôi buồn quá vì trong đó có hơi thở của người viết… Tôi giữ mãi những chuyện buồn của mình trong lòng nhưng đến một lúc nào đó mình không đủ sức giữ nữa đành thả ra bằng tác phẩm…” Được biết cuốn thứ hai đang viết có nhân vật chính là một cậu bé sống sót từ vụ thảm sát Mỹ Lai sau này qua sống ở Mỹ.
Nhưng cũng từ đó còn mở ra một hướng đề cập, nhắc nhớ ray rứt về đề tài “Hậu chiến trong thời hiện đại” mà tác giả gọi là thời kỳ “Hậu thực dân”: “Thực tế thì hậu quả chiến tranh kéo dài mãi, nó hiện diện trên cỏ cây, trong mỗi con người. Tại sao hiện nay người VN lưu lạc ở Mỹ ở Úc, tại sao họ phải xa rời quê hương để sống những nơi xa lạ? Đó là hậu quả của chiến tranh...” Cho nên viết ở đây trước hết để ghi dấu lịch sử của cả một cộng đồng Việt hải ngoại:
“Ta đã sống
bên lề những đại dương
trong sự chờ mong
căng buồm vào bình minh…
Chị kể em những điều này
để đắp đầy những trống rỗng
của lịch sử ta ở đây…”
Và cũng để gửi đến người Mỹ: “Tôi muốn sách của mình góp ý kiến phản đối chiến tranh… Tôi viết để người Mỹ đọc và họ hiểu tại sao có người VN ở đất nước của họ. Tôi viết để họ hiểu rõ về VN hơn…”
Sau khi bà mẹ qua đời với di nguyện đuợc chôn cất ở quê nhà Phan Thiết, cô con gái đã quay về VN 3 lần. Lần mới nhất vào năm 2010 với chương trình giới thiệu các tác phẩm của mình trong đó tự cô đã học được điệu hát ru tiếng Việt để độc diễn trên sân khấu trong vở kịch của mình: “Trong sâu xa tôi biết mình là người Việt…. Tôi sống trong tiếng Mỹ chứ không sống trong nước Mỹ”.
Cuốn tiểu thuyết “Tên du đãng mà tất cả chúng ta tìm kiếm” mang đậm dấu ấn về một đứa bé thuyền nhân vô tội nạn nhân thời Hậu chiến đang được dịch ra tiếng Việt chuẩn bị in ở VN.

224 - Nguyễn Chí Trung
“NHÀ VĂN CỦA NHÂN DÂN”
. Nhà văn quân đội tên thật Thái Nguyên Chung sinh 1934 tại Đà Nẵng). Sống ở Hà Nội (2010).
Một con người “văn võ toàn tài” tham gia chống Pháp từ cuối thập niên 40, sau đó tiếp tục vào miền Trung gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ ở địa bàn Quảng Ngãi. Được người dân vùng này tặng biệt danh Ông Trung lụt” vì từng có công cứu cả làng thoát chết nạn lụt năm 1964.
Sau 75 được chuyển qua làm quản lý trong ngành văn nghệ quân đội được nhiều người khâm phục. Từng có lúc làm Trợ lý Tổng Bí thư.
Về hưu vẫn tiếp tục sự nghiệp gắn bó với quần chúng: Là thiếu tướng chỉ mang áo lính bạc phếch bôn ba đi đây đó theo dõi giúp đỡ bà con nghèo vùng căn cứ Quảng Ngãi trước kia, chạy xin chế độ cho thương bệnh binh bị quên lãng. Và bắt đầu sáng tác nhiều hơn (đã in một số tập truyện trước đó) vẫn về mảng đề tài kháng chiến chống Mỹ ở miền Trung với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Tiếng khóc của nàng Út” đoạt giải Hội Nhà văn VN 2008…
Một mẫu người cộng sản chân chính tuy có phần cực đoan – thậm chí rất cực đoan – theo “kiểu cũ” có thể bị xem là bảo thủ nhưng hoàn toàn lý tưởng, trong sáng vô vị lợi. Đồng thời luôn cầu thị, khiêm tốn, đã 79 tuổi vẫn rất chịu khó tham dự khoá học ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Suốt đời không màng địa vị, danh vọng mà chỉ một lòng một dạ hướng tới lợi ích của quần chúng.
Chính người dân đã đánh giá là “nhà văn của nhân dân” chứ không phải kiểu “nhà văn nhân dân”. Với tuyên ngôn của một thời không hẳn là không còn ý nghĩa ở thời nay hay bất cứ thời nào: “Lý tưởng cộng với nhân cách sẽ quyết định sự thành công cho tác phẩm của người viết văn. Điều quan trọng là người viết văn sống như thế nào trong thời đại của anh ta, anh ta có miệt mài không và miệt mài như thế nào trong cuộc độc hành mà số phận đã run rủi cho mình. Nhà văn thực sự là nhà văn sống hồn nhiên với cây cỏ. Anh ta biết được và biết đi cùng với bước đi của dân tộc…”

225 - Nguyễn Chuông
NGƯỜI KÝ GIẤY BÁO TỬ
Tướng bộ đội sinh 1926 tại Phú Thọ – Mất 2006 ở Hà Nội (81 tuổi).
Cấp bực thiếu tướng, trong chiến tranh chống Mỹ từng có mặt trong cánh quân tiến về đánh chiếm Sài Gòn ngày 30.4.
Đặc biệt có tiếng là một ông tướng thương lính, thẳng thắn, kiên nghị đã từ lính đi lên cấp tướng, trước khi về hưu có lúc làm mất lòng cấp trên nên bị điều về chỉ huy đơn vị huấn luyện… tân binh nữ! Tuy học vấn ít nhưng sau này thường làm thơ viết văn đã xuất bản 4 tác phẩm kể về đời chinh chiến bộ đội của mình như “Đường tới chân trời”, “Tim tôi thắp lửa”… được giới văn nghệ sĩ quân đội kính trọng.
Đây chính là một trong những người từng có nhiệm vụ ký giấy báo tử gửi về miền Bắc thông báo cho gia đình của bộ đội đã hy sinh ở miền Nam. Vì thế sau khi biết ông về hưu ở Hà Nội, thân nhân liệt sĩ khắp nơi ở miền Bắc đã đổ xô đến tìm ông nhờ hỏi thăm thông tin chi tiết về con em mình là liệt sĩ mà giấy báo tin do ông ký để tìm cách đi tìm mộ hoặc thăm mộ tại miền Nam.
Từ đó đã tự nguyện nhận thêm nhiệm vụ mới là truy tìm các thông tin cần biết ấy qua sự quen biết trong quân đội, qua các đơn vị cũ, đồng đội hoặc binh sĩ dưới quyền trước đây rồi báo lại cho thân nhân liệt sĩ. Đáp lại nhiều gia đình liệt sĩ đã nhận ông làm bố nuôi.
Cũng từ đó cho lập ngay trong nhà mình ở ngay khu cư xá quân đội tại Hà Nội một gian thờ liệt sĩ và vong linh đồng đội thời chiến tranh chống Mỹ do mình trực tiếp lo việc hương khói hàng ngày.
Trứoc khi mất có di nguyện được đưa về chôn ở quê nhà thay vì vào nghĩa trang lớn trọng vọng. Và mang cả bàn thờ trên về đặt trong ngôi nhà cũ của tổ tiên để lại gần mộ mình, bàn thờ trên đó đã cho làm tượng một con đại bàng tỏa rộng đôi cánh che chở, phía dưới là cuốn sổ ghi tên những bộ đội liệt sĩ mất tích người ta nhờ mình truy tìm tông tích mà chưa tìm được: “Con đại bàng sẽ chở linh hồn họ luôn về cùng ở bên tôi.”

226 - Nguyễn Công Luận
EM BÉ VIẾT BẰNG CHÂN
Học sinh khuyết tật sinh 1987 tại Sông Bé (Bình Phước). Sống ở Bình Phước (2007).
Mẹ mang thai đi làm rẫy hít phải hơi độc từ một thùng thuốc độc chiến tranh để lại bị dân làm rừng không biết đốt cháy làm bay hơi ra. Từ đó sinh ra con không có 2 cánh tay, cả 2 đều cụt tới khuỷu.
Mẹ phải mang con vào sống trong rừng để nuôi tránh lời đàm tiếu của người chung quanh. Nhiều lần buồn tủi định tự tử cả 2 mẹ con nhưng cuối cùng thương con vẫn gắng gượng sống qua ngày.
Lớn lên bé theo mẹ đi phụ giúp chăn trâu. Và đặc biệt mê viết, vẽ rất đẹp bằng… 2 bàn chân! Nhờ đó được chấp nhận cho vào học mẫu giáo rồi cấp 1 với thành tích 5 năm đều đạt học sinh giỏi.
Ngoài năng khiếu vẽ, còn ham thích mày mò sửa chữa những vật dụng máy móc nhỏ (đèn bàn, quạt máy, xe đạp…) đồng thời vừa giúp gia đình chăn trâu, làm cỏ vườn… Tất cả đều bằng 2 bàn chân.
Lên lớp 8 mới bắt đầu tập viết bằng 2 khuỷu tay với mơ ước “Sau này em sẽ đứng trên bục giảng…”

227 - Nguyễn Duy
VĂN NGHỆ ĐỔI MỚI SỚM NHẤT
Nhà thơ tên thật Nguyễn Duy Nhuệ sinh 1948 tại Thanh Hóa. Sống ở TPHCM (2010).
Năm 1966 vào bộ đội thông tin chiến đấu ở đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, sau đó còn tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.
Khi còn trong quân ngũ đã đoạt giải thơ báo Văn Nghệ nên sau 1975 giải ngũ chuyển qua làm nhà thơ chuyên nghiệp kiêm cả chức quản lý văn nghệ ở bộ phận phía Nam đặt tại TPHCM của báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn VN.
Tuy là “người của biên chế” của Nhà nước nhưng là một người tinh tế, khôn ngoan mà rất sáng suốt, giỏi tự xoay xở trong những tình thế nan giải vẫn giữ được tính độc lập tư duy và bản sắc nghệ sĩ độc đáo riêng. Nhờ đó đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực văn hóa, văn học thời Hậu chiến nhiều giằng xé băn khoăn.
Từ đó là một trong số ít nghệ sĩ nhìn thấy trước đòi hỏi đổi mới và trong khả năng, vị thế của mình đã cố gắng khơi gợi nó bằng 3 bài thơ trường thiên để lại dấu ấn sâu sắc ngồm bài “Đánh thức tiềm lực” viết trong ba năm 1980 - 82 (1986 mới in rộng rãi), bài “Đất nước nhìn từ xa” năm 1988, bài “Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ” năm 1992:
“ Hãy thức dậy đất đai
Cho áo em tôi không còn vá vai
Cho phần gạo mỗi nhà không còn
Thay bằng ngô, khoai, sắn
Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm
Rồi đi xa hơn – đẹp và giầu
Và sung sướng hơn…”
(Đánh thức tiềm lực)
Một nhà thơ dũng cảm (trong hoàn cảnh đời sống khó khăn có lúc phải kiếm sống thêm bằng nghề… bán thịt cầy ngoài giờ!) song cũng mang đầy… vận xui cho người khác. Bởi những bài thơ trên từng bị đánh giá “nguy hiểm” chẳng những cho cả bản thân tác giả – như ông tự bạch – mà còn gây “sự cố” lao đao thời trước Đổi mới và mới Đổi mới cho 2 tờ tạp chí Sông Hương (Huế) và Cửa Việt (Quảng Trị) bị cấp trên “đánh”!
Ngoài ra, còn là một nhà thơ tình đậm đà chất chân quê còn tìm cách làm mới việc phổ biến, quảng bá thơ VN ra thế giới – đặc biệt thơ lục bát - trong thời đại truyền thông đa phương tiện hiện đại.
Nhưng sau ba bài thơ đỉnh cao với độ vang gây tác động xã hội, năm 1997 tuyên bố gác bút làm thơ có lẽ để dành thời gian làm những việc khác không kém phần giá trị. Như lấn sang lĩnh vực dịch và in thơ cổ trên giấy dó, cả lĩnh vực lịch sử khi mở đường khơi gợi cho công trình đi tìm dấu tích 3 vị vua yêu nước triều Nguyễn (Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân) bị quân Pháp đày biệt xứ đưa lên truyền hình:
“Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…”
Và cũng may thỉnh thoảng vẫn thấy… làm thơ lại…

228 - Nguyễn Công Tam
LÍNH CHẾ ĐỘ CŨ GIÚP TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ
Thường dân sinh 1937 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2009).
Năm 1965 là lính trong một đơn vị quân đội chế độ cũ nên tình cờ tận mắt chứng kiến 53 bộ đội và du kích bị thiệt mạng trong trận đánh đồn Ba Lòng ở Quảng Trị được giao cho toán lao công đào binh – gồm những người trốn lính - đưa đi chôn tập thể.
Sau 75 chính quyền mới không truy tìm được dấu vết nấm mồ tập thể kể trên do thiếu thông tin. Mình biết và còn nhớ rõ ở đâu nhưng vì “sợ” nên không dám trình báo “bí mật” này khiến lòng vẫn không yên, vẫn thấy ray rứt. Cuối cùng nhờ người vợ và con trai đầu – một phó chủ tịch xã! - động viên, đã can đảm viết một lá thư kể lại đầu đuôi sự việc mà mình là nhân chứng sống trong đó có đoạn “Từ đó đến nay tôi luôn hoang mang, day dứt. Tôi sẵn sàng góp sức đi tìm các anh về để tâm được thanh thản…”
Sau đó đã cung cấp thông tin chi tiết lẫn sơ đồ ngôi mộ tập thể này và hơn 10 lần cùng đơn vị tìm kiếm hài cốt lên đường truy tìm.
Bên cạnh đó còn kêu gọi những người đồng cảnh ngộ xưa kia với mình hãy vào cuộc: “Tôi mong rằng cũng như tôi, họ hãy làm điều gì đó ý nghĩa để khi nhắm mắt xuôi tay khỏi ân hận.”
Đã có người làm theo ông trong đó có người chỉ huy nhóm lao công đào binh ngày trước. Nhờ đó một đợt tìm kiếm qui mô hài cốt liệt sĩ Ba Lòng đã được tiến hành từ giữa tháng 7.2009.

229 - Nguyễn Đăng San
VỢ HƯ THAI 7 LẦN
Doanh nhân sinh 1952 tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2007).
Đi bộ đội năm 1970 vào Nam chiến đấu trên chiến trường Nam Lào rồi Kon Tum. Sau 30.5.1975 xuất ngũ thương binh 3/4 với 8 mảnh đạn còn ghim trong người, được chuyển về làm ở xí nghiệp than tại Quảng Ninh.
Năm 1976 cưới vợ nhưng qua 7 lần vợ mang thai đều không sinh con được, tất cả vì di chứng CĐDC từ người chồng mang thương tật 45%.
Mãi đến năm 1983 mới sinh được con gái duy nhất tuy cơ thể ốm yếu thường xuyên bị bệnh còi cọc song vẫn lướt qua được có vẻ như được bóng ma CĐDC buông tha. Nhờ học giỏi cháu đã phấn đấu tốt nghiệp đại học rồi được học bổng du học Nhật Bản.
Thế nhưng qua Nhật rồi thì lúc ấy mầm mống CĐDC mới lộ mặt phát tác làm con gái mắc bệnh u nang buồng trứng phải giải phẫu. Tuy sống sót nhưng như thế xem như cháu không thể có con được và vậy là dòng dõi bố mẹ trở thành… tuyệt tự!
Dù vậy người cha vẫn chấp nhận chịu đựng nỗi đau tận cùng để cắn răng cố học thêm đại học tốt nghiệp rồi từ năm 2005 ra mở công ty xây dựng riêng tạo công ăn việc làm cho đồng đội thương binh, cựu chiến binh ngày xưa và gia đình họ. Với niềm vui an ủi còn lại là rảnh rang ngồi làm những bài thơ mộc mạc nhớ về một thời áo lính đùm bọc nhau không quên:
“… Giữa mênh mông khói lửa mịt mù
Vẫn cố gọi mong thấy nhau đủ mặt.
Túi lương khô chia nhau dè dặt
Điếu thuốc lào mỗi đứa kéo nửa hơi…”

230 - Nguyễn Đình Chiến
VỤ ÁN XUYÊN THẾ KỶ
Doanh nhân sinh 1951 ở Bắc Giang. Sống ở Hà Nội (2010).
Năm 18 tuổi vào bộ đội đánh Mỹ, sau 75 đi học lại và tốt nghiệp ĐH Thủy lợi đi làm công chức ở Hà Bắc.
Đến năm 1981 thấy chán liền xin nghỉ bỏ biên chế Nhà nước – một hành động khá dũng cảm vào thời bao cấp này – để ra mở công ty làm được một kỳ tích lấn biển mở đất cho dân tại Quảng Ninh được ca ngợi lúc mới 31 tuổi.
Từ đó tìm đến Cần Thơ làm ăn nào ngờ năm 1996 bị bắt giữ ghép tội kinh doanh bất hợp pháp đề nghị xử tù 20 năm. Tuy nhiên đã kháng cáo liên tục khiến trở thành là một “kỳ án” với những con số kỷ lục ly kỳ: 5 bản kết luận điều tra, 2 lần thay đổi tội danh, 4 bản cáo trạng – tất cả đều khác nhau, 2 bản kháng nghị phúc thẩm, 2 lần tòa trả hồ sơ điều tra lại...
Sau vô số phiên tranh tụng, kêu oan kéo dài lằng nhằng gần 10 năm trải qua 5 lần xét xử đều cho kết luận khác nhau đến năm 2006 tòa mới chính thức phán quyết… vô tội! Được Viện Kiểm sát Nhân dân Cần Thơ tổ chức xin lỗi công khai đàng hoàng. Từ đó đâm đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại lên đến 568 tỉ đồng dựa trên những con số thiệt hại đều lấy từ bản… cáo trạng tố tụng mình trước đó!
Trắng án nhưng chưa được giải quyết bồi thường vẫn trở lại tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Hà Nội khá nổi đình nổi đám được giới thiệu trên truyền hình VTV1 trong chương trình “Người đương thời” nổi tiếng như là một doanh nhân thành đạt sau nhiều gian nan vuợt qua “số phận nghiệt ngã”. Nhưng liền ngay sau đó chỉ vài tuần lại bị… bắt giam chờ ra toà về tội dùng giấy tờ giả lừa đảo nhiều người với số tiền hàng chục tỉ đồng!
Vụ án chưa xét xử nên không biết đâu là sự thật cả về vụ án này lẫn vụ án xuyên thế kỷ trước đó.
CAO HUY KHANH
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét