Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2008

TRUYỆN NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

ĐƯỜNG CHÂN TRỜI
Truyện ngắn

Cô vòng tay ôm Tuấn khi anh đang vẽ. Một chút bối rối trên gương mặt người đàn ông đứng tuổi. Một thoáng bối rối sau bờ vai thả mái tóc mềm mượt của Diễm. Cô cảm nhận được nhịp đập trái tim anh. Anh nhắm mắt, xúc động thực sự. Lâu lắm anh không có cảm giác này, cảm giác của sự ấm cúng và một nỗi sợ hãi mơ hồ đang tan chảy. Thoáng chốc, anh quay lại nhìn vào mắt cô, “Cho anh một giây”, nói dứt lời, anh hôn nhẹ lên môi Cô cười bước về vị trí cách đây mấy phút cô đứng lặng ngắm từng nét vẽ của anh. Những gam màu của quá khứ được anh trộn đều,bức tranh mang hình hài của một thời đại đã có dấu son trong lịch sử của dân tộc. Một thời đế vương sừng sững những đền đài , thành quách và chùa chiền, miếu mạo. Đốt thêm điếu thuốc, anh vẽ trong khi cô ngồi tẩn mẩn đếm từng ngày trôi qua. Trại sáng tác lần này được tổ chức với hình thức tuỳ nghi di tản. Một khách sạn nằm ở nội đô, xa những phố xá ồn ào, xa những trò chơi tiêu khiển . Không gian nơi này hợp với những người viết văn, cô nghĩ thế. Ở trại sáng tác, mọi người tự quyết định việc ăn uống, đi lại, viết lách, tâm sự. Và thời gian không ràng buộc, không ngủ, thức theo mệnh lệnh mà chỉ là thời gian mở cho mọi người sáng tác, hoàn tất những dự định của mình.

Tháng 4, Huế mới toanh. Mọi thứ trong và nhẹ bẫng. Những hàng cây long não đến mùa xanh lá, những cụm điệp vàng rải thảm xuống lòng đường, cao hơn, những dãy hoa bằng lăng tím từng góc phố. Không gian, thời gian, những ánh mắt, những bước chân đều có thể trở thành nhịp thở. Tối, cô và anh cùng mọi người kéo nhau lên ga uống trà, tâm sự tới rạng sáng mới về khách sạn. Giữa khuya, tiếng đàn guitar bật lên từ hành lang tầng hai khách sạn như nhắc mọi người về sự hiện diện của Thanh. Người nhạc sỹ duy nhất trong ba mươi anh em văn nghệ sỹ tham gia trại. Thanh điềm tĩnh và hiền. Anh có cặp kính cận màu hồng, nhìn xa giống như một bác học chứ không phải nhạc sỹ. Suốt thời gian ở Huế, anh đã viết được ba ca khúc về Huế, trong đó, cô thích nhất ca khúc “Mắt Huế”. Cô thuộc típ người lãng mạn. Nhưng nhìn bề ngoài, ít ai nghĩ cô là người lãng mạn. Cô ồn ào, sôi nổi. Cô đến từ miền biển. Nước da ngăm đen, đôi mắt tròn, và nụ cười xinh. Nhạc sỹ Thanh thường đệm đàn cho cô hát, tỉ tê và nhẹ bẫng. Chất giọng miền Trung trong và ngọt, cô không phải là ca sỹ nhưng có chất giọng. Cô vô tư đi giữa những người đàn ông, trộn đều nghĩ suy về mọi thứ. “Tựa vào đêm Huế say lòng lữ khách, tiếng cười em trong vắt những tầng đêm” Cô hát theo nhịp đệm guitar của Thanh. Lúc đó, cô muốn tan vào không gian Huế

Tuấn đã gặp cô giữa khuya trên ban công khách sạn khi cô đang mãi nghe nhạc bằng máy MP3. Anh châm thuốc và nhìn cô từ phía sau lưng. Chỉ có thế. Rồi anh lặng lẽ vẽ như chưa gặp cô, hay đúng hơn anh không muốn mình gợn sóng. Gợn sóng lòng khi đã đủ đầy, khi đã neo vào bến lặng bình yên của Uyên với hạnh phúc gia đình. Nhưng, anh lại hồ nghi khi nhìn thấy cô với vẻ đa cảm choán lấy những thời khắc với anh bên bữa cơm tập thể, bên tách cà fê, bên những cơn mưa Huế giăng mắc. Anh nghĩ về một điều nào đó khác với cách anh đang có. Anh khát khao. Giữa biển người kia, cô và anh chỉ là hai trong số những người có mặt trên thành phố này, để làm mới, làm rạng rỡ thêm hoạt động văn học nghệ thuật. Anh cũng nghĩ về điều có thể, mình có thể rung cảm thực sự và để cho trái tim mềm yếu của mình quyết định một lần. Một lần thôi, vì đã lâu anh không nghĩ mình còn cảm xúc rung động trước bất kỳ người phụ nữ nào ngoài Uyên, vợ anh. Công việc cuốn anh đi, anh không có thời gian dành riêng cho mình với những khoảng lặng ngoài chồng ngoài vợ. Anh đã dồn hết tâm trí mình vào sáng tác. Những bức tranh đã giúp anh cân bằng nội lực và vui với những niềm vui cũ mới không đều. Đã mấy lần tại bữa ăn trưa với anh em văn nghệ sỹ, anh cứ lén nhìn cô. Cô vô tư giữa mọi người, hồn nhiên nói cười. Đôi mắt sáng và nụ cười nhân hậu. Anh không để lộ những cảm xúc thật của mình. Anh bắt đầu quan sát cô ở mọi góc độ. Phòng anh ở cuối dãy hàng lang, mỗi khi anh chuyển bị cọ để vẽ, bao giờ anh cũng đứng dửng dưng bên hành lang, nhìn về phía cô. Cô để lọt mái tóc sau vai, chiếc váy đen huyền ảo. Anh đoán cô đang buồn, đang thổn thức điều gì đó, nhưng anh không muốn khuấy động cô…Những ý nghĩ bất chợt thoáng qua trong đầu anh.
Anh, cô, những cây cọ và toan, những màu sắc sơn dầu xanh, đỏ, lục, lam, chàm, tím. Tức tưởi, anh ném lại những va chạm cơ thể mình vào cô. Chông chênh một đêm Huế trễ tràng trên ngực cô run rẩy. Anh yêu. Điên cuồng và hoang dại. Giấc mơ kéo dài, tiếng lách cách của chiếc đồng hồ bàn đang báo hiệu trời gần chuyển sang ngày mới. Sự dồn nén trong vòng tay anh làm cô ngã quỵ, không neo vào được bến bờ nào, không rơi xuống được vực sâu. Cô lơ lửng giữa những tầng ý nghĩ của lý trí và trái tim. Anh thì thào “Em mở rộng trái tim mình cho anh”. Cô khóc nghẹn ngào. Người đàn bà trong tay anh mềm nhũn với một hơi thở ấm và nồng mùi hương từ mái tóc, từ khóe miệng, từ ánh mắt khép hờ. Chừng ấy
đủ gợi lên trong anh sự trỗi dậy, sự hiến dâng, và ý nghĩ chiếm lĩnh. Anh hôn cô, mơn man vào những phần cơ thể gợi tình… Có tiếng bước chân nhẹ bẫng của phụ nữ. Anh nằm im trên giường, đoán chừng bước chân ấy có tới phòng anh với nụ cười nhẹ, hơi thở gấp và ban phát những nụ hôn. Nhưng bước chân ấy xa dần về phía cuối hành lang bên kia, cô đã về phòng. Anh nhắm mắt và lại hình dung ra những thước phim về cô và anh trong đường chân trời rộng mở. Anh biết cô đã có bến đậu an toàn. Và anh còn biết, cô hát ru rất hay. Cuộc hôn phối của thơ và mỹ thuật đã làm cho anh hiểu thêm về những giá trị của nghệ thuật. Điều đó cũng ném anh vào những mê cung của tình yêu. Anh muốn đi đến những ngã sâu nhất trong đường cong chân trời rộng mở. Anh muốn được hôn cô. Anh muốn tận hưởng những phút giây ngọt ngào bên cô. Mà điều đó, mãi mãi là viễn tưởng. Giấc mơ đó đẩy anh đến chân tường khi người cùng phòng gọi anh mở cửa. Một trưa Huế oi oi nắng đầu hạ. Anh toát mồ hôi, người hâm hấp nóng. Anh ốm. Trận ốm đầu tiên từ hôm xa nhà. Có bàn tay đặt lên trán anh, nhẹ và dịu. Có ly nước cam đặt lên chiếc tủ đầu giường anh
Có hoa hồng cắm trên góc tủ. Có bước chân một người vừa rời khỏi phòng và khép hờ cửa lại. Anh mở mắt. Cô vừa đi khỏi phòng anh. Cố gượng dậy với tay cầm ly nước cam, lòng anh nhẹ bẫng. Từng nơ ron thần kinh chuyển từ tim lên não, rồi lý trí cho trái tim phần quyết định. Anh nhắn cho cô “Em qua phòng anh được không”. Không thấy tín hiệu gì từ máy điện thoại. Anh nằm im. Không gian bỗng dưng rộng vô cùng. Cô bước nhẹ về phòng anh, hát ru anh bằng bài hát ru lời ca dao. Anh nhìn thấy cô khóc. Anh kéo cô về phía mình. Lặng im. Cô nói đủ anh nghe “làm sao em có thể sống với một trời ước mơ? Anh không muốn nghe, anh muốn thể hiện tình cảm của mình bằng một nụ hôn. Cô lặng yên đáp trả. Ngọt ngào. Hơi thở cô đứt quãng. Anh ôm chặt cô như thể sợ cô tuột khỏi vòng tay.
Đêm bên quán Huế tím, cô, anh cùng nhóm bạn văn nghệ sỹ ngồi nhâm nhi trà đạo và nghe cô tiếp viên nói về nghi thức chế biến trà, cách thưởng ngoạn trà và đàm đạo. Nhạc quán mở nhẹ bẫng, khúc Nam ai nam bằng thoảng nhẹ trong không gian yên tĩnh của Huế. Cô im lặng lăn theo những suy nghĩ vừa mới chiếm lĩnh tâm hồn mình. Một ca khúc mới của nhạc sỹ Thanh sẽ được phối khí vào ngày mai. Ca khúc ấy nhạc sỹ Thanh viết tặng cô, để ngõ bao điều chưa nói. Cô run run khi nghĩ về tình yêu, điều mà người ta thường xét nét với tư cách là một nhà hiền triết. Xét nét ở những góc độ của cuộc đời bằng những nghi thức ràng buộc và cả những sự lạc hậu thời xưa. Cô cho rằng, yêu nghĩa là chạm đến được tâm hồn người đó, chạm tới được những ngăn nhỏ trong tim người đó. Cô nghe tiếng được tiếng mất, mọi người đang trở về với xứ phù tang nơi khởi đầu cho nghệ thuật trà đạo. Cô trà nhân đang lướt nhẹ đôi tay trên những chiếc chén uống trà bằng chất liệu đất nung mà cô gọi là chén trà mẫn cảm. Nghĩa là người uống trà vừa uống vừa nhấm nhấp hương thơm tỏa ra từ chén. Cô gái pha trà đang lắng giọng “ Để có một ấm trà ngon, cần phải chú ý ở 4 điểm: "Nhất thuỷ, nhì trà, tam pha, tứ ấm". Tức là quan trọng nhất là nước rồi đến trà, đến cách pha và cuối cùng là loại ấm đựng trà. Hình như anh cũng không nghe, anh siết mạnh tay cô. Cô bừng tỉnh, bất ngờ khi nhìn sâu vào mắt anh. Ở đó, cô nhận được một tình yêu vô bờ bến. Bất chợt cô cười “Em không tin”, anh gõ nhẹ vào trán cô “ Ngốc ạ, anh phải làm sao em mới hiểu anh”. Cô im lặng. Anh trở về với chính mình. Những chuyến đi công tác xa chỉ dành để anh thực hiện những bộ phim tài liệu về đời sống bộ đội vùng biên. Lăn lộn với các chiến sỹ biên phòng vùng biên để cùng sẻ chia với nỗi vất vả cực nhọc của người lính biên cương, hay ra hải đảo để cùng ăn một bữa cơm có rau xanh trồng từ sương đêm. Anh đã từng đi nhiều và biết đến những vùng đất cuối cùng của tổ quốc. Chất lính trong anh chân chất, những tác phẩm hội họa, những bộ phim tài liệu về người lính của anh đã mang lại cho anh nhiều những thành công. Nhưng anh vẫn chưa hiểu được trên con đường của mình, có bao nhiêu chông gai đợi sẵn. Anh không bằng lòng với chính mình mà anh lại bơi giữa những nghĩ suy về thời cuộc. Nhưng, cái chữ nhưng nó vẫn cuốn lấy người ta khi không thể biện minh cho chính hành vi của mình. Khi không thể cưỡng lại được sức hút của trái tim. Anh đã có một cậu con trai sau bao ngày mong mỏi và chờ đợi. Anh là một người lính, là hoạ sỹ trong quân đội. Đam mê những ước vọng vươn tới đường chân trời bỏng nắng. Những ý tưởng của cả một thế hệ hoà bình bứt lên. Những bức tranh ra đời chứa đựng ở đó sự dồn nén về hạnh phúc, những toan lo về gia đình, những lớp sơn vẽ như từng vỉa than cứ sáng dần lên trong đêm đông loang lạnh. Miệt mài học tập, anh quên đi tuổi trẻ của mình đã qua khi bước qua tuổi tứ tuần. Anh đã kể cho cô nghe về Uyên – mối tình đầu của anh, với những mẫu tự được lắp ghép từ lâu lắm của quá khứ. Anh trở về mốc của thời mười tám hai mươi và ngồn ngộn những cảm xúc yêu đương đầu đời. Hồi đó, mẹ anh thường nói với con trai rằng, mình sinh ra trong cuộc đời này đều có một số phận để gửi lại thân mình. Cách nói của mẹ anh không máy móc như anh nghĩ, đơn giản chỉ là lời nhắc nhở của một bà mẹ nông thôn chân chất, hồn hậu khi lo cho tương lai con trai mình. Anh từng nghĩ, mình chẳng bao giờ yêu ai khác, giờ sống với Uyên nghĩa nặng hơn tình. Anh nói với cô, anh yêu em nhiều hơn những gì anh nghĩ mặc cho có nói ra điều đó em cũng khó tin. Anh yêu em như cái cảm giác khi anh mất em. Đúng. Cô không tin. Hình như cô nguỵ biện cho chính mình. Cô không nhận là mình không yêu nhưng cô nhận ở mình cái điều giản dị khi làm mẹ. Vợ chồng cần nhất lòng tin. Cô nói với anh như nói với mình như thế. Cô không cắt nghĩa hay đúng hơn cô không nhớ nỗi mình đã làm những gì để biện minh cho nước mắt của mình.
Người đời vẫn nói, khi yêu ai đó, mình sẽ sống tốt hơn và yêu thương cuộc đời hơn. Cô tự hỏi mình như thế khi chia tay ở bến xe, anh khóc. Một phút lòng bỗng xót xa. Cô không tiện nói ra điều mình đang nghĩ. Nếu nói ra, chắc gì anh đã tin, rằng đường chân trời không thể có điểm chung, anh và cô chỉ có thể đi trên hai con đường song song, chỉ nhìn thấy nhau và không chung điểm nào. Dù đó là một chút hy vọng mong manh nhất. Nhưng hy vọng chỉ có thể thành hiện thực khi biết đặt đúng chỗ.
Tháng chín. Cô nhận được đĩa nhạc Thanh gửi, với lời đề tựa ca khúc đầu tiên “Em xa trong những khoảng chân trời gần nhất, cho Diễm và những ngày ở Huế”. Chiều trong hơn cả nước mắt cô. Cô nghĩ tới đường chân trời nhưng không phải trong lời đề tựa của Thanh mà trong lời của Tuấn đêm cuối cùng lang thang uống trà trên ga Huế, “anh sẽ gặp em ở đường chân trời. Trong hội hoạ, con người có thể gặp nhau ở đường chân trời, em biết không?” Cuộc sống vẫn hồn nhiên trôi. Cô không dám chắc mình đã nhớ…
Trại sáng tác Huế 2008
N.T.A.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét