Lần đầu tiên mình chứng kiến lão khóc.
Con
người ấy, cuộc đời ấy, dẫu qua kinh hoàng những nỗi thăng trầm, máu có
thể dễ dàng đổ nhưng nước mắt chắc không dễ dàng rơi, dẫu mình đoán, hẵn
không ít lần tâm hồn ấy đã chảy nước mắt không cần phải với những lý do
tầm cỡ lớn lao, mà đôi khi chỉ giản đơn là trong lúc nhìn một mầm cây
hay một tiếng chim, tiếng gió vút qua trong một buổi sáng, buổi trưa,
buổi chiều nào đó giữa thiên nhiên đất trời vắng lặng…
“Này
Nguyệt ơi…” - hiếm hoi mỗi khi nghe lão gọi như vậy là mình biết lão
sắp nói điều gì đó… “đàng hoàng”! - “Trường Sa sao rồi?” Giọng lão
nghiêm trang qua điện thoại.
Buổi
chiều, khi bên ngoài núi đồi đất trời Phương Bối vần vũ cơn mưa, mình
ngồi kể lão nghe về biển đảo. Lão đã khóc, không chỉ là rơi nước mắt, mà
là tức tưởi, vỡ òa... khi nghe đến đoạn mình tả cảnh cả tàu thả hoa
xuống biển, tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong sóng gió ngoài
xa, giữa hãi hùng đại dương thăm thẳm:
Những
bông hoa thả xuống biển hình như đẹp và rõ hơn khi cầm ở trên tay, bởi
biển quá trong và quá đẹp! Hoa nổi rợn người! Các chiến sĩ hải quân áo
trắng thẳng hàng nghiêm tay chào những đồng đội của mình đã khuất!!! Mắt
ai cũng đỏ nhòe nhoẹt nước!!! Tiếng nhạc từ loa phóng thanh trên tàu
cất bài “Nghĩa trang đồng đội” của Huỳnh hữu Thưởng với những lời nghẹn thắt trong tim:
Nghĩa trang đồng đội của tôi
Ở nơi rốn bão, ở nơi gió gầm
Đáy sâu bè bạn tôi nằm
Lặng thầm đã mấy mươi năm qua rồi…
Dẫu còn giá buốt trên đời
Xin riêng ấm áp những nơi bạn nằm
Lạy trời bão tố sóng gầm
Xin đừng lay động những tầng thủy sâu.
Đã thèm cây cỏ tươi màu
Cũng thèm thăm thẳm một bầu trời xanh
Thèm ngày xuân tiết thanh minh
Tay người thương thắp cho mình nén nhang
Sớm nay biển lặng trời quang
Trên tàu đồng đội xếp hàng thả hoa
Khói nhang bay quyện là đà
Trời xanh biển lặng…đổ òa xuống mưa…!
(NGHE BÀI HÁT "nghĩa trang đồng đội" Ở ĐÂY:
Hoa của mình và của cả đoàn công tác số 7
(trong chuyến đi thăm Trường Sa từ ngày 21-4 đến 3-4-2014) thả trên biển
tưởng niệm chiến sĩ hy sinh
Rồi
mình kể lão nghe về những “đứa lính” trên đảo: “Nhìn chúng mà cứ liên
tưởng đến mấy đứa cháu nhỏ trong họ hàng mình. Chúng trẻ đến nao lòng!
Khi ca sĩ hát và kêu mời các chiến sĩ lên cùng hát múa, tụi nó hồn nhiên
chạy lên và… lão biết là chúng làm gì không? Nhảy hiphop! Trời ơi! Cứ
tưởng như mấy đứa nhỏ đó mới hôm qua đi học về quăng cái cặp vô góc,
trốn mẹ chạy ào ra đường đi uống trà sữa rồi tụ tập bên vỉa hè thi
hiphop với nhau!... Vậy mà hôm nay chúng ra ngoài đó. Giữa biển khơi bốn
bề lặng vắng, đối diện với hiểm nguy từng phút bất ngờ, chúng lớn tự
bao giờ không biết! Có lẽ là khi đặt tổ quốc lên vai, con người ta
trưởng thành ngay lập tức. Hôm đoàn công tác đến đảo, có một chú lính
nhỏ đang ca trực quan sát trên cao, vài người đến xin chụp ảnh lưu niệm,
chú chàng rất nhiệt tình và chịu cực thực hiện hết mọi yêu cầu, vui vẻ
với mọi người, nhưng chút chút lại chạy ra ngó vào ống nhòm, không lơ là
nhiệm vụ! Nhìn mà thương đứt từng đoạn ruột!!!”.
Năm
1986 mình ra chiến trường phía phía Bắc. Giờ vẫn nhớ rõ như in hình ảnh
một em chiến sĩ người nhỏ nhắn, ốm nhom đứng lọt thỏm trong chiến hào,
khi mình hỏi: “Em vầy sao bưng nổi trái đạn kia?” Em cười nhỏ nhẻ: “Bình
thường em bê không nổi, nhưng có tiếng súng nổ lên là em bê luôn”! Và
khi kể rằng chú lính ấy còn dắt theo con chó nhỏ chạy lúp xúp dưới hào
thì lão Sơn Núi lại bật khóc! Trong bệu bạo nước mắt nước mũi, lão nói
rằng có một điều rất xé lòng khi hồi xưa lão nghe kể chuyện trong một
đoàn quân đang đi có lẫn theo những con chó nhỏ, những con chó ấy vừa là
bạn, vừa là “chiến hữu” mà lại vừa là… thực phẩm! Mình biết, giọt nước
mắt nghẹn uất đó lão khóc cho nhiều điều lắm, trong đó cơ bản là khóc
cho kiếp người khốn khổ u mê!!!...
2. “Sao nghe máu chảy lại rần trong ta”
Trời
vần vũ nhưng mưa cuối cùng đã không đến, mình lừa lão một cú rằng “đi
ngắm hoàng hôn” để chở lão lên ngọn đồi đang xây một ngôi chùa nhỏ mà
mình định đặt tên là Thiền thất Phương Vân. Lão bồi hồi xúc động khi đặt
chân lên ngôi thiền thất. Khung cảnh buổi chiều xung quanh quá đẹp! Vị
thế ngôi thiền thất trên ngọn đồi quá tuyệt vời! Mình chỉ tay ra xa phía
có dãy núi đậm to về hướng Đà Lạt, hỏi lão núi gì thì lão bồi hồi nói:
“Đó là núi Đại Bình. Ngày xưa biết bao lần lão đã lang thang một mình
đứng ngồi ở đây, ngó về phía đó và viết bài thơ:
Ngó mông ra núi Đại Bình
Hoàng hôn vừa xóa muôn hình phù vân
Cái danh ngàn thuở cóc cần
Sao nghe máu chảy lại rần trong ta.
Ờ,
buổi chiều của đời người, tưởng như “hoàng hôn” sắp xóa đi mọi thứ
“muôn hình phù vân”… nhưng không, những giọt nước mắt của lão vừa rơi
lúc nãy, cũng như những giọt máu “lại rần trong ta” của một tâm hồn
không chỉ của bao la đất trời rộng lớn, mà còn là của một tấm lòng thao
thiết với con người, tổ quốc, non sông… rất cụ thể quanh mình.
Tháng 5-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét