Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2004

ĐẠO DỪA NGUYỄN THÀNH NAM 2



Bài 2 : NGUYỄN THÀNH MAM TẦM SƯ HỌC ĐẠO



           Năm 1945, Nguyễn Thành Nam từ biệt gia đình vợ con tầm sư học đạo. Ông bỏ Bến Tre lên tận Châu Đốc vào núi Thất Son ( có nguồn thông tin khác là núi Tà Lơn) và chọn nơi đây làm chỗ tu hành
TU THEO HẠNH ĐẦU ĐÀ
            Theo tài liệu ghi lại của ông Dzoãn Tiến Đạt ,ngày mồng ba tháng chín năm Ất Dậu ( 1945 ) , ông đến chùa An Sơn ở Bảy Núi, Châu Đốc quy y cầu đạo với hòa thượng Thích Hồng Tôi. Tu theo hạnh đầu đà, theo phái tiểu thừa pháp môn khổ hạnh.Ông ngồi tại bệ đá trước cột phướn chùa suốt 3 năm, đêm ngày tịnh khẩu, chịu đựng gió sương thân hình chỉ còn da bọc xương
                Người ta có thể nghi ngờ đủ thứ về Nguyễn Thành Nam từ chuyện học hành,bằng cấp, đời tư nhưng chuyện tu hành là có thật,tu nghiêm chỉnh đàng hoàng. Một số đệ tử tỏ ra thần thánh hóa ,thêu dệt thêm những chuyện huyền bí chung quanh cuộc đời tu hành của ông.Chính bản thân Dạo Dừa sau khi lập Đạo,có nhiều việc làm không giống người tu hành bình thường,điều này lại càng có thêm nhiều người biết ông,có người không đồng tình nhưng cũng được nhiều người thích thú,ủng hộ,đạc biệt là tín đồ theo ông ngày càng đông
               Ví dụ  có câu chuyện nghe qua nhiều người cho phi lý, khó tin, bịa đặt, nhưng được “Cậu Hai” và những đồ đệ ruột thịt loan truyền nhằm chứng minh cho sự hi sinh cao cả của ông như sau:
                Lúc ở Thất Sơn, Cậu Hai bị quỉ vương (satan) thử thách bằng 100 ngày không cho ăn uống chi cả (?) Ngày đêm ông cứ chạy khắp nơi. Một hôm, sau khi chịu nhiều đe dọa, thử thách ghê gớm, thần kinh căng thẳng tột độ như mài khất nhượng, chờ quỉ vương 18 nước đến hành hình cắt lưỡi… Quỉ vương ra lệnh cho “Cậu Hai” quì gối trên gạch từ sáng tới trưa, rồi sai người nhà đem đến cho “Cậu Hai” một cái mõ (tượng trưng cho bom nguyên tử). Từ trên không có tiếng quỉ vương ra lệnh: “Đây là trái bom nguyên tử, nhà ngươi hãy bỏ để tiêu diệt hết thế giới này đi…”. “Cậu Hai “suy nghĩ giây lâu rồi đáp: “Ta đâu khiếp nhược. Ta nhất quyết hi sinh cứu nhân lọai”. Quỉ vương nóng giận hét to: “Vậy để ta đem nhà ngươi xuống địa ngục hành hình để xem nhà ngươi còn cả gan cứu đời nữa không cho biết”. Quỉ vương nói xong, nghe có tiếng lòi tói, tiếng xích xiềng, tiếng dụng cu tra tấn vang lên rổn rảng.
                  Qua câu chuyện ấy, “Cậu Hai “bảo đó là “con đường hi sinh cao cả toàn vẹn để cứu mình, cứu dân tộc và nhân lọai – gọi là bất chiến tự nhiên thành, không sai”.
                  Thời kỳ ở Thất Sơn, “Cậu Hai” đã đến thăm viếng nhiều nơi như núi Cấm, núi Ông Tô, núi Dài… Du ngọan Cấm Sơn (núi Cấm), “Cậu Hai” gặp một hòn đá giống hình chiếc tàu, đêm đến ông nghỉ lại ở đó, nơi đây ông gặp nhiều điều lạ, kỳ bí. Cuốn “Đời khổ hạnh ông Đạo Dừa” chép: “có lần đi đến điện Rao Tần nghỉ trưa, tai nghe tiếng đờn du dương và thêm tiếng sáo thổi ở dưới hang cách điện không xa, tu sĩ phăng lần đến để xem cho biết. Nhưng vừa đến thì tiếng sáo và đờn đã dứt, tu sĩ nói rằng, núi này xưa nay người ta đồn linh thiêng huyền bí là đúng lắm, có nhiều vị tu đắc pháp, khi ẩn khi hiện, giờ phút nào cũng có các vị ấy ở kề một bên, người mắt phàm không sao thấy được. Tu sĩ ngày thì dạo núi, ban đêm lên ngồi tịnh trên chiếc tàu. Trong giờ tịnh nghe tiếng chuông, tiếng mõ ở trong hang dội ra vang động, nhưng sáng xuống không gặp người, qua đêm chót đuợc chứng kiến những việc từ đầu  đến cuối, nhưng tu sĩ vẫn giữ kín không hề tiết lộ cho ai biết. Thời gian tu sĩ ở lại Cấm Sơn 7 hôm, mắt thấy tai nghe đầy đủ những sự việc trên đây, rồi trở xuống núi đúng ngày mùng một Tết vào giờ ngọ” .
           Kể từ ngày qui y, mùng 3 tháng 9 năm Ất Dậu (1945) sau khi tu ở chùa An Sơn (3 năm), Năm 1948, ông trở về Định Tường (nay là Tiền Giang) ngồi tựa mé sông bên  bắc Rạch Miễu hành đạo mặc kẻ qua người lại.
         Năm 1950, ông trở lại xã Phước Thạnh dựng đài bát quái cao 14 thước, đêm đêm lên ngồi hành đạo trên đài, choàng một manh áo, chịu đựng mưa nắng. Cuộc sống tu hành đơn sơ, đạm bạc, thức ăn chỉ là trái cây, chủ yếu là dừa (nên mới có biệt danh là Ông Đạo Dừa). Mỗi năm ông chỉ tắm một lần vào ngày Phật Đản.
           Năm 1963, ông Nguyễn Thành Nam đến Cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre xây dựng chùa Nam Quốc Phật'', và tại đây ông chính thức tuyên bố thành lập Đạo Dừa

TRÒ CHƠI CHỮ CỦA ĐẠO DỪA

             Cũng theo tư liệu của ông Dzoãn Tiến Đạt, Nguyễn Thành Nam sính dùng từ,  chơi chữ đủ trò. Cách xưng gọi “Cậu” cũng tỏ ta đây là công tử – dân cậu, dân thầy (Maitre), dân giàu sang của đất đồng bằng hào phóng. Theo kiểu Tây, ông đảo họ tên Nguyễn Thành Nam ra Nam Nguyễn Thành.. Sau khi bỏ đài bát quái bằng cây dừa, ông L.P ở Sài Gòn chi tiền cho Đạo Dừa xây đài cao 24 mét bằng sắt ống nước thì được giải thích là “để lo việc nước”. Ông xay thức ăn ra thành nước để dùng, được giải thích: “bậc quân tử vì lo làm hòa bình mà không nghĩ đến ăn, chỉ uống”, theo câu: Quân tử vi tác hòa bình nhi ư vong thực; rằng “uống nước để lo việc nước và tượng trưng “Cậu Hai” làm hòa bình mau như uống nước vậy”. Hay kiểu giải thích ngang: không ăn hành vì sợ bị hành hạ, Bến Tre – Bé Trên (ý nói Bến Tre là một tỉnh nhỏ nhưng nhờ có “Cậu Hai” Đạo Dừa nên sáng chói, nổi danh hơn các địa phương khác). Giải thích với một ký giả Sài Gòn trước đây,” Cậu Hai “kêu  hội nghị Mỏ Neo (thời gian mở hội nghị Paris về chiến tranh Việt Nam) là là lối chơi chữ của “Cậu Hai”. Mỏ là MOI. MOI là JE. JE là GE. Vậy Genève đọc là GIƠ – NEO (giơ cái mỏ neo) hay Mỏ Neo cũng vậy”. Ông đề nghị đem Hội nghị Paris dời về sông Ba Lai ở Châu Thành Bến Tre , ông giải thích Ba Lai đọc trại là Ba Lê,Ba Lê dịch ra là ParisTrong phòng của Cậu Hai có hơn 50 tờ lịch mang hình ảnh có chữ “Nam” do ông và đệ tử sưu tầm góp nhặt được, bất kể hình ảnh “sex” hay không. “Bầu linh dược” ông mang bên mình kè kè, không lúc nào thiếu vắng, có khi trong ấy chỉ có mấy cái vé hát của rạp Đại Nam. Vậy mà có người lại tin bầu linh dược đó cải tử hoàn sinh cho con người, trị được bom nguyên tử khi xảy ra  tai họa cho thế gian. Nghe đồn ông Nguyễn Văn Phương ở Hóc Môn, đốn hạ cây gáo, cưa xẻ ra có hình thù chữ “Nam”, Đạo Dừa liền vận động đem thanh củi ấy về trưng bày, thờ phụng tại thuyền bát nhã. Không chỉ có thế, những thanh gỗ khác có vân dáng bóng mờ chữ “Tiên sinh”, chữ “Nam” (chữ Hán), Đạo Dừa cũng gom góp, chụp ảnh để quảng cáo cho là “cơ trời” duyên định với Nguyễn Thành Nam. Một dệ tử thân cận giải thích thay ông:” Cậu Hai” tên Nam – muốn mình là “Đại Nam” – Vua nước Nam.
             Đươc hỏi vì sao ông chọn pháp môn khổ hạnh để tu,ông cho biết cuộc đời “Cậu Hai” từ nhỏ đến lớn đã quá sung sướng,lúc nhỏ đi học có người cỏng,lớn lên được đi Tây(thời đó đi Tây rất hiếm hoi), ăn uống toàn cao lương mỹ vị không thiếu thứ gì nên “Cậu Hai” chọn tu khổ hạnh để nếm mùi tục lụy,cảm nhận cái khổ đau của con người để cứu nhân độ thế ./.
Bài 3 .  ĐẠO DỪA –CỒN PHỤNG VÀ” SỰ TÍCH” THUYỀN BÁT NHÃ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét