Mai dong, lãnh nợ, rập cu, cầm chầu
Đã là dân Quảng Nam, không một ai là
không nghe nói đến hay một lần đi xem hát bội, một nghệ thuật sân khấu đặc thù
miền Trung, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, Phú Yên.
Nếu các tỉnh miền Bắc tự hào có hát
chèo, hát quan họ, miền Nam có cải lương, Hồ Quảng, kinh đô Phú Xuân có ca Huế,
thì Quảng Nam tự hào có hát bội, nghệ thuật sân khấu đã một lần đoạt giải nhất
văn nghệ trong cuộc thi toàn quốc tại Duyệt Thị trong thành Nội Huế dưới quyền
giám khảo của Vua Thành Thái cùng một năm thi đỗ Ngũ Phụng Tề Phi.
Điểm đặc biệt của nghệ thuật hát bội
là có đánh chầu trong lúc trình diễn ngoài trống chiên trong dàn nhạc sân khấu.
Trống chầu là một thứ trống lốn mà ta thường thấy khiêng bởi hai người trong
một đám rước, hay trong các đình chùa. Trống này được đặt trên một giá gỗ
ba chân dựa vào mặt tiền sân khấu, cách hàng ghế đầu của khán giả. Thường
thì trống chầu khi đánh phát ra âm thanh ầm ĩ, lấn át tất cả tiếng của các nhạc
cụ khác như trống chiến, phèn la, đờn nhị, vọng ra khỏi hội trường, giục giã
những người ở xa nhanh bước đến xem hát. Trong các nghệ thuật sân khấu,
chỉ riêng hát bội mới có trống chầu. Thói thường trong lúc trình diễn văn
nghệ, dù diễn xuất hay hoặc dỡ, thì cũng chỉ một chiều, khán giả chỉ vỗ tay hay
lắc đầu mà thôi, không có điều kiện phát biểu ý kiến từng điểm một, để có sự
cảm thông hai chiều giữa nghệ sĩ diễn xuất và khán giả. Tiếng trống chầu
làm một gạch nối giữa hai bên, bằng cách qua tiếng trống phát biểu sự thưởng
thức của khán giả đối với diễn viên sân khấu, một hình thức rất dân chủ.
Thật vậy, với vị cầm chầu, người đại diện cho tất cả khán giả trong rạp hát,
với lối đánh chầu có thể tán thưởng, khuyến khích, khiển trách hay trừng phạt
lối diễn xuất của các nghệ sĩ trên sân khấu, từng câu hát hay từng cử chỉ một.
Theo thông lệ, một gánh hát bội đến
hát tại một địa phương nào, thì chủ gánh hát phải mời cho được một vị khách
quan trọng tại địa phương đó, lựa trong các vị thân hào, nhân sĩ, trí thức có
uy tín và trình độ thưởng ngoạn hát bội để cầm chầu. Nhân vật được cầm
chầu trong hát bội phải hội đủ tối thiểu các điều kiện sau đây:
1)Am hiểu nội dung vở tuồng và các
vai mà các nghệ sĩ thủ diễn.
2)Thông thạo các điệu hát: nói lối
suông, nói lối rịn, nam ai, nam khách, phú lục, nam chạy, tẩu mã...để có thể,
qua tiếng chầu, tiếp hơi cho diễn viên đang hát.
3)Có địa vị và uy tín tại địa phương
để có thể đại diện cho toàn thể khán giả mà không bị chê bai hay phản đối.
4)Có khả năng tài chánh, vì khi đánh
chầu để khen thưởng những đoạn hát hay, người cầm chầu phải thưởng tiền các
diễn viên bằng cách tung vãi tiền lên sân khấu. Nghệ sĩ nào được thượng 3
roi chầu liên tục sẽ được lãnh số tiền thưởng về phần mình. Lối thưởng
tiền này bất tiện, vì đồng xu hay đồng tiền hay lăn mất giữa các kẽ hở của sân
khấu, và lối tung tiền thưởng này xem ra không mấy lịch sự đối với các nghệ sĩ
diễn xuất, nên về sâu, người ta thay tiền hay xu bằng các thẻ tre vót dẹp, đầu
tre sơn đỏ, loại 1 xu, 5 xu, loại 10 xu, cắm trong một ống tre, gắn bên hông
trống chồng để dễ rút ra quăng lên sân khấu. Nghệ sĩ nào lãnh được nhiều
thẻ, khi buổi hát kết thúc, sẽ đến gặp vị cầm chầu để lãnh tiền thưởng, chiếu
theo số thẻ đã nhận được, nếu vị cầm chầu không đem theo đủ tiền, thì sáng hôm
sau sẽ đến tận nhà vị cầm chầu nhận tiền, do đó trong dân gian thường có câu ca
dao: "Trong đời có bốn cái ngu: Làm mai. Lãnh nợ. Gác cu. Cầm chầu."
Bởi lẽ khi cầm chầu để khen thưởng con hát, thì mọi khán giả đều vỗ tay hớn hở,
nhưng khi trả tiền thì chỉ người cầm chầu một mình phải gánh chịu, cũng nhờ
những món tiền thưởng này, mà nghệ sĩ cố gắng diễn xuất hết mình ngay trong đêm
diễn xuất. Người cầm chầu phải am hiểu tuồng tập, biết rõ cách ăn mặc,
cách trang phục và cử chỉ, điệu bộ của các diễn viên. Ví dụ đóng vai Vua
phải mặc long bào màu vàng, có thêu rồng, đôi mão cửu long. Thái sư thì mặc áo
thêu ngũ phụg, đội mũ bình thiên. Tướng thì đội mũ kim khôi, mang giáp trụ,
ngưc có che hộ tâm kính. Nguyên Soái thì cắm hai vai mỗi bên 3 cờ lệnh,
mão có gắn hai lông trĩ dài. Mang râu thì phải mang cho đúng, như Quan
Vân Trường thì phải mang râu 5 chòm, Lưu Bị thì 3 chòm, Trương Phi, Huất Trì
thì có râu rìa lông ngực. Về binh khí sử dụng cũng phải đúng theo truyện,
Quan Công thì sử dụng Thanh Long Đao, Cáp Tô Văn thì Xích Đồng Đao, Tiết Nhơn
Quý thì dùng Thiên Phương Họa Kích, Triệu Tử Long thì sử dụng Trường
Thương. Nếu các diễn viên kh6ong mặc áo, đội mão, cầm binh khí và vẽ mặt
không đúng quy cách, thì người cầm chầu sẽ chỉ trích bằng những tiếng chầu liên
tiếp và nghệ sĩ tự thấy khuyết điểm phạm phải mà phải sửa sai khi vào hậu
trường. Cũng nhờ kiến thức uyên bác của người cầm chầu, nên nghệ sĩ diễn xuất
dù tài giỏi đến mấy cũng không dám khinh dễ khán giả. Trong các loại văn
nghệ sân khấu thì torng hát bội, con hát phải hát to tiếng, hao hơi rất nhiều,
cho nên cần một vài giây nghỉ để lấy hơi mà bắt vào câu hát tiếp. Nếu
người cầm chầu muốn tiếp hơi cho nghệ sĩ, thì đánh một roi chầu mà âm thanh sẽ
giúp người nghệ sĩ lấp chỗ trống ấy trong khi nghỉ, còn nếu người cầm chầu có
ác cảm với nghệ sĩ, thì khi nghệ sĩ mở miệng hát, đánh một hai roi chầu vào
trong họng người hát, thì tiếng chấu át cả giọng hát, khán giả không ai nghe
được câu hát, thì nghệ sĩ sẽ thất bại. Trong những trường hợp diễn xuất
quá hay, người cầm chầu thẳng tay giáng xuống ba roi chầu liên tiếp, và tiền
hoặc thẻ tới tấp tung lên sân khấu, tạo hào hứng cho cả hội trường, cho nên ở
ngoài rạp hát mà nghe tiếng trống chầu dồn dập, người ta đoán được những màn
lâm ly gay cấn nhất. Ngoài ra, các điệu bộ của diễn viên như chân hia, đá
giáp, mũi giáo, múa thương, lên ngựa, giao chiến v.v..cũng được những tiếng
chầu tán thưởng.
Nói tóm lại, trong mọi diễn xuất sân
khấu, không có lối nào thiết thực, trật tự và dân chủ 2 chiều bằng hát bội, vì
chỉ trong hát bội mới có sự cảm thông nghệ thuật giữa diễn viên và khán giả qua
tiếng trống chầu mà vị cầm chầu là đại diện của khán giả. Trong nhiều
buổi hát quan trọng, người ta đặt hai trống chầu và có hai vị cầm chầu để sự
phê phán được công bình và vô tư hơn. Hầu hết các vở tuồng hát bội như:
Phụng Nghi Đình, San Hậu, Dương Chấn Tử, Quan Công Phá Ngũ Quan, Ngũ Hổ Bình
Tây, Tam Nữ Đồ Vương, Lưu Kim Đính v.v..đều do các nhà khoa bảng viết bằng chữ
Nho như cụ Đào Tấn, cụ Nguyễn Hiền Dỉnh, nên các diễn viên hay khán giả không
tạo Nho học khó hiểu ý nghĩa câu hát. Ví dụ trong tuồng Ngũ Hổ Bình Nam, lúc mở
màn, Địch Thanh tự giới thiệu:
phụng Thánh Chỉ bình Nam,
ngã Địch Thanh nguyên súy.
Hay trong tuồng Văn Trọng Giáng Thập
Điều, Thái Sư Văn Trọng quỳ tâu:
thần Thái Sư Văn Trọng,
chinh Bắc Hải lai trào,
chốn trào ca bái yết Long Nhan,
ngưỡng chúc Thánh Hoàng vạn vạn tuế,
vạn vạn tuế
Hoặc trong tuồng Tam Nữ Đồ Vương, Tư
Cung đang tu trên chùa nghe quân báo, Thứ Hậu bị giải ra pháp trường xử trảm,
vội cởi áo cà sa và nói:
giải cà sa, trực đáo pháp
trường,
khai đao phủ, cứu lai Mẫu Hậu.
Cũng tại phần lớn, các câu hát đều
viết bằng chữ Hán, là một trở ngại lớn như đã nói trên, không biết trong tương
lai, với thế hệ trẻ, ít thông thạo chữ Hán, không thưởng thức ý nghĩa của các
câu hát tuồng này, còn thích thú thưởng thức nghệ thuật sân khấu này không? Và
như vậy, nghệ thuật hát bội sẽ tàn lụi, mai một kéo theo nghệ thuật cầm chầu,
và nghệ thuật này không còn cơ hội đem ra sử dụng thay mặt cho toàn khán giả
trong rạp nữa. Các nhà văn hóa nên nghĩ đến vấn đề này để cứu vãn một
nghệ thuật mang nặng tính cách văn hóa dân tộc khỏi tình trạng phế diệt, cũng
như các dân tộc các nước Á Châu như Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Quốc còn giữ được
nghệ thuật hát tuồng cổ truyền của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét