Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHUYỆN VỀ NGƯỜI HIỀN CỦA VĂN CHƯƠNG NAM BỘ - NGUYÊN NGỌC



Bài cuối : Tìm ngọc giữa biển đời 
 Tôi có một anh bạn làm lý luận văn học, anh ấy bảo: Văn học, nói theo cách nào đó, là một cái thú chơi, các cụ ta xưa chẳng từng coi văn chương là thú chơi thanh nhã là gì! Người ta chơi văn chương, chơi cái đẹp, cho nên soi mói tìm cho ra cái đẹp trong từng ngóc ngách cuộc đời, và chăm chút, mân mê từng từ, tức là cái thứ chỉ có nó mới lột được hết cái đẹp ấy ra cho mình, cho đời. Văn học nhân văn chính là vì vậy và như vậy đấy…


Có lẽ đọc thật kỹ Trang Thế Hy, sẽ thấy anh gần Nguyễn Tuân chính ở chỗ này. Anh cũng là người chơi cái trò chơi thanh nhã ấy (nghĩa là tiếp tục cái truyền thống của các bậc tao nhân mặc khách xưa, cho nên, nhìn kỹ mà xem, ở Trang Thế Hy vừa có cái gì đó rất hiện thực, hiện đại, vừa có cái gì đó rất xưa, thậm chí có phần cổ kính nữa). Anh cũng là con người suốt đời chăm chú lần mò đi tìm cái đẹp, trong chốn ngổn ngang nhân sinh. Anh không ồn ào tuyên bố, nhưng suốt đời anh sống vì cái đẹp. Tất nhiên hoàn cảnh của anh khác rất nhiều. Anh là một người viết văn, và là một người viết văn hoạt động bí mật – trong nhiều sáng tác của mình, anh không hề giấu giếm tư cách đó – “nằm vùng” trong thành phố địch chiếm, dựa vào những người tốt trong tầng lớp hạ lưu của xã hội, ở những xóm lao động nghèo, nơi cái nghèo lôi con người ta vào những hoàn cảnh, cả những nghề nghiệp bị khinh bỉ đến tận cùng. Chính trong cái đám bùn nhơ nhầy nhụa tưởng chừng đến tuyệt vọng ấy, anh lần tìm ra cái đẹp, và cái đặc sắc, độc đáo của Trang Thế Hy là cái đẹp anh chắt chiu tìm ra được và vô cùng trân trọng nhặt lên từ bùn nhơ, bỗng sáng lên long lanh, như ngọc, như kim cương. Trang Thế Hy là người đi tìm ngọc, tìm kim cương, không phải giữa chốn phồn hoa đô hội, cũng không phải trong tỷ mẩn trà dư tửu hậu, mà giữa cuộc đời nhọc nhằn, trần tục, ở nơi tận đáy cùng của xã hội (...) Hình như hình ảnh những cô gái đẹp nhất trong văn của Trang Thế Hy là hình ảnh những cô gái làm nghề ăn sương, lặn lội trong nhầy nhụa bùn nhơ của xã hội. Anh trân trọng nhặt họ lên từ đấy, trân trọng và nhẹ nhàng lau bùn cho họ, và nói với ta rằng: Thấy không, trong những con người này cũng có ngọc đấy, long lanh! Hoặc là những con người đang bị đẩy đến đứng mấp mé trên bờ vực của cái vũng bùn ghê sợ đó, chỉ một chút thiếu gượng lại nữa thôi là rơi tõm ngay xuống, và họ đã quyết cưỡng lại số phận kinh hoàng đó bằng cái chết vô cùng dữ dội, cô gái Hứa Lệ Mai trong truyện Nguồn cảm mới của anh, mà cái chết đã khiến bác Tư xích lô áng chừng là “Con “xẩm” con ngang bướng nó gan dạ mà liều lĩnh lắm… nó mượn ngọn lửa để kết liễu cuộc đời bệnh hoạn của cha nó rồi nó tự thiêu luôn”. “Áng chừng” ư? Nhưng nghĩ kỹ lại mà xem, còn có lối thoát nào khác nữa cho cô Hứa Lệ Mai trinh trắng như một nụ hoa mong manh mà mãnh liệt ấy nữa đâu! Cô “xẩm” ấy, dưới ngòi bút của Trang Thế Hy, hiện lên sáng toả như một liệt nữ. Trang Thế Hy viết về những liệt nữ ở chốn bùn đen…
Có lẽ đến đây thì đã có thể nhận rõ ra điều này rồi: Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn. Và tôi muốn nói điều này: thấy được và ngợi ca những vẻ đẹp hùng tráng, tất nhiên cũng cần lắm, nhưng dễ hơn nhiều. Tìm ra được cái đẹp nhỏ nhoi, không tên kia mới khó, cần rất nhạy, rất tinh, và có lẽ còn quan trọng hơn nữa, cần một tấm lòng nhân ái sâu xa lắm, một chất nhân văn không ồn ào, cường điệu, mà đậm đà lắm.
(...) Trang Thế Hy, do vậy không chỉ để lại cho chúng ta một sự nghiệp sáng tác rất quý, anh còn để lại một bài học lớn. Tôi muốn được gọi anh là một “người hiền” của văn chương Nam bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét