Trong bài viết "Từ biển Giao Chỉ đến "đường lưỡi bò" nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chỉ ra rõ, các bản đồ cổ của chính những người Trung Quốc vẽ từ thời xưa đều ghi rõ biển Đông là Giao Chỉ dương, Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải.
Từ đây, một vấn đề khác đặt ra là: biển Đông từ tên gọi Giao Chỉ dương (thế kỷ XV), vì sao lại bị người phương Tây ghi nhầm là biển Nam Trung Hoa (hay biển Trung Hoa) như hiện nay? Xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu để lý giải cho câu hỏi trên.
Từ thời thượng cổ đến thế kỷ XV, người ta tưởng rằng địa cầu chỉ có ba châu lục: châu Âu, châu Á và châu Phi. Có lẽ khởi đầu là nhà địa lý Ptoléméo (người Hy Lạp) đã vẽ ra bản đồ thế giới gồm ba châu lục kéo dài từ Nam cực đến Bắc cực và từ Đông phương sang Tây phương, chiếm phần lớn diện tích địa cầu, diện tích đại dương không còn bao nhiêu. Các nhà địa lý và bản đồ học Tây phương cứ theo mẫu đó mà hoàn thiện dần.
Nhiều sai nhầm thuở sơ khai
Năm 1492, Christophe Colomb (còn gọi là Kha Luân Bố, người Tây Ban Nha) tin theo bản đồ đương thời, tưởng rằng cho thuyền vượt Đại Tây Dương một hành trình không xa thì sẽ tới Ấn Độ. Nên khi tới châu lục tân thế giới (châu Mỹ), ông tin liền đây là Ấn Độ và gọi thổ dân nơi đây là người Ấn Độ (indien, Indian). Danh xưng sai nhầm này còn tồn tại mãi đến nay.
Năm 1497, Vasco de Gama (1469-1524), người Bồ Đào Nha, đã chỉ huy một đội thương thuyền hùng hậu lần đầu tiên phát kiến đường hàng hải sang Ấn Độ bằng cách đi vòng qua Phi châu qua mũi Hảo Vọng rồi ngược lên và rẽ sang phải theo duyên hải Ấn Độ Dương. Ngày 20-5-1498, đoàn thuyền Vasco de Gama mới tới ngoài thành Calicút, sau hơn 10 tháng gian nan, lênh đênh trên biển cả. (1)
Dù sao địa danh Ấn Độ cũng rất tiêu biểu và hấp dẫn dưới thời cổ đại và trung cổ: Kha Luân Bố theo hướng tây đi tìm, hóa ra phát kiến châu Mỹ và Vasco de Gama theo hướng đông đi tìm, phát kiến cả phần Đông Á văn minh từ ngàn xưa và cư dân đông đúc nhất thiên hạ.
Vào thế kỷ XVI, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha theo đường biển đi lên phía bắc qua duyên hải Việt Nam thăm dò Trung Hoa rồi Nhật. Họ chiếm lãnh Macau của Trung Hoa và đặt thương điếm lớn nhất tại đó năm 1557. Đến đâu họ cũng điều tra kinh tế và vẽ bản đồ theo khoa học cho đúng kinh độ và vĩ độ (2).
Bản đồ bán đảo Đông Dương được vẽ đúng với thực tế để đính chính lại phần Đông Nam Á đã vẽ theo tưởng tượng sai nhầm ở các bản đồ phổ biến trước đó suốt nhiều năm. (Xin so sánh phần địa lý ấy của hai bản đồ đính kèm). Bán đảo này được gọi là bán đảo Ấn Độ ở bên ngoài sông Hằng (Presqu'ile de l'Inde delà le Gange). Vì thế hầu hết bản đồ Tây phương suốt ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII đều ghi địa danh phần này là Đông Ấn Độ (India Orientalis). Tất nhiên không có chỗ nào ghi là biển Trung Hoa (Mer de Chine).
Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam
Cũng vào thời ấy, giữa bờ biển nước ta và quần đảo Paracel (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa), các bản đồ thường ghi là vịnh Giao Chỉ gần Trung Hoa (Golfe de la Cochinchine). Địa danh Cochinchine nguyên là tên hai nước Giao Chỉ (Cochin) và nước Tần (Chine), viết theo Hán tự. Người Tây phương đọc âm hơi khác rồi ghi bằng chữ latin: Giao Chỉ (tức Việt Nam) thành Cauchy, Cochi, Cochin; còn Tần thành ghi là T'sin, Cin, Chine hay China. Nước Cochin (Giao Chỉ) trùng tên một thị trấn Cochin ở Ấn Độ nên người Bồ Đào Nha ghi CochinChina (Giao Chỉ gần nước Tần-China) cho dễ phân biệt. Cochin là chủ từ, China là túc từ. China thành tên nước Trung Hoa.
Từ năm 1525, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Diogo Ribeiro đã phát hiện quần đảo Pracel rất lớn (gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) nằm ở giữa biển Đông. Ông xác định quần đảo này thuộc chủ quyền Cochin (Giao Chỉ) nên ghi bờ biển Pracel (Costa da Pracel) ở duyên hải Quảng Ngãi ngày nay (3).
Đến thế kỷ XIX, người ta mới thấy rõ khối quần đảo Paracel (là những hòn đảo nhỏ nằm rải rác từ Bắc xuống Nam. Ở Bắc gọi là quần đảo Paracel (Hoàng Sa), ở Nam gọi là quần đảo Spratly (Trường Sa). Biển Đông bao quanh quần đảo ấy không còn là biển Cochinchina mà ghi sai nhầm là biển China (China Sea, tức lấy túc từ mà bỏ chủ từ). Đến thế kỷ XX, địa danh biển Trung Hoa trở thành phổ biến.
Có lẽ phần nào từ sự sai nhầm ấy mà Trung Quốc khẳng định biển Giao Chỉ hay biển Đông là biển của mình kể cả các quần đảo trong biển ấy nữa. Giữa thế kỷ XX, Trung Hoa Dân Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch) đã đưa ra "đường lưỡi bò" để đòi quyền làm chủ 80% biển Đông. Rồi sau đó là đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kéo dài sự hiểu nhầm này, gần nhất là vào năm 2009, họ đã tiếp tục trình lên Liên Hiệp Quốc phần lãnh hải của mình với đường chữ U vô lý, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Sự ghi nhầm địa danh gây ra thật nhiều tai hại và sẽ còn phức tạp hơn nếu sự hiểu nhầm ấy còn kéo dài nữa.
( Pháp luật Online )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét