Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011(KÌ 78)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ


TƯỞNG NIỆM

Nguyễn Cao Kỳ

NGƯỜI NÉM BOM MIỀN BẮC TRỞ VỀ

Việt kiều Mỹ cựu phó tổng thống chế độ cũ sinh 1930 tại Sơn Tây – Qua chữa bệnh ở Malaysia, mất tại đây 23.7.2011 (82 tuổi).

Từng học trường Bưởi Hà Nội, di cư vào Nam 1954.

Gia nhập quân đội VNCH, được cử qua Pháp học phi công trở về làm sĩ quan cao cấp chỉ huy các phi đội chiến đấu ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 1965 là Tư lệnh Không quân chế độ Sài Gòn đề xướng chiến dịch “Bắc tiến” đã dẫn đầu phi đội máy bay phản lực VNCH mở chuyến oanh kích đầu tiên ra miền Bắc nhắm đánh vào Nghệ An – Hà Tĩnh (phi công Phạm Phú Quốc bị bắn hạ trên đường trở về). Sau đó đường công danh lên như diều được xem là ngôi sao trẻ quân sự và chính trị đang lên, làm bộ trưởng rồi thủ tướng (chức vụ tương đương) rồi phó tổng thống chế độ Nguyễn Văn Thiệu cho đến ngày chính quyền miền Nam sụp đổ.

Được xem là một lãnh đạo trẻ năng nổ, có nhiệt tình, tính tình bộc trực thẳng thắn – biệt danh “Tướng râu kẽm” - có lòng tự trọng dân tộc theo khuynh hướng khác với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong thời gian nắm quyền lãnh đạo chính phủ có ý muốn chống tham nhũng, gần gũi với dân nghèo nhưng tất cả cuối cùng đều không đi đến đâu. Cuối sự nghiệp bị xem như làm “bù nhìn” cho TT Nguyễn Văn Thiệu.

Đến những ngày cuối cùng tháng 4.1975 còn hô hào ở lại “tử thủ” Sài Gòn nhưng rốt cuộc đành tự lái máy bay đào thoát ra hạm đội Mỹ rồi qua Mỹ sống đời lưu vong.

Trên xứ người hầu như không tham gia vào các hoạt động chống Cộng kể cả những kế hoạch đưa quân về “phục quốc”. Có viết cuốn hồi ký “Chúng ta đã thất bại ở miền Nam như thế nào?”

Năm 2004 bất ngờ được mời trở về VN như một hành động biểu tỏ chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc “xếp lại quá khứ nhìn về tương lai” từ 2 phía. Chấp nhận trở thành lãnh đạo cao cấp nhất chế độ cũ trở về cùng vợ (vợ mới ở Mỹ sau khi ly dị năm 1989 với bà vợ thứ hai khá nổi tiếng thời VNCH), “khóc lần thứ hai trong đời khi từ trên máy bay nhìn thấy lại Sài Gòn sau 30 năm” (lần đầu khóc là khi ra đi). Khẳng định trở về vì “nhớ quê hương và xem quê hương cần gì để mình có thể đóng góp trong khả năng của mình.”

Từ đó còn thêm vài lần trở về nữa, về thăm tận quê nhà Sơn Tây, ra Hà Nội gặp bạn học cũ trường Bưởi. Đã giới thiệu nhà đầu tư Mỹ bỏ vốn đầu tư vào khu du lịch ở Quảng Ninh, khuyến khích con út là nữ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên (con bà vợ thứ hai, 6 con qua 3 đời vợ) bỏ vốn kinh doanh quán cà phê cao cấp ở Đà Nẵng…

Tất nhiên đã trở thành một đối tượng gây tranh luận ồn ào cho cộng đồng VN hải ngoại chia làm 2 phe chống và ủng hộ trong đó phe cực đoan kịch liệt đả phá dữ dằn nhất – tới mức chửi bới thậm tệ – là “kẻ phản bội”.

Đáp lại, khẳng định rằng bây giờ ai còn nhắc chuyện quá khứ kiểu như thế nữa thì quả là “chuyện hoang tưởng”!

781 - Cao Hữu Điền

“ĐEN” LÝ LỊCH

Nhạc sĩ sinh 1947 tại Huế. Sống ở Huế (2011).

Thuộc dòng dõi nổi tiếng học giỏi làm quan đất cố đô, lớn lên ra đời về Quảng Trị dạy học cấp 3.

Có tư tưởng tiến bộ nên sau 30.4.75 dù bản thân gia đình “có vấn đề” (cha bị cộng sản ám sát) vẫn chấp nhận ở lại hòa nhập với chế độ mới. Nhưng do lý lịch quá “đen” nên đương nhiên khó được chính quyền mới mở rộng vòng tay dung nạp, có lúc bị điều chuyển về trường tiểu học làm giáo viên… thể dục!

Trong cảnh khốn cùng chỉ còn biết tìm quên trong thơ nhạc, đã in một tập nhạc phổ thơ bạn bè.

May mà sau đó có được chiếu cố đưa về Sở Giáo dục sử dụng đúng chuyên môn giáo viên sinh ngữ. Từ đó được Pháp cấp học bổng qua tu nghiệp, một việc hiếm có thời đó ở địa phương này.

Hết thời gian tu nghiệp vẫn kiên quyết quay về dù người thân và bạn bè ở hải ngoại làm đủ cách khuyên can, ngăn cản vô ích!

Rốt cuộc quay về thì lại rơi vào cảnh bị bạc đãi trở lại tới lúc chịu hết nổi đành bỏ việc vào TPHCM làm nghề hướng dẫn viên du lịch đưa khách Tây đi tour kiếm sống qua ngày.

Cuối đời gió bụi, lớn tuổi thêm bệnh tật quyết định trở về cố quận sống đời ẩn dật cạnh dòng sông Hương làm kẻ “kết nối Internet” gửi đến người đồng điệu những ca khúc, vần thơ tìm niềm vui an ủi tuổi già (và cả vẽ tranh nữa). Đặc biệt phổ biến nhiều loại “thơ tin nhắn” thường chỉ 4 câu lục bát chuyển qua ĐTDĐ:

Lòng ta là một biển khơi
Nhiều khi sóng gió tơi bời ngả nghiêng.
Đêm qua mưa suốt mọi miền
A di đà Phật muộn phiền tan theo…”

(Giữa dòng di động)

782 - Dương Nguyệt Ánh


“BOM LADY”

Nhà nữ khoa học Việt kiều Mỹ sinh 1960 tại VN. Sống ở Mỹ (2011).

Thuộc dòng họ Dương nổi tiếng trí thức văn nhân miền Bắc, xưa là Dương Khuê, Dương Lâm và sau này là Dương Thiệu Tước, Dương Thiệu Tống, Dương Tường, Dương Thụ, Dương Thu Hương… Gia đình di cư vào Nam năm 54.

Di tản qua Philippines từ ngày 28.4.1975, sau đó đến Mỹ.

Lớn lên học đại học tốt nghiệp nghành hóa và khoa học máy tính.

Năm 1983 được tuyển vào làm việc tại Trung tâm sản xuất Vũ khí Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Từ đó dần trở thành một chuyên gia chế tạo vũ khí hiện đại, nổi tiếng với sáng chế loại bom nhiệt áp (thermobaric) diệt hầm ngầm được sử dụng trong cuộc chiến Mỹ đánh quân khủng bố Al Queda ở Afghanistan nên được tặng cho biệt danh “Phu nhân bom”.

Làm đến chức trưởng nhóm nghiên cứu rồi giám đốc khoa học – kỹ thuật, đại biểu dự hội nghị NATO, nhận nhiều giải thưởng khoa học Mỹ và quốc tế. Được viết sách, làm phim vinh danh là một “người VN tự do” không chấp nhận chế độ cộng sản.

Có chồng 4 con.

783 - Dương Văn Đức

TƯỚNG “MÁT”

Cựu trung tướng VNCH sinh khoảng 1928 tại Mỹ Tho – Mất khoảng 1984 (57 tuổi).

Một trong những tướng lãnh kỳ cựu của chế độ miền Nam từng nắm quyền tư lệnh quân đoàn 4, ủng hộ đảng Đại Việt.

Sau thời chế độ Dương Văn Minh (không dính dáng bà con gì) lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bị thất sủng nên tham gia cuộc đảo chính định lật đổ chế độ Nguyễn Khánh nhưng thất bại, bị bắt đưa ra tòa. Cuối cùng được xử nới tay chỉ buộc phải giải ngũ.

Thất chí sinh ra rượu chè tối ngày, ai ai cũng bị chửi tất kể cả chế độ Thiệu Kỳ lúc đó suýt bị trừng trị song sau có người đỡ nhẹ tội cho, đổ cho tại rượu chè dữ quá nên thành ra “mát dây” (khùng, từ tiếng Anh “mad”)!

Sau ngày Giải phóng vẫn bị bắt đi cải tạo ra tới Hoàng Liên Sơn. Trong tù vẫn giữ tật cũ nói thẳng chửi thẳng không sợ ai không kiên dè gì hết song may mà cũng được cho qua nhờ bạn tù bao che chạy tội cho là vì bệnh “mát”.

Năm 1983 được cho về nhưng chỉ một thời gian ngắn sau chết một cách bí ẩn, đang đêm bị đánh chết dìm xác xuống ao ở gần nhà sáng ra mọi người mới hay.

Công an nói có lẽ do say sưa chửi bới va chạm với bọn du đãng bị chúng giết nhưng cũng có giả thuyết tại đương sự lại lớn tiếng chửi bới cộng sản nên bị chính quyền âm mưu ám hại!

784 - Dương Văn Tân

ĐI TÌM MỘ ĐẾN… LIỆT CỘT SỐNG!

Cựu chiến binh sinh 1941 tại Tây Ninh. Sống ở Tây Ninh (2007).

Sau chiến tranh đã tận dung các chuyến đi công tác khắp địa bàn miền đông Nam bộ qua tới Campuchia để truy tìm hài cốt liệt sĩ đồng đội.

Về hưu năm 1993 vẫn tiếp tục cùng bộ đội Tây Ninh làm công việc này. Đặc biệt từ kinh nghiệm đi tìm mộ đã có sáng kiến chế ra cây xăm đất rèn bằng thép cứng mới xuyên được lớp đất vùng này rất cứng đồng thời từ chất thép đâm xuống sâu trong lòng đất còn vang ra âm thanh khi chạm vào hài cốt giúp phân biệt được dưới đó là xương cốt trần hay được bọc vải.

Tính ra đến năm 2005 đã tham gia tìm kiếm đượïc khoảng hơn 12.000 bộ hài cốt bộ đội mất tích trong chiến tranh chống Mỹ trong vùng giáp giới 2 phía VN – Campuchia. Được mọi người kính phục phong là “Vua tìm hài cốt” do không chỉ tìm ra dấu tích mộ mà còn tự tay moi hài cốt lên rồi đem đi làm vệ sinh riêng trước khi gói lại vào bọc ny lông mang về. Song cũng vì vậy lại chuốc lấy nỗi khổ tâm hễ khi nào dự đám tiệc hay ăn giỗ, nhiều người không dám ngồi chung bàn sợ… “mùi” xác chết vương vất!

Công việc cứ thế mà tiếp tục thì không ngờ gặp tai họa xảy đến cuối năm 2005 trong một chuyến đi lặn lội trong rừng núi biên giới đến tỉnh Kampong Cham đã không may bị té ngã chấn thương cột sống nặng phải cấp tốc đưa về TPHCM chữa trị.

Vết thương quá nặng làm đốt xương sống bị lệch nên điều trị hơn 2 năm vẫn chưa khỏi, chỉ mới bắt đầu tập đi từng bước gượng gạo đau nhói. Nhưng đau hơn cả là không biết bao giờ mình mới bình phục để được quay lại với “chiến trường mới” theo chân hài cốt đồng đội trong khi đêm đêm vừa chợp mắt đã mơ thấy bao hình dáng mơ hồ đứng đó nhìn mình với đôi mắt buồn thê thiết không thể tả nên lời.

785 - Dat Nguyen

CẦU THỦ BÓNG BẦU DỤC CHUYÊN NGHIỆP VN ĐẦU TIÊN

Huấn luyện viên thể thao Việt kiều Mỹ tên cũ Nguyễn Tấn Đạt sinh 1975 tại Mỹ. Sống ở Mỹ (2011).

Mẹ mang thai từ VN đến 30.4 cùng 5 con di tản qua Mỹ, đến tháng 9 thì sinh mình là con thứ sáu trong trại tỵ nạn ở Arkansas.

Lớn lên với thể hình vượt trội so với người Việt cao 1,8m cân nặng 108kg nên tham gia chơi môn bóng bầu dục – môn thể thao kiểu bóng đá “đô vật” rất được dân Mỹ ưa thích, VN chưa có – đứng vị trí hậu vệ chốt chặn bảo vệ khung thành.

Kết quả đạt nhiều thành công khích lệ nên được tuyển vào CLB Dallas Cowboys ở Texas bắt đầu thi đấu giải chuyên nghiệp NLF từ năm 1999. Đoạt nhiều giải thưởng hậu vệ xuất sắc mùa bóng, được ghi tên vào Bảo tàng Vận động viên Texas.

Năm 2006 bị chấn thương cổ nên giải nghệ chuyển qua làm huấn luyện viên bóng bầu dục

Lấy vợ Mỹ có 2 con gái. Năm 2004 được vinh danh Việt kiều có công trạng nhận phần thưởng Cây đuốc vàng tại Dạ hội quốcgia Việt – Mỹ tổ chức ở Thủ đô Washington.

786 – Dinh Q. Le

NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC VỀ CHẤT ĐỘC DA CAM

Nghệ sĩ nghệ thuật đương đại Việt kiều Mỹ tên cũ Lê Quang Đỉnh sinh 1968 tại Hà Tiên. Sống ở Mỹ (2011).

Cuộc chiến biên giới Tây Nam năm 1978 đẩy gia đình phải vượt biên qua Mỹ.

Tại đây tốt nghiệp đại học ở California ngành nhiếp ảnh, sau đó theo học ngành nghệ thuật thị giác đương đại ở New York. Từ đó thể hiện một phong cách sáng tạo cực kỳ hiện đại tổng hợp các ngành nghệ thuật liên quan phục vụ thị giác – cái nhìn – từ nhiếp ảnh, hội họa đến quay video, quay phim…

Đã tổ chức triển lãm tại Mỹ và nước ngoài, được tặng nhiều giải thưởng quốc tế.

Đặc biệt trong các tác phẩm của mình thường xuyên nhắc đến đề tài chiến tranh do ám ảnh để lại từ thời thơ ấu chứng kiến cuộc chiến tranh chống Mỹ rồi sau đó là chiến tranh Campuchia. Nổi cộm hơn cả là dấu ấn di chứng CĐDC trên vô vàn nạn nhân trẻ em VN.

Năm 1998 lần đầu tiên quay lại VN đã tự bỏ tiền túi ra tổ chức một cuộc triển lãm “mini tự phát” một số tác phẩm đó tại một quầy hàng cho thuê ở TPHCM: Những mẫu “búp bê CĐDC” như bào thai dị dạng, trẻ song sinh dính liền với nhau, mất tay mất chân, mặt mày méo mó biến dạng bẩm sinh…

Chuyến trở về để lại ấn tượng quá sâu đậm: “Khi đó dù chưa biết mọi thứ ở đây như thế nào tôi đã cảm thấy đây là nơi mình muốn ở. Có gì đó sâu sắc trong lòng gắn tôi với nơi này dù lúc đó mọi thứ ở đây đều rất lạ đối với tôi…”

Thế là sau đó quyết định… ở lại luôn bởi “về Mỹ 2 tuần là thấy… nhớ”!

Cứ thế tiếp tục sáng tạo trên quê hương tuy thể loại nghệ thuật của mình quá mới quá cấp tiến chưa dễ được mọi người hiểu và chấp nhận.

Không chỉ thế còn lập ra “Thư viện mỹ thuật đương đại” miễn phí góp phần phát triển nâng cao kiến thức nghệ thuật hiện đại cho lớp trẻ VN tìm đọc. Và năm 2007 lập tiếp gallery triển lãm tranh miễn phí mang tên “Sàn Art” dành cho giới mỹ thuật trong nước được tự do sáng tạo không phải chiều theo thị hiếu thị trường.

787 – Don Lam

“MR WALL STREET VIET NAM”

Doanh nhân Việt kiều Canada sinh 1972 tại Nha Trang. Sống ở TPHCM (2011).

Sau 1975 vượt biên đến Canada định cư.

Học đại học tại Toronto tốt nghiệp bằng thương mại năm 1990. Ra làm ngành ngân hàng và kiểm toán tại Canada.

Năm 1995 được cử về VN làm công tác nghiên cứu đầu tư vào VN. Ban đầu chỉ định ở thời gian ngắn nhưng sau đó qua thực tế quan sát và thâm nhập thị trường VN nhìn thấy tiềm năng cùng triển vọng đầu tư lớn ở đây nên quyết định ở lại làm ăn lâu dài.

Từ đó xin nghỉ làm chỗ cũ ra hợp tác với một doanh nhân Đức lập công ty đầu tư tài chính nước ngoài đầu tiên ở VN vào năm 2003 nay là Tập đoàn VinaCapital chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đất đai, công ty kinh doanh lẫn thị trường chứng khoáng… Với vốn ban đầu 10 triệu USD hiện đã phát triển lên tới trên 1,8 tỉ USD trong đó doanh thu từ chứng khoáng chiếm một tỉ lệ đáng kể đưa đến biệt danh “Ông Wall Street VN” (Wall Street tên phốù chứng khoáng nổi tiếng của Mỹ ở New York).

Đạt thành công lớn rồi mới bắt tay vào tham gia hoạt động từ thiện, tập trung vào lập quỹ tài trợ mổ tim cho trẻ em nghèo VN đến nay đã hỗ trợ trên 2,5 triệu USD giúp mổ tim cho khoảng hơn 2.200 em.

Với mình đó là thêm một công việc lâu dài nữa trên quê hương trở lại, nơi mà “dù đi đâu thì tôi cũng trở về nhà tại VN vào chiều thứ sáu.”

788 - Đàm Thị Duyên

NỮ HOÀNG THỢ LẶN MÃI MÃI TRỞ VỀ

Lao động sinh 1960 tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2007).

Sinh ra từ vùng sông nước Cà Mau nên theo nghề gia đình làm nghề thợ lặn trên sông Cái Lớn ở vùng Năm Căn. Sau 1975 chuyên lặn xuống đáy sông trục vớt tàu chìm trong đó có nhiều tàu Mỹ bị bắn chìm trên sông này thời chiến tranh.

Đây là một nghề cực gian khổ trong điều kiện tư nhân hành nghề lặn đến độ sâu 50m mà chỉ được trang bị thô sơ không đeo kính lặn, không mang đồ bảo hộ và nhất là không có bình hơi mang theo mà chỉ ngậm ống thông hơi từ trên thả xuống. Vì thế dễ xảy ra tai nạn chết người song bản thân vẫn kiên trì giữ nghề, theo nghề trở thành người phụ nữ duy nhất nơi đây dám làm nghề này.

Từ thợ lặn dần tổ chức nhóm lặn riêng từ năm 1989, nổi tiếng là “Nữ tướng” Mười Duyên có khi chỉ huy đến gần 50 thợ lặn vào cuộc truy tìm tàu chìm.

Sau khi lấy chồng sinh được 3 con thì theo chồng con qua định cư Mỹ.

Nhưng được một thời gian nhớ nghề lại một mình quay về tiếp tục gây dựng lại nhóm thợ lặn năm xưa, lo mình bỏ đi anh em biết trông cậy vào ai. Đã 3 lần rời quê hương rồi 3 lần trở về như vậy!

Lần đầu trở về được một thời gian thì xảy ra tai nạn một người anh lặn quá sâu bị sóng nhồi khi trồi lên được đã bứt hơi thổ huyết mà chết nên chán nản bỏ tất cả ra đi về Mỹ. Nhưng vài năm sau lại tái xuất hiện năm 2006 dẫn theo đứa con út “cho biết quê hương”, sau đó đưa con qua Mỹ lo cho con vào học xong xuôi rồi lại trở về với bến cũ Năm Căn.

Chấp nhận sống một mình trong căn nhà bên bến sông ngó mặt ra biển cả muôn trùng, nơi làm điểm xuất phát cho những giấc mơ lặn sông lặn biển “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì cứ thuận theo mệnh trời sóng nước.

789 – Đào Thị Dạt

NGƯỜI MÙ NUÔI CHỒNG 11 NĂM SỐNG ĐỜI THỰC VẬT

Cán bộ về hưu sinh tại Quy Nhơn. Sống ở Quy Nhơn (2001).

Đi du kích xã đánh Mỹ. Lấy chồng đồng đội mới sinh con trai đầu lòng thì chồng bị địch phục kích bắn chết. Một thời gian sau cũng bị bắt giam cho đến ngày giải phóng 30.4.1975.

Hòa bình, lấy chồng khác cũng là đồng chí cùng chiến đấu năm xưa sinh thêm được một bé trai.

Gia đình đang đầm ấm hạnh phúc thì năm 1989 di chứng bệnh tật thời chiến tranh cùng lúc kéo đến cho cả 2 vợ chồng. Bản thân sức khỏe suy sụp, đặc biệt 2 mắt mờ dần đến mù luôn, tay chân cử động khó khăn cũng gần như bại liệt. Nhưng nặng nhất là chồng bị tai biến nằm liệt một chỗ dẫn đến sống đời thực vật.

Thế là vừa mù vừa di chuyển trong nhà bằng cách lết người đi để chăm lo cho chồng nằm một chỗ vô tri vô giác mà vẫn sống suốt hơn 10 năm trời như một phép lạ. Đêm nào cũng nằm dưới đất nơi chân giường “trực” bệnh: “Khổ mình chịu chứ không để chồng khổ… Giờ tôi nuôi chồng như nuôi em bé vậy.”

790 - Đào Thị Hồng Đào

NGƯỜI RUN MÃN TÍNH ĐI TÌM MỘ

Cán bộ về hưu sinh 1950 tại Nam bộ. Sống ở TPHCM (2009).

Đi thanh niên xung phong từ năm 15 tuổi tham gia chiến đấu ở miền đông Nam bộ. Nhiều lần bị đánh bom B52 suýt chết.

Sau 75 dư chấn những trận bom B52 ngày xưa gây nên bệnh rối loạn tiền đình ngày càng nặng khiến phải xin về hưu non để chữa bệnh. Nhưng bệnh biến thái thành chứng run mãn tính thường xuyên run tay lẩy bẩy, những khi bị xúc động càng run dữ, run lên đầu ngoặt nghẹo làm líu lưỡi nói lắp luôn.

Đã vậy gia đình lại lâm cảnh tang thương, chồng sĩ quan bộ đội cũng mắc bị thương tật chiến tranh mất sớm để lại 3 con dại.

Dù vậy vẫn cắn răng chịu đựng vượt lên tất cả nuôi con trưởng thành đàng hoàng.

Ôm bệnh mãn tính như thế trong người vậy nhưng khi con cái đã ổn định, từ năm 2006 vẫn bắt đầu cùng đồng đội cũ tổ chức đi truy tìm hài cốt liệt sĩ bạn bè chiến đấu năm xưa nay chưa biết gửi thân xác mục rữa nơi đâu. Đi khắp các tỉnh miền đông và tây Nam bộ đã tìm được gần 100 bộ hài cốt báo tin cho gia đình được yên lòng: “Tôi tự nhận thấy đó như một món nợ lớn. Dù sao tôi cũng may mắn hơn là được nhìn thấy đất nước độc lập thống nhất…”

Dù bệnh run mãn tính vẫn còn đó song “Khó khăn đến mấy tôi vẫn còn đi, đi đến khi nào không còn đi được nữa.”

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét