Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

NHÂN TÀI NHƯ ...NẤM SAU MƯA - CAO THOẠI CHÂU

Người đọc báo và cả những người thích thưởng thức văn học nghệ thuật trong mấy ngày gần đây đang bị đánh thức bởi những tiếng lùm xùm chí cha chí chát của việc xin xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ! Một kỷ lục chưa từng có trong các hoạt động tôn vinh của nền văn nghệ VN từ nửa thế kỷ nay, là có đến 890 hồ sơ xin xét tặng giải thưởng các loại về văn học nghệ thuật đã được Hội đồng cấp Bộ trình lên Hội đồng cấp Nhà nước để xét duyệt.
Bên cạnh đống hồ sơ cao ngồn ngộn kia lại là những kiện cáo, thắc mắc, bất bình...của người trong cuộc, được bàn luận trên báo chí trong nhiều ngày gần đây. Một bài báo đã nêu câu hỏi: "Ở đâu ra mà nhiều giải thưởng với danh hiệu thế nhỉ? Sao chẳng mấy tác phẩm được nhớ tên? Và một câu hỏi khác cũng tự nhiên đến: sao nhiều tác giả, tác phẩm mà hầu như ai cũng biết, cũng đọc, cũng nghe, cũng xem; nhiều nghệ sĩ mà ai cũng yêu mến không hề có tên trong danh sách?". Thì có gì mà còn phải hỏi, nhân tài văn học nghệ thuật của ta nở rộ như nấm sau mưa! Dân tộc này hoá ra quá sinh văn chương học thuật. Đâu đâu cũng có nghệ sĩ thật- giả, xịn- nhái, hàng hiệu- hàng sales off...tạo ra những mạng lưới văn học như mạng lưới bảo vệ thực vật! Hơn ba chục năm trước ra ngõ sợ đụng anh hùng, giờ ra khỏi nhà coi chừng va phải nghệ sĩ!
Về câu hỏi của nhà báo nêu lại ở trên, câu trả lời của Bộ Văn hoá-Thể thao& Du lịch thì đơn giản: cứ theo quy định của Nhà nước mà làm. Đơn cử tiêu chuẩn phong nghệ sĩ ưu tú của Bộ là có hồ sơ xin phong tặng + 15 năm công tác liên tục + có hai huy chương vàng hội diễn, liên hoan phim... Mà nghệ sĩ nào muốn xin thì phải có hồ sơ đầy đủ nghĩa là phải đến các đài phát thanh hay truyền hình để xin sao lại các bản ghi âm, ghi hình những tác phẩm từ nhiều năm trước; sao y có công chứng các bằng khen, giấy khen; các tác phẩm, công trình nghiên cứu... Mỗi bộ hồ sơ như vậy đều phải được sao y bốn bản để nộp cho hội đồng. “Chúng tôi còn sống thì còn làm được. Chứ những người đã chết thì ai sẽ làm hồ sơ, đơn xin cho họ?", một nhạc sĩ tâm tư. Thắc mắc này sẽ được trả lời một cách rất đúng-sai là hồ sơ không đầy đủ thì...thôi! Hiện nay không thiếu những hiện tượng xuất sắc của điện ảnh VN nhưng tuyệt nhiên không lọt tiêu chí nào trong "bảng phong thần" kể trên thì...các hiện tượng ấy cần chịu khó một tí là đợi cho đủ 15 năm, ráng kiếm vài cái "vàng" và không chừng còn phải nhờ đến "cò" chạy giùm, gánh đỡ cho các khâu xin sao, công chứng hồ sơ...tức là khâu vặn vẹo, van vái mà thường gọi là vv. và v.v.
Có nghệ sĩ thắc mắc, có hàng loạt nghệ sĩ khác thừa mứa tiêu chuẩn mà hỏi tên tuổi, tác phẩm thì...đó là cuộc đánh đố công chúng (!). Cũng phải thôi, công chúng cũng cần quan tâm hơn để nhớ là mình đã nghe, coi các tác phẩm ấy ở đâu, ngày tháng năm nào, ai làm chứng v.v.
Cảnh lùm xùm hiện nay làm người ta nhớ đến việc nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các kỹ sư Nguyễn Thành Long, Phan Văn Trường, nhà âm nhạc học Trần Quang Hải...được nhà nước Pháp trao Bắc đẩu Bội tinh với lòng trân trọng của họ mà các vị ấy có ai phải tự kể công, sao công chứng...gì đâu? Người trao giải phải tự tìm hiểu để trao, bởi người được trao làm tăng giá trị của giải!
Trong cuộc lùm xùm hiện nay, thiết nghĩ: Nếu thực lòng muốn trao tặng giải thưởng, muốn vinh danh các tài năng đã có cống hiến, sao lại bắt họ tự mình "kể công"? Nếu thấy họ xứng đáng, sao không chủ động trao giải? Từng có tiền lệ rất tốt đẹp là năm 2009, Chủ tịch nước đặc cách trao Giải thưởng nhà nước cho bốn nhà văn thuộc nhóm Nhân văn: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm" .Sao không làm tiếp kiểu này, hay đó chỉ là lâu lâu thí điểm một lần?
Tôn vinh người tài là cần thiết nhưng con đường dẫn đến tôn vinh sao lại là con đường đau khổ vì...thủ tục hành chính nhiêu khê như đi xin sổ đỏ chi vậy? Và , trong cuộc "tự kể công" này, không biết có bao nhiêu "nghệ sĩ tài năng" thấy mình đã làm một điều hơi bị thiếu khiêm nhường và tự trọng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét