Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẪU CHIẾN 1975 - 2011 ( KÌ 77)




NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ


771 - Chamalea Thuận
LÊN NÚI TÌM NGUỒN NƯỚC
Nông dân sinh 1957 tại Ninh Thuận. Sống ở Ninh Thuận (2005).
Người dân tộc Raglay vào du kích đánh Mỹ.
Sau 75 trở về quê làng Ra Ó sống cùng vợ con làm nghề trồng lúa rẩy.
Nhưng nghề trồng lúa rẩy không giúp dân làng thoát nạn thiếu đói do vùng này thiếu nước trầm trọng, muốn lấy nước phải ra tận sông Cầu ở phía Tuy Hòa xa xôi mà mưa cũng chỉ trên núi cao chứ ít khi “ban phúc” giọt mưa cứu hạn khiến trai tráng bỏ làng ra đi qua nơi khác kiếm sống, cả làng chỉ còn khoảng 20 hộ. Từ đó suy nghĩ lấy kinh nghiệm thời làm du kích có được học hỏi chút ít kiến thức, kinh nghiệm làm ruộng của nông dân đồng bằng mới quyết tâm đi tìm nguồn nước từ trên núi cao gần đó là núi Ka Răng cao trên 1.000m.

Thế là năm 1998 một mình nai nịt mang theo gạo muối lên núi bỏ mấy tháng trời đi khảo sát nguồn nước từ tất cả con suối trên cao rồi tìm cách vẽ đường gom tất cả lại thành một lối thoát nước lớn dẫn xuống núi về làng. Không chỉ thế, còn phải đào khe, đắp bờ kè, chèn đá, trồng cây giữ chắc bờ kè để giữ dòng nước uốn lượn theo đường đã vạch ra. Ban đầu chỉ tự lực làm một mình, dần dà mới thuyết phục được bà con cùng chung sức góp công vào.

Kết quả hoàn thành mỹ mãn, làng đã có nước trồng ruộng nước cứu đói, dân làng bỏ đi cũng bắt đầu trở về sinh sống như cũ.

Năm 2.000 công trình “thủy lợi nhân dân” đó được Nhà nước bê-tông hóa thành ra một hệ thống dẫn thủy nhập điền đàng hoàng mang tên không chính thức “Kênh Chamalea Thuận”.

772 – Châu Tâm Luân
“THÂN CỘNG” VƯỢT BIÊN
Giáo sư đại học Việt kiều. Sống ở nước ngoài (2011).
Tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ về Sài Gòn dạy ĐH Nông Lâm Súc đồng thời tham gia nhóm trí thức Công giáo tiến bộ miền Nam chống chế độ Thiệu – Kỳ.
Sau 30.4.1975 được chế độ cộng sản tỏ ra tin dùng, sử dụng.
Nhưng được vài năm thì có vẻ bị thất sủng nên đành chọn con đường vượt biên năm 1986. Khi vào được trại tị nạn trên đảo ở Malaysia đã bị dân vượt biên từ trước vây đánh trọng thương vì tội “theo Cộng”!
Sau đó được Thụy Sĩ nhận nhập cư.
Sau thời Đổi mới ở VN đã mấy lần trở về thăm người thân, bạn bè cũ “không có vấn đề gì”!

773 - Chu Phạm Ngọc Sơn
BI KỊCH GIA ĐÌNH
Giáo sư đại học sinh 1936 tại Hưng Yên. Sống ở TPHCM (2011).
Giáo sư ĐH Khoa học Sài Gòn (ngành hóa) trước 75 có tư tưởng tiến bộ thiên tả.
Vì vậy sau 30.4.1975 được chính quyền cộng sản trọng dụng xem như một “trí thức tại chỗ” chấp nhận hòa nhập với chế độ mới.ï

Nhưng nội bộ gia đình bất ổn dẫn đến bất hòa do vấn đề chính kiến và thực tế cay đắng khi vợ dược sĩ bị bệnh viện “đấu” cho nghỉ việc, con gái thi đại học y bị đánh rớt!

Từ đó dẫn đến con trai đi vượt biên… bị bắt năm 1980, may nhờ Bí thư TPHCM lúc đó Võ Văn Kiệt thông cảm xin cho về.

Cuối cùng bản thân đành phải chọn cách giải quyết “dung hòa” cho tạm yên ổn đôi bề là để vợ con ra nước ngoài theo đường bảo lãnh chính thức, riêng mình vẫn ở lại làm việc phục vụ quê hương đất nước theo tâm nguyện từ đầu.

774 – Chung Văn Tỷ
ROBINSON TRỐN LÍNH
Nông dân sinh tại Kiên Giang. Sống ở Kiên Giang (2008).
Sinh ra trên đất liền, năm 21 tuổi lấy vợ.
Nhưng chỉ một năm sau bị chế độ Sài Gòn bắt lính nên cả 2 vợ chồng quyết định bỏ trốn bằng cách đưa nhau ra sống trên một… hòn đảo xa tít tắp ngoài khơi mang tên đảo Hòn Một! Do lúc trên đảo đã có 4 hộ thân nhân bên vợ cất nhà sống ở đó trước rồi.

Từ đó 2 vợ chồng sống đời “du mục” trên đảo, trở lại thời kỳ “hái lượm” bẫy thú đánh cá trồng cây ăn trái sống qua ngày. Sinh đến 9 ngườøi con tất cả, hầu hết phải thất học.

Sau 30.4.75 các gia đình bà con kia đều rời đảo về đất liền sinh sống. Riêng bản thân mình đến năm 1978 mới để vợ con vào đất liền sống nhưng riêng mình vẫn tiếp tục bám trụ ở lại với đảo giờ chỉ còn một mình mình trơ trọi trong căn nhà gỗ cùng bầy chó làm bạn. Ngày ngày tìm niềm vui với vườn cây trái và bầy chó cùng dắt theo đi giăng câu bắt cá.

Có lần gia đình chèo kéo về đất liền sống luôn song chỉ được một thời gian ngắn là sinh buồn… nhớ đảo nhớ bầy chó nên lại quay về với ngồi nhà cô độc ngó mặt ra biển cả : “Ở đâu quen đó, xa đảo tôi thấy bứt rứt sao ấy…”

775 - Doãn Quốc Sỹ
“KẺ SĨ” CHỐNG CỘNG
Nhà văn Việt kiều Mỹ sinh 1923 tại Hà Đông. Sống ở Mỹ (2011)
Thời trai trẻ từng tham gia kháng chiến chống Pháp.
Nhưng năm 1954 di cư vào Nam 1954 vì quan điểm bất đồng với cộng sản. Ở Sài Gòn vừa đi dạy vừa tham gia thành lập nhóm Sáng Tạo nêu chủ trương chống Cộng về mặt văn hóa văn học đề cao chủ nghĩa dân tộc giữ gìn đạo lý gia đình truyền thống ảnh hưởng luân lý Nho giáo.

Thể hiện qua nhiều truyện ngắn, truyện dài lấy cảm hứng thời kháng chiến chống Pháp với nội dung mang chất lãng mạn trong sáng để lại ấn tượng như “Dòng sông định mệnh” và đặc biệt đi tiên phong trong thể loại tiểu thuyết trường thiên với tác phẩm dài “Khu rừng lau”. Về sau còn nghiên cứu lịch sử văn học VN dạy đại học.

Bản thân sống đúng lý tưởng rất đạo đức, nghiêm túc, là một nhà giáo mô phạm nhiệt tình, một nhà văn lý tưởng tâm huyết như kiểu một “nhà Nho hiện đại”..

Sau 30.4.1975 vẫn ở lại với thái độ chấp nhận trả giá sòng phẳng: “Tôi không thể rời bỏ quê hương được… Nếu gặp hoạn nạn vì những gì đã viết thì cũng đành chịu vì không khác được… Phải viết những điều cần viết và sẽ rán viết tiếp những điều cần viết…”

Trên thực tế đã làm đúng như vậy qua nhiều bài viết chống chế độ tìm cách gửi “chui” ra nước ngoài nên hồi đầu không bị bắt bớ gì (vợ là con gái nhà thơ Tú Mỡ, em trai là nhạc sĩ đại tá cộng sản Doãn Nho, …) nhưng vì vậy mà năm 1976 đã bị bắt đưa lên giam ở Tây Nguyên đến 1981 do có sự can thiệp của tổ chức quốc tế nên mới được thả ra.

Tuy vậy vẫn không lùi bước, tiếp tục gửi bài ra hải ngoại nên năm 1984 bị bắt lần thứ hai đến 1988 đưa ra tòa xử tội phản động lãnh án 9 năm tù (cùng lúc với một số văn nghệ sĩ chế độ cũ gồm Hoàng Hải Thủy 8 năm tù, Duy Trác 4 năm…).

Cuối năm 1991 mới được giảm án trả tự do, tính ra qua 3 lần bắt giữ đã nằm tù 14 năm tự hào trong tù luôn cố giữ được tư cách ngườøi trí thức. Ra tù rồi vẫn muốn tiếp tục ở lại không đi đâu hết nhưng cuối cùng con cháu gây sức ép buộc phải qua Mỹ năm 1995.

Trên đất Mỹ có điều kiện để viết một loạt tác phẩm mang tính tổng kết cuộc đời, sự nghiệp trải qua một thời kỳ lịch sử quá nhiều biến động gồm “Người vái tứ phương”, “Dấu chân cát xóa”, “Mình soi lại mình”… Những tác phẩm bắt đầu nhuốm chất suy tư Phật giáo song song với việc nghiên cứu Phật học, dạy tập thở theo nghệ thuật Thiền…

776 - Duy Trác
QUAN TÒA VĂN NGHỆ
Ca sĩ tên thật Khuất Duy Trác sinh 1932 tại Sơn Tây. Sống ở Mỹ (2011).
Thủa nhỏ theo gia đình từng sống trên chiến khu Việt Bắc (có người thân sau này làm tới trung tướùng bộ đội). Tuy vậy năm 1954 vẫn di cư vào Nam.

Ở miền Nam tốt nghiệp ngành luật rồi bị gọi đi lính năm 1962. Ra trường sĩ quan do có bằng luật nên được chuyển về ngành quân pháp rồi qua hơn 10 năm phục vụ lên tới chức thẩm phán tòa án quân sự vùng 2 chiến thuật (Tây Nguyên).

Bên cạnh đó do tâm hồn văn nghệ lại có một giọng ca thiên phú nên được bạn bè khuyến khích hát trên đài phát thanh và thu đĩa, dần dà trở thành một giọng ca trầm chuyên trình bày loại ca khúc tiền chiến lãng mạn rất được giới trí thức yêu thích.

Sau biến cố lịch sử 1975 vì là sĩ quan quân pháp cao cấp nên phải đi cải tạo 11 năm để vợ ở nhà nuôi 6 con. Trong tù kiên quyết tìm cách từ chối tham gia biểu diễn “văn nghệ mới”, bù lại chấp nhận chịu bị o ép.

Năm 1988 ra tù với bao nỗi đau hậu chiến: 3 con vượt biên mất tích, bà mẹ già nghe tin đột quỵ nằm liệt luôn! Năm 1992 đi Mỹ.

Trên quê người được giới thiệu làm đài phát thanh qua ngày nhưng dường như nỗi đau kia vẫn khó xóa nhòa nên ít khi xuất hiện ca hát trở lại. Đến năm 1995 cho thu âm một CD nhạc nói lời chia tay với sự nghiệp ca hát của mình đúng như tựa đề đĩa hát “Giã từ”: “Đời sống thay đổi, hoàn cảnh sống thay đổi thì âm nhạc phải thay đổi, cái tình yêu nó phải thay đổi, cái cách bày tỏ tình yêu nó cũng thay đổi…”

Từ đó hầu như rút về ở ẩn, xa lánh làng văn nghệ. Thay vào đó tham gia các hoạt động của tổ chức Phật giáo Hội Từ bi phụng sự của thượng tọa Thích Hằng Trường chuyên giúp người trị liệu, chữa bệnh bằng phương pháp tập yoga và dịch cân kinh.

777 – Dương Hùng Cường
“BIỆT KÍCH CẦM BÚT” CHƯA RA TÒA ĐÃ CHẾT
Nhà báo sinh 1934 tại Hà Nội – Mất 1988 ở TPHCM (55 tuổi).
Sau khi di cư vào Nam năm 1954, đí lính không quân đơn vị sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn sau lên được lon chuẩn úy.

Do có năng khiếu và máu văn nghệ nên được các đàn anh trong giới văn nghệ quân đội VNCH khuyến khích tập tành viết lách truyện ngắn, truyền dài. Đặc biệt sau chuyển qua viết văn châm biếm khá thành công trên tuần báo “Con Ong” và một số nhật báo ký bút danh Dê Húc Càn.

Sau 30.4.75 bị bắt đi cải tạo đến 1979 được cho về.

Ra tù về không biết làm gì, có lúc bí quá định xin đi viết báo nhưng bị từ chối thẳng. Chẳng còn đường sống đành quay về tụ tập với bạn bè đồng nghiệp cũ khiến năm 1984 dính vào vụ án “10 tên biệt kích cầm bút” bị bắt chung với nhóm văn nghệ sĩ chế độ cũ (Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sỹ, Duy Trác…) tình nghi âm mưu chống phá nhà nước.

Vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử năm 1988 thì vào đầu năm khi bị biệt giam ở TPHCM đã tái phát bệnh cũ (thúi tai phát lên óc) đang đêm chết trong phòng giam không ai biết (sau được xác định bệnh tắc mạch máu não). Chết không kịp đón tin vui lâu nay sinh 5 con toàn gái nay vợ đang mang thai đứa con thứ sáu là… con trai đầu tiên!

778 - Dương Khắc Kiểm
HUẤN LUYỆN VIÊN BÓNG ĐÁ NỮ TỰ PHÁT
Nông dân sinh tại Hà Tây. Sống ở Hà Tây (2011).
Lính lái xe Trường Sơn sau 1975 ra quân về quê Hà Tây làm ruộng.
Năm 1993 khi cuộc sống đã ổn định con cái trưởng thành gần hết được các bô lão trong làng – làng Nghiêm Xá, huyện Thương Tín – giao cho nhiệm vụ “quản trò” tổ chức sinh hoạt giải trí vui tươi cho làng mỗi khi có lễ hội truyền thống. Từ đó mới bắt tay thực hiện giấc mơ ấp ủ lâu nay là lập… đội bóng nữ thiếu niên cho làng! Không chỉ một mà đến 2 đội để có đối thủ đá với nhau mới hấp dẫn chứ thời này bóng đá nữ đâu đã về tới vùng nông thôn.

Cầu thủ ban đầu chỉ giới hạn thiếu nhi 13 tuổi trở lên, sau lứa lớn hơn thấy vui quá cũng đòi tham gia mới nâng lên mức 25 tuổi. Mỗi ngày tập buổi chiều sau giờ học do bản thân mình làm huấn luyện viên kiêm trọng tài lẫn phục vụ viên (có cả bác sĩ riêng do một quân y sĩ phục viên đảm trách) với bao nhiêu kiến thức bóng đá toàn tự học qua sách báo, xem đài. Nhưng dạy các em đá bóng rất bài bản, nghiêm túc, áp dụng “kỷ luật sắt” quân đội như thời vượt Trường Sơn đánh giặc, với châm ngôn “Đá bóng tập làm người”.

Vậy nhưng nhanh chóng đạt kết quả khích lệ, trận đầu tiên cả làng – khoảng trên 4.000 người - cùng ra xem. Làng “tài trợ” mỗi tháng… 5.000 đồng nuôi đội, số tiền chỉ đủ mua một… gòi chè tươi! Bởi vậy phải đi xin các nhà mạnh thường quân “chân đất” góp gạo đem đi bán kiếm tiền nuôi quân.

Năm 1996 dự giải bóng đá nữ đầu tiên của Hà Tây đoạt hạng nhì, dự Hội khỏe Phù Đổng cũng hạng nhì được Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh bảo trợ giúp đõ. Năm 1998 trở thành nồng cốt của đội tuyển Hà Tây sau này từng có lúc lên ngôi vô địch quốc gia. Từ đó một số đệ tử cũ được tuyển vào ĐTVN vinh danh ngôi làng xưa nay chỉ được biết tiếng về nghề thêu.

779 - Dương Quang Thiện
“VÌ NGÀY MAI PHÁT TRIỂN”
Kỹ sư sinh 1934 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2011).
Nhà nghèo học giỏi nên được mạnh thường quân cho học bổng du học Mỹ từ cuối thập niên 1960. Trở thành kỹ sư công nghệ thông tin VN đầu tiên của hãng IBM.

Được cử qua làm việc ở Châu Aâu, lấy vợ giáo viên Thụy Sĩ.

Năm 1965 thuyết phục vợ cùng quay về Sài Gòn để phục vụ quê hương còn lạc hậu nghèo khó. Là nhà tiên phong phổ biến công nghệ thông tin đầu tiên ở VN từ thời đó, đào tạo những lập trình viên VN đầu tiên.

Trong biến cố 30.4.75 không ra đi mà vẫn ở lại làm chuyên viên xí nghiệp, cùng vợ nước ngoài chịu đựng thời gian khó bao cấp ăn cơm độn bo bo làm thêm nghề chế ruột bút bi tiểu thủ công nghiệp để sống còn mà tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu công nghệ thông tin. Đến thời Đổi mới tương đối dễ thở hơn.

Năm 1989 đến nay đã cộng tác hỗ trợ tài chính cho báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình học bổng dài hơi cho học sinh sinh viên mang tên “Vì ngày mai phát triển”, chương trình học bổng đầu tiên cả nước trên quy mô rộng rãi lâu dài đạt nhiều hiệu quả. Hơn 20 năm trung thành với đóng góp này lấy từ tiền dành dụm (lương hưu, nhuận bút viết sách kể cả lương hưu Thụy Sĩ của vợ), còn tham gia góp tiền xây cầu ở vùng quê nghèo, góp vốn lập quỹ cho nông dân nghèo vay sản xuất…

Tất cả còn bắt nguồn từ lời dặn của vị mạnh thường quân ngày xưa giúp mình: “Chúng tôi giúp anh nhưng anh không nợ gì chúng tôi cả. Muốn cảm ơn, anh hãy trả món nợ ấy cho những người đi sau anh, những ngườøi gặp khó khăn như anh hôm nay.”

780 – Dương Thị Hồng
MỘT MÌNH NUÔI 3 NGƯỜI ANH ĐIÊN
Nông dân sinh 1980 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2006).
Cha là cựu chiến binh từng tham gia trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, sau khi xuất ngũ trở về quê làm ruộng thì bất ngờ bị tai nạn giao thông qua đời bỏ lại vợ và 6 con. Mẹ cũng từng là dân công hỏa tuyến thời đánh Mỹ còn mang trong thân thể nhiều vết thương chiến tranh.

Bản thân là con gái út có 3 anh trai và 2 chị gái nhưng 3 anh trai đầu do nhiễm CĐDC từ cha mẹ nên lớn lên dần dà mắc bệnh thần kinh điên điên dại dại chẳng làm được gì mà chỉ ở nhà phá phách, thỉnh thoảng lại bỏ đi lang thang không biết nơi đâu mà tìm. Riêng 2 chị kế thì bình thường đã lấy chồng ở xa lại nghèo khó không nhờ cậy gì được.

Năm 2000 mẹ bệnh nặng hết chữa nổi qua đời với lời trăng trối gửi lại con gái út ráng lo cho 3 anh.

Với gia sản cha mẹ để lại chỉ 3 sào ruộng, từ đó phải nai lưng gồng gánh làm ruộng rồi làm đủ thứ nghề tay chân nặng nhọc để nuôi 3 người anh lúc thường thì dại khờ song khi nổi cơn là hung hăng dữ dằn rượt đuổi đánh cả em gái mình!

` Nhưng làm sao bỏ các anh được, đành chịu đựng hết từ nỗi vất vả kiếm sống cho cả 4 người đến tình yêu con gái tất cả phải gác lại quên đi giấc mơ tuổi xuân thay bằng hạnh phúc tình cảm máu mủ ruột thịt: “Có lẽ số em nó vậy, chỉ mong được khỏe mạnh để nuôi các anh, chừng ấy thôi em đã hạnh phúc lắm rồi…”

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét