Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

KHI LÃNH ĐẠO ĐI "XIN" - DOÃN TUỆ



Ở ta, việc doanh nghiệp đi “xin”, thậm chí “nài nỉ” quan chức là… chuyện thường ngày ở huyện, việc ngược lại là… chuyện lạ đó đây. Không biết từ bao giờ, một suy nghĩ đã hằn sâu trong tiềm thức nhiều người: “quan” chỉ “ban phát”, “yêu cầu”, không bao giờ “xin”, ngoại trừ “xin” cấp trên.

Thời phong kiến, người ta định nghĩa "quan là phụ mẫu của dân", hiểu theo hướng tích cực nhất là "quan" phải gương mẫu, lo cho dân như cha mẹ lo cho con cái. Tiếc là trên thực tế, số quan xứng được tôn vinh theo cái ý nghĩa tích cực đó không nhiều.

Gần như ngay sau khi chế độ phong kiến sụp đổ, chính quyền về tay nhân dân lao động, trong "Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" (đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân..." Số quan chức ngày nay có thể xem là "công bộc của dân" thực sự rất hiếm...

Sở dĩ người viết bài này dẫn dắt dài dòng là thế để kể một câu chuyện không "lớn" nhưng rất "lạ".

Bữa nọ, có một buổi làm việc giữa đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang gồm Bí thư tỉnh ủy và các lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh, một số sở, ban, ngành, với đại diện Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (sau đây gọi tắt là Công ty) - một buổi làm việc có nhiều sự "lạ".

Sự "lạ" thứ nhất là buổi làm việc được tổ chức theo "đề nghị" (không phải "yêu cầu") của ông Huỳnh Minh Chắc - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, chứ không phải theo "đề nghị" của Công ty. Thường chỉ là doanh nghiệp tìm đến "cửa quan", các "quan" chủ động tìm đến doanh nghiệp là rất hiếm, có chăng chủ yếu là để "tham quan", "quay phim", "chụp hình".

Sự "lạ" thứ hai là buổi làm việc diễn ra nghiêm túc mà cởi mở, ngắn gọn, không có những "kính thưa..." đủ loại dài lê thê như thường thấy. Sau khi giới thiệu thành phần tham dự hai bên, ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng GĐ Công ty nhấn mạnh phương châm hoạt động của Công ty: "Góp phần chăm lo lợi ích cho xã hội ngày hôm nay chính là vì sự phát triển của công ty trong tương lai" và "Phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý".

Bài phát biểu của Bí thư tỉnh ủy (được gọi bằng tên thân mật là anh Bảy Chắc) cũng ngắn gọn, rõ ràng: Hậu Giang là tỉnh thuần nông, 85% dân số sống ở nông thôn, là một trong những tỉnh có sản lượng lúa gạo hàng đầu cả nước. Tuy vậy, đời sống nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn do lợi nhuận mà người dân thu được không cao. Đó là bài toán khó mà địa phương đang tìm lời giải.

Nhận định mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" và Nhà máy chế biến gạo của Công ty có thể là là một lời giải hữu hiệu, Bí thư đã cử cán bộ tìm hiểu thực địa, bản thân không ngại ngồi xe vượt hàng trăm cây số để đến tận nơi đặt vấn đề xây dựng mô hình này ở tỉnh Hậu Giang.

Sự "lạ" thứ ba, khi phát biểu, Bí thư tỉnh ủy rất hay dùng những cụm từ "Tỉnh thiết tha đề nghị...", "Chúng tôi rất mong muốn được Công ty quan tâm..." Thông thường khi làm việc với doanh nghiệp, các quan chức đâu có khiêm nhường như vậy, đều là "tỉnh yêu cầu..." hay "tỉnh chỉ đạo...".

Kết thúc buổi làm việc, sự "lạ" thứ tư, Bí thư tỉnh ủy đã "đề nghị" doanh nghiệp cho một lời "hứa" - một điều mà các doanh nghiệp chẳng mấy khi được làm với các quan chức.

Thứ mà vị Bí thư tỉnh ủy "xin" doanh nghiệp không gì khác chính là dự án xây dựng Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu. Ông tin đó là lời giải cho trăn trở lớn nhất của mình: giải quyết bài toán đầu ra cho bà con nông dân trồng lúa.

Đúng như lời ông Bảy Chắc, vấn đề nan giải đối với nông dân trông lúa Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và nông dân Hậu Giang nói riêng chính là mô hình sản xuất kiểu nhỏ lẻ nên chi phí đầu vào cao, chất lượng lúa không đồng đều. Sau thu hoạch, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc phơi sấy và cất trữ lúa nên thường bị thương lái ép giá.

"Cánh đồng mẫu lớn" và Nhà máy chế biến gạo là một chu trình sản xuất - tiêu thụ lúa khép kín: Sau khi ký kết tham gia "Cánh đồng mẫu lớn", bà con nông dân được Công ty ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật xuống "cùng nông dân ra đồng". Tất cả nông dân cùng xuống giống một ngày, chăm sóc lúa theo quy trình chuẩn "sạch" của Công ty.

Đến khi thu hoạch, Công ty đưa bao đến tận ruộng để nông dân đựng lúa và cho ghe đến chở lúa về tận nhà máy sấy khô miễn phí. Người nông dân chỉ việc kiểm tra quá trình cân lúa rồi chờ nhận tiền ngay tại nhà máy.

"Nếu bà con nào cảm thấy giá lúa tại thời điểm đó còn thấp nên cần dự trữ để chờ được giá rồi mới bán thì Công ty đã có sẵn kho trữ lúa tối đa một tháng không tính phí", ông Thòn nhấn mạnh.

Với quy trình khép kín này, bà con nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất (trung bình chi phí sản xuất 1kg lúa ở "Cánh đồng mẫu lớn" đang áp dụng tại xã Vĩnh Bình là 2.200 đồng, trong khi ở những nơi khác có thể lên tới 3.200 - 3.500 đồng); lúa thành phẩm có chất lượng cao, đồng đều, nông dân không lo bị thương lái ép giá nên lợi nhuận thu được lên đến 200% so với chi phí bỏ ra.

Một điều khá lạ nữa là sau khi kết thúc buổi làm việc sớm hơn dự kiến, thay vì một bữa tiệc linh đình tại một nhà hàng hay khách sạn sang trọng, toàn thể những người tham dự buổi làm việc đã cùng nhau ăn một bữa cơm thân mật với những món ăn dân dã, đạm bạc ngay tại Trụ sở Công ty. Món cá thác lác khô, đặc sản của Hậu Giang, được đích thân Bí thư tỉnh ủy mang đến góp vào bữa ăn.

Nhiều người có thể nghĩ câu chuyện chẳng có gì đặc biệt, nhưng từng là một công chức đã tham dự rất nhiều buổi làm việc giữa các quan chức nhà nước với doanh nghiệp, đây là lần đầu tiên người viết được chứng kiến một buổi làm việc "lạ" như vậy.

Chợt nghĩ, tỉnh Hậu Giang có một vị lãnh đạo thật chủ động, tận tâm, tận tình với bà con nông dân, có trách nhiệm với những khó khăn mà nông dân đang gặp phải. Dân hẳn cũng chỉ mong quan chức có nhiều người thực sự là công bộc "của dân, do dân, vì dân" như thế!

DT ( TuanVietnam.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét