Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

CHÂN DUNG TRỊNH CÔNG SƠN ... - NGÔ THIÊN THU


CHÂN DUNG TRỊNH CÔNG SƠN QUA NÉT BÚT HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG


Họ là đôi bạn chơi với nhau từ thời ấu thơ cắp sách đến trường, cùng lớn lên trong chiến tranh và hòa bình, cùng liêu xiêu trong những khúc rẽ cuộc đời. Họ đến với nhau bằng sự trong sáng nghệ sĩ. Trịnh Công Sơn đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm thức Hoàng Phủ Ngọc Tường. Và chính vì điều đó chúng ta có thể thấy được một chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua phát họa của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.(*)


Trịnh Công Sơn, một du tử

Trịnh Công Sơn trước đây có một căn nhà ở Huế nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ gần cầu Phủ Cam. Căn nhà này Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là căn nhà của những gã lang lang. Vào buổi tối Hoàng Phủ Ngọc Tường và họa sĩ Đinh Cường thường thả bộ từ một căn nhà thuê ở Bến Ngự bên kia sông rồi vượt qua cây cầu nhỏ để đến rủ Trịnh Công Sơn lang thang. “Chúng tôi coi cuộc đi chơi bắt đầu từ nhà Sơn, lúc ấy, mọi người đã đông đủ.Chúng tôi đi theo đường phố dọc sông Hương, kéo sang cầu Trường Tiền và ngồi vào một quán cà phê nổi tiếng thời đó. Đường vắng, hai hàng cây muối bên đường như chụm đầu vào nhau thành một cái vòm trên đầu và con đường Lê Lợi như dài thêm ra dưới ánh đèn đường. Thỉnh thoảng trên đường phố vắng chúng tôi có gặp những người phu quét đường chở lá rụng trong những chiếc xe ba gác và đẩy đi cành cạch trên mặt đường."“Chúng tôi lang thang trong những đêm mùa Hạ, thơm ngát mùi hương ngọc lan, trong những khu vườn tối, và trên trời nhiều mây trắng bay...” “Qua những cuộc rong chơi trên thành phố mến yêu, giống như những người thợ thủy tinh, chúng tôi thổi hơi thở của mình vào vào chất nhựa chai của tư duy, để làm hình thành ở đó một thế giới lấp lánh muôn màu dưới ánh sáng nghệ thuật, một thế giới từ không thành có, từ khoảnh khắc thành vĩnh cửu hoặc như bài hát của Sơn “Ta nghe đời rất mêng mông. Trong chân người bước chầm chậm”. Quãng thời gian dạy học ở Blao, đêm đến “Sơn thường ra ngoài lang thang và để đánh lùa kẻ lạ vô nhà, Sơn dung chiếc drap trắng trùm kín cây ghi ta trên gường, giả vờ người nằm bệnh...”. Nhiều đêm mất ngủ Trịnh Công Sơn lãng du đâu đó cho đến sáng. Trịnh Công Sơn mãi mãi là một người lang thang cô độc suốt hành trình của đời mình.


Trịnh Công Sơn, một “ẩm giả

“Toàn bộ âm nhạc của Trịnh Công Sơn làm bằng một thứ ngôn ngữ cực kỳ giản dị, những chi tiết đời thường chìm đắm trong nỗi buồn êm dịu của cung la thứ. Tất cả đều dùng để nói từ nhiều góc độ khác nhau, về nỗi cô đơn của số phận con người trong tiếng kêu lanh canh của những viên đá trong ly rượu. Vâng tất cả âm nhạc của Sơn là nỗi buồn; và để chuyển tải nỗi buồn là ly rượu. Trong tiêng Hán Việt người ta thường dung từ “giả” cho một số nghề nghiệp, như tác giả, soạn giả, diễn giả; chứ ít ai dám phong”nhà” cho kẻ say giống như Lý Bạch – nhà thơ vĩ đại đời Đường đã cho rằng: ...”Tự cổ thánh hiền giai tịch mịch / Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh” (tạm dịch: xưa nay thánh hiền đều yên lặng...chỉ người uống rượu là để lại tên tuổi). Như vậy Trịnh Công Sơn là một “ẩm giả” đích thực...” Trong đời mình Trịnh Công Sơn đã từng có “một cuộc rượu vô tiền khoáng hậu”. “Trịnh Công Sơn đã từng được ông chủ hãng rượu Martell mời qua Anh và Pháp chơi, và vào hầm rượu “thiên đường” để nhấm nháp hai ly Cô-nhắc, một ly làm năm 1845, ly khác năm 1875.” “Trịnh Công Sơn uống rượu như để trấn áp một nỗi sợ siêu hình (Cái chết) vẫn thường tỏa áp lực trong các bài hát của anh".


Trịnh Công Sơn, gã lữ hành cô đơn

“Hình như con người thời nay đã đánh mất cái cảm nhận sâu thẳm của người trèo núi ngồi nghỉ mệt trên bờ vực. Nỗi cô đơn chính là vực thẳm linh hồn mà nghệ thuật cần đạt tới, như đạt tới chân thân của mình, để từ đây biết khướt từ mọi ảo tưởng cuộc đời”. Cho dù có nhiều bạn bè và giao du khắp nơi trên trái đất nhưng Trịnh Công Sơn vẫn là người cô đơn nhất trong số những người cô đơn. “ Thời kỳ học tập ở Sư phạm Quy Nhơn, ban đầu Trịnh Công Sơn sống chung cùng mấy người bạn đều là những người hoạt động âm nhạc nổi tiếng ở Huế, sau đó anh tách ra một mình trong một căn gác hiu hắt buồn, với một chỗ nằm đơn chiếc, lộng gió, và cùng với một chiếc màn buông chùng luôn đầy những bài hát đang viết, những cuốn sách đang đọc, và nhiều khi cả một cây ghi-ta”. Thời gian Trịnh Công Sơn ở thị trấn Blao cũng tiếp nối chuỗi ngày cô đơn bất tận. Nhiều lúc ngồi một mình độc ẩm trong những đêm sương. Dấu vết về sự cô đơn bao trùm lên những tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Sau khi triển khai tất cả ý nghĩa của một hiện hữu vào nghệ thuật Trịnh Công Sơn chỉ nhìn thấy còn lại trong tay mình một chút vôi kết tủa của nỗi cô đơn. Có thể nói rằng nỗi cô đơn là không là không khí tản mạn khắp trong nhạc Trịnh Công Sơn, và là “tội tổ tông” con người phải gánh chịu từ thuở sơ sinh và không thể nói gì khác. Có thể nói ngay rằng nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp quý báu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho cảm hứng âm nhạc Việt Nam một thời. Trong khi mải dồn sức cho cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều người đã quen với những lời hô hùng tráng mà quên đi rằng con người là một gã lữ hành đi trong sa mạc. Nhưng một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo.”


Trịnh Công Sơn, nhà tư tưởng

Như trên đã nói nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp của Trịnh Công Sơn cho cảm hứng âm nhạc đất Việt một thời. Trong thời gian chiến tranh Trịnh công Sơn đã sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng. “Tình cảm đau thương về Tổ Quốc là một cảm hứng lớn lớn nhất trong nhạc Trịnh Công Sơn…”.Nội dung phản chiến tuy nhất thời đã làm một số người không bằng lòng, nhưng đó là tư duy chủ yếu của Trịnh Công Sơn trong ba tập: Ca khúc Da Vàng, Phụ khúc Da Vành, Kinh Việt Nam...”. Trịnh Công Sơn thời niên thiếu được mẹ cho “quy y ở chùa Phổ Quang nơi dốc Bến Ngự, pháp danh là Nguyên Thọ, Sơn tụng kinh ăn chay một tháng bốn lần, không ăn nhiều hơn vì lo cho sức khỏe của Sơn, trên đầu gường Sơn luôn có một chuỗi hạt và một chiếc áo tràng màu lam. Gia đình thường hay đi chùa vào những ngàu rằm, mùng một. Vì vậy, Sơn không tránh khỏi ít nhiều tư tưởng Phật giáo, như chủ đề của các bài hát Cõi tạm, Ỏ trọ, Đóa hoa vô thường, hoặc Một cõi đi về. Nhất là tư tưởng Sinh, Lão, Bệnh, Tử vẫn thường xuất hiện trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.” “Khác với Văn Cao và Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là người chăm chú cúi xuống hiện hữu, và bằng kinh nghiệm sống của chính bản thân phát hiện hết mọi lẽ bất hạnh của thân phận con người.” “Sự khước từ hy vọng ảo tưởng, của những đam mê vô ích, tâm trạng lưu đày, nỗi cô đơn không cứu vãn, nỗi lo âu trước vực thẳm, vân vân, tất cả đó là những vấn đề cốt lõi của triết học hiện sinh châu Âu, cũng là cốt lõi như vấn đề sinh lão bệnh tử của Phật giáo…” và nó tìm đến thế hệ trẻ sau đệ nhị thế chiến trong đó có Trịnh Công Sơn. “Đặc biệt là cái chết, một phạm trù “kinh điển” của triết hiện sinh…” đã được Trịnh Công Sơn trình bày một cách rốt ráo trong nhiều ca khúc của mình. “Sự nhạy cảm thường trực về tính hữu hạn của đời người đã thúc đẩy trầm tư âm nhạc của Trịnh Công Sơn tiếp cận với ý thức Cát Bụi, với tâm thức lãng du qua cõi đời vô thường (Một Cõi Đi Về), nỗi hoài niệm về nơi “nguyên quán” vĩnh hằng (Bên Đời Hiu Quạnh); từ đó, vào cuối cuộc hành trình của phận người, Sơn rẽ hướng tìm về cội nguồn minh triết của phương Đông, níu lấy cái tâm của mình để sống với đồng loại.” Vâng, Trịnh Công Sơn đã thành công rực rỡ trong việc đưa triết luận riêng của mình vào nghệ thuật âm nhạc và hình thành nên phong cách nhạc Trịnh Công Sơn. Và “Điều rất lạ, toàn những ý tưởng triết học đa đoan kia, Trịnh Công Sơn chỉ một người để nói với là Người Tình.”. “Tại sao trong từng khoảnh khắc của đời mình, Trịnh Công Sơn lại chọn Người Tình để nói lại mọi điều? Có lẽ thế, bởi em sinh ra là để nuôi nấng nỗi buồn của đời tôi.” Trịnh Công Sơn là vị hoàng tử âm nhạc cùng cây đàn lya lang thang hát tình ca qua mọi thời đại và chàng trở thành bất tử vì những bản “tình ca này chính là siêu hình học và vì thế nó không bao giờ cũ”. Chàng “trở thành người tình lãng du của nhiều thế hệ” và là thiên sứ mang tình thương đến khắp thế giới chúng ta.


Huế, tháng 3 năm 2011

N T T


(*) Những đoạn văn trong dấu ngoặc kép được trích từ “Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường” (nhà xuất bản Trẻ, 2002) và “Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông”(nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2010).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét