Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 ( KỲ 45 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

451 - Đạo Dừa
ÔNG ĐẠO CŨNG VƯỢT BIÊN
Tu sĩ tên thật Nguyễn Thành Nam sinh 1909 tại Bến Tre – Mất 1990 ở Bến Tre (82 tuổi).
Tốt nghiệp kỹ sư hóa học ở Pháp đàng hoàng, về nước từ đầu thập niên 60 từng chống chế độ Ngô Đình Diệm bị bắt giam một thời gian.
Từ năm 1963 nổi tiếng là “Ông Đạo Dừa” - đóng đô tại cồn Phụng ở quê Bến Tre - vì sáng lập một đạo riêng bản thân chủ trương tu hành chỉ ăn (uống) trái cây đặc biệt là trái dừa thay cơm. Với thứ đạo mới này mang tính chất tổng hợp tạp lục cả đạo Phật – Nho – Thiên Chúa còn “dấn thân” vào thời cuộc kêu gọi hòa bình cho VN, hòa hợp hai miền Nam – Bắc, cả đòi ra ứng cử tổng thống chế độ cũ nữa! Lấy cồn Phụng làm trung tâm rao giảng, hành đạo.
Tín đồ lúc cao điểm có khoảng 3.500 người, một số là dân trốn lính chạy qua cồn Phụng núp bóng.
Đương nhiên sau 75 đạo này bị dẹp, trưng thu tài sản ở cồn Phụng và bản thân bị bắt giam vì tội tuyên truyền mê tín dị đoan. Ra tù vượt biên bị bắt đi cải tạo.
Cuối cùng được gia đình bảo lãnh về sống ở Bến Tre lặng lẽ với tuổi già tới ngày mất.
Riêng cồn Phụng nay còn lưu lại một ít đấu tích đạo Dừa cũ được xem là điểm du lịch của tỉnh.

452 - Lê Thành Ân
TRỞ LẠI QUÊ HƯƠNG LÀM TỔNG LÃNH SỰ MỸ
Nhà ngoại giao Mỹ gốc Việt sinh 1954 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2010).
Sinh ra trong một gia đình trí thức, anh em đều học trường Tây. Năm 1962 lúc mới 10 tuổi được một viên chức ngoại giao ở Tòa Đại sứ Mỹ quen thân với gia đình xin làm con nuôi đem về Mỹ.
Tuy trở thành công dân Mỹ nhưng vẫn được cha nuôi giữ lại tên gốc VN và luôn nhắc nhở phải nhớ đến nguồn cội quê hương.
Lớn lên học hành tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật điện và quản trị kỹ thuật vì hồi nhỏ chỉ mơ sau này làm kỹ sư hoặc kiến trúc sư. Vì thế ra trường làm công chức Bộ Hải quân nhưng sau đó lại chuyển ngành do cha nuôi khuyến khích nối nghiệp giới thiệu vào làm ngành ngoại giao năm 1991.
Từ đó trở thành người gốc Việt đầu tiên đuợc chuẩn nhận cấp Tham tán Công sứ ngoại giao Mỹ nhận công tác ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia rồi thăng chức Tổng lãnh sự Mỹ ở Nhật Bản, Singapore và Pháp.
Trong thời gian này đã cùng vợ - cũng người VN - trở lại thăm gia đình ở TPHCM và làm từ thiện hỗ trợ cho 10 trại trẻ mồ côi ở đây.
Năm 2010 khi biết đang có nhu cầu cử Tổng lãnh sự Mỹ mới tại TPHCM đã đăng ký xin đi và được chấp thuận trở về nơi mình sinh ra và ra đi cách đây 48 năm trên một cương vị “trước kia chưa hề nghĩ tới”. Tự xem đây là cơ hội “vô cùng may mắn” giúp gia đình mình “bắt đầu một chương mới trong cuộc sống, cơ hội được khám phá lại đất nước quê hương mình”.
Cơ hội ngoài công vụ đẩy mạnh phát triển quan hệ 2 nước tiếp tục “Xếp lại quá khứ, nhìn về tương lai” còn giúp kêu gọi, vận động tham gia công tác từ thiện. Và về tình cảm riêng tư là vội vàng đưa gia đình đi xem… cải lương mà hồi nhỏ thường được cha mẹ dẫn đi xem: “Những bài vọng cổ làm tôi nhớ lại những ngày thơ ấu. Giai điệu mượt mà của nó đã theo tôi đến tận bây giờ…”

453 - Ngọc Huyền
“BỂ” NGHỆ SĨ ƯU TÚ!
Diễn viên sân khấu tên thật Vũ Hà Ngọc Huyền sinh 1970 tại Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2010).
Bố mẹ gốc Hà Nội di cư vào Nam năm 1954 nhưng lại mê cải lương. Vì thế lớn lên được bố mẹ tạo điều kiện cho đi theo con đường nghệ thuật cải lương.
Từ đó được theo học nhiều bậc thầy về cải lương ở TPHCM như Phùng Há, Ut Trọng, Thanh Tòng, Bạch Lê… Bắt đầu lên sân khấu diễn từ các đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long đến Thanh Nga, Nhà hát Trần Hữu Trang… Diễn hát rất xuất sắc, cả cải lương hiện đại lẫn cải lương Hồ quảng. Đoạt nhiều huy chương vàng hội diễn, giải thưởng Trần Hữu Trang… Rất ăn khách thị trường, được mệnh danh là “Nữ hoàng video” tuồng cải lương, hợp cùng Kim Tử Long thành cặp diễn viên tài sắc vẹn toàn.
Năm 2001 trở thành diễn viên cải lương miền Nam trẻ tuổi nhất được trao danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Một danh hiệu – cũng như Nghệ sĩ Nhân dân - được “soi” lý lịch rất kỹ nhất là về mặt chính trị, cả diễn viên kịch nói Thành Lộc cũng ở TPHCM tài năng ai cũng biết mà phải đến lần cứu xét thứ ba mới được thông qua danh hiệu trên.
Vậy nhưng chỉ 2 năm sau thì nữ NSƯT được chế độ mới đào tạo bản bản chính qui từ sau 1975 này đã mở một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của mình là… qua Mỹ ở luôn. Thậm chí còn xuất hiện trên băng đĩa ca diễn… chống Cộng!
Đầu đuôi là do năm 2002 trong một đợt bay sô qua Mỹ, bản thân đã tìm được ý trung nhân là con trai nữ ca sĩ Thanh Tuyền (ở miền Nam trước 75) mà người này lại là một thiếu tá không quân Mỹ. Vì thế sau khi về nước làm đám cưới năm 2003 đã theo chồng qua định cư Mỹ (sinh 2 con).
Trong hoàn cảnh gia đình riêng như thế cộng thêm hoàn cảnh sống ở Mỹ, để có thể tiếp tục theo đuổi nghề sân khấu và kiếm sống phải gia nhập làng văn nghệ hải ngoại vốn theo khuynh hướng chống Cộng nên phải chấp nhận hát theo yêu cầu đó. Với suy nghĩ đơn giản ấy chỉ là chuyện “bên lề chính trị”.
Nhưng một số chương trình đó bay về VN đã bị dư luận Nhà nước lên án kịch liệt, thậm chì đòi… tước danh hiệu NSƯT! Đây là điều chưa hề có tiền lệ nên cũng không thấy có quyết định gì.
May là cũng như mẹ chồng Thanh Tuyền, vẫn được phép trở về thoải mái thăm gia đình. Hy vọng rồi thời gian cũng nguôi ngoai đi ba cái chuyện chống Cộng… “trên sân khấu”.

454 - Nguyễn Thị Hòa
“HÒA ĐIÊN”
Bộ đội về hưu sinh 1953 tại miền Bắc. Sống ở Hà Nội (2010).
Về hưu, gia cảnh khá sung túc đáng lẽ sống an nhàn thì lại đi làm chuyện “trời ơi” kiểu “vác tù và hàng tổng” là chống tham ô tiêu cực ở điạ phương!
Bắt đầu từ năm 2001 từ một vụ qua đường thấy chuyện bất bình là cán bộ tham nhũng trong một dự án giải phóng mặt bằng bên hồ Tây, thế là ròng rã 3 năm trời bí mật theo dõi vụ việc, tự mình tiến hành điều tra, tập trung tài liệu tố cáo lên cấp cao. Rồi đến vụ lấn chiếm đất của một truờng mầm non, vụ ăn chặn tiền đền bù giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ… Có vụ được giải quyết, có vụ còn kéo dài vẫn tiếp tục đeo bám.
Để đóng vai điều tra viên, nhiều khi phải sử dụng lại thủ thuật thời bộ đội là… nghi trang mặt mày, áo quần để thâm nhập tận nơi. Còn giấu con cái bán bớt một căn hộ lấy tiền phục vụ công việc như mua máy ảnh, máy ghi âm, photocopy tài liệu… Đầu óc căng quá tới mức tái phát bệnh tim phải nhập viện thay van tim nhân tạo.
Chưa hết, còn bị “kẻ thù” đe dọa “xử”, nhà bị đổ phân, ném xác chuột chết cảnh cáo. Có lần bị hai người đàn bà lạ mặt (được thuê) lựa khi nhà vắng người xông vào đánh đập mặt mày bầm dập.
Nhưng “Tôi không sợ đâu”, không nao núng bỏ cuộc mà trái lại còn cho treo trước cửa nhà tấm bảng “Tư vấn pháp luật miễn phí” nhằm mục đích giúp bà con khiếu kiện chống tiêu cực. Bởi vậy nếu bị gọi là “Con điên”, “Hòa điên” hay “Hoà văng” (“văng” là… văng mạng!) thì cũng có người cám ơn “Hòa đại nhân”.

455 - Ông Phong
ĐÓNG BÈ VƯỢT BIÊN SỚM NHẤT
Thương gia (không biết họ, vợ là Mary Nguyễn sống ở San Jose) sinh 1920 tại Vĩnh Long – Mất 2004 ở Mỹ (84 tuổi).
Không chỉ là người đầu tiên và duy nhất sau 75 dám tự mình đóng bè vượt biên mà còn có thể là một trong số ít những người đầu tiên có ý định vượt biên.
Từ tháng 6.75 đã tính chuyện vượt biên bằng cách xin ra khơi đánh cá rồi tự tay đóng một chiếc bè bằng thùng phuy (gồm 36 thùng phuy hàn lại với nhau, dài 17m, rộng 6m), phía sau bè gắn 2 đầu máy Yamaha 7 và 10 mã lực cùng với các trang bị, máy móc, dụng cụ cần thiết để đi biển kèm lương thực thực phẩm đủ dùng trong 2 tuần lễ.
Bè rời bến từ cửa Nhà Bè ở Vũng Tàu vào cuối tháng 9 chở theo tổng cộng 14 người gồm mình và 2 bà vợ, 9 người con (nhỏ nhất 4 tuổi, có một con mới 8 tháng) cùng 2 người bạn của con.
May mà thời điểm này vượt biên chưa trở thành một “phong trào” khá rầm rộ khắp nơi nên chính quyền chưa siết chặt an ninh truy bắt người vượt biên (lại xảy ra đúng dịp đổi tiền chộn rộn) và chưa xuất hiện nạn hải tặc nên bè chạy an toàn. Nhưng được bốn ngày thì bè… đứng do hết dầu, máy hư lại tấp vào chỗ nước cạn chưa biết xoay xở thế nào. Lại gặp may nữa được tàu dầu Nhật Bản đi ngang qua cứu hộ đưa về Nhật (lúc đó chưa lập các trại tỵ nạn cho thuyền nhân VN).
Truyền thông thế giới từ Nhật Bản đều đưa tin, làm phóng sự xôm trò về sự kiện “phép lạ” vượt biên có một không hai này, từ đó mới “khuyến khích” nhiều nguời khác còn ở trong nước theo chân. Cũng nhờ đó cả gia đình nhanh chóng được qua Mỹ định cư.
Trước khi rời đi vợ còn kịp… sinh thêm bé gái lúc đi mới mang thai 8 tháng trên đất Nhật – có lẽ là kẻ vượt biên nhỏ tháng tuổi nhất.
Qua Mỹ xem như đối với gia đình đã “hoàn thành nhiệm vụ” xuất sắc, lại lớn tuổi và mắc bệnh nên không bao lâu sau đó giao hết mọi việc cho vợ con lo toan, còn mình rút về an hưởng tuổi già.

456 - Phạm Anh
VỢ CHỒNG KHUYẾT TẬT LÀM THƠ
Người khuyết tật sinh tại Bình Định. Sống ở Quy Nhơn (2007).
Bố là liệt sĩ, được mẹ ở vậy nuôi cùng 3 anh em.
Năm 11 tuổi không may trúng đạn pháo phải cưa chân. Nhưng vẫn kiên trì học tập vào ĐH Đà Lạt tốt nghiệp khoa văn. Tuy nhiên ra trường 10 năm đi xin việc làm do bị tàn tật nên không nơi nào nhận. Đành tìm an ủi vào những vầng thơ tự sáng tác: “Thơ giúp làm vơi đi nỗi buồn và nói hộ lòng mình những uẩn khúc riêng tư.”
Cuối cùng một cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhận vào làm thầy giáo cho trẻ em khuyết tật.
Tại đây vui với nghề đồng thời còn tìm được “một nửa của mình” là một cô gái bị sốt bại liệt từ nhỏ khiến nay liệt nửa người phải ngồi xe lăn song cũng đã học xong ĐH Quy Nhơn khoa ngoại ngữ. Từ đó đôi bên gắn bó với nhau cùng chung ước vọng sống vươn lên giúp đỡ các em cùng cảnh ngộ, còn mở lớp dạy người nghèo mù chữ.
Đặc biệt còn cùng chung niềm vui làm thơ giãi bày tâm sự. Kết quả là một bút nhóm mang tên Hoa Xương Rồng ra đời từ đây được nhiều báo đăng tác phẩm, được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh và in tập thơ đầu tay “Lối cũ”…

457 - Phạm Công Thiện
ĐỜI NHƯ MỘT CUỘC CHỨNG NGHIỆM PHIÊU LƯU TƯ TƯỞNG
Nhà văn, nhà nghiên cứu tư tưởng sinh 1941 tại Mỹ Tho. Sống ở Mỹ (2010).
Một con người tài hoa, đọc nhiều viết nhiều, nổi tiếng rất sớm ở miền Nam trước 75 từ năm 18 tuổi với tác phẩm giới thiệu các dòng tư tưởng, triết lý phương Tây hiện đại, sau đó còn nghiên cứu thêm tư tưởng, triết lý phương Đông.
Ngoài đời từng 2 lần đi tu đạo Phật và 2 lần từ bỏ: Lần đầu lúc còn trẻ tu ở Nha Trang sau bỏ về đi dạy học, lần sau khi đã thành danh tu lại làm đại đức giảng dạy triết lý ở Đại học Phật giáo (ĐH Vạn Hạnh, Sài Gòn) nhưng đến năm 1973 nhân một chuyến đi dự hội nghị Phật giáo quốc tế ở Pháp đã lặng lẽ… rút khỏi đoàn “trốn” ở lại Paris luôn!
Từ đó sống một cuộc đời nghệ sĩ lang thang khắp nơi qua nhiều nước, mở rộng giao du với nhiều giới như thể qua đó muốn thực hiện một cuộc độc hành bất tận đi tìm chân lý tư tưởng của một công dân thế giới chưa biết đâu là chỗ dừng chân, đâu là đích đến như tên một bài viết “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”. Vẫn tiếp tục thu hoạch để viết, đáng chú ý có: “Triết lý Việt Nam về sự vượt biên”, “Làm thế nào để trở thành bậc Bồ tát?”, “Trên tất cả đỉnh cao là im lặng”…
Một trường hợp điển hình đi tìm lối thoát cá nhân trước thực tại bế tắc bằng con đường phiêu lưu – cả cuộc đời lẫn tư tưởng – từ nổi loạn đến tu học và giải thoát hướng đến mục tiêu tự do tuyệt đối. Cuộc phiêu lưu như thế có thể kéo dài đến vô tận.
Tuy viết và in nhiều về đề tài triết lý từ phuơng Tây trở về phương Đông – trong đó càng về sau càng in đậm dấu ấn tư tưởng Thiền học - nhưng chính phần sáng tác ít ỏi thời trẻ (tập tạp văn “Bay đi những cơn mưa phùn” và tập thơ duy nhất “Ngày sinh của rắn”) mới để lại ấn tượng giàu xúc cảm chân thực sâu sắc trong đó không tránh khỏi dấu vết ám ảnh chiến tranh một thời:
“Tay còn ôm giữ tình yêu
Tôi về phố động những chiều hư vô.
Đời đi trên những nấm mồ
Đau tim em hát cơ hồ khăn tang.
Phố chiều tôi bước lang thang
Nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh…”
Và niềm hoài niệm một quê hương xa vời:
“Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây…”

458 - Phạm Duy
NGHỊCH LÝ NGHỆ SĨ – CHÍNH TRỊ
Nhạc sĩ tên thật Phạm Duy Cẩn sinh 1922 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2010).
Đó là nghịch lý lớn nhất của một trong số ít nhạc sĩ vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất của nền âm nhạc VN đương đại: Sự nghiệp lớn và lâu dài được hầu hết mọi người ca tụng – và hoàn toàn xứng đáng được như thế - chừng như có cái gì đó đi nghịch lại với bản thân con người có thể bị phê phán về tính chất bất nhất, thiếu chân thực, thủy chung xét về khía cạnh xã hội .
Bởi bản thân đã không ít lần thay đổi quan điểm chính trị từ cực đoan này nhảy qua cực đoan đối nghịch kia: Theo kháng chiến chống Pháp rồi bỏ về thành, vào Nam theo chế độ Sài Gòn rồi di tản qua Mỹ tiếp tục chống Cộng quyết liệt, cuối cùng bỏ Mỹ trở về lại quê hương bắt tay “hòa nhập”! Nhưng vẫn tự xem “Tôi là người sòng phẳng. Về đây để xóa hết mọi thành kiến. Luật tự nhiên lá nào cũng rụng về cội, con chim bay đâu thì bay cuối cùng cũng về xứ. Mọi điều đều giản dị.”
Nhưng có thật giản dị đến thế sao?
Có vẻ như định luật “văn (nhạc) tức là người” ở đây không còn đúng nữa vì nhạc tình cảm truyền cảm sâu lắng, chân thành bao nhiêu thì ngược lại cách sống - với một số tác phẩm mang tính thời cuộc chính trị “đặt hàng” đi kèm - lại thiếu nhất quán, giá trị hay dở thất thường bấy nhiêu. Cho nên cuối đời đã chấp nhận sự thật “Có một số bài tôi đã bỏ đi rồi” (viết nhạc nhiều hơn cả ngàn bài nhưng thua Trịnh Công Sơn điểm này).
Biện hộ rằng “Thỉnh thoảng tôi cũng làm một vài điều dở” vì “cuộc đời là những chuỗi tai nạn lịch sử không ai tránh được đâu” trong đó cần “can đảm rủ sạch quá khứ”. Như mình đã vượt qua thử thách, chọn lựa: “Tất cả những cạm bẫy trong cuộc đời trong vòng 60 năm tôi thoát hết!”, thoát sau “Những lúc ở trong đêm tối, sờ soạng trong đêm tối đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Đi mà cứ hỏi mình có nên về hay không”.
Chỉ có điều nên nhớ chuyện đó với bản thân như thế không phải chỉ… một lần!
Điểm trục trặc không khớp giữa bản thân con người đời thường – nghệ sĩ thăng hoa – tác phẩm sáng tạo ở đây là do bản chất một nghệ sĩ lớn – mà nghệ sĩ thường nhạy cảm yếu đuối - như mình không nên dính quá sâu vào chuyện chính trị. Thậm chí còn cộng tác rất gần gũi với các chính quyền – kể cả cơ quan viện trợ văn hóa Mỹ USAID ở miền Nam đứng đàng sau yểm trợ cả về tiền bạc - nhất lại là trong một hoàn cảnh đối kháng căng thẳng dữ dội như giai đoạn lịch sử trải qua. Dù luôn muốn phủ nhận rằng “Tôi có theo phe nào đâu” song với người cùng thời – và lịch sử ghi nhận - không thuyết phục.
Cho nên không lạ là hầu hết ca khúc sáng tác từ sau 1975 trên xứ người kể cả từ Mỹ về lại quê hương đều không còn đạt chất lượng cao như trước đây nữa, phải thú nhận do “không đủ vốn sống” sau 30 năm ở ngoài đất nước.
Qua đó cũng nêu bật cho thấy một trường hợp số phận khắc khoải giữa bao giằng xé trong cơn bão táp lịch sử, trong dòng xoáy đỉnh cao lẫn vực sâu cuộc đời khiến con người chỉ như chiếc lá mỏng manh trôi nổi tan tác “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” – như lời ca khúc “Tiếng nước tôi” bất hủ của mình -- mà thôi.
Khi đó con người nhiều khi lớn hơn cả bản chất nghệ sĩ, thậm chí cuộc đời thực còn khắc nghiệt xoá lấp thiên hướng, sứ mệnh nghệ sĩ luôn gắn mình với quê hương dù trong bất cứ cảnh ngộ nghiệt ngã nào.

459 - Phạm Duy Thiện
“VUA BÃI NỔI”
Nông dân sinh 1944 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2006).
Nguyên bộ đội phòng không vào Nam chiến đấu từng bắn rơi máy bay Mỹ ở Quảng Nam, bị thương được đưa về Bắc chữa trị rồi xuất ngũ ở lại Hà Nội.
Sau 75 một mình vượt sông Hồng cắm lều giữa bãi sông Hồng trồng cây bạc hà đưa vào sản xuất kinh doanh thành công đầu những năm 90 nên được dân phong cho danh hiệu “Vua bãi nổi”.
Nhưng tiếp liền sau đó vì chống tiêu cực ở địa phương nên bị làm khó o ép, vu khống đủ thứ, kêu oan lên các cấp trên không được giải quyết. Không được phát thẻ Đảng nên xin… ra Đảng.
Nhưng dù đã hơn 50 tuổi vẫn kiên quyết đi học ĐH Luật để kiện tới cùng!

460 - Phạm Đình Thống
“NỮ NẠN”
Nhà báo sinh 1946 tại Bình Định. Sống ở TPHCM (2010).
Trước 75 làm thơ viết văn và làm báo về lớp tuổi học sinh theo khuynh hướng “Tuổi Ngọc” ở Sài Gòn, có bị bắt lính một thời gian chỉ làm lính quèn nhưng nhờ đó gá duyên với một nữ quân nhân.
Sau 75 cùng vợ ra buôn bán thuốc Tây lề đường TPHCM từ đó trở thành một “đại gia” ngành này sớm nhất lên đời xe máy, mua sắm nhà cửa, mở pharmacie đàng hoàng.
Nhưng tất cả của cải dần dần tiêu tan hết đẩy vào chỗ phá sản do niềm đam mê nhan sắc khiến phải mua nhà rồi bán nhà không dưới 20 lần – một kỷ lục! - để chu cấp hoặc lo chạy tiền trả nợ đời cho nhiều người vợ lẫn người tình.
Khi tay trắng lại quay về làm báo nghề cũ song không ở yên một tờ nào rồi chẳng được bao lâu đành chia tay cũng chỉ vì món nợ ái tình kia – một cái “tai nạn” lớn cả bi lẫn hài đánh ghen, trốn vợ… -- đeo đuổi không dứt!
Rốt cuộc gần cuối đời trắng tay sạch sẽ đành lui về ẩn thân nương nhờ một mối tình nữa chưa biết đã là cuối cùng hay không.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét