Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2010 (KỲ 47 )


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

471 - Hoàng Bình Trọng
NHÀ VĂN TIỀU PHU
Nhà văn sinh 1942 tại Sài Gòn. Sống ở Quảng Bình (2010).
Quê gốc Quảng Bình nhưng sinh ở Sài Gòn do cha thuộc giới trí thức tỉnh lẻ lưu lạc vào miền Nam làm cho Pháp thời dân “Bắc cũ” trước 1954 (phân biệt với “Bắc di cư” 54 và “Bắc 75” sau 1975).
Lớn lên lại lưu lạc quay lại miền Bắc học ĐH Mỏ tốt nghiệp kỹ sư địa chất được phân công đi khắp miền biên giới phía Bắc lập bản đồ địa chất. Từ kinh nghiệm sống và làm việc cộng với vốn kiến thức và chất trí thức (giỏi cả chữ Hán lẫn tiếng Pháp, Nga) truyền lại từ cha mới bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn chương, bắt đầu từ các cuốn truyện viết cho thiếu nhi.
Năm 1970 đạt thành công vang dội với cuốn tiểu thuyết viết cho thiếu nhi “Bí mật một khu rừng” được tái bản 4 lần, có lần in tới 100.000 bản, còn được dịch ra tiếng Nga in ở Liên Xô cũ, nay vẫn được liệt vào “Tủ sách vàng” của Nxb Kim Đồng.
Năm 1971 tình nguyện đi bộ đội đánh Mỹ, được điều qua chiến trường Lào rồi vào chiến trường Nam bộ, đông Nam bộ.
Sau chiến tranh, phục viên về lại với nghề kỹ sư địa chất làm giảng viên trường Mỏ – Địa chất rồi làm liên đoàn phó liên đoàn địa chất. Vừa dạy vừa tiếp tục viết văn, in nhiều tác phẩm khác với thể loại phong phú hơn, cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, thơ và trường ca, dịch thuật.
Vì ngày càng say mê với nghề văn nên sau đó xin chuyển ngành qua làm cho Hội Văn nghệ Vĩnh Phú và tạp chí của hội. Tuy nhiên được một thời gian thì tỉnh này chia hai thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc khiến công việc gặp trục trặc ở địïa phương nên xin về hưu non dẫn vợ và một con tìm đường về lại quê cha Quảng Bình.
Nhưng đối với Quảng Bình lại giống như “đứa con hoang” nên không được ai giúp đỡ kể cả trong giới văn nghệ. Vậy là lâm vào cảnh thất cơ lỡ vận vừa thất nghiệp vừa gia cảnh túng quẫn phải dựng lều tạm bợ bên dòng sông Gianh mà sống qua ngày. Đồng thời ngày ngày vào rừng… đốn củi về bán ở chợ làng!
Một thời gian sau bạn bè mới biết, mới tìm cách xin cho vào làm biên tập ở tạp chí Nhật Lệ của Hội Văn nghệ tỉnh, nhờ đó cũng đỡ vất vả phần nào. Nhưng nay phải sống đời một cảnh hai quê, mình làm trên tỉnh ở phòng cơ quan – tự đi chợ nấu ăn, giặt giũ… - còn vợ vẫn ở lại dưới làng ven sông Gianh, cuối tuần vác xe đạp lên xe đò về thăm cách xa hơn 100km.
Đành chấp nhận phần số thế thôi, từ một kỹ sư bài bản đến một nhà văn thần tượng của độc giả thiếu nhi một thời rồi từ một người lính kinh qua chiến tranh đến một lãnh đạo liên đoàn địa chất, một lãnh đạo hội văn nghệ tỉnh đột nhiên hỏng chân rơi tuột xuống nghề… đốn củi chợ chiều. Dù may mà cuối đời trời còn cho quay lại với bút sách chữ nghĩa để hoàn thành sự nghiệp (khoảng 20 tác phẩm) thì cũng chỉ đành tự an ủi số kiếp một nhà văn “trí thức nhà quê” đã lỡ chọn “lầm” đời trong thời thế bất đắc chí cười ra nước mắt mà thôi:
“Đã không chịu sống cúi luồn
Ai còn so đọ thiệt hơn đường đời.
Đã lầm một kiếp làm người
Thì đi cho hết trận cười bể dâu…”

472 - Hoàng Kim Nhuận
TAN VỠ GIẤC MƠ ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
Thường dân sinh 1949 tại Thừa Thiên & Huế – Mất 2010 ở Đà Nẵng (62 tuổi).
Trước 75 tốt nghiệp ĐH Vạn Hạnh ở Sài Gòn, làm công chức Sở Điện lực TP.
Sau 75 cùng vợ và con trai vượt biên nhưng chỉ vợ con đi được qua Canada, còn minh ở lại vẫn được làm việc tiếp. Vài lần tìm cách vượt biên nữa nhưng không thành và cũng vì vậy bị cho nghỉ việc. Đành sống nhờ tiền vợ gửi về chờ làm thủ tục bảo lãnh.
Trong thời gian kéo dài nhiều năm dài đó, ở không cô đơn và buồn đời nên rơi vào rượu chè dài dài thành thói quen thường nhật. Tâm lý dần dà càng trở nên bất ổn.
Đến khoảng năm 1997 mới được vợ bảo lãnh qua Canada đoàn tụ gia đình.
Nhưng trên xứ người xa lại, do đã khá lớn tuổi nhưng chủ yếu vì tật nghiện rượu đã ăn vào máu nên không hòa nhập được với cuộc sống mới, khó tìm được công việc làm đúng ý. Từ đó dẫn đến bất hòa trong gia đình, lúc còn ở trong nước vẫn thương nhớ đứa con trai duy nhất song bây giờ ngay đứa con đó cũng không chịu nổi bố tối ngày say sưa! Mâu thuẫn gia đình tới mức đi đến kết quả… ly dị!
Lại quay về sống đời cô độc một thân một mình nơi xứ lạ trong môi trường không làm quen được, cũng không tiền bạc đủ lo nuôi thân nên lại rơi vào buồn chán tiếp tục uống rượu. Tuổi cao sức yếu đưa đến hậu quả bị tai biến đột quỵ may mà vợ cũ còn có lòng lo lắng cho nhưng đỡ bệnh rồi thì thôi.
Không thể sống nổi nữa trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ từ vật chất tới tinh thần, cuối cùng năm 2002 phải chọn giải pháp… quay về nước sốâng nhờ người chị cưu mang ở Đà Nẵng dù cảnh nhà chị làm giáo viên cũng không khá giả gì.
Từ đó kéo lê kiếp sống buồn bã trong cảnh nghèo túng, không bạn bè, vợ con bặt tin. Sống kham khổ nên thêm bệnh cũ tái phát nằm liệt một chỗ hàng tháng trời rồi nhắm mắt ra đi trong cảnh cô quạnh, vợ con không về (tuy có gửi tiền về lo việc tang ma).

473 - Phạm Nhất Định
“THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT HÀ TIỆN”
Bác sĩ sinh 1929 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2007).
Xuất thân gia đình mấy đời làm nghề đông y, lớn lên vào đại học tốt nghiệp cả tây y lẫn đông y rồi tình nguyện nhập ngũ vào Nam lăn lộn trên chiến trường miền Trung.
Sau 75 về hưu quay lại quê nhà mở phòng khám bệnh riêng, vô cùng đặc biệt ở chỗ… miễn phí! Không lấy tiền khám mà bệnh nhân còn được cung cấp thuốc đông y đem về nhà điều trị. Còn lên xe máy cà tàng đi khắp nơi trong tỉnh khám chữa bệnh tại gia khi người bệnh yếu không đi được, tất nhiên cũng miễn phí. Trong vòng hơn 10 năm qua đã làm việc không công như vậy cho 20.000 lượt nguời.
Bỏ công thì không nói làm gì nhưng còn bao chi phí cho phòng mạch rồi tiền xăng dầu xe máy lấy đâu ra để làm chuyện “vác tù và” như thế?
Bằng cách – ngoài một nửa số lương hưu đổ vào -… tiết kiệm tối đa mọi khoảng chi tiêu cho bản thân, tiết kiệm bất cứ ở đâu lúc nào, bất cứ cái gì việc gì: Không may hay mua áo quần mới (quanh năm suốt tháng vẫn trung thành với bộ đồ bộ đội cũ bạc phếch hoặc xin áo cũ mặc đỡ), thỉnh thoảng thư giãn chỉ nhâm nhi đúng 1 cốc bia hơi kèm 1 điếu thuốc lá với giá không quá… 2.000 đồng (nên mới có biệt danh “Bác Định 2 nghìn”)! Thậm chí có bệnh nhân nào nhớ ơn biếu chút quà thì lập tức… đem đi bán lấy tiền, nơi nào mời đi họp có chiêu đãi ăn uống thì không ăn mà xin… lấy tiền phần ăn bù lại để “dùng vào việc khác”!
Tất cả đều cắt cóp để dành đưa vào “công quỹ” cho “phòng khám nhân dân” của mình, vì vậy mới được giang hồ tôn sùng là “Đệ nhất hà tiện” quê lúa. Tất cả vì “Cứu người là mệnh lệnh của trái tim… Tôi từng chứng kiến bao nhiêu mạng người mất đi vì bom đạn. Cận kề với chuyện sống chết, tôi hiểu sinh mạng con người rất quý báu nên đã tâm niệm dành cả cuộc đời mình cho việc cứu ngườì bằng tất cả khả năng của mình.”
Từ đó còn vận động lập “Quỹ cứu người” trong toàn tỉnh, ngoài hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo còn mở rộng qua lãnh vực giáo dục trao học bổng cho học sinh nghèo.

474 - Phạm Phú Bằng
NHÀ TỪ THIỆN TƯ NHÂN VÔ DANH LỚN TUỔI NHẤT
Nhà báo quân đội về hưu sinh 1928. Sống ở Hà Nội (2010).
Nguyên bộ đội rồi chuyển qua làm phóng viên quân đội (dòng dõi lớn, cháu thượng thư Phạm Phú Thứ triều Nguyễn) có mặt từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến chiến dịch Mậu Thân, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.
Về hưu năm 1989, chuyển hoạt động qua một lĩnh vực khá mới lạ: Góp công góp sức cho công tác làm từ thiện “tư nhân” tự nguyện hướng đến những vùng sâu vùng xa nơi những chiến trường mình từng trải qua, tìm giúp những con người đã hứng chịu tai ương chiến tranh, đặc biệt ở biên giới phía Bắc. Một trong những nhà từ thiện cá nhân đầu tiên sau chiến tranh.
Ròng rã 20 năm kiên trì làm công việc này không mệt mỏi với sự hỗ trợ của bạn bè, người thân, mạnh thường quân đồng cảm chia xẻ nhưng nhất quyết không dương danh không ồn ào, không mang danh hội này hội nọ.
Cứ thế tự nguyện đi theo những chuyến hàng cứu trợ khắp các nẻo đường xa xôi hẻo lánh xem như một cuộc “hành quân” mới hướng đến một cuộc chiến đấu mới, chiến đấu chống nạn đói nghèo. Dù tuổi đã ngót bát tuần “thân hình mỏng quẹt, gầy yếu và nhạt thếch” vẫn duy trì một nhịp độ đi chuyển quà từ thiện mỗi tuần một chuyến tới một tỉnh vùng cao biên giới.

475 - Phạm Phú Quốc
TÌM HÀI CỐT ĐƯA VỀ TỪ MIỀN BẮC
Sĩ quan chế độ cũ sinh 1935 tại Quảng Nam – Mất 1965 ở Hà Tĩnh (31 tuổi).
Từng là một “người hùng” của VNCH khi cùng bạn chiến đấu Nguyễn Văn Cử lái máy bay thả bom dinh Độc Lập ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1962 nhưng bất thành sau đó bay qua tị nạn Campuchia, đến thời tướng Dương Văn Minh đảo chính thành công năm 1963 mới trở về thăng hàm trung tá chỉ huy trưởng sân bay Biên Hòa.
Năm 1965 trong đội chiến đấu cơ VNCH đầu tiên ra đánh bom miền Bắc (do thiếu tướng Tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu) và bị bắn rơi tử trận tại địa phận Hà Tĩnh. Lập tức Phạm Duy đã sáng tác cấp kỳ ca khúc “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” phổ biến một thời ở miền Nam.
Từ năm 1990 gia đình trong Nam đã ra Bắc tìm mộ hoặc hài cốt song không có kết quả do thời gian đã lâu và có nhiều thay đổi về địa điểm, hơn nữa lại là mộ không ai thăm viếng. Đến năm 1997 mới có vài thông tin, qua năm 1998 nhờ cả nhà ngoại cảm và một đại tá không quân miền Bắc góp sức cuối cùng mới tìm được mộ đã dời về một nghĩa trang huyện ở Hà Tĩnh.
Lúc đó mới hay thời đó vẫn được dân địa phương làm mộ đàng hoàng có cả bia đề “Mộ ông Phạm Phú Quốc” vì biết là người từng chống chế độ Diệm.
Hài cốt đã được bà chị 83 tuổi đưa về quê Hội An xây mộ nằm trong nghĩa trang dòng họ Phạm Phú nổi tiếng Quảng Nam.

476 - Phạm Quang Toàn
ĐƯA CON VÀO RỪNG CAI NGHIỆN
Thường dân sinh khoảng 1948 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2005).
Nguyên là bộ đội thương binh trên chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1968 rồi sau đó là Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Sau 1975 còn tiếp tục chiến đấu ở Campuchia rồi mới xuất ngũ về quê làm nghề buôn bán.
Cuộc sống đang tương đối ổn định thì sinh ra chuyện đau đầu là con trai dính ma túy, bèn quyết định bán xe máy lấy tiền một mình dắt con lên Đắc Lắc đưa vào rừng lao động để cai nghiện. Vận dụng kinh nghiệm của nửa đời làm lính vuợt đường Trường Sơn trước kia để chữa bệnh nghiện cho con: Thuê đất làm rẫy gần biên giới Campuchia, sốâng chung với người dân tộc Ê Đê, hai cha con cùng dựng nhà tranh, cuốc đất khai hoang quần quật “như thật”!
Kết quả con dứt được nghiện hút, còn lấy vợ sinh con ngay tại đây nữa.
Sau 2 năm cuộc cai nghiện thành công tốt đẹp mới dắt díu con trai con dâu và cháu về quê trở lại cuộc sống bình thường.

477 - Phạm Thị Bạch Mai
2 NĂM UỐNG THUỐC NGỦ VÌ… NUÔI GÀ!
Doanh nhân Việt kiều sinh tại Tiền Giang. Sống ở Tiền Giang (2006).
Cùng chồng là Việt kiều ở Mỹ sau 24 năm làm lụng nuôi 7 con thành tài đến năm 2000 lại quay trở về quê hương Mỹ Tho đầu tư lập trại nuôi gà với uớc mong “làm một cái gì đó cho quê mình”.
Nhưng không may gặp đại dịch cúm gia cầm trong 2 năm 2004 – 2005 bị 3 trận dịch làm phá sản mất 15 tỉ đồng kèm nợ 1 tỉ. Phải tự mình mang gà và trứng ra chợ ngồi bán lẻ kiếm được đồng nào hay đồng đó. Mấy lần phải bán đất bán nhà ở Mỹ trả nợ cũng không đủ phải cầu cúu con cái bên đó chạy vạy cầm cố nhà cửa để gửi tiền về giúp cha mẹ.
Vốn liếng hết sạch, cơ sở điêu tàn, nợ đòi bên lưng, quá lo lắng tới mức phải uống thuốc ngủ liên tục trong 2 năm trời mới qua được giấc đêm. Vậy mà không chịu làm chuyện mua rẻ bán đắt kiếm lời cao vì “Dân mình còn nghèo lắm, làm sao có tiền mua nổi con gà mà ăn nếu tôi bán giá cao?”.
Từ đó vẫn chưa chịu bỏ cuộc nuôi gà trang trại, tiếp tục “Cứ thử một lần nữa xem sao”!

478 - Phạm Thái Sen
VỢ BỎ VÌ CON BỊ CĐDC
Thường dân sinh 1937 tại Quảng Bình. Sống ở Hà Nội (2007).
Đi bộ đội năm 1956 vào Nam chiến đấu.
Năm 1988 lập gia đình với một nữ cựu chiến binh sinh được một con trai. Nhưng con dính CĐDC đến năm 19 tuổi vẫn không nói không cười, không có cả cảm giác đói no, mỗi khi thời tiết thay đổi lại nổi cơn đau đầu dữ dội khiến cứ đập đầu mãi vào tường. Bà vợ không còn chịu đựng nổi thảm cảnh đau lòng đó nên ly dị bỏ đi.
Nay chỉ còn lại một mình đã 70 tuổi phải lụm khụm nuôi con trong tình cảnh bản thân cũng mang đủ thứ bệnh (thoái hóa cột sống, đau dạ dày triền miên…). Với câu hỏi nhói lòng: Đến lượt mình mất đi thì ai sẽ chăm sóc cho con đang sống đời vô tri giác như thế?

479 - Phạm Thành Công
NGƯỜI CANH GIỮ SƠN MỸ
Công chức sinh 1957 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2010).
Là một trong 25 người còn sống sót - nay chỉ còn lại 15 người - lúc mới 11 tuổi trong vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968 (504 nạn nhân chết tại chỗ với 60 cụ già, 182 phụ nữ, 173 trẻ em…) trong đó có mẹ, chị, 2 em gái và 1 em trai của mình.
Được bà con, xóm giềng chung sức nuôi nấng sống lây lất qua ngày. Lớn lên không còn con đường nào khác ngoài vào du kích đánh Mỹ.
Sau 75 được cho đi học rồi tình nguyện trở về quê hương ngay địa điểm xảy ra cuộc thảm sát ngày xưa làm giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Tại đây vừa chăm lo nhang đèn đền thờ, mộ chí vừa phải thường xuyên tiếp đón nhiều khách quý chính là các… “cựïu thù” cũ mà bây giờ “Chúng tôi đã trở thành như bạn bè rồi”!

480 - Phạm Thế Minh
THẦY GIÁO BỊ TỪ CHỐI
Giáo viên khuyết tật sinh 1975 tại Hải Phòng. Sống ở Hải Phòng (2009).
Bố mẹ đều từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị nên sinh ra đã bị dị tật đôi chân mềm oặt đứng không vững.
Dù vậy rất ham học nên đã được bố mẹ thay phiên nhau cõng đi học đến tốt nghiệp cấp 3. Có ước mơ trở thành thầy giáo nhưng do tật nguyền nên nộp đơn vào các trường sư phạm đều bị từ chối thẳng thừng.
Không tuyệt vọng, về nhà cùng lúc tự học luôn 2 nghề – một là nghề sửa chữa máy móc điện tử để kiếm tiền tự lo cho bản thân và một là tự mày mò học tiếng Anh để quyết tâm thực hiện cho kỳ được giấc mơ đi dạy học.
Đến năm 1996 một trung tâm dạy nghề huyện chấp nhận tuyển vào dạy Anh văn. Tưởng đã yên thân không ngờ chỉ 5 tháng sau trường… giải thể vì không ai quan tâm đầøu tư phát triển.
Nhưng cũng may nhờ khả năng dạy tốt nên học trò cũ đề nghị thầy tiếp tục dạy riêng ở nhà. Thế là lớp học tại gia ra đời dù phải ngồi học trong…lều cỏ lợp mái tranh ngoài trời song không em nào bỏ học. Trong hơn 10 năm đã giúp học trò tốt nghiệp đến bằng C, cả luyện thi đại học nữa.
Năm 2008 còn phát triển thành một trung tâm ngoại ngữ – tin học dạy miễn phí cho các nạn nhân đồng cảnh ngộ di chứng CĐDC, học xong còn nhờ vận động xin việc làm cho các em.
Năm 2009 được chọn là một trong 3 nhân chứng đi Pháp dự phiên toàn quốc tế lên án Mỹ rải CĐDC trong chiến tranh VN: “Bản thân tôi và nhiều người khác là nạn nhân gián tiếp của cuộc chiến tranh vừa qua nên chúng tôi phải lên tiếng đòi công lý…”
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét